Nhiều người LĐ chưa trở lại làm việc
Số liệu từ BHXH Việt Nam cho thấy, tới hết tháng 5 vừa qua, tổng số người tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp đạt trên 16,7 triệu người (bằng 33,8% lực lượng LĐ trong độ tuổi), tăng trên 507.000 người so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, số người tham gia BHXH bắt buộc đạt trên 15,4 triệu người, tham gia BHXH tự nguyện đạt gần 1,3 triệu người, tăng lần lượt trên 376 nghìn người và hơn 130 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, cả nước đã có trên 86,2 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ hơn 87% dân số.
Qua khảo sát của BHXH các địa phương, hiện các doanh nghiệp cần tuyển dụng gần 2 triệu LĐ. Trong đó các địa phương như TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương chiếm 1/4, nhưng số LĐ trở lại các địa phương này sau khi về quê tránh dịch COVID-19 vẫn rất ít, do người LĐ có sự so sánh công việc và thu nhập với nơi cư trú. Hiện nhiều địa phương sau khi người LĐ trở về đã có các chính sách để giữ chân người LĐ an tâm lập nghiệp tại quê nhà.
Về cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, vừa qua BHXH Việt Nam tiếp tục tích hợp một số thủ tục của ngành lên Cổng Dịch vụ Quốc gia và mở rộng cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 lên cổng này. Ngành BHXH cũng bổ sung, cung cấp dịch vụ, tiện ích, thủ tục trực tuyến lên ứng dụng VssID, tính tới tháng 2 vừa qua ứng dụng này đã có gần 25 triệu tài khoản sử dụng.
Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh đề nghị các đơn vị rà soát lại chỉ đạo của Chính phủ, lãnh đạo ngành để thực hiện nhiệm vụ và mục tiêu được giao, như lập tổ công tác thực hiện các nhiệm vụ cấp bách, rà soát kế hoạch năm nay. Ông Mạnh giao Ban Quản lý Thu - Sổ thẻ chủ trì, tham mưu để có giải pháp đôn đốc thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt trong mở rộng và phát triển thêm người tham gia BHXH, BHYT và giao nhiệm vụ cho địa phương.
Ban Thực hiện chính sách BHXH , BHYT được giao xây dựng dự báo trong thời gian tới và có giải pháp thực hiện, tháo gỡ khó khăn; giải quyết quyền lợi cho người LĐ mắc COVID-19. “Các gói hỗ trợ chính sách về an sinh được Chính phủ đánh giá tốt, nhất là gói hỗ trợ của ngành BHXH với thủ tục nhanh chóng, cải cách, chi trả kịp thời cho người LĐ bị ảnh hưởng dịch bệnh”, ông Mạnh nói.
Tăng kết nối, rà soát dữ liệu từ thuế
Về nhiệm vụ thời gian tới, người đứng đầu ngành BHXH yêu cầu các đơn vị tiếp tục bám sát chỉ đạo của Chính phủ và của ngành để nghiêm túc triển khai thực hiện; bám sát, tham gia tích cực vào việc sửa các luật như Luật Thanh tra, Luật Khám chữa bệnh... qua đó đánh giá tác động để đưa ra những đề xuất phù hợp. Ngành BHXH cũng xác định nhiệm vụ phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hoàn thiện các quy trình, như quy trình giám định, thanh toán BHYT...; phối hợp với địa phương trong phát triển BHXH, BHYT.
Đặc biệt ông Nguyễn Thế Mạnh giao các đơn vị toàn ngành giải quyết kịp thời chế độ cho người dân với tinh thần cải cách để phục vụ tốt nhất, vừa công khai, minh bạch...
Trong phát triển người tham gia BHXH, BHYT, thời gian tới, BHXH các địa phương sẽ tăng cường rà soát, nắm bắt tình hình hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn, lực lượng LĐ trở lại thị trường để tiếp tục tham gia; tích cực rà soát dữ liệu cơ quan thuế cung cấp để phát triển người tham gia; tăng cường các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành, chuyên ngành, đặc biệt với các đơn vị nợ đọng; chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xử lý đối với các đơn vị cố tình vi phạm quy định về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; triển khai các giải pháp phát triển BHYT học sinh, sinh viên...
Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng quản lý BHXH Việt Nam Nguyễn Văn Cường cho biết: Vừa qua Hội đồng đã họp thực hiện chính sách và phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Các thành viên Hội đồng đã nêu một số chính sách BHXH, BHYT chưa rõ cần kiến nghị sửa đổi; các thách thức để đạt mục tiêu bao phủ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp theo Nghị quyết số 28 đề ra vào năm 2025, đề xuất giải pháp...