Thị trường công nghệ giáo dục (EdTech) Việt Nam đang được đánh giá vô cùng tiềm năng và thu hút sự chú ý lớn từ giới đầu tư, đặc biệt trong bối cảnh Covid-19 bùng phát và vẫn diễn biến phức tạp. Theo báo cáo Công nghệ giáo dục Việt Nam 2021, Việt Nam nằm trong top 10 thị trường công nghệ giáo dục có tốc độ tăng trưởng lớn nhất thế giới với tỉ lệ khoảng 44,3%.
Tính riêng năm 2021, tổng số vốn đầu tư vào thị trường EdTech tại Việt Nam ước tính đạt khoảng 158 triệu USD, và nằm trong top 3 những ngành được các nhà đầu tư quan tâm và rót tiền.
Báo cáo từ tổ chức Ken Research dự báo, quy mô thị trường giáo dục trực tuyến của Việt Nam sẽ đạt 3 tỷ USD vào năm 2023 với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) đạt khoảng 20,2% trong giai đoạn 2019 – 2023.
Theo Nikkei Asia, Việt Nam gần đây đã được hưởng làn sóng các nhà sản xuất tìm kiếm lao động giá rẻ trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ. Trước áp lực phải đào tạo tốt hơn lực lượng lao động và đào tạo họ về các kỹ năng kỹ thuật số, vào tháng 7/2021, Chính phủ Việt Nam đã đặt mục tiêu cung cấp giáo dục trực tuyến tại 90% trường đại học, 80% trường trung học và các cơ sở đào tạo nghề vào năm 2030.
Theo Tổng cục Thống kê, chi tiêu hàng năm cho giáo dục đã tăng 2,3 lần trong một thập kỷ lên khoảng 7 triệu đồng (304 USD) / học sinh vào năm 2020. Ngày càng nhiều phụ huynh gửi trẻ đến các trường luyện thi và các hoạt động ngoại khóa khác, đặc biệt là ở các thành phố.
Trong bối cảnh đó, các công ty khởi nghiệp cũng đang tận dụng lợi thế của sự bùng nổ giáo dục. Cụ thể, EQuest Education Group đã ghi được khoản đầu tư 100 triệu USD từ công ty cổ phần tư nhân KKR của Mỹ vào cuối tháng 5/2021.
Bên cạnh đó, nền tảng giáo dục hỗ trợ bởi AI, Clevai đã huy động được 2,1 triệu USD từ một nhóm các quỹ đầu tư của Singapore và Hoa Kỳ. Trong khi đó, Elsa, một ứng dụng được thiết kế để cải thiện khả năng phát âm tiếng Anh, đã huy động được 15 triệu USD trong năm 2021, bao gồm cả từ quỹ đầu tư liên kết với Google. Ứng dụng có khoảng 13 triệu người dùng tại hơn 100 quốc gia.
Ngoài ra, Việt Nam cũng có rất nhiều sản phẩm công nghệ giáo dục đạt được giải thưởng trong và ngoài nước và thu hút được lượng người dùng lớn. Ví dụ như Azota có khoảng 46 triệu truy cập hàng tháng và lọt top 37 EdTech lớn nhất thế giới.
Tại Hội thảo “Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở và công nghệ giáo dục trong bối cảnh bình thường mới” trong khuôn khổ TECHFEST 2022 diễn ra mới đây, ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ, Bộ Khoa học & Công nghệ khẳng định, Việt Nam cần phải đẩy mạnh "đổi mới sáng tạo mở" nhằm thu hút thêm các nguồn lực và hoạt động bên ngoài. Từ đó, thúc đẩy hạt nhân bên trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo khởi nghiệp nói chung và lĩnh vực Edtech nói riêng.
Về tiềm năng của lĩnh vực EdTech trong năm 2022 và 2023, ông Nguyễn Trí Hiển, CEO Công ty cổ phần Thiên Hà Xanh, dự báo dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực này vẫn sẽ tiếp tục tăng mạnh. Trong đó, các hình thức M&A kết hợp cùng EdTech sẽ gia tăng; các nhà đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục mở rộng và đưa sản phẩm và dịch vụ vào thị trường EdTech Việt Nam.
Bên cạnh đó, các chuyên gia tham gia hội thảo cũng nhấn mạnh vai trò của các chủ thể và việc cần thiết kết nối các bên nhằm giải quyết bài toán về chất lượng giáo dục và tâm lý hậu đại dịch. Theo đó, nhà nước và các tổ chức, tập đoàn cần có những "bài toán mới" trong quản lý và vận hành; và rất cần thiết trong việc kết nối "lời giải sáng kiến mới" từ doanh nghiệp khởi nghiệp.
Trong mô hình liên kết đó, việc thiết lập "sợi dây" kết nối trung gian giữa các doanh nghiệp khởi nghiệp với vườn ươm, tổ chức hỗ trợ để cùng hoàn thiện giải pháp, sáng kiến là vô cùng quan trọng.