Giá dầu tăng 3% trong phiên vừa qua, dầu thô Brent giao sau đạt mức cao nhất 3 tuần, sau khi số liệu của chính phủ Mỹ cho thấy dự trữ dầu thô giảm nhiều hơn dự kiến và do các lệnh trừng phạt của Washington chống lại Iran đã báo hiệu việc thắt chặt nguồn cung.
Dầu thô Brent giao sau tăng 2,15 USD hay 3% kết thúc phiên 22/8 tại 74,78 USD/thùng, trong phiên giá dầu đã đạt 75 USD/thùng, mức cao nhất kể từ ngày 31/7/2018. Dầu thô WTI tăng 2,02 USD/thùng hay 3,1% lên 67,86 USD/thùng.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết dự trữ dầu thô của Mỹ giảm 5,8 triệu thùng trong tuần trước, vượt dự báo giảm 1,5 triệu thùng trong một thăm dò của Reuters.
Hoạt động lọc dầu giảm 89.000 thùng/ngày so với mức cao kỷ lục tuần trước đó xuống 17,9 triệu thùng/ngày, công suất lọc dầu không đổi so với tuần trước ở mức 98,1% tổng công suất, cao nhất kể từ năm 1999. Dự trữ xăng tại Mỹ tăng 1,2 triệu thùng, trong khi tồn trữ sản phẩm chưng cất tăng 1,8 triệu thùng.
Dầu cũng được hỗ trợ từ một đồng USD yếu hơn, đồng tiền này đã giảm trong tuần này sau bình luận của Tổng thống Trump. Ngoài ra triển vọng xuất khẩu dầu thô từ Iran giảm đi do những lệnh trừng phạt mới của Mỹ với nhà sản xuất dầu lớn thứ 3 của OPEC này cũng hỗ trợ giá. Các biện pháp trừng phạt của Mỹ đang có tác động mạnh tới niền kinh tế Iran và quan điểm của người dân.
Các công ty dầu của châu Âu đã bắt đầu cắt giảm mua dầu từ Iran, mặc dù các khách hàng Trung Quốc đang chuyển hàng của họ sang tàu sở hữu của Iran để tiếp tục nguồn cung cấp.
Căng thẳng tăng lên khi Iran cảnh báo họ sẽ tấn công các mục tiêu của Mỹ và Israel nếu bị Mỹ tấn công, sau khi cố vấn an ninh của của Trump cho biết Washington sẽ gây áp lực tối đa cho Tehran ngoài các lệnh trừng phạt kinh tế.
OPEC đã bắt đầu tăng nguồn cung dầu sau một thỏa thuận với Nga và các đồng minh hồi tháng 6/2018, mặc dù các nhà sản xuất cho đến nay vẫn thận trọng. Saudi Arabia đã cắt giảm sản lượng trong tháng 7/2018 thay vì nâng sản lượng như dự kiến.
Những dấu hiệu nguồn cung thắt chặt hơn trái ngược với những lo ngại về nhu cầu dầu chậm lại một phần do xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Vàng ổn định
Vàng ổn định trong phiên vừa qua do đồng USD mất giá sau khi biên bản cuộc họp chính sách tháng 8/2018 của Cục dự trữ liên bang Mỹ nhắc lại việc tăng lãi suất có thể diễn ra sớm, nhưng nguy cơ địa chính trị là hiển nhiên.
Biên bản cuộc họp chính sách của Fed cho thấy ngân hàng trung ương Mỹ đã bàn về việc sớm nâng lãi suất để chống lại tăng trưởng kinh tế quá mức, nhưng cũng xem xét xung đột thương mại toàn cầu có thể tác động tới doanh nghiệp và họ gia đình như thế nào. Fed đã nâng dần lãi suất kể từ năm 2015 và các nhà hoạch định chính sách hiện nay lo ngại nền kinh tế này quá mạnh để lạm phát có thể tăng lên trên mục tiêu 2%. Lãi suất tăng nâng chi phí nắm giữ vàng đồng thời khiến đồng USD tăng giá.
Vàng giao ngay ổn định tại 1.195,95 USD/ounce sau khi đã đạt 1.201,51 USD/ounce, mức cao nhất kể từ ngày 13/8/2018. Vàng kỳ hạn tháng 12/2018 của Mỹ chốt phiên tăng 3,3 USD hay 0,3% lên 1.203,3 USD/ounce.
Thị trường đang dõi theo cuộc đàm phán thương mại giữa quan chức Trung Quốc và Mỹ bắt đầu từ cuối ngày 22/ 8/2018 tại Washington. Trong khi đó hoạt động thanh lý tiếp tục diễn ra tại SPDR Gold Trust, quỹ giao dịch vàng lớn nhất thế giới. Lượng vàng nắm giữ của quỹ này giảm khoảng 3,4 triệu ounce so với mức đỉnh cuối tháng 4/2018.
Đồng giảm do hy vọng tiến triển trong xung đột thương mại mờ dần
Giá đồng giảm trong phiên qua do lo lắng về nhu cầu xuất hiện trước thềm các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung Quốc được xem là không có khả năng tiến triển.
Đồng trên sàn giao dịch kim loại London kết thúc phiên giảm 0,7% xuống 6.005 USD/tấn.
Nhà phân tích Caroline Bain thuộc Capital Economics cho biết, đầu tuần đã có sự lạc quan về một số lựa chọn hòa giải để ngăn chặn căng thẳng thuế quan, tuy nhiên điều đó có vẻ khó xảy ra.
Nhu cầu đồng tại Trung Quốc duy trì tốt hơn dự kiến trong nửa đầu năm nay nhưng đã xuất hiện những dấu hiệu suy giảm.
Giá trị các dự án đầu tư tài sản cố định Trung Quốc được phê duyệt tăng gần gấp 4 lần trong tháng 7/2018 so với tháng trước đó, do Bắc Kinh mong đợi tăng tốc chi tiêu cho cơ sở hạ tầng để ổn định nền kinh tế đang nguội lạnh.
Ngân hàng trung ương Trung Quốc cho biết sẽ không trông cậy vào các biện pháp kích thích mạnh để hỗ trợ nền kinh tế đang trên đà chậm lại, nhưng sẽ giữ thanh khoản dồi dào hợp lý và thêm trợ giúp cho các công ty gặp khó khăn về tài chính.
Thép Thượng Hải giảm từ mức cao nhất 7 năm
Giá thép cây tại Thượng Hải giảm sau khi lên mức cao nhất 7 năm trong phiên qua do các nhà đầu tư chốt lời, nhưng giá dự báo được hỗ trợ bởi việc hạn chế sản lượng của Trung Quốc khiến nguồn cung thắt chặt tại nhà sản xuất hàng đầu thế giới này.
Giá thép xây dựng đã tăng vọt hơn 26% trong năm nay và có thể tiếp tục tăng mạnh tiếp khi hoạt động xây dựng dự kiến phục hồi trước khi tình hình sản xuất bị hạn chế hơn nữa trong mùa đông.
Hợp đồng thép cây kỳ hạn tháng 1/2019 trên sàn giao dịch Thượng Hải tăng hơn 1% lên 4.418 CNY (643 USD)/tấn, mức cao nhất kể từ tháng 9/2011 trước khi kết thúc phiên giảm 0,8% xuống 4.334 CNY/tấn.
Các thành phố Trung Quốc liên tục thực hiện việc cắt giảm sản lượng (gồm nhà sản xuất thép hàng đầu Đường Sơn), các nhà máy ở miền Bắc sẽ phải cắt giảm công suất 30% đến 50% trong mùa đông, năm thứ hai liên tiếp các biện pháp này được thực thi. Đường Sơn sẽ thực hiện các biện pháp giảm ô nhiễm khẩn cấp từ ngày 22/8 tới 27/8/2018.
Cao su tăng phiên thứ ba liên tiếp
Giá cao su tại Tokyo tiếp tục tăng phiên thứ ba theo xu hướng thị trường Thượng Hải. Cao su kỳ hạn tại sàn giao dịch hàng hóa Tokyo, thiết lập cho giá cao su tại Đông Nam Á, đã tăng lên mức cao nhất hơn hai tháng vào đầu phiên giao dịch, sau khi giá ở Thượng Hải tăng.
Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 1/2019 tại Tokyo chốt phiên qua tăng 6 JPY lên 178,8 JPY/kg.
Giá cao su kỳ hạn tháng 1/2019 tại Thượng Hải tăng 400 CNY (58,19 USD) kết thúc phiên tại 12.580 CNY/tấn.
Đường không biến động nhiều
Đường thô kỳ hạn tháng 10 chốt phiên tăng 0,01 US cent hay 0,1% lên 10,18 US cent/lb sau khi giảm xuống 9,91 US cent/lb, mức thấp nhất đối với hợp đồng giao ngay kể từ tháng 6/2008.
Các đại lý cho biết giá vẫn bị áp lực giảm do nguyên nhân đến từ đồng real của Brazil và dự bao về nguồn cung toàn cầu dồi dào. Tuy nhiên, giá sụt giảm gần đây đã thúc đẩy nhu cầu của các nhà máy tinh luyện đang tìm cách tận dụng giá giao ngay thấp, điều đó giúp giá phục hồi.
Trong dự báo chính thức đầu tiên đối với niên vụ này, Tổ chức Đường Quốc tế cho biết thị trường đường thế giới đã dư thừa 6,75 triệu tấn trong niên vụ 2018/19.
Giá đường trắng kỳ hạn tháng 10/2018 giảm 10 US cent hay 0,03% xuống 305,8 USD/tấn.
Ngô, đậu tương, lúa mỳ đều giảm
Giá ngô giao sau tại Mỹ giảm 2% trong phiên qua và đậu tương giảm mạnh, áp lực bởi triển vọng sản lượng cao tại vành đai cây trồng Midwest. Lúa mỳ tại Chicago giảm xuống mức thấp nhất 4 tuần.
Giá ngô kỳ hạn tháng 12/2018 tại sàn giao dịch Chicago chốt phiên giảm 7-1/2 cent xuống 3,66-3/4 USD/giạ sau khi giảm xuống 3,66-1/2 USD/giạ, mức thấp nhất kể từ ngày 13/8/2018. Đậu tương kỳ hạn tháng 11/2018 đóng cửa giảm 15-3/4 US cent xuống 8,70-1/4 USD/giạ.
Ngô giảm mạnh nhất tính theo dạng phần trăm do các thương nhân tập trung vào thời tiết thuận lợi và xu hướng giảm giá được thấy từ tập đoàn Pro Farmer Midwest.
Đậu tương giao sau chịu thêm áp lực từ những nghi ngờ rằng các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, nước mua đậu thương lớn nhất thế giới, sẽ không có nhiều tiến triển.
Lúa mì kỳ hạn tháng 12/2018 tại Chicago giảm 2-1/2 cent xuống 5,45-1/4 USD/giạ.
Giá lúa mì tại Chicago giảm trong phiên qua do lo ngại dịu đi về việc Nga có thể tìm cách hạn chế xuất khẩu ngũ cốc.
Nga, nước xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới có thể sẽ giảm xuất khẩu trong niên vụ này sau một vụ thu hoạch có sản lượng thấp hơn. Giá lúa mì tăng trong tuần trước do lo ngại Nga có thể tìm cách hạn chế xuất khẩu mặc dù Bộ trưởng Nông nghiệp nước này cho biết không có lý do nào để thực hiện điều đó.
Công ty tư vấn Agritel cho biết xuất khẩu lúa mì của Nga có thể giảm xuống 31,5 triệu tấn trong niên vụ 2018/19 từ mức kỷ lục 42 triệu tấn trong niên vụ trước.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 23/8