Thời gian qua, quan sát diễn biến thị trường lúa gạo trong nước có thể thấy giá lúa gạo tăng, giảm không đúng theo quy luật thị trường. Chính sự lên xuống bất thường này khiến các thương nhân kinh doanh gạo tại TP.HCM cho rằng có lợi ích nhóm.
Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Intimex Group đã có những chia sẻ với BizLIVE về vấn đề này.
Diễn biến thị trường lúa gạo trong nước được cho là “có dấu hiệu lợi ích nhóm”. Vậy ông nhận định như thế nào về vấn đề này?
Khi giá lúa gạo xuống thấp các doanh nghiệp tranh thủ mua vào sẽ giải được bài toán không làm cho giá lúa gạo trên thị trường sụp đổ, và người nông dân cũng ít bị thiệt hại. Ngược lại, nếu doanh nghiệp không mua vào và tiếp tục “đạp giá” xuống, nông dân sẽ rất khó khăn vì không biết bán lúa cho ai?
Tuy nhiên, nông dân bây giờ rất giỏi tính toán, khi giá thấp bà con sẽ giữ lúa lại, nông dân mà không bán lúa thì doanh nghiệp sẽ là người vỡ trận trước.
Thực ra, doanh nghiệp có nỗ lực mua vào đến đâu thì tồn kho cũng không quá vài trăm ngàn tấn, với khối lượng gạo lớn như thế cần nhiều đơn vị gom vào mới có được khoản tiền lớn để mua. Như vậy, nói có lợi ích nhóm là không chính xác, vì hiện nay doanh nghiệp không có khả năng đó.
Do các doanh nghiệp làm gạo có tỷ lệ lỗ rất cao nên ngân hàng rất hạn chế cho vay, dẫn đến việc doanh nghiệp nhỏ không có tài chính nên khi nào bán được họ mới mua vào, còn doanh nghiệp lớn có lợi thế từ nguồn vốn vay ngân hàng.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp núp bóng nước ngoài có tiềm lực kinh tế mạnh có thể mua vào, nhưng họ làm vậy là tốt chứ không ảnh hưởng gì đến thị trường lúa gạo nội địa và giúp giảm bớt rủi ro cho người nông dân.
Theo cơ chế thị trường doanh nghiệp có quyền mua vào hay bán ra khi có lợi, vì vậy không thể dựa vào đó mà nói có lợi ích nhóm, càng không thể hình thành lợi ích nhóm trong điều kiện kinh doanh lúa gạo rủi ro cao như hiện nay.
Như ông nói, các doanh nghiệp làm gạo có tỷ lệ lỗ rất cao, vậy kết quả kinh doanh của doanh nghiệp trong ngành 6 tháng đầu năm như nào?
Thời gian qua các doanh nghiệp làm gạo có tỷ lệ thua lỗ rất cao vì họ thường rơi vào cảnh “mua cao bán thấp”, và các ngân hàng rất hạn chế cho vay.
Thứ hai, là khi giá lúa xuống thấp các doanh nghiệp lớn đẩy mạnh mua vào, đủ khối lượng sẽ ngưng mua nên giá lại xuống, vì bản chất giá lúa gạo là không bao giờ lên mãi. Đó cũng là vấn đề mà ngành lương thực đang đối mặt.
Giá lúa tăng là do doanh nghiệp có hợp đồng nên tranh thủ mua vào đã tác động lên giá lúa, nhưng khi mua đủ hợp đồng doanh nghiệp ngừng mua giá xuống. Cũng có doanh nghiệp thấy nguồn cung đang khan hiếm và giá lúa thấp hơn hợp đồng đã ký nên mua vào, nhưng có doanh nghiệp lại ký bán thấp hơn giá thị trường hiện nay nên không mua và Intimex cũng đang trong tình trạng này.
Ông dự báo thị trường lúa gạo trong hai quý cuối năm sẽ như thế nào? Thị trường Trung Quốc có còn hấp dẫn các doanh nghiệp?
Thị trường đang khó khăn, vì cầu của thế giới đang thấp hơn cung, hiện đầu ra ở thị trường Trung Quốc đã bị siết lại, mua vào của Philippines cũng đã giảm, chỉ còn thị trường châu Phi. Từ nay đến cuối năm, để đảm bảo giá lúa tốt cho bà con, các doanh nghiệp cần phải tăng cường mở rộng thị trường.
Nếu người nông dân vẫn bán lúa trên 4.000 đồng/kg là ổn, vì bản chất ngành lúa gạo là an ninh lương thực, trên thế giới không nước nào muốn đẩy giá lên cao, vì lo ảnh hưởng đến người thu nhập thấp, nhất là ở những nước nghèo. Chúng ta cũng xác định tăng giá gạo sẽ gây bất lợi cho toàn cầu, bất ổn cho an ninh lương thực quốc gia.
Theo tôi thì hãy “quên” thị trường Trung Quốc đi, vì họ dựa vào công suất nhà máy của 21 doanh nghiệp đủ điều kiện xuất khẩu nên có hạn mức rồi, và tương lai lượng gạo xuất khẩu vào Trung Quốc sẽ rất hạn chế.
Trước đây, xuất khẩu vào Trung Quốc trên 3 triệu tấn gạo/năm, bây giờ khoảng 1 triệu tấn/năm. doanh nghiệp Trung Quốc lại giám sát rất chặt giá đầu vào và các tiêu chuẩn về kỹ thuật, chất lượng... mà giá bán lại không cao nên không còn hấp dẫn doanh nghiệp nữa.
Xin cảm ơn ông!