Dầu tiếp tục tăng
Giá dầu thô tiếp tục tăng trong phiên giao dịch ngày 26/04 do lo ngại Mỹ sẽ áp lệnh trừng phạt trở lại đối với Iran, sản lượng dầu của Venezuela sụt giảm, và nhu cầu tiêu thụ dầu ngày càng cao, chứng khoán tăng giá.
Sản lượng dầu thô của Venezuela đã giảm từ mức 2,5 triệu thùng/ngày vào đầu năm 2016 xuống còn 1,5 triệu thùng/ngày hiện nay do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, chính trị.
Giá dầu thô Brent kỳ hạn tăng 74 cent, đóng cửa ở mức 74,74 USD/thùng, trong khi dầu thô Mỹ WTI tăng 14 cent lên 68,19 USD/thùng.
Tỷ giá USD so với giỏ tiền tệ đã lên mức cao nhất kể từ giữa tháng 1, đã khiến cho các hàng hóa như dầu trở nên đắt đỏ khi mua bằng đồng tiền tệ này.
Một cố vấn hàng đầu cho nhà lãnh đạo tối cao của Iran cho biết Tehran sẽ không chấp nhận bất kỳ thay đổi nào đối với thỏa thuận hạt nhân năm 2015, trong khi phương Tây chuẩn bị một loạt sáng kiến mới với hy vọng thuyết phục Tổng thống Mỹ Donald Trump gắn bó với hiệp ước này. Điều này xảy ra một ngày sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết ông dự kiến Trump sẽ rút khỏi thỏa thuận. Giá dầu Brent đã tăng khoảng 6% trong tháng này do lo ngại Mỹ có thể sẽ làm như vậy.
Theo Reuters, nhập khẩu dầu thô bằng đường biển của các nước tiêu thụ dầu chính châu Á sẽ đạt kỷ lục trong tháng này. Vào cuối tháng Tư, Trung Quốc sẽ tiêu thụ hơn 9 triệu thùng dầu thô - mức tiêu thụ nhiều chưa từng có và chiếm gần 10% mức tiêu thụ toàn cầu.
Thị trường chứng khoán, với cả ba chỉ số chính đều tăng, cũng đang hỗ trợ dầu, theo Walter Zimmerman, giám đốc phân tích kỹ thuật tại United-ICAP.
Theo EIA, tồn kho dầu thô của Mỹ tăng 2,2 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 20/4, đạt mức gần 430 triệu thùng, cao hơn khoảng 10 triệu thùng so với mức trung bình 5 năm. Sản lượng dầu thô của Mỹ tăng thêm 46.000 thùng/ngày, đạt mức 10,59 triệu thùng/ngày. Từ giữa năm 2016 đến nay, sản lượng dầu của Mỹ đã tăng khoảng 25%.
Vàng dao động quanh mức thấp nhất 5 tuần
Giá vàng kỳ hạn trên Sàn giao dịch New York đã tiếp tục giảm trong ngày 26/04, phiên giảm thứ hai liên tiếp khi USD mạnh hơn và chứng khoán tăng. Giá vàng hợp đồng kỳ hạn tháng 6 đã giảm 4,90 USD, tương đương 0,37%, xuống mức 1317,90 USD/ounce vào cuối phiên giao dịch.Chỉ số đô la Mỹ, thước đo của USD so với một rổ tiền tệ lớn khác, tăng 0,23% đạt 91,47 vào lúc 17:18 GMT.
Vàng và USD thường di chuyển ngược nhau. Khi USD tăng lên, sẽ hạn chế nhu cầu mua vàng tính bằng USD, đặc biệt là đối với các nhà đầu tư sử dụng các đồng tiền khác.
Những lo ngại về nợ chính phủ Mỹ đang gia tăng và áp lực lạm phát từ giá dầu tăng trong tuần này đã đẩy lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ lên trên 3%, lần đầu tiên sau bốn năm. Điều này đã làm giảm sự hấp dẫn của vàng, đồng thời đẩy USD lên mức cao nhất kể từ tháng 1/2018, khiến vàng thỏi trở nên đắt hơn đối với các chủ sở hữu của các loại tiền tệ khác. Tuy nhiên, hoạt động mua giao ngay và những hỗ trợ mang tính kỹ thuật đã giúp ngăn chặn đà giảm mạnh của giá vàng.
Các nhà phân tích dự kiến giá vàng sẽ đạt trung bình 1.334 USD/ounce trong năm nay và 1.352 USD/ounce vào năm tới, tương tự như mức giá hiện nay.Dự kiến giá bạc sẽ đạt trung bình 17,28 USD/ounce trong năm nay và 18 USD/ounce vào năm tới.Giá bạch kim pladium và palladium dự kiến sẽ cao hơn trong năm nay và năm tới.
Giá thép chạm gần mức cao nhất 7 tuần
Giá thép kỳ hạn tại Trung Quốc giao dịch gần mức cao nhất 7 tuần trong ngày 26/04 do dự trữ giảm, nhu cầu xây dựng của nước tiêu thụ thép hàng đầu thế giới tăng cao.Dự trữ thanh cốt thép xây dựng của các thương gia Trung Quốc đã giảm 21% khỏi mức cao nhất 5 năm đạt được vào giữa tháng 3/2018, xuống còn 7,69 triệu tấn vào ngày 20/4, theo số liệu của công ty tư vấn SteelHome.
Giá thép cây kỳ hạn giao tháng 10 trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải đạt 3.613 NDT (571 USD)/tấn, cao nhất kể từ ngày 8/3, trước khi giảm 0,3% còn 3.557 NDT lúc 0232 GMT.
Tình trạng căng thẳng thương mại leo thang giữa Mỹ -Trung cũng có thể khiến Bắc Kinh phải hành động để ngăn chặn bất kỳ tác động nào đối với nền kinh tế trong nước.
Trong khi đó, giá quặng sắt lại giảm. Giá quặng sắt giao tháng 9 trên sàn giao dịch Đại Liên giảm 1% xuống còn 466 NDT/tấn, phiên giảm thứ hai liên tiếp, sau đợt tăng 5 ngày đẩy nguyên liệu lên đỉnh cao nhất trong một tháng vào thứ Hai đầu tuần. Giá quặng sắt giao tại cảng Qingdao của Trung Quốc giảm 1,3% xuống còn 66,38 USD/ tấn, mức thấp nhất kể từ ngày 18/4, theo Metal Bulletin.
Dự trữ quặng sắt tại các cảng của Trung Quốc ở mức 159,78 triệu tấn vào ngày 20/4, thấp hơn mức cao kỷ lục 161,68 triệu tấn hồi cuối tháng 3, theo số liệu của SteelHome.
Ca cao rời khỏi mức cao nhất 1 năm rưỡi
Giá cao cao kỳ hạn tại New York chốt phiên giao dịch đã rời khỏi mức cao nhất hơn 1 năm rưỡi qua do hoạt động chốt lời. Giá cacao tháng 7 tại New York chốt phiên giảm 34 USD, tương đương 1,2%, xuống còn 2.802 USD/tấn sau khi tăng lên mức 2.943 USD, mức cao nhất kể từ tháng 9/2016.
Giữa ngày, giá đã bị đẩy lên do hoạt động đầu cơ, dấu hiệu vụ thu hoạch kém hơn tại Tây Phi và nhu cầu đang mạnh.Tuy nhiên, mức tăng giá bị hạn chế bởi nguồn hàng dồi dào tại Bờ biển Nga và Ghana. Bờ biển Ngà đã xuất khẩu 1.078.859 tấn cacao thô hạt vào cuối tháng 3/2018, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá cacao giao tháng 7 tại Luân Đôn tăng 13 pound, tương đương 0,7%, ở mức 1.875 pound / tấn.
Cao su giảm nhẹ tại châu Á
Giá cao su kỳ hạn tại Tokyo giảm nhẹ do cung vượt cầu ở châu Á và giá cao su kỳ hạn yếu hơn tại Thượng Hải. Dự trữ cao su thô tại các cảng Nhật Bản ở mức 16.357 tấn tính đến ngày 10/4, theo Hiệp hội thương mại cao su Nhật Bản.
Giá cao su kỳ hạn tháng 10 tại sở giao dịch Tokyo chốt phiên giao dịch giảm 1,1 yên, xuống còn 187,1 yên/kg.
Giá hợp đồng cao su giao tháng 9 tại sở giao dịch Thượng Hải giảm 180 NDT xuống còn 11.420 NDT/tấn.
Giá hợp đồng cao su giao tháng 5 trên sàn SICOM của Singapore chốt phiên ở mức 137,7 cent Mỹ/kg, giảm 2,1 cent.
Giá cao su SMR 20 làm lốp xe tại Malaysia đóng cửa giảm 1 sen xuống 538 sen/kg, nhưng giá mủ cao su tăng 5,5 sen lên 451 sen/kg.
Giá một số mặt hàng chủ chốt lúc 7h sáng ngày 27/4