Dầu tăng mạnh
Giá dầu tăng trong phiên cuối tuần do chứng khoán tăng điểm và các nhà đầu tư mua mạnh bởi cho rằng căng thẳng địa chính trị gia tăng sẽ hậu thuẫn giá trong những ngày tới.
Dầu Brent tăng 1,09 USD (1,7%) lên 66,21 USD/thùng, trong phiên có lúc giá đạt 66,42 USD, cao nhất hơn 2 tuần; dầu Tây Texas Mỹ (WTI) tăng 1,15 USD (1,9%) lên 62,34 USD/thùng, trong phiên có lúc loại này cũng chạm 62,54 USD – cao nhất kể từ ngày 7/3.
Tính chung cả tuần, giá Brent tăng 1%, còn WTI tăng 0,4%, là tuần thứ 2 liên tiếp tăng.
Các nhà khoan dầu Mỹ đã tăng số giếng khoan lên tổng cộng 800 giếng, theo thông tin từ công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes. Như vậy trong 8 tuần qua, có 7 tuần số giếng khoan tăng.
Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) mới đây dự báo nhu cầu dầu thế giới sẽ tăng trong năm nay, lên 99,3 triệu thùng/ngày từ mức 97,8 triệu thùng/ngày năm 2017, nhưng cho biết nguồn cung sẽ tăng với tốc độ nhanh hơn, với cung từ các nước ngoài OPEC dự kiến tăng 1,8 triệu thùng/ngày lên 59,9 triệu thùng/ngày, dẫn đầu là Mỹ.
Khí gas giảm
Giá khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) tại châu Á tuần này giảm do nhu cầu yếu đi ở khu vực Bắc Á bởi dự báo nhiệt độ sẽ tăng lên và Nhật Bản khởi động lại các nhà máy điện nguyên tử làm hạn chế nhu cầu khí gas dùng trong phát điện.
Khí gas giao tháng 5 giảm xuống mức khoảng 7,7 USD/mmBtu, thấp nhất kể từ 22/9/2017. Công ty năng lượng Nhật Bản Tohoku Electric Power Co Inc đã mua một chuyến kỳ hạn giao tháng 5 với giá 7,75 – 7,85 USD/mmBtu, rẻ hơn mức 8,3-8,4 USD họ trả cho hợp đồng kỳ hạn giao tháng 4, cho thấy khả năng nguồn cung sẽ dư thừa trong thời gian tới. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm ngoái, giá khí gas châu Á giao ngay hiện vẫn cao hơn do nguồn cung sụt giảm từ Papua New Guinea sau trận động đất lớn hồi cuối tháng 2.
Về các yếu tố cơ bản, nhu cầu LNG của Hàn Quốcc có thể sẽ tăng lên khi nước này có xu hướng đóng cửa dần các nhà máy phát điện từ sử dụng nhiên liệu than đúng lúc các nhà máy điện nguyên tử nghỉ bảo dưỡng. Còn tại Ấn Độ, nhu cầu cũng tăng. Tuy nhiên tại Trung Quốc nhu cầu trong lĩnh vực công nghiệp giảm sút, cộng với nguồn cung mới sẽ gia tăng có thể tiếp tục gây áp lực giảm giá.
Vàng bạc đều mất giá
Giá vàng giảm trong phiên cuối tuần và tính chung cả tuần cũng giảm tuần thứ 3 liên tiếp do đồng USD mạnh lên và đồn đoán Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) lần hợp tới sẽ quyết định nâng lãi suất lần đầu tiên trong năm nay.
Giá vàng giao ngay giảm 0,3% xuống 1.312,36 USD/ounce, tính chung cả tuần giảm 0,8%; vàng giao tháng 4 giảm 5,5 USD (0,4%) xuống 1.312,30 USD/ounce. Tuy nhiên, đà giảm được kiềm chế bởi biến động chính trị ở Mỹ thúc đẩy nhu cầu tìm đến những tài sản an toàn.
Trong những năm gần đây, giá vàng luôn giảm trước cuộc họp của Fed và tăng trở lại sau đó. Hiện một yếu tố đang hỗ trợ tích cực cho giá kim loại quý này là sự thiếu chắc chắn ở chính trường Mỹ và lo ngại thuế nhôm và thép mà nước này áp dụng có thể gây bất ổn trên toàn cầu. Một số chuyên gia cho rằng những điều này sẽ giữ cho giá vàng ở trên mức 1.300 USD.
Đối với các kim loại quý khác, giá bạc giảm 0,5% trong ngày và 1,9% trong tuần xuống 16,29 USD/ounce, bạch kim giảm 0,5% trong ngày và 1,6% trong tuần xuống 949,1 USD/ounce; còn palađi tăng 0,7% trong ngày và không thay đổi trong tuần kết thúc ở 993,1 USD/ounce.
Thép giảm
Hợp đồng thép kỳ hạn giao sau trên sàn Thượng Hải giảm do các nhà sản xuất Trung Quốc tăng sản lượng khi kết thúc giai đoạn kiểm soát sản xuất để làm trong sạch bầu không khí. Thép cây giao tháng 5 giảm 0,5% xuống 3.731 NDT (590 USD)/tấn.
Trung Quốc đã cắt giảm một nửa sản lượng thép trong mùa đông tại 28 thành phố ở miền Bắc – thủ phủ sản xuất thép cho tới thời điểm 15/3/2018. Số liệu của Hải quan nước này cho thấy xuất khẩu thép cuộn của họ trong 2 tháng đầu năm nay giảm 27,1% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống 9,5 triệu tấn, trong khi nhập khẩu tăng 1,6% lên 2,22 triệu tấn.
Các nhà phân tích cho rằng, mặc dù xuất khẩu thép từ Trung Quốc chỉ chiếm một phần trong nhập khẩu thép vào Mỹ, song bất cứ phản ứng trả đũa nào từ phía Trung Quốc hay các nước khác cũng sẽ đều gây tổn thất tới kinh tế toàn cầu.
Cao su mất đà tăng
Giá cao su trên sàn TOCOM giảm 1,7% do đồng yen mạnh lên và giá tại Thượng Hải giảm bởi lo ngại tồn trữ mặt hàng này đang gia tăng. Hợp đồng giao tháng 8 giảm 3,4 JPY xuống 191,8 JPY (1,82 USD)/kg. Trong khi đó tại Thượng Hải, hợp đồng giao tháng 5 giảm 200 NDT xuống 12.580 NDT (1.989 USD)/tấn. Tuy nhiên, do mấy phiên giữa tuần tăng nên tính chung cả tuần giá tại Tokyo vẫn tăng 1,1%; giá tại các nước sản xuất chủ chốt là Thái Lan, Malaysia và Indonesia tuần qua cũng đồng loạt tăng nhẹ.
Dự trữ cao su tại Thượng Hải tăng 0,1% trong vòng một tuần qua, còn tại Nhật Bản hiện đang ở mức cao nhất hơn 3 năm.
Chè có 6 tuần giảm giá liên tiếp
Giá chè tại Bangladesh trong phiên đấu giá tuần này tăng, kết thúc chuỗi 6 tuần liên tiếp giảm khi khách hàng tăng cường mua vào. Hiện giá đạt trung bình 196,54 taka (2,80 USD)/kg, so với mức 184,12 taka của phiên tuần trước.
Từ nước xuất khẩu chè lớn thứ 5 thế giới trong thập kỷ 90, Bangladesh hiện trở thành nhà nhập khẩu ròng mặt hàng này, với tiêu thụ nội địa không ngừng tăng lên.
Nguồn cung chè thế giới tiếp tục được cải thiện. Sản lượng của Sri Lanka năm 2017 tăng lần đầu tiên sau 4 năm giảm trước đó với mức tăng 5%, và tiếp tục tăng 11,9% trong tháng 1/2018 so với cùng kỳ năm trước; sản lượng của Malawi cũng tăng 6%; trong khi của Bangladesh năm 2016 tăng mạnh 27%.
Đường trắng thấp nhất hai năm rưỡi
Giá đường tiếp tục giảm do lo ngại nguồn cung tiếp tục dư thừa nhiều, với đường trắng giao tháng 5 lúc đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần giảm 70 US cent (0,2%) xuống 348,30 USD/tấn, trong phiên có lúc chạm 346,20 USD/tấn - thấp nhất hai năm rưỡi, còn đường thô cũng giảm 0,09 US cent (0,7%) xuống 12,65 US cent/lb. Tính chung cả tuần giá đường trắng giảm 2,5%, còn đường thô giảm,1,5%.
Sản lượng cả mía và đường Thái Lan dự báo sẽ đều tăng. Theo Uỷ ban Mía đường nước này, Thái Lan dự kiến xuất khẩu kỷ lục 12-13 triệu tấn đường, trên sản lượng 120 triệu tấn mía của niên vụ 2017/18. Con số này cao hơn mức 107-110 triệu tấn mía và 11-12 triệu tấn đường dự báo hồi tháng 1.
Trong khi đó Ấn Độ sẽ sớm ra các quy định buộc các nhà máy đường phải xuất khẩu vài triệu tấn đường dư thừa ra thị trường quốc tế để đẩy giá trong nước tăng lên (giá đường tại nước này hiện thấp nhất 8 tháng rưỡi). Dự báo Ấn Độ sẽ sản xuất kỷ lục 29,5 triệu tấn đường trong niên vụ 2017/18, tăng 45% so với năm trước đó. Nga cũng thông báo cần tăng cường xuất khẩu đường ra thị trường quốc tế vì dư thửa khoảng 780.000 tấn. Sản lượng đường của Nga đã tăng gấp đôi sau 10 vụ vừa qua.
Giá một số mặt hàng quan trọng chốt ngày 16/3