CVS, Vina Securities, SBS liên tiếp lộ thông tin đổi chủ
Dịch vụ di động trực tuyến (M_Service) công bố hoàn tất nhận chuyển nhượng 4,41 triệu cổ phiếu, tương đương 49% vốn điều lệ của Chứng khoán CV (CVS) vào ngày 9/6. M_Service là công ty hoạt động trong lĩnh vực thanh toán trên di động (mobile payment) dưới thương hiệu MoMo.
Trước đó, một công ty fintech khác là Finhay cũng tiết lộ thông tin đã thâu tóm thành công CTCP Chứng khoán Vina (Vina Securities). Thông tin này được ông Nghiêm Xuân Huy – nhà sáng lập Finhay – công bố trên trang Facebook cá nhân.
Tại kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên 2022, lãnh đạo Chứng khoán ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank – SBS, UPCoM: SBS ) tiết lộ cổ đông lớn Sacombank (HoSE: STB) đã thoái vốn và có một cổ đông lớn khác nắm quyền chi phối. Do vậy, công ty phải tiến hành đổi tên, chuyển trụ sở hoạt động cho phù hợp.
Nhìn lại hoạt động của 3 công ty chứng khoán trên thị không mấy khởi sắc, hay thậm chí còn có những vấn đề lớn để giải quyết. Như Chứng khoán CV, vốn điều lệ 90 tỷ đồng nhưng tính đến cuối quý I năm nay tổng tài sản chỉ còn hơn 9 tỷ đồng, lỗ lũy kế gần 91 tỷ đồng. Hoạt động kinh doanh không mấy khởi sắc, doanh thu khoảng 4 tỷ đồng mỗi năm, lợi nhuận trồi sụt. Như năm 2020 lỗ gần 6 tỷ, năm 2021 lãi 153 triệu đồng, đến quý I năm nay lỗ lại 1,6 tỷ đồng.
Tương tự, Vina Securities ghi nhận khoản lỗ lũy kế 263 tỷ đồng tính đến cuối năm 2021, gần vượt vốn đầu tư của chủ sở hữu 273,6 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu xuống 10,7 tỷ đồng, thấp hơn mức vốn điều lệ tối thiểu cho các nghiệp vụ kinh doanh theo quy định hiện hành là 35 tỷ đồng. Trong 2 năm Covid-19, ngược dòng ngành chứng khoán, công ty lỗ ròng lần lượt 69 tỷ (2020) và 29 tỷ đồng (2021).
Sacombank – SBS đang trong quá trình tái cấu trúc, lỗ lớn giai đoạn 2011 và 2012 khiến doanh nghiệp phải chật vật hơn 10 năm qua. Tính đến cuối năm trước, công ty vẫn còn lỗ lũy kế lớn 1.301 tỷ đồng, vượt qua vốn điều lệ 1.266 tỷ đồng.
Tuy nhiên, điểm hấp dẫn của các công ty chứng khoán trên, theo nhiều chuyên gia là giấy phép thành lập và hoạt động kinh doanh. Có thể thấy một điều, trong hành trình tái cấu trúc thị trường chứng khoán, việc cơ cấu lại tổ chức kinh doanh chứng khoán là một trong các mục tiêu quan trọng. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, quá trình này đã được đẩy mạnh với số lượng công ty chứng khoán còn 82 đơn vị tính đến hết 2021, giảm 18% so với năm 2015.
Thắp lên hy vọng mới
Với sự tham gia của chủ mới cùng nguồn lực mới, các công ty chứng khoán trên kỳ vọng có thể thoát khỏi khó khăn và vươn mình. Rơi vào tình trạng vốn chủ sở hữu thấp hơn vốn điều lệ tối thiểu cho các nghiệp vụ kinh doanh theo quy định, Vina Securities bị đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt. Song, trong quý I, doanh nghiệp đã được rót thêm để tăng vốn lên 358,6 tỷ đồng, nhờ đó vốn chủ sở hữu đạt 94 tỷ đồng, đảm bảo để có thể hoạt động bình thường trong năm nay. UBCK cũng đã đồng ý chấm dứt tình trạng đình chỉ hoạt động của công ty vào 2/6.
Sacombank – SBS cũng kỳ vọng bước sang trang mới trong năm nay với với phương án huy động vốn lớn 1.500 tỷ đồng. Ban lãnh đạo kỳ vọng việc được rót thêm vốn sẽ giúp doanh nghiệp đáp ứng được các yêu cầu về vốn để bổ sung nghiệp vụ như bảo lãnh phát hành chứng khoán, kinh doanh chứng khoán phái sinh, kinh doanh chứng khoán, thực hiện hoạt động dịch vụ bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh…
Ngoài ra, ông Dương Mạnh Hùng, Tổng giám đốc tiết lộ, sau khi tăng vốn, doanh nghiệp sẽ ký hợp đồng hợp tác chiến lược với một tập đoàn lớn, qua đó để tận dụng hệ sinh thái cho chiến lược phát triển mạnh mẽ thời gian tới.
Nhìn chung, thị trường M&A công ty chứng khoán chứng kiến nhiều thương vụ trong 2 năm qua. Trong năm 2020, Chứng khoán Đà Nẵng (DNSC) tiến hành đổi chủ và Công ty Đầu tư NTP đã trở thành công ty mẹ sở hữu 70% vốn điều lệ. Cuối tháng 11/2021, Tập đoàn KS Finance (liên quan đến Sunshine Group) công bố đã nhận chuyển nhượng 50,99% vốn điều lệ của Việt Nam Gateway. Hay vào đầu năm nay, Chứng khoán ASC chính thức đổi tên thành VPBank Securities sau khi VPBank ( HoSE: VPB ) công bố nhận chuyển nhượng 97,42% vốn.
Nhiều công ty chứng khoán sau khi đổi chủ đã có cuộc lột xác ấn tượng. Chứng khoán Tiên Phong ( HoSE: ORS ) sau 2 năm gia nhập hệ sinh thái TPBank (HoSE: TPB) đã được tăng quy mô vố từ 240 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng. Năm nay, doanh nghiệp có kế hoạch tăng vốn mạnh lên 5.000 tỷ đồng thông qua chào bán 100 triệu cổ phiếu riêng lẻ và 200 triệu đơn vị cho cổ đông hiện hữu. Tuy nhiên, bối cảnh thị trường chứng khoán không thuận lợi gần đây, HĐQT quyết định tạm hoãn kế hoạch tăng vốn.
Được rót thêm vốn cùng điều kiện thuận lợi của ngành, công ty chứng khoán chấm dứt tình trạng thua lỗ nhiều năm và ghi nhận lợi nhuận tăng mạnh gần trong 3 năm liên tiếp gần đây.
VPBank Securities là công ty chứng khoán vốn nhỏ 56 tỷ đồng, sau khi về với VPBank đã được tăng vốn lên 269 tỷ đồng. Trong năm nay, đơn vị lên kế hoạch tăng vốn “khủng” lên 8.920 tỷ đồng qua chào bán 865,1 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.
Với kế hoạch tăng vốn tham vọng, công ty cũng đề ra mục tiêu 2022 doanh thu đột biến 1.509 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 632 tỷ đồng, gấp nhiều lần con số đạt được năm trước.