Thị trường lao động 2023: Linh hoạt thích ứng

08/01/2023 11:01
Năm vừa qua, các doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất, đơn hàng bị cắt giảm, người lao động bị mất việc làm hoặc giảm việc làm, để lại hệ lụy rất lớn. Vì vậy, tìm lời giải bài toán cho thị trường lao động năm 2023 là vấn đề cấp thiết đặt ra. Các ngành chức năng hiện đang đề xuất nhiều giải pháp nhằm ổn định thị trường lao động để phục hồi nhanh kinh tế - xã hội, bảo đảm cuộc sống cho người lao động trong năm 2023. Trong đó ưu tiên hiện nay là duy trì một thị trường lao động linh hoạt để đảm bảo sự bền vững.
Thị trường lao động 2023: Linh hoạt thích ứng - Ảnh 1.

Ưu tiên hiện nay là duy trì một thị trường lao động linh hoạt, bền vững. Ảnh: Quang Vinh.

Nhiều yếu tố bất ngờ

Trong năm 2022, do những biến động về thị trường khiến hàng loạt doanh nghiệp phải thay đổi kế hoạch, thu hẹp quy mô sản xuất. Đại diện một doanh nghiệp dệt may tại Hải Dương cho biết, các nhà máy đã lập tức cho công nhân ngừng tăng ca, chỉ duy trì làm thêm ở bộ phận xuất nhập hàng. Số đơn hàng trong tháng 10 của doanh nghiệp này giảm 30% so với năm ngoái, chủ yếu là của Uniqlo (Nhật Bản), Nike, Adidas (Mỹ). Doanh nghiệp duy trì 17.000 lao động so với 21.000 người như trước và không có nhu cầu tuyển thêm.

Tương tự, ông Đinh Hồng Kỳ - Phó chủ tịch Hiệp hội Vật liệu xây dựng Việt Nam cho hay, tình trạng cắt giảm lao động của các doanh nghiệp trong ngành thậm chí căng thẳng hơn hồi dịch năm ngoái. Tháng 4/2021, các nhà máy giảm số lao động, giờ làm, nhưng chủ yếu vì các nguyên tắc phòng dịch, còn nhu cầu của thị trường vẫn ổn định. Nhưng sang năm 2022, đã có nhà máy phải cắt giảm 40% lao động.

Chị Nguyễn Thủy Anh, chuyên viên đối ngoại của một công ty xuất nhập khẩu hàng gia dụng điện máy tại Hà Nội cho biết vừa nhận được thông báo lương sẽ giảm 30%. Khoản tiền lương đóng bảo hiểm xã hội vì thế cũng giảm theo khi công ty đóng mức 80% thu nhập.

Có thể thấy, làn sóng mất việc làm, cắt giảm việc đang lan dần. Tại TPHCM đã có 26 doanh nghiệp ra thông báo cho gần 3.000 người lao động nghỉ việc trên tổng số 15.000 lao động (của 26 doanh nghiệp), chiếm gần 1/5 lao động. Một số doanh nghiệp phải giảm giờ làm. Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (có khoảng 50.000 lao động làm việc) sẽ có 20.000 lao động thuộc khối sự nghiệp phải nghỉ việc luân phiên trong 3 tháng (từ ngày 1/12/2022 đến ngày 28/2/2023; Công ty TNHH Việt Nam Samho hoạt động trong lĩnh vực giày da (Củ Chi) cắt giảm 1.400 lao động từ tháng 12/2022; Công ty TNHH Tỷ Hùng (quận Bình Tân) vừa thông báo chấm dứt hợp đồng lao động với 1.185 lao động.

Tại Đồng Nai, 5 tháng qua có khoảng 30.000 lao động bị chấm dứt hợp đồng. Công ty TNHH gỗ Lee Fu đã cắt giảm gần 60% lao động - tương đương cắt giảm hơn 1.000 người; công ty TNHH Timber đang tạm hoãn hợp đồng làm việc với 853 lao động trong số 3.466 lao động... Với tỉnh Bình Dương, từ đầu năm 2022 đến nay, số lao động bị tạm ngưng hợp đồng khoảng 28.000 người, khoảng 240.000 lao động bị giảm giờ làm. Riêng số lao động thất nghiệp được hưởng bảo hiểm thất nghiệp tính đến hết tháng 9/2022 là khoảng 70.000 người… Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đến hết tháng 12/2022, có khoảng 600.000 người lao động bị ảnh hưởng do các doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng.

Nhìn nhận thực trạng trên ông Đào Quang Vinh - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học, Lao động và Xã hội (Bộ LĐTBXH) phân tích: Theo dự báo thì phần lớn các doanh nghiệp đều rất lạc quan vào tình hình sản xuất kinh doanh của những tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023. Nhưng thời gian gần đây diễn biến của thị trường không như dự báo ban đầu, có rất nhiều yếu tố bất ngờ của thị trường thế giới. Hiện nay các nước vốn nhập nhiều hàng hóa từ Việt Nam đang giảm sút do thu nhập của người dân giảm, từ đó nhu cầu hàng hóa tại các doanh nghiệp Việt Nam cũng giảm đi.

Bà Trần Thị Lan Anh - Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng dự báo tình hình khó khăn sẽ còn kéo dài tới giữa năm 2023. Đồng thời nhìn nhận, không chỉ doanh nghiệp mà ngay cả cơ quan quản lý nhà nước, người lao động cũng cần phải linh động, linh hoạt trong việc tìm kiếm, sắp xếp việc làm để thích ứng với thị trường lao động liên tục đổi thay.

Các địa phương chủ động

Hiện các địa phương đã lên phương án hỗ trợ người lao động bị mất việc làm trở về. Sở LĐTBXH Hà Nội đã liên tục tổ chức các phiên giao dịch việc làm, rà soát nắm tình hình hoạt động của doanh nghiệp để có biện pháp kịp thời. Bước sang năm mới 2023, ngày 4/1, Sở LĐTBXH Hà Nội chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức Phiên Giao dịch việc làm chuyên đề việc làm bán thời gian với sự tham gia của 30 đơn vị, doanh nghiệp tham gia tuyển dụng khoảng 2.000 chỉ tiêu, trong đó hơn 500 chỉ tiêu tuyển dụng nhân viên làm việc partime. Các vị trí việc làm đa dạng ngành nghề bán thời gian như nhân viên bán hàng, giao nhận, thu ngân, tạp vụ, dọn vệ sinh… “Phiên giao dịch việc làm chuyên đề việc làm bán thời gian là cơ hội dành cho người lao động nói chung và học sinh, sinh viên trên địa bàn TP Hà Nội nói riêng sẽ được tư vấn miễn phí, cung cấp thông tin thị trường lao động về việc làm thêm, việc làm bán thời gian trước Tết Nguyên đán năm 2023 có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống góp phần đảm bảo an sinh xã hội” – Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Quang Thành cho hay.

Bên cạnh đó, ông Châu Văn Ly - Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh An Giang cho biết: Chúng tôi đã chỉ đạo trung tâm giới thiệu việc làm tiếp tục tổ chức thêm 12 điểm tư vấn giới thiệu việc làm cho người lao động tại các địa phương. Ngoài ra đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho người lao động tại doanh nghiệp nhằm bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động. Qua khảo sát các doanh nghiệp của tỉnh đang có nhu cầu tuyển dụng 7.000 lao động, còn khu vực ĐBSCL cần trên 22.000 lao động. Hiện nay An Giang đang đẩy nhanh giới thiệu việc làm cho người lao động vào các công ty, doanh nghiệp.

Nói về giải pháp đang làm để giúp người lao động, ông Từ Hoàng Ân - Phó Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Cà Mau cho hay, hiện có hơn 25.000 lao động đi làm việc ngoài tỉnh, tập trung tại các khu công nghiệp của các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, TPHCM. Sở LÐTBXH đề nghị các huyện và thành phố nắm chắc tình hình quy mô cắt giảm sản xuất ở các khu doanh nghiệp lớn để có giải pháp tham mưu cho UBND tỉnh giải quyết tình hình việc làm cho người lao động khi quay về địa phương, nhất là sau tết. Ðặc biệt, giao Trung tâm Dịch vụ việc làm kết nối giữa người lao động với doanh nghiệp. Trung tâm Dịch vụ việc làm đã có đường link kết nối với 740 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để người lao động tìm kiếm được việc làm mới.

Vực dậy thị trường lao động

Các chuyên gia lao động dự báo, trong thời gian tới, tình hình trong nước và thế giới tiếp tục có nhiều biến động. Tình hình sản xuất, kinh doanh còn gặp khó khăn, đơn hàng sẽ tiếp tục bị cắt giảm có thể hết quý I, thậm chí quý II/2023 dẫn đến nhiều người lao động bị thiếu, mất việc làm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập, đời sống.

Dù vậy, ông Lê Đình Quảng - Phó trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) có cái nhìn lạc quan khi cho rằng: Cuối năm 2023 tình hình sẽ khởi sắc. Vì thế thị trường lao động sớm có những chuyển biến tích cực. Theo đó, những ngành có tiềm năng, là ngành thế mạnh dẫn dắt nền kinh tế vẫn sẽ chiếm lợi thế và duy trì đà tăng trưởng tốt. Với ngành nghề liên quan vấn đề hội nhập như: Ngành sản xuất chế biến gỗ; da giày, may mặc... thì dù chịu tác động của khủng hoảng nhưng cũng sẽ sớm tạo sự phục hồi thậm chí bứt phá mạnh mẽ vào cuối năm 2023. “Tôi cho rằng ưu tiên hiện nay là duy trì một thị trường lao động linh hoạt, bền vững. Để các lao động mất việc, giãn việc có thể tìm kiếm việc làm ở khu vực việc làm không chính thức, sau đó, khi thị trường lao động khởi sắc, doanh nghiệp phục hồi thì lao động lại quay trở lại làm việc", ông Quảng quả quyết.

Mới đây, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đề xuất người lao động mất việc có thể nhận hỗ trợ một lần ở mức 3 triệu đồng/người, còn người bị tạm chấm dứt hợp đồng hưởng một lần 2 triệu đồng/người. Với đối tượng bị cắt giảm việc làm, có thu nhập thấp hơn mức lương tối thiểu vùng cũng sẽ được hỗ trợ.

Với vai trò quản lý, ông Vũ Trọng Bình - Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐTBXH) cho rằng, cần có những giải pháp khắc phục và trả lời những vấn đề đang đặt ra ở cả lĩnh vực lao động, việc làm và an sinh xã hội. Hiện, Bộ LĐTBXH đang phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ trình Chính phủ ban hành Nghị quyết về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế - xã hội.

Theo ông Bình, thời gian qua việc dự báo thông tin thị trường lao động đứt gãy nhiều lúc chưa tốt. Để nâng cao năng lực dự báo, nhiều bên đã đưa ra các sáng kiến, Hiệp hội doanh nghiệp đưa đề xuất lập các câu lạc bộ cung cầu lao động hoặc Hội Cung cầu lao động để cung cấp thông tin về thị trường lao động này giúp cơ quan quản lý Nhà nước điều phối, hỗ trợ tốt hơn.

Đại điện cho doanh nghiệp dệt may, ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam bày tỏ, cần có những giải pháp hiệu quả hơn để hỗ trợ doanh nghiệp thời điểm này. Ông Cẩm cho rằng dù đã có những giải pháp như: Ban hành gói hỗ trợ về an sinh và việc làm 48,5 nghìn tỷ cho người lao động; 110 nghìn tỷ hỗ trợ cho doanh nghiệp, trong đó có cấp bù lãi suất 2%, nhưng vẫn chưa làm được. "Chúng tôi kiến nghị Chính phủ nên tiếp tục duy trì gói VAT giảm thuế 2% cho doanh nghiệp. Những chính sách về BHXH, BHTN, phí công đoàn còn nhiều bất cập mà chúng tôi đã kiến nghị thì cũng đề nghị nghiên cứu để có thể giải quyết”, ông Cẩm nói.

Bên cạnh đó, ông Đào Quang Vinh nhấn mạnh, trong các chính sách về thị trường lao động, vấn đề quan trọng nhất là làm sao đảm bảo thị trường lao động linh hoạt hơn, giảm thiểu thời gian chờ việc, giảm thiểu thời gian người lao động thất nghiệp, kết nối nhanh cho người lao động tiếp cận việc làm.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương: Thực hiện đồng bộ các giải pháp

Để thị trường lao động ổn định, phải thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế, bảo đảm cuộc sống cho người lao động trong năm 2023. Theo đó, cần tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động; phát động các chương trình kích cầu nội địa, hỗ trợ xúc tiến thương mại, tìm kiếm khai thác thị trường mới, đơn hàng mới cho doanh nghiệp. Cùng với đó, cần đẩy mạnh thực hiện các giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của các ngành, lĩnh vực. Đồng thời, sắp xếp, tổ chức, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bảo đảm cung cấp đủ lao động có kỹ năng nghề đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; tiếp tục thực hiện chích sách hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại cho người lao động để duy trì việc làm.

Ngoài ra, các bộ, ngành tiếp tục hoàn thiện hệ thống quản trị thị trường lao động phù hợp, từng bước hiện đại, minh bạch có kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu khác làm cơ sở xây dựng và tổ chức triển khai kịp thời, hiệu quả kết nối cung cầu lao động, việc làm, an sinh xã hội.

Chuyên gia kinh tế, TS Lê Duy Bình - Giám đốc Economica Việt Nam: Phải giữ chắc lưới an sinh

Về cơ bản, Việt Nam đang phát triển lên cấp độ cao hơn trong chuỗi giá trị. Do đó, việc tái cấu trúc ngành, doanh nghiệp sẽ diễn ra thường xuyên. Hệ quả, người lao động dôi dư do doanh nghiệp phá sản phải dịch chuyển sang ngành khác hay rút lui khỏi thị trường sẽ tăng lên. Đây là hiện tượng vẫn diễn ra, năm nay nhanh mạnh hơn là do tác động của bên ngoài. Do đó phải chấp nhận thực trạng của thị trường để có những giải pháp căn cơ chứ không chỉ bằng những hỗ trợ khi thấy một nhóm lao động bị tác động.

Biện pháp căn cơ ở đây được hiểu là sự chuẩn bị, đào tạo và tái đào tạo nghề nghiệp cho người lao động; cung cấp đầy đủ thông tin, cơ hội tuyển dụng, chuyển dịch cho họ, đặc biệt với nhóm lao động trên 35 tuổi. Theo đó, Chính phủ, các địa phương có thể tính đến đẩy mạnh các chương trình cụ thể hỗ trợ đào tạo, kết nối, tư vấn cho người lao động... Nếu được đào tạo nghề tốt hơn, khi gặp cú sốc, ít nhất họ vẫn có cơ hội chuyển đổi công việc. Đào tạo không chỉ là tay nghề mà họ còn được chuẩn bị về kỹ năng mềm, khả năng thích ứng, tìm kiếm công việc. Bên cạnh đó, chính sách phải giữ chắc được lưới an sinh, vì đây là vùng đệm cho người lao động.

Tin mới

Trừng phạt của phương Tây "như muối bỏ bể", doanh thu từ dầu khí của Nga vẫn tăng đều, dầu Moscow "biến hình" không ngừng chảy vào châu Âu
6 giờ trước
Nga đã tận dụng 3 "lỗ hổng" khiến những lệnh trừng phạt của phương Tây trở nên thất bại.
[Trên Ghế 43] Ông chủ Phê Phượt bày cách phượt bằng ô tô: Đi gì, ăn gì, ở đâu, mấy ngày và làm gì?
7 giờ trước
Xuyên Việt hàng chục lần, anh Đoàn Kiều Dũng có thừa kinh nghiệm để chia sẻ cho những ai đang có ý định phượt bằng ô tô.
"Con làm cha phá" là đây: Nuôi ngan vịt ở Châu Phi không dám ăn, ông Quý vừa sang đã làm 1 việc Quang Linh Vlogs khóc ròng
7 giờ trước
Nam YouTuber ở Việt Nam nhìn thấy cảnh này mà “khóc thét”.
Giá xăng dầu hôm nay 22/11: Đột ngột bật tăng phiên cuối tuần
8 giờ trước
Giá xăng dầu hôm nay 22/11: Giá dầu thô thế giới đột ngột bật tăng trong phiên cuối tuần. Giá dầu WTI và Brent tăng từ 1,3 USD đến 1,4 USD/thùng so với ngày hôm qua 21/11.
GS thắng giải 3 triệu USD của tỷ phú Phạm Nhật Vượng “hiến kế” cho lĩnh vực Việt Nam đứng thứ 3 thế giới
8 giờ trước
Lĩnh vực này có thể mang về nhiều tỷ USD cho Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục

SUV điện cỡ lớn Hyundai Ioniq 9 chính thức ra mắt: Tầm di chuyển 620 km, đấu trực tiếp với VinFast VF 9
13 giờ trước
Mẫu xe này sẽ được bán tại Mỹ, Hàn Quốc từ đầu năm 2025 trong khi các thị trường khác phải đợi đến cuối năm.
Báu vật tâm linh: Thế giới chỉ 2 nước có, Việt Nam sở hữu cá thể 700 tuổi, thuộc hàng Tứ Thiết quý hiếm
14 giờ trước
Cá thể cổ thụ này được xếp hạng là Cây Di sản Việt Nam.
HIIVE by fusion: Ưu đãi mùa lễ hội dành cho doanh nghiệp tại Bình Dương
14 giờ trước
Doanh nghiệp phát triển, việc giữ chân nhân tài và xây dựng đội ngũ chuyên nghiệp, tận tâm ngày càng trở nên thách thức. Lựa chọn địa điểm tổ chức sự kiện hay nơi nghỉ dưỡng cho nhân viên không chỉ đơn thuần đáp ứng nhu cầu cơ bản mà còn là chiến lược khẳng định vị thế và nâng cao hiệu quả làm việc của đội ngũ nhân sự.
Ô tô điện giá quy đổi dưới 300 triệu ngang cỡ Suzuki Swift, đi xa nhất 430km/sạc
14 giờ trước
Một thương hiệu trong làng xe tải chuẩn bị giới thiệu mẫu ô tô con chạy điện mới tại Việt Nam.