Có nhiều dấu hiệu cho thấy căng thẳng thương mại đang gây áp lực lên thị trường việc làm của Trung Quốc - bất chấp những nỗ lực của Bắc Kinh đối phó với các tác động tiêu cực của cuộc chiến thuế quan đối với Mỹ.
Theo cơ quan hoạch định kinh tế hàng đầu của Trung Quốc, một số công ty nội địa đang cắt giảm nhu cầu tuyển dụng sinh viên mới tốt nghiệp đại học.
"Do tác động từ các căng thẳng thương mại leo thang giữa hai nền kinh tế Trung Quốc-Mỹ cùng những bất ổn khác, nhu cầu về tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp đại học ngày càng bị co hẹp ở các lĩnh vực công nghệ, tài chính và các ngành công nghiệp khác", theo một tuyên bố từ người phát ngôn của Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC).
"Một số công ty đã hoãn lịch tuyển dụng tại trường, trong đó một số công ty có thể đã giảm hoặc dừng việc tuyển dụng lại", theo bản công bố từ cơ quan chính phủ này.
Tuyên bố cũng cho biết, tình hình nhìn chung về nhân sự và việc làm năm 2019 là "tương đối ổn định" và số công việc có sẵn "là đủ".
Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã "mắc kẹt" trong một cuộc tranh chấp thương mại trong hơn một năm. Mỗi quốc gia đã áp dụng thuế quan đối với hàng hóa trị giá hàng tỷ USD nhập khẩu từ quốc gia kia.
Đối với Trung Quốc, thuế quan và sự không chắc chắn đang gây áp lực lên một nền kinh tế bắt đầu tăng trưởng chậm hơn, sau khi nhanh chóng mở rộng cách đây không lâu. Tại Đại hội Đại biểu Nhân dân thường niên của Trung Quốc hồi tháng 3, Thủ tướng Li Keqiang phát biểu, Trung Quốc phải chuẩn bị cho một "cuộc đấu tranh khó khăn". Ông đặt "việc làm" là ưu tiên của đất nước và nói rằng ít nhất 11 triệu việc làm ở thành thị sẽ được tạo ra trong năm nay.
"Có thể có lương thấp hơn hoặc khối lượng công việc ít hơn, nhưng chúng tôi cần đảm bảo rằng không có công nhân nào bị sa thải."
Trong bài phát biểu chính thức, Bắc Kinh đã có xu hướng nhấn mạnh tác động tiêu cực của căng thẳng thương mại đối với Mỹ.
Các nhà kinh tế từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế và các tổ chức khác ở Châu Âu hoặc Mỹ thấy các doanh nghiệp Mỹ đang chịu gánh nặng thuế quan cao hơn bây giờ.
Nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc từ Mỹ đã giảm 31,8% xuống còn 28,5 tỷ USD trong quý đầu tiên. Trong khi đó, nhập khẩu từ Trung Quốc của Mỹ giảm 13,9% xuống còn 106 tỷ USD trong quý đầu, theo Liang Ming, Giám đốc Viện Thương mại Quốc tế thuộc Bộ Thương mại.
Theo báo cáo, trong quý đầu năm 2019, hàng nhập khẩu của Trung Quốc từ Mỹ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ căng thẳng thương mại là đậu tương, dầu mỏ và máy bay, theo nghiên cứu của Liang. Trong cùng khoảng thời gian, hàng nhập khẩu hàng đầu của Mỹ từ Trung Quốc bị ảnh hưởng nhiều nhất là một số loại bảng mạch in, bộ định tuyến và modem.
Thị trường việc làm là "một lĩnh vực có thể chịu một số tác động lớn" khi các công ty cố gắng tránh thuế bằng cách chuyển một số lĩnh vực sản xuất ra khỏi Trung Quốc, Liang nói tại một sự kiện báo chí ngày 13 tháng Sáu.
″Đó là lý do tại sao chúng tôi đang yêu cầu chính quyền địa phương giải quyết và tìm hiểu thông tin chi tiết tại các nhà máy. Cách để đối phó với tình huống như vậy là giảm sản xuất, nhưng không sa thải nhân viên", Liang nói.
Tỷ lệ thất nghiệp chính thức của Trung Quốc vẫn ở mức thấp - ở mức 5% trong tháng 4 và tháng 5.
Theo Tân Hoa xã, tỷ lệ thất nghiệp đối với sinh viên ra trường năm ngoái đã cao hơn so với tỷ lệ có việc làm ở Trung Quốc. Năm nay, dự kiến số lượng sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học của Trung Quốc lên con số kỷ lục 8,34 triệu người. Năm ngoái, con số này là 8,2 triệu.
Hôm thứ Hai, NDRC đã đưa ra bốn phương án cố gắng giữ thị trường việc làm ổn định:
1. Thúc đẩy tinh thần kinh doanh
2. Tăng cường hỗ trợ lương hưu, mẫu giáo, quản lý hộ gia đình và các dịch vụ cộng đồng và gia đình khác;
3. Thực hiện tăng tốc kế hoạch cho các chương trình đào tạo kỹ năng nghề
4. Cải thiện tình hình giám sát hệ thống việc làm để đáp ứng nhanh hơn với những thay đổi
Bộ Giáo dục Trung Quốc cũng cho biết vào cuối tháng 11, sinh viên tốt nghiệp khóa 2019 sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn trong việc tìm kiếm việc làm hoặc khởi nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh gia tăng những yếu tố không chắc chắn và không ổn định.