Dầu tăng mạnh nhất 3 năm
Giá dầu giảm 1% trong phiên giao dịch cuối cùng của thập kỷ song có năm tăng mạnh nhất trong 3 năm, được hỗ trợ bởi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung kéo dài và các nước sản xuất dầu lớn cắt giảm nguồn cung.
Chốt phiên giao dịch ngày 31/12, dầu thô Brent giảm 67 US cent tương đương 1% xuống 66 USD/thùng và dầu thô Tây Texas WTI giảm 62 US cent tương đương 1% xuống 61,06 USD/thùng. Tính chung cả năm, giá dầu Brent tăng 23% và dầu WTI tăng 34% - năm tăng mạnh nhất trong 3 năm, được hỗ trợ bởi đột phá mới đây trong các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung và cam kết cắt giảm sản lượng bởi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh.
Các nhà dự báo không hy vọng giá dầu sẽ tăng mạnh trong năm tới, giá dầu thô Brent dự kiến sẽ dao động trong khoảng 63 USD/thùng, giảm nhẹ so với mức hiện tại, do việc cắt giảm sản lượng OPEC bù đắp nhu cầu suy yếu.
Khí tự nhiên giảm mạnh nhất 5 năm
Giá khí tự nhiên tại Mỹ tăng, song có năm giảm mạnh nhất kể từ năm 2014.
Giá khí tự nhiên kỳ hạn tháng 2/2020 trên sàn New York tăng 0,3 US cent tương đương 0,1% lên 2,189 USD/mmBTU, song giảm gần 25% kể từ mức cao nhất 8 tháng (2,905 USD/mmBTU) hồi đầu tháng 11/2019, trong ngày 27/12 giá khí tự nhiên chạm 2,138 USD/mmBTU, thấp nhất kể từ ngày 23/8/2019. Tính chung cả tháng, giá khí tự nhiên giảm khoảng 4% - tháng giảm thứ 2 liên tiếp và cả năm 2019 giảm 25,5% sau khi không thay đổi trong năm 2018. Đây là 1 trong những hàng hóa giảm mạnh nhất trong năm 2019.
Vàng tăng mạnh nhất kể từ năm 2010, palađi và bạch kim tăng mạnh
Giá vàng tăng lên mức cao nhất 3 tháng do đồng USD suy yếu và có năm tăng mạnh nhất trong gần 1 thập kỷ do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã khiến các nhà đầu tư tìm kiếm tài sản trú ẩn an toàn.
Vàng giao ngay trên sàn LBMA tăng 0,3% lên 1.519,41 USD/ounce, trong phiên có lúc đạt 1.525,2 USD/ounce, cao nhất 3 tháng. Vàng kỳ hạn tháng 2/2020 trên sàn New York tăng 0,3% lên 1.523,1 USD/ounce. Tính chung cả tháng, giá vàng tăng 4% - tháng tăng mạnh nhất kể từ tháng 8/2019. Cả năm 2019, giá vàng tăng hơn 18% - năm tăng mạnh nhất kể từ năm 2010, do cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung kéo dài dấy lên mối lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu, khiến các nhà đầu tư tìm kiếm tài sản trú ẩn an toàn đã hỗ trợ giá vàng.
Đồng thời, giá palađi tăng 1,6% lên 1.938 USD/ounce. Tính chung cả tháng tăng 5% và tăng hơn 53% trong năm 2019. Đây là một trong hàng hóa tăng mạnh nhất năm 2019.
Giá bạch kim tăng 0,5% lên 962,5 USD/ounce. Tính chung cả tháng tăng gần 7% và có năm tăng mạnh nhất kể từ năm 2009.
Các kim loại công nghiệp đồng loạt giảm
Giá đồng giảm do các nhà đầu tư bán ra chốt lời từ mức tăng mạnh gần đây, bởi căng thẳng thương mại giảm bớt.
Giá đồng trên sàn London giảm 0,7% xuống 6.175 USD/tấn, song tính chung cả năm 2019 tăng 3,4% sau khi giảm gần 18% trong năm 2018.
Giá nickel trên sàn London giảm 2% xuống 14.025 USD/tấn. Tính chung cả năm giá nickel tăng 31% và đạt mức cao nhất 5 năm trong tháng 9/2019.
Chỉ số 6 kim loại công nghiệp chủ chốt trên sàn London trong năm 2019 tăng 2,4%, dẫn đầu là nickel và đồng. Nickel là một trong những kim loại có năm tăng mạnh nhất trong 1 thập kỷ, được nâng đỡ bởi lệnh cấm xuất khẩu quặng nickel của Indonesia từ ngày 1/1/2020.
Ngoài ra, giá nhôm giảm 0,9% xuống 1.810 USD/tấn, tính chung cả năm giảm 2%. Giá chì giảm 0,8% xuống 1.927 USD/tấn, tính chung cả năm giảm 4,9%. Giá thiếc giảm 1% xuống 17.175 USD/tấn, tính chung cả năm giảm 12% do tồn trữ tăng và nhu cầu suy yếu. Giá kẽm giảm 1,5% xuống 2.272 USD/tấn, tính chung cả năm giảm 7,8%.
Quặng sắt tăng mạnh nhất 3 năm, thép tăng
Giá quặng sắt tại Trung Quốc kết thúc năm 2019 tăng 141% - tăng mạnh nhất 3 năm, do nguồn cung gián đoạn và nhu cầu đối với quặng sắt của nước này tăng mạnh.
Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 5/2020 trên sàn Đại Liên tăng 0,5% lên 648,5 CNY (93,03 USD)/tấn, cùng với đó là giá thép kỳ hạn và giá quặng sắt giao ngay tăng. Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2020 trên sàn Singapore tăng 1,2% lên 91,25 USD/tấn.
Trên sàn Thượng Hải, giá thép cây tăng 0,7%, giá thép cuộn cán nóng tăng 0,8% và giá thép không gỉ tăng 2%.
Đồng thời, giá quặng sắt 62% Fe giao ngay sang Trung Quốc tăng 1 USD lên 93 USD/tấn. Tính chung cả năm 2019, giá quặng sắt giao ngay tăng 28% so với năm 2018 và đạt mức cao đỉnh điểm 126,5 USD/tấn trong ngày 3/7/2019.
Dự báo sản lượng thép thô Trung Quốc năm 2019 sẽ đạt mức cao kỷ lục 988 triệu tấn, song sẽ giảm xuống còn 981 triệu tấn vào năm 2020, trong bối cảnh suy thoái kinh tế.
Cà phê diễn biến trái chiều, đường giảm
Giá cà phê Arabica giảm song có năm tăng mạnh do các nhà đầu tư vẫn lo ngại về nguồn cung toàn cầu thắt chặt, trong khi giá đường tăng nhẹ trong năm 2019.
Giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 3/2020 trên sàn ICE giảm 2,45 US cent tương đương 1,6% xuống 1,297 USD/lb. Tính chung cả năm, giá cà phê tăng 27% sau khi giảm trong 2 năm liên tiếp 2017 và 2018. Giá cà phê robusta giao cùng kỳ hạn trên sàn London tăng 7 USD tương đương 0,5% lên 1.382 USD/tấn. Tuy nhiên, tính chung cả năm giảm 9,4% - năm giảm thứ 3 liên tiếp.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 3/2020 trên sàn ICE giảm 0,11 US cent tương đương 0,8% xuống 13,43 US cent/lb. Tính chung cả năm, giá đường thô tăng 11,6% - năm tăng đầu tiên sau 2 năm giảm liên tiếp. Giá đường trắng kỳ hạn tháng 3/2020 trên sàn London giảm 2,2 USD tương đương 0,6% xuống 359,2 USD/tấn. Tính chung cả năm giá đường trắng tăng 8%.
Đậu tương, lúa mì và ngô đều tăng
Giá lúa mì, ngô và đậu tương tại Mỹ có năm tăng sau thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung "giai đoạn 1", thúc đẩy xuất khẩu nông sản và hỗ trợ giá tăng.
Trên sàn Chicago, giá đậu tương kỳ hạn tháng 3/2020 tăng 3 US cent lên 9,55-1/2 USD/bushel, cao nhất 18 tháng. Tính chung cả năm giá đậu tương tăng 6,8%. Giá lúa mì giao cùng kỳ hạn tăng 2-3/4 US cent lên 5,58-3/4 USD/bushel, thấp hơn mức cao đỉnh điểm 16 tháng (5,64-1/2 USD/bushel) trong phiên trước đó. Tính chung cả năm 2019, giá lúa mì tăng 11%. Giá ngô kỳ hạn tháng 3/2020 giảm 1/2 US cent xuống 3,87-3/4 USD/bushel. Tính chung cả năm 2019, giá ngô tăng 3,4%.
Dầu cọ tăng mạnh nhất trong 1 thập kỷ
Giá dầu cọ tại Malaysia giảm trở lại trong ngày cuối cùng của năm 2019, do hoạt động bán ra chốt lời song có năm tăng mạnh nhất trong 1 thập kỷ, bởi dự kiến sản lượng giảm và tiêu thụ tại các nước sản xuất hàng đầu Indonesia và Malaysia tăng.
Giá dầu cọ kỳ hạn tháng 3/2020 trên sàn Bursa Malaysia giảm 80 ringgit tương đương 2,6% xuống 3.046 ringgit (744,93 USD)/tấn, sau 4 phiên tăng liên tiếp. Tuy nhiên, tính chung trong cả năm 2019 giá dầu cọ tăng 44%, với mức giá trung bình trong năm 2019 đạt 2.560 ringgit/tấn- cao nhất kể từ năm 2009.
Hiệp hội Dầu cọ Malaysia và Hiệp hội các nhà máy Dầu cọ Bán đảo miền Nam nước này lần lượt dự báo sản lượng dầu cọ tháng 12/2019 giảm 16% và 27% so với tháng 11/2019, giảm mạnh hơn so với dự kiến. Trong khi đó, tiêu thụ dầu cọ nội địa tại Malaysia và Indonesia dự kiến sẽ tăng khi cả hai nước đều yêu cầu thành phần dầu cọ trong chương trình dầu sinh học 2020 tăng cao.
Xuất khẩu dầu cọ của Malaysia trong tháng 12/2019 giảm 4,9%-6,7%, các nhà khảo sát hàng hóa Intertek Testing Services và Amspec Malaysia cho biết.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 01/01/2020