Thông tin được đưa ra tại chương trình GLTT: Hàng không Việt Nam vượt thử thách, đón tương lai, chiều 18/5.
Đánh giá thiệt hại của hàng không Việt Nam do bệnh dịch, ông Đinh Việt Thắng cho biết ngành hàng không được xem là một trong những ngành chịu tác động lớn từ dịch bệnh. Có thời điểm hầu như tất cả đội bay không thể cất cánh, có nhiều thời điểm các hãng hàng không không có chuyến bay nào.
"Hoạt động hàng không gián đoạn, tình hình hết sức nghiêm trọng. Dòng tiền bị gián đoạn, hầu như không có doanh thu trong thời gian đầu xảy ra dịch bệnh", ông nói.
Trong khi đó, mọi chi phí cố định vẫn phải chi trả với lượng khổng lồ. Doanh nghiệp bị mất cân đối, thiệt hại về doanh thu lên tới nhiều tỷ USD.
Thiệt hại về lợi nhuận thì đang bắt đầu được doanh nghiệp tính toán, đơn cử như Vietnam Airlines con số thiệt hại lên đến hàng nghìn tỷ đồng. "Thực sự Covid-19 đặt ra hoàn cảnh hết sức khó khăn đối với ngành hàng không", ông nhấn mạnh.
Khi được hỏi về sức khoẻ của các hãng bay nội địa, ông Thắng cho biết: Nhìn bức tranh chung thế giới có thể thấy, dịch Covid-19 đã đẩy nhiều hãng hàng không đến bước đường cùng, thậm chí có hãng có trăm năm tuổi bị phá sản. Có thể đơn cử một số hãng như Virgin Australia, Avianca Holdings, hay mới đây là hãng hàng không quốc gia Thái Lan - Thai Airways đang được xem xét phá sản.
Theo ông Thắng, đây là thời gian đặc biệt khó khăn với các doanh nghiệp hàng không thế giới cũng như Việt Nam.
Tuy nhiên, tại Việt Nam, ngay khi có lệnh nới lỏng giãn cách xã hội, trong một thời gian ngắn, các hãng đã khôi phục nhanh chóng. "5 hãng hàng không nội địa đều triển khai rầm rộ dịch vụ của mình", ông nói và nhấn mạnh: "Điều này cho thấy các hãng đã vượt qua khó khăn ban đầu của đại dịch".
Tuy nhiên, ông lưu ý chính đây cũng là giai đoạn khó khăn nhất các hãng phải đối mặt. Nguyên nhân trong đại dịch, các hãng đàm phán được giãn nợ với các chủ nợ, nhưng bây giờ đây là giai đoạn có doanh thu thì bắt đầu đòi nợ. Nhiều doanh nghiệp mất cân đối doanh thu diễn ra trầm trọng, có thể dẫn tới phá sản.
"Do vậy, chúng ta phải thực hiện đồng bộ nhiều nhiều giải pháp. Vừa hỗ trợ kinh doanh vừa hỗ trợ các hãng có nguồn kinh phí để vượt qua giai đoạn hết sức khó khăn này", ông nhấn mạnh.
Ông Thắng cũng bày tỏ sự lạc quan khi cho rằng thị trường hàng không nội địa Việt Nam sẽ phục hồi theo hình chữ V. Với thị trường quốc tế, ông cho rằng sẽ đi theo hình chữ U, đi ngang trong thời gian tương đối dài. "Việc khôi phục hoàn toàn có thể vào cuối năm 2021", ông nói.
Trong khi đó, ngành hàng không thế giới đưa ra 2 mô hình là W (trung hạn đi xuống dài hạn) và hình chữ V. Tại thời điểm dịch SARS diễn ra, thị trường hàng không thế giới dự báo sẽ phục hồi theo hình chữ V.