Giá vàng tăng vọt lên mức cao nhất trong vòng 1,5 năm, palladium lập đỉnh cao nhất mọi thời đại khi thị trường chứng kiến sức hút mạnh mẽ của các tài sản an toàn, trong khi nickel tăng hơn 20% - mức tăng trong một ngày nhiều chưa từng có - bởi lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung liên quan đến các lệnh trừng phạt Nga và cuộc giao tranh ở Ukraine vẫn còn tiếp diễn. Không dừng lại ở đó, giá dầu mỏ và lúa mì tăng lên mức cao nhất 14 năm, khiến thị trường hàng hóa toàn cầu vốn đang chao đảo càng thêm rung lắc.
Nhà phân tích cấp cao Jeffrey Halley của OANDA, Jeffrey Halley, viết trong một báo cáo: "The saying goes that the best cure for high prices is high prices" (tạm dịch: Có câu nói rằng cách chữa tốt nhất cho giá cao là để cho giá cao.)
"Thật không may, trong một môi trường lạm phát đình trệ, điều đó không đúng. Tôi nghi ngờ các dự báo tăng trưởng cho năm 2022 trên toàn thế giới sẽ cần phải được điều chỉnh mạnh xuống thấp hơn, và sẽ rất thú vị khi xem các ngân hàng trung ương trên thế giới sẽ làm gì", ông Halley nói.
Lạm phát đình trệ ở đây là đề cập đến các quốc gia đang trải qua đồng thời lạm phát gia tăng và sản lượng kinh tế bị đình trệ.
Thị trường hàng hóa toàn cầu tăng giá mạnh mẽ.
Giá vàng giao ngay sáng 7/3 tăng vọt lên 2.000,69 USD/ounce, cao nhất kể từ 19/8/2020, trước khi nhẹ nhẹ về 1.986,69 USD/ounce, vàng kỳ hạn tháng 4 cũng đạt 2.000,20 USD.
Lượng vàng nắm giữ bởi Quỹ giao dịch trao đổi được hỗ trợ bằng vàng lớn nhất thế giới, SPDR Gold Trust, tăng 0,4% lên 1.054,3 tấn vào thứ Sáu (4/3) - mức cao nhất kể từ giữa tháng 3 năm 2021.
Palladium tiếp tục tăng lên mức cao kỷ lục mới trong lịch sử, khi đạt 3.172,22 USD lúc mở cửa, trước khi hạ nhẹ về 3.172,19 USD/ounce. Nga chiếm 40% sản lượng palladium toàn cầu - kim loại được các nhà sản xuất ô tô sử dụng trong các bộ chuyển đổi xúc tác để hạn chế phát thải.
Giá bạc cũng tăng lên mức cao mới, 26,09 USD/ounce, trong khi bạch kim tăng lên 1.147,19 USD/ounce.
Giá vàng vượt 2.000 USD.
Kim loại công nghiệp cũng tăng tiếp tục tăng giá mạnh, dẫn đầu là giá nickel tăng mạnh hơn 22% do các chuỗi cung ứng toàn cầu cố gắng xác định thị trường sẽ ra sao trong trường hợp có thể không có nguồn cung từ Nga, nhà sản xuất nickel lớn thứ ba thế giới.
Giá nickel kỳ hạn giao sau 3 tháng trên sàn London mở cửa phiên 7/3 đạt 35.500 USD/tấn, sau đó hạ nhẹ nhưng vẫn tăng 22,1% so với đóng cửa phiên liền trước, lên 35,305 USD/tấn.
Giá nickel kỳ hạn tháng 4 trên Sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải sáng nay cũng tăng 12% lên mức cao kỷ lục 210.950 nhân dân tệ (33.391,37 USD)/tấn.
Kunal Sawhney, giám đốc điều hành tại công ty nghiên cứu Kalkine, cho biết: "Nguồn cung đã khan hiếm, và nếu một nhà cung cấp lớn bị đưa ra khỏi thị trường, điều đó sẽ có tác động không chỉ trong ngắn hạn mà cả trung hạn".
Hiện tại, nguồn cung giao ngay đang chịu áp lực rất lớn. Do đó, chênh lệch giá hợp đồng giao ngay với 3 tháng tăng vọt lên 690 USD/tấn, mức cao nhất kể từ năm 2007, cho thấy nguồn cung gần hạn cực kỳ khan hiếm.
Giá nhôm kỳ hạn 3 tháng trên sàn Thượng Hải cũng tăng vọt lên mức cao kỷ lục 4.000 USD/tấn. Nga sản xuất khoảng 6% lượng nhôm của thế giới, 7% lượng nickel và 3,5% nguồn cung cấp đồng trên toàn cầu.
Giá quặng sắt kỳ hạn ở Trung Quốc cũng tăng lên mức cao nhất trong sáu tháng sau khi dự báo tăng trưởng kinh tế chậm lại làm gia tăng kỳ vọng về các gói kích thích kinh tế nhằm vào cơ sở hạ tầng ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Giá dầu tăng hơn khoảng 10% ngay những phút giao dịch đầu tiên của tuần mới, với dầu Brent vọt lên 139,13 USD/thùng, trong khi dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) đạt 130,5 USD/thùng, cao nhất kể từ tháng 7/2008. Sau đó, giá hạ nhiệt nhẹ nhưng vẫn quanh mức 130 USD, với dầu Brent xuống 128,99 USD/thùng (vẫn cao hơn 10,88 USD, hay 9,2% so với phiên trước), trong khi WTI tăng 9,8 USD (8,5%) lên 125,48 USD.
Giá các nhiên liệu khác cũng đồng loạt vượt kỷ lục cao nhất kể từ 2008, với xăng ở Mỹ đạt 3,890 USD/gallon, trong khi dầu sưởi ở Mỹ đạt 4,237 USD/gallon.
Giá dầu Brent.
Mỹ và các đồng minh Châu Âu cân nhắc cấm xuất khẩu dầu thô từ Nga, giữa bối cảnh khả năng dầu thô Iran sẽ chưa sớm có mặt trên thị trường, làm dấy lên lo ngại về nguồn cung.
"Một cuộc tranh giành các thùng dầu để lấp đầy khoảng trống 3-4 triệu thùng dầu xuất khẩu từ Nga chắc chắn sẽ đẩy thị trường dầu mỏ tăng chóng mặt trong tuần này", nhà phân tích Helima Croft của RBC Capital cho biết. Theo bà: "Saudi Arabia, UAE, Kuwait và Iraq chỉ có thể bổ sung thêm 2,0-2,5 triệu thùng/ngày trong khoảng 30 – 60 ngày tới. Ngoài ra, còn phải xem có bao nhiêu quốc gia sẽ tham gia lệnh cấm vận dầu mỏ chính thức của Nga".
Giá dầu toàn cầu đã tăng vọt hơn 60% kể từ đầu năm 2022, cùng với các mặt hàng khác, làm dấy lên lo ngại về tăng trưởng kinh tế thế giới và lạm phát đình trệ. Trung Quốc, nền kinh tế số 2 thế giới, đang đặt mục tiêu tăng trưởng chậm lại còn 5,5% trong năm nay.
Giá lúa mì Mỹ giao dịch trên sàn Chicago sáng 7/3 cũng tăng vọt hơn 7% lên mức cao nhất mới trong vòng 14 năm, khi các nhà giao dịch tiếp tục đánh giá tác động đối với nguồn cung khi xuất khẩu từ Nga - nhà xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới bị giới hạn, và sản lượng cũng như xuất khẩu từ Ukraine bị giảm sút.
Lúa mì Mỹ sáng nay tăng vọt lên 12,94 USD/bushel, cao nhất kể từ tháng 3/2008 – khi khủng hoảng lương thực trên toàn cầu.
Với việc các cảng của Ukraine bị đóng cửa và các nhà khai thác không muốn giao dịch lúa mì Nga khi đối mặt với các lệnh trừng phạt tài chính của phương Tây, người mua đang cố gắng tìm các nhà nguồn cung cấp khác để thay thế. Nga và Ukraine chiếm khoảng 29% xuất khẩu lúa mì toàn cầu, 19% xuất khẩu ngô và 80% xuất khẩu dầu hướng dương.
Tham khảo: Reuters