Bối cảnh quốc tế trong phát triển năng lượng
Trên thế giới, các quốc gia đang từng bước giảm thiểu sử dụng than cho mục đích phát điện, chuyển sang sử dụng nhiệt điện khí và năng lượng tái tạo thay thế. Tổng công suất nhiệt điện than của khối các quốc gia châu Âu hiện ở mức 42 GW. Riêng đối với Đức - 50GW, Ba Lan - 29 là 2 quốc gia đứng thứ 4 và thứ 9 trong các quốc gia nhiệt điện than thuộc Liên minh châu Âu.
Các nước châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam, Bangladesh, Pakistan và Phlippines đã tăng công suất nhiệt điện than đạt mức 185 GW gấp đôi so với mức năm 2000. Các quốc gia này đang tiến hành xây dựng 50GW và dự kiến phát triển thêm 128 GW điện than. Những dự án của các nước nay sử dụng nguồn vốn vay Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Chính phủ Indonesia đã không phê duyệt các nhà máy điện than mới trên đảo Java, nơi tập trung dân số cao nhất. Thổ Nhĩ Kỳ cũng có 1 kế hoạch phát triển nhiệt điện than, song hiện tại chỉ có 1GW đang được xây dựng trên tổng số 43GW dự kiến.
Hoa Kỳ thể hiện nỗ lực dừng các nhà máy nhiệt điện than cũ, đã giảm 61GW và dự tính 58 GW trong những năm tới. Hiện tại, Hoa Kỳ không có kế hoạch phát triển nhiệt điện than. Theo báo cáo Triển vọng năng lượng của Hoa Kỳ, tất cả các kịch bản phát triển, công suất nhiệt điện than của Hoa Kỳ sẽ giảm từ 0,8-2,1%/năm cho đến 2050. Dự kiến đến năm 2050, Hoa Kỳ chỉ còn khoảng 144-150GW điện than.
Nhưng nhìn chung, theo nghiên cứu của Bloomberg NEF, nguồn năng lượng được sử dụng chính hiện nay vẫn là nhiên liệu hóa thạch, với tổng số chiếm khoảng 70% lượng tiêu thụ toàn cầu, trong đó than vẫn chiếm tỷ lệ cao trên 40%, khí hóa lỏng chiếm khoảng 20% và dầu mỏ chiếm khoảng 10%.
Bloomberg nhận định, xu hướng chung trên thế giới đến năm 2040 là tiết kiệm, sử dụng hiệu quả năng lượng và giảm lương khí thải CO2 chỉ còn 50% so với hiện nay. Các nước đang nỗ lực thay đổi chính sách quốc gia về năng lượng, tích cực ứng dụng các công nghệ để phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng gió và mặt trời thay thế dần nhiên liệu hóa thạch.
Thị trường năng lượng cạnh tranh của Việt Nam chỉ đang ở giai đoạn đầu
Tại Việt Nam, nhu cầu về điện đang tăng khoảng 8% -10% mỗi năm, nhanh hơn tốc độ phát triển kinh tế trung bình. Như vậy, việc đảm bảo phát triển đầy đủ và kịp thời hạ tầng cơ sở hệ thống năng lượng là một thách thức hàng đầu.
Đến năm 2030, dự báo phần năng lượng sử dụng cho đô thị có thể lên tới 45-50% trong toàn bộ nhu cầu năng lượng Việt Nam. Theo báo cáo định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, phát triển năng lượng và hạ tầng giao thông là những ưu tiên cần thiết hiện nay.
Nhìn chung, thị trường năng lượng cạnh tranh của Việt Nam mới chỉ ở giai đoạn đầu. Trong khi đó, trữ lượng và khả năng cung cấp năng lượng trong nước ngày càng hạn chế. Theo các ước tính về trữ lượng năng lượng, với tốc độ khai thác các loại nhiên liệu hóa thạch như hiện nay, trữ lượng than có thể đảm bảo thời gian khai thác khoảng 70 năm, khí tự nhiên khoảng 40 năm và dầu thô khoảng 20 năm.
Với mức tăng nhu cầu như hiện tại, Việt Nam sẽ phải tăng rất nhanh nhập khẩu năng lượng từ bên ngoài. Cùng với đó là nhu cầu vốn cho phát triển năng lượng ngày càng lớn. Ước tính nhu cầu vốn đầu tư cho 3 phân ngành điện, than, dầu khí trong giai đoạn 2016-2035 hàng năm khoảng 300 nghìn tỷ đồng (xấp xỉ 15 tỷ USD hàng năm). Trong đó, ngành điện lực chiếm khoảng 66%, phân ngành dầu khí chiếm 29% và phân ngành than chiếm 5%.
Liên quan đến thuỷ điện, mặc dù bối cảnh trong nước và thế giới có nhiều biến động, các chuyên gia nhận định rằng tác động sẽ không lớn đối với lĩnh vực thủy điện của Việt Nam. Về cơ bản, tiềm năng thủy điện của Việt Nam đã được khai thác đạt ngưỡng giới hạn. Theo đánh giá ước tính tiềm năng thủy điện Việt Nam đạt khoảng 75-80 tỷ kWh với công suất tương ứng đạt 18.000-20.000MW.
Trong đó, tiềm năng kinh tế của 11 lưu vực sông chính chiếm khoảng 85,9% của các lưu vực sông trong cả nước. Như vậy, tổng trữ lượng kinh tế của các lưu vực sống chính hơn 18.000MW, cho phép sản lượng điện năng tương ứng khoảng 70 tỷ kWh.
Liên quán đến năng lượng mặt trời, trong bối cảnh công nghệ hấp thu năng lượng mặt trời trên thế giới đạt nhiều tiến bộ, lĩnh vực năng lượng mặt trời Việt Nam được đánh giá là có nhiều tác động tích cực. Ngành này được xem là có tiềm năng phát triển mạnh trong tương lai, do thuận lợi về vị trí địa lý của Việt Nam, nhất là khu vực Nam Bộ.
Tuy nhiên, việc phát triển nguồn điện mặt trời mái nhà không được kiểm soát phù hợp với nhu cầu sử dụng điện, đặc biệt vào tháng 12/2020 gây khó khăn trong công tác vận hành hệ thống điện quốc gia, nhất là do đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh theo hướng bất lợi đến tăng trưởng kinh tế của nước ta, dẫn đến nhu cầu sử dụng điện giảm.
Cụ thể, tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu của hệ thống điện quốc gia chỉ đạt khoảng 245,9 tỷ kWh, tăng khoảng 2,7% so với năm 2019 và giảm 15,6 tỷ kWh so với kế hoạch vận hành hệ thống điện quốc gia được Bộ Công thương phê duyệt vào cuối năm 2019.
Lời giải cho bài toán phát triển năng lượng dài hạn
Bên cạnh đó, giai đoạn 2010-2030, ngành sử dụng nhiều năng lượng nhất là ngành công nghiệp, tiếp đến là giao thông vận tải, sau đó là dân dụng và dịch vụ thương mại. Đáng lưu ý, tăng trưởng sử dụng năng lượng đối với ngành công nghiệp, giao thông vận tải và dịch vụ thương mại có sự tăng nhanh so với dân dụng và nông nghiệp.
Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UNDP
So với mức tăng trưởng kinh tế từ năm 2020 đến năm 2030, khả năng thiếu năng lượng là không tránh khỏi. Để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế đến năm 2050, nhất là từ nay đến 2030, Việt Nam đã có những kịch bản về tăng trưởng kinh tế và dự báo nhu cầu năng lượng, đặt trong bối cảnh quốc tế có tính cạnh tranh quyết liệt và thực thi chiến lược tăng trưởng xanh.
Cụ thể: phát huy tối đa những ưu thế sẵn có về nguồn tài nguyên nhiên liệu và năng lượng của Việt Nam có tính cạnh tranh cao, không chỉ đối với thị trường trong nước mà kể cả với thị trường trong khu vực và thế giới.
Đối với những nguồn năng lượng Việt Nam không có ưu thế, cần xây dựng kế hoạch trung và dài hạn nhập khẩu, đảm bảo cán cân xuất nhập khẩu cân bằng. Đồng thời, xây dựng và thực hiện lộ trình giảm dần những nguyên liệu phát thải khí nhà kính như than, xăng dầu; dự trữ quốc gia đối với các nguồn nhiên liệu hóa thạch.
Xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, huy động nguồn lực đầu tư vào khai thác và sản xuất năng lượng theo thị trường, nhất là nguồn vốn của các nhà đầu tư trong nước. Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam sẽ có cơ hội lớn để huy động nguồn vốn ngoại lực đầu tư vào khai thác các nguồn năng lượng tái tạo.