Tổ chức Traffic thuộc Cơ quan Phát triển Quốc tế USAID Hoa Kỳ đã tiến hành khảo sát về ngà voi và các sản phẩm từ ngà voi được buôn bán tại 852 cơ sở kinh doanh tại trên 13 tỉnh thành, 60 cửa hàng online đang hoạt động trên 17 diễn dàn trực tuyến.
Báo cáo cho kết quả, có tới hơn 10.500 sản phẩm ngà voi đang được chào mời trên thị trường, cho dù đây là mặt hàng đã bị cấm theo pháp luật Việt Nam.
Thị trường buôn bán ngà voi và các sản phẩm từ ngà voi trái phép tại Việt Nam vẫn luôn tồn tại dai dẳng. Tuy nhiên, việc buôn bán lại mang tính tạm thời, do các "nhà cung cấp" cũng nhận thức được đây là hành vi trái pháp luật, phải lẩn tránh các cơ quan chức năng.
Trong thời gian khảo sát dài 7 tháng, 43% các cửa hàng mỹ nghệ, đồ lưu niệm cho biết mới chỉ bày bán các sản phẩm ngà voi trong thời gian gần đây, hoặc đã không còn bán các sản phẩm này, hoặc đã đóng cửa hàng. Tỷ lệ này ở các cửa hàng kinh doanh online là 84%.
Khảo sát cũng cho thấy, các đơn vị kinh doanh các sản phẩm từ ngà voi đã và đang mở rộng thị trường của họ sang các diễn đàn trực tuyến. Có ít nhất 8 cơ sở kinh doanh online có liên kết với các cửa hàng mỹ nghệ hoặc chính những cửa hàng mỹ nghệ, đồ lưu niệm cũng đang bán các sản phẩm của họ trên các diễn đàn thương mại trực tuyến, các mạng xã hội trong đó bao gồm các sản phẩm từ ngà voi.
Khách du lịch, chủ yếu là khách Trung Quốc, là đối tượng chính của mặt hàng này. Do đó, các địa điểm thu hút khách Trung được xem là những thị trường tiềm năng cho các con buôn ngà voi. Cũng dễ hiểu tại sao các sản phẩm này thường được định giá bằng đồng CNY hoặc USD.
Trang sức từ ngà voi chiếm đến hơn 90% tổng số lượng các sản phẩm được rao bán trên các diễn đàn trực tuyến và tại các cửa hàng mỹ nghệ, đồ lưu niệm. Trang sức từ ngà voi thường được thiết kế nhỏ, gọn, thuận tiện cho quá trình vận chuyển, trưng bày, mua bán và giao dịch, có lẽ vì thế nên các sản phẩm này cũng được khách hàng quan tâm nhiều nhất.
Giám đốc Văn phòng Tổ chức TRAFFIC tại Việt Nam - bà Sarah Ferguson cho biết: "Dù nhận thức được buôn bán các sản phẩm từ ngà voi là phạm pháp, nhưng các cơ sở kinh doanh vẫn bày bán các sản phẩm này một cách công khai. Do đó, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống luật cũng như nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật, nhằm ngăn chặn nạn buôn bán các sản phẩm ngà voi."
Các con buôn khẳng định các sản phẩm đều được làm từ ngà voi có nguồn gốc ở Việt Nam, tuy nhiên điều đó không hoàn toàn đúng. Theo ước tính, Việt Nam chỉ còn chưa đến 100 cá thể voi Châu Á. Phần lớn các sản phẩm trong nước cho thấy ngà được sử dụng là ngà voi Châu Phi. Có tới 20.000 cá thể voi Châu Phi bị săn bắn mỗi năm để lấy ngà, sau đó chủ yếu được vận chuyển tới Châu Á để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Để ngăn chặn nạn buôn bán ngà voi và các sản phẩm từ ngà voi phi pháp tại Việt Nam, báo cáo đưa ra một số đề xuất nhằm hỗ trợ Chính phủ, các tổ chức bảo tồn, và cả cộng đồng cùng chung tay hành động. Các đề xuất bao gồm: hoàn thiện khung pháp lý, tăng cường thực thi pháp luật, gia tăng rào cản, cấm và xử lý nghiêm các hoạt động bày bán công khai các sản phẩm từ ngà voi, truyền thông sự thật về ngà voi, theo dõi, giám sát tình hình buôn bán trên thị trường.
Việt Nam cần có những động thái cương quyết hơn nữa để giải quyết vấn nạn buôn bán trái phép ngà voi và các sản phẩm từ ngà voi dựa theo các cam kết của Công ước CITES. Điều này góp phần tối đa hóa hiệu quả của các nỗ lực chống lại việc săn bắn trái phép các cá thể voi trên toàn thế giới.