Giá dầu tăng lên mức cao nhất 1 tuần do khả năng các lệnh trừng phạt của Mỹ chống lại Iran, mặc dù xung đột thương mại giữa Washington và Bắc Kinh vẫn khiến các thương gia và nhà phân tích thận trọng.
Giá dầu kỳ hạn tiếp tục tăng sau khi phiên giao dịch kết thúc sau khi Viện Dầu mỏ Mỹ công bố dự trữ dầu thô của Mỹ giảm 5,2 triệu thùng trong tuần trước, nhiều hơn gấp 3 lần của các nhà dự báo, do nhập khẩu giảm và hoạt động lọc dầu tăng.
Dầu thô Brent kỳ hạn tháng 10/2018 tăng 42 US cent chốt phiên hôm qua 21/8 tại 72,63 USD/thùng, trước đó giá đã đạt 72,95 USD/thùng, mức cao nhất kể từ ngày 15/8.
Dầu WTI kỳ hạn tháng 10/2018 (hợp đồng được giao dịch nhiều nhất) tăng 42 US cent lên 65,84 USD/thùng. Hợp đồng kỳ hạn tháng 9/2018 hết hạn trong ngày 21/8/2018 và chốt phiên tăng 92 US cent lên 67,35 USD/thùng.
Cơ sở dầu Syncrude đã bắt đầu đẩy mạnh sản xuất, gây bất ngờ cho thị trường vì cơ sở đã sản xuất sớm hơn dự kiến.
Giá dầu tăng trong hai phiên qua sau nhiều tuần sụt giảm bởi khả năng nguồn cung dầu giảm từ Iran. Mỹ đang cố gằng dừng xuất khẩu dầu của Iran trong một nỗ lực buộc Tehran phải đàm phán thỏa thuận hạt nhân mới và để hạn chế ảnh hưởng của nước này tại Trung Đông. Tuy nhiên tác động tổng thể của các lệnh trừng phạt Iran chưa rõ ràng. Hầu hết các công ty năng lượng của châu Âu đã giảm mua dầu từ Iran, riêng Trung Quốc cho thấy họ tiếp tục nhập dầu.
Ngân hàng BNP Paribas dự kiến sản lượng dầu từ OPEC giảm từ trung bình 32,1 triệu thùng/ngày trong năm 2018 xuống 31,7 triệu thùng/ngày trong năm 2019.
Tuy nhiên, xuất khẩu dầu từ miền nam Iraq dự kiến đạt kỷ lục mới trong tháng này, dấu hiệu nhà sản xuất lớn thứ 2 của OPEC đang tiếp tục hành động theo thỏa thuận nâng sản lượng của tổ chức này.
Vàng đạt mức cao nhất một tuần
Giá vàng tăng lên mức cao nhất một tuần do đồng USD suy yếu sau khi Tổng thống Mỹ chỉ trích Cục dự trữ liên bang về việc nâng lãi suất.
Vàng giao ngay tăng 0,3% lên 1.194,612 USD/ounce, trong phiên có thời điểm giá đã chạm 1.196,27 USD/ounce, cao nhất kể từ ngày 14/8. Đây là phiên tăng thứ ba liên tiếp của kim loại quý này. Vàng Mỹ kỳ hạn tháng 12/2018 tăng 5,4 USD hay 0,5% lên 1.200 USD/ounce.
Trong cuộc phỏng vấn của hãng tin Reuters, Tổng thống Trump cho rằng Ngân hàng trung ương Mỹ nên thực hiện nhiều hơn các biện pháp để giúp thúc đẩy kinh tế. Hồi tháng 7/2018 ông đã lên án chính sách thắt chặt tiền tệ của Fed, đây là sự khác biệt của ông so với truyền thống các tổng thống Mỹ hiếm khi chỉ trích Fed.
Mặc dù bình luận của ông Trump trợ giúp cho giá vàng, tuy nhiên nhà phân tích Carten Menke của Julius Baet cho biết sẽ không có sự thay đổi cơ bản về triển vọng vàng thỏi hay chính sách tiền tệ tại Mỹ. Vàng rất nhạy cảm với việc tăng lãi suất của Mỹ do làm tăng chi phí giữ vàng trong khi làm tăng giá USD.
Ngân hàng trung ương Nga tiếp tục tăng lượng vàng dự trữ trong tháng 7/2018, tận dụng giá vàng thấp.
Các nhà đầu tư đang chờ đợi biên bản cuộc họp chính sách tháng 8/2018 của Fed phát hành vào ngày 22/8/2018 và Hội nghị thường niên các ngân hàng trung ương tổ chức tại Jackson, Wyoming cuối tuần này.
Đồng lên mức cao nhất một tuần do USD giảm
Giá đồng đã tăng lên mức cao nhất một tuần do các quỹ giảm bớt khả năng giá đi xuống cũng như do đồng USD thoái lui từ mức cao gần đây khi thị trường chờ đợi kết quả của các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung.
Giá đồng trên sàn giao dịch kim loại London chốt phiên tăng 0,9% lên 6.045 USD/tấn. Kim loại này đã tăng gần 5% kể từ khi xuống mức thấp nhất trong 14 tháng vào ngày 15/8/2018.
Đồng USD mất giá khiến các hàng hóa tính bằng USD rẻ hơn cho người giữ các đồng tiền khác, khả năng sẽ thúc đẩy nhu cầu.
Tổng thống Mỹ Donald Trump không mong đợi nhiều vào tiến triển của các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc trong tuần này tại Washington và ông cho biết không có khung thời gian để kết thúc xung đột thương mại.
Trung Quốc là nước tiêu thụ đồng lớn nhất thế giới, chiếm gần một nửa nhu cầu toàn cầu, ước tính 24 triệu tấn trong năm nay. Mỹ chiếm khoảng 8% nhu cầu toàn cầu.
Cơ quan điều hành ngân hàng và bảo hiểm của Trung Quốc đã yêu cầu các tổ chức tài chính hỗ trợ nhiều hơn cho đầu tư cơ sở hạ tầng, các nhà nhập khẩu và xuất khẩu, các công ty uy tín đang gặp phải khó khăn tạm thời. Các nhà phân tích cho biết động thái hỗ trợ tăng trưởng và đầu tư của Trung Quốc sẽ duy trì tăng trưởng nhu cầu đồng.
Thép Thượng Hải giảm
Giá thép cây giao sau tại Thượng Hải kết thúc phiên giảm, mặc dù lo lắng về khả năng nguồn cung hạn hẹp vẫn còn khi Trung Quốc gia tăng hạn chế sản xuất trên khắp đất nước.
Hợp đồng thép cây giao sau giảm 0,2% xuống 4.337 CNY (630,93 USD)/tấn. Trong phiên trước giá thép đã lên mức cao nhất 7 năm tại 4.413 CNY/tấn.
Lo ngại về những biện pháp chống ô nhiễm môi trường được tăng cường tại Đường Sơn, thành phố sản xuất thép hàng đầu thuộc tỉnh Hà Bắc và tại Giang Tô tỉnh sản xuất thép lớn thứ hai đã đẩy giá thép cây tăng gần 5%. Tuy nhiên các nhà máy thép và hiệp hội trong khu vực này cho biết họ không nhận được bất kỳ thông báo nào của chính phủ về việc hạn chế sản lượng.
Jiangsu Shagang Group, nhà máy thép tư nhân lớn nhất Trung Quốc đã nâng giá thép cây của họ thêm 150 CNY/tấn lên 4.570 CNY/tấn từ ngày 21/8 tới ngày 31/8. Tuy nhiên, sự điều chỉnh giá này thấp hơn dự kiến 200 CNY/tấn của thị trường, cho thấy gia tăng giá thép có thể bắt đầu chậm lại.
Thép cuộn cán nóng trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải đạt kỷ lục 4.369 CNY/tấn trong đầu phiên giao dịch, sau đó kết thúc phiên tăng 0,8% lên 4.282 CNY/tấn.
Theo Hiệp hội Quặng sắt và Thép Trung Quốc (CISA), sản lượng thép thô trung bình hàng ngày tại các công ty thép lớn từ ngày 1/8 tới 10/8 tăng 1,6% so với giai đoạn từ ngày 21/7 tới 31/7, lên 1,94 triệu tấn. Dự trữ thép tại các nhà máy cũng tăng 4,4% trong cùng giai đoạn này lên 11,94 triệu tấn.
Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2019 tại sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên giảm 2,1% xuống 494 CNY/tấn.
Cao su tăng mạnh
Giá cao su tại Trung Quốc tăng gần 7% trong phiên qua do các nhà đầu tư đặt cược vào nguồn cung hạn hẹp hơn sau các báo cáo lũ lụt tại khu vực trồng cao su Kerala, miền nam Ấn Độ.
Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 1/2018 tại Thượng Hải tăng 825 CNY (120,92 USD) kết thúc phiên tại 12.650 CNY/tấn.
Giá cao su trên sàn Thượng Hải dao động quanh 10.000 CNY/tấn trong tháng 6 và tháng 7/2018, trước khi tăng vọt vào đầu tháng 8 do hợp đồng được giao dịch nhiều nhất chuyển từ tháng 9/2018 sang tháng 1/2019.
Hợp đồng cao su tương lai tại Tokyo tiếp tục tăng trong phiên qua theo cùng với xu hướng thị trường tại Thượng Hải. Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 1/2019 trên sàn giao dịch hàng hóa Tokyo chốt phiên tăng 2,9 JPY (0,0262 USD) lên 172,8 JPY/kg.
Ấn Độ, nước sản xuất cao su lớn thứ 6 và tiêu thụ cao su thứ hai thế giới, dự kiến sản lượng giảm mạnh do lũ lụt gây thiệt hại ở Kerala, nơi sản xuất cao su hàng đầu của quốc gia này.
Đường tăng giá
Đường trắng giao tháng 10/2018 kết thúc phiên vừa qua tăng 2,2 USD hay 0,7% lên 305,90 USD/tấn sau khi giảm xuống 300,5 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ tháng 9/2008.
Đường thô kỳ hạn tháng 10/2018 tăng 0,08 USD cent hay 0,8% lên 10,17 US cent/lb.
Thị trường đường điều chỉnh tăng, sau khi giá giảm dưới 10 US cent/lb trong phiên liền kề trước đó khi chính phủ Brazil hạ dự báo sản lượng đường của họ.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 22/8