Giá dầu vẫn tăng, lên trên 65 USD/thùng Brent
Giá dầu tăng sau khi Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo nhu cầu sẽ tăng trong năm nay. Dầu Tây Texas Mỹ (WTI) tăng 23 US cent (0,4%) lên 61,19 USD/thùng, trong khi dầu Brent tăng 23 US cent lên 65,12 USD/thùng.
Thời gian qua nhu cầu dầu tăng trên toàn cầu, cùng với việc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) hạn chế nguồn cung đã giữ giá mặt hàng này duy trì ở trên 60 USD/thùng.
Tuy nhiên, IEA nhận định nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng trong năm nay, nhưng nguồn cung còn đang tăng nhanh hơn, khiến dự trữ sẽ tăng trong quý 1/2018. Sản lượng dầu thô Mỹ đã vượt Saudi Arabia – nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, dự kiến sẽ trên 11 triệu thùng/ngày trong năm nay. IEA tin rằng nguồn cung dầu của các nước ngoài OPEC, dẫn đầu là Mỹ, sẽ tăng 1,8 triệu thùng/ngày trong năm 2018, trong khi nhu cầu chỉ tăng khoảng 1,5 triệu thùng/ngày.
Giá dầu và chứng khoán đang có xu hướng biến động cùng chiều, bởi về cơ bản dầu rất nhạy cảm với triển vọng tăng trưởng. Trong khi đó, chứng khoán Mỹ tăng điểm - chủ yếu bởi các cổ phiếu blue-chip ngành tài chính và năng lượng – đang tăng liên tiếp 99 ngày qua, kỳ dài nhất trong hơn 2 năm, do đó hậu thuẫn tích cực cho giá dầu.
Vàng giảm trở lại
Giá vàng giảm do USD mạnh lên mặc dù căng thẳng giữa Anh và Nga ngăn giá giảm mạnh.
Vàng giao ngay giảm 0,5% xuống 1.317 USD/ounce, phiên trước đó giá lập kỷ lục cao nhất 1 tuần; vàng giao tháng 4 giảm 7,8 USD (0,6%) xuống 1.317,80 USD/ounce.
Chỉ số đồng đô la (dollar index) so với rổ các tiền tệ chủ chốt khác tăng trong bối cảnh các nhà kinh doanh nóng lòng chờ đợi cuộc họp sẽ diễn ra vào tuần tới của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Mỹ công bố số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tuần qua giảm, có thể là yếu tố để Fed nâng số lần tăng lãi suất trong năm nay. Giá vàng thường rất nhạy cảm với chính sách của Fed.
Căng thẳng địa chính trị leo thang đang hậu thuẫn cho giá vàng. Mối quan hệ căng thẳng giữa Anh – Nga sau khi Thủ tướng Anh nói Nga đã sử dụng trái phép vũ lực để chống lại họ và London sẽ trục xuất 23 nhà ngoại giao để trả đũa, và Moscow cũng đáp lại bằng thông báo sẽ trả đũa Anh về việc này.
Nhôm thấp nhất 3 tháng
Giá nhôm xuống mức thấp kỷ lục 3 tháng do dự trữ tăng trong bối cảnh Mỹ áp thuế nhập khẩu mặt hàng này và nguồn cung từ Trung Quốc dự báo sẽ tăng sau khi kết thúc những kiểm soát về ô nhiễm trong giai đoạn mùa đông.
Giá trên sàn LME kết thúc phiên giảm 0,2% xuống 2,.085 USD/tấn, trong phiên có lúc giá chỉ 2.070,50 USD/tấn, thấp nhất kể từ 19/12.
Nếu không xuất khẩu sang Mỹ được nữa, các nhà xuất khẩu nhôm sẽ buộc phải tìm cách bán sang các thị trường khác, điều này có nguy cơ gây ra một cuộc chiến tranh thương mại, "điều này có thể kéo giảm tốc độ tăng trưởng trên toàn cầu", giám đốc nghiên cứu hàng hóa của Julius Baer, ông Norbert Ruecker cho biết.
Giai đoạn kiểm soát chặt chẽ ô nhiễm không khí tại 28 thành phố miền Bắc Trung Quốc vừa kết thúc vào ngày 15/3. Mức giảm sản lượng nhôm trên thực tế không nhiều như dự kiến, nhưng đã gây áp lực giảm giá. Sản lượng nhôm Trung Quốc trong 2 tháng đầu năm 2018 giảm 1,8% so với cùng kỳ năm trước.
Dự trữ nhôm trên sàn LME (London) đã tăng 16.275 tấn, tăng 24% kể từ đầu tháng 2. Trong khi đó, khoảng 4,4 triệu tấn công suất mới dự kiến sẽ đi vào sản xuất trong năm nay.
Cao su cao nhất 10 ngày Giá cao su kỳ hạn tháng 8 trên sàn TOCOM tăng 0,5 JPY lên 195,2 JPY (1,84 USD)/kg vào cuối phiên giao dịch. Trong phiên, có lúc giá đạt 195,8 JPY, mức cao nhất kể từ 5/3. Cao su TOCOM tiếp tục theo xu hướng giá trên sàn Thượng Hải, nơi hợp đồng giao tháng 5 tăng 30 NDT lên 12.810 NDT (2.027 USD)/tấn. Tuy nhiên, đà tăng bị hạn chế bởi JPY tăng lên mức cao nhất 1 tuần so với USD, trong bối cảnh USD giảm bởi lo ngại chiến tranh thư3ong mại toàn cầu.
Từ cuối tháng 1 tới nay, cao su TOCOM luôn giao dịch dưới mức 200 JPY do dự trữ tăng ở cả Nhật Bản, Trung Quốc và các thị trường khác.
Đường thấp nhất 2 năm
Đường trắng giảm 4,9 USD (1,4%) xuống 349 USD/tấn, trong phiên có lúc chạm mức chỉ 348,20 USD/tấn, thấp nhất kể từ tháng 9/2015; đường thô cũng giảm 0,02 US cent (0,2%) xuống 12,47 US cent/lb.
Giá chịu áp lực bởi lượng bán ra mạnh từ các nhà đầu cơ và lo ngại nguồn cung dư thừa nhiều trên toàn cầu, chủ yếu do sản lượng tăng tại Thái Lan và Ấn Độ. Dự báo Ấn Độ sẽ xoá bỏ thuế 20% đánh vào mặt hàng đường xuất khẩu, và yêu cầu các nhà máy xuất khẩu 2-4 triệu tấn đường dư thừa ra thị trường quốc tế để đẩy giá trong nước tăng lên.
Giá gạo tăng ở Thái Lan, vững ở Ấn Độ và giảm ở Việt Nam
Giá gạo tăng tại Thái Lan nhưng giảm ở Việt Nam và vững ở Ấn Độ trong tuần vừa qua. Đối với loại 5% tấm, giá gạo Thái Lan tăng lên 432-435 USD/tấn, FOB Bangkok, từ mức 408-410 USD/tấn một tuần trước đây bởi Trung Quốc và Indonesia mua vào trong bối cảnh baht mạnh lên; gạo Ấn Độ vững ở mức 422 – 426 USD/tấn trong bối cảnh nguồn cung hạn hẹp, khách hàng châu Phi vẫn mua khá tích cực, nhưng nhu cầu từ châu Á thì yếu; tại Việt Nam giảm xuống 410-415 USD/tấn, từ mức 418-425 USD/tấn một tuần trước đây, khi vào giai đoạn thu hoạch cao điểm lúa Đông Xuân.
Việt Nam đang thu hoạch cao điểm lúa Đông Xuân, trong khi Ấn Độ sẽ có lúa mới vào tháng tới. Về phía mình, Thái Lan có kế hoạch bán 2 triệu tấn gạo dự trữ còn lại trong tháng 4 hoặc tháng 5.
Giá một số mặt hàng (cập nhật 7h30 sáng 16/3 giờ VN)