Dầu tăng mạnh
Nhu cầu nhiên liệu toàn cầu đã giảm khoảng 30% trong tháng 4/2020. Ngay cả khi các nhà sản xuất khẩu chủ chốt dẫn đầu là Saudi Arabia đồng ý giảm sản lượng gần 10 triệu thùng/ngày, giá dầu thô Mỹ đóng cửa ngày 20/4 ở mức âm trong lịch sử.
Chốt phiên 30/4, dầu thô Brent kỳ hạn tháng 6 tăng 2,73 USD hay 12% lên 25,27 USD/thùng, trong khi dầu WTI cùng kỳ hạn tăng 3,78 USD hay 25% lên 18,84 USD/thùng. Đây là giá đóng cửa cao nhất đối với dầu Brent kể từ ngày 20/4 và với WTI cao nhất kể từ này 16/4.
Dầu thô Brent đã tăng khoảng 11% trong tháng 4/2020 sau khi giảm hơn 65% trong 3 tháng trước, trong khi dầu WTI giảm tháng thứ 4 liên tiếp, giảm hơn 70% kể từ đầu năm, riêng trong tháng 4 giảm 8%.
Na Uy, nhà sản xuất dầu lớn nhất của Tây Âu cho biết họ sẽ giảm sản lượng từ tháng 6 tới tháng 12/2020, giảm sản lượng lần đầu tiên trong 18 năm khi nỗ lực tham gia với các nhà sản xuất lớn khác để hỗ trợ giá và kiềm chế dư cung. Trong khi Royal Dutch Shell tuyên bố giảm cổ tức lần đầu tiên kể từ Thế chiến thứ 2. Công ty dầu và khí ConocoPhillips của Mỹ cho biết họ sẽ giảm mạnh sản lượng dầu trong những tuần tới nhằm đóng cửa 35% tổng sản xuất vào tháng 6.
Lo ngại về kho chứa tiếp tục gây sức ép khi Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho biết công suất lưu trữ toàn cầu có thể đạt đỉnh vào giữa tháng 6.
Chín công ty gồm Chevron và Exxon Mobil đã đồng ý thuê mặt bằng để lưu trữ 23 triệu thùng dầu thô trong kho dự trữ khẩn cấp của Mỹ.
Vàng giảm, nhưng có tháng tăng mạnh nhất trong 8 tháng
Giá vàng giảm khi các nhà đầu tư thanh lý các hợp đồng mua vào, nhưng đã có tháng tốt nhất kể từ tháng 8/2019 do một số lượng lớn kích thích tung ra nhằm ngăn chặn thiệt hại kinh tế bởi đại dịch Covid-19.
Vàng giao ngay giảm 1,6% xuống 1.683,72 USD/ounce, trong phiên có lúc giá đã xuống 1.680,25 USD, thấp nhất kể từ ngày 22/4. Vàng Mỹ kỳ hạn tháng 6 chốt phiên giảm 1,1% xuống 1.694,2 USD/ounce. Tính chung cả tháng vàng tăng 7%, trong phiên 14/4 giá vàng đã chạm 1.746,50 USD/ounce, cao nhất trong hơn 7 năm.
Cục dự trữ liên bang Mỹ đã giữ lãi suất gần bằng 0 trong cuộc họp mới nhất và hứa sẽ mở rộng các chương trình khẩn cấp khi cần thiết để hỗ trợ nền kinh tế.
Vàng có xu hướng hưởng lợi từ các biện pháp kích thích vì nó được coi là một phòng hộ chống lại lạm phát và mất giá của tiền tệ.
Giá đồng giảm
Giá đồng giảm do một cuộc khảo sát tư nhân cho thấy hoạt động sản xuất tại Trung Quốc, nước tiêu dùng hàng đầu bất ngờ giảm, nhưng hy vọng nhu cầu kim loại tăng lên khi nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này phục hồi đã hạn chế đà giảm.
Lo ngại về sự phục hồi của Trung Quốc lâu dài kéo giá đồng trên sàn giao dịch kim loại London (LME) giảm 1,3% xuống 5.196 USD/tấn. Giá đã chạm mức cao nhất trong hơn 6 tuần vào đầu phiên giao dịch khi số liệu cho thấy hoạt động sản xuất của Trung Quốc trong tháng 4 mở rộng nhanh hơn. Tuy nhiên, khảo sát của Caixin cho thấy hoạt động sản xuất giảm mạnh trong tháng trước do đại dịch Covid-19 làm giảm nhu cầu toàn cầu khiến đơn hàng xuất khẩu giảm đáng kể.
Trung Quốc chiếm gần nửa tiêu thụ đồng trên toàn cầu, ước tính là 24 triệu tấn.
Sự phục hồi mặc dù chậm của Trung Quốc đã thúc đẩy sự tăng giá đồng gần đây và việc cắt giảm nguồn cung cũng củng cố thị trường.
Giá được hỗ trợ bởi dự đoán sản lượng giảm do công ty khai thác Glencore cắt giảm dự báo sản lượng của họ trong năm nay, đồng giảm 3% xuống 1,25 triệu tấn, kẽm giảm 8% xuống 1,16 triệu tấn. Các công ty khai thác lớn gồm Anglo American và Rio Tinto cũng cắt giảm sản lượng.
Dự trữ đồng của Trung Quốc tiếp tục giảm, với dự trữ tại kho ngoại quan ở Thượng Hải giảm xuống 305.800 tấn tính tới ngày 24/4, thấp nhất kể từ ngày 7/2. Trong khi đó dự trữ đồng của sàn giao dịch Thượng Hải giảm tuần thứ 6 liên tiếp, giảm 36,6% xuống 230.956 tấn.
Giá quặng sắt tăng
Giá quặng sắt tại Trung Quốc tăng do hy vọng nhu cầu cải thiện sau khi số liệu cho thấy hoạt động sản xuất tại quốc gia này tăng tháng thứ 2 liên tiếp.
Hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 9 trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên đóng cửa tăng 2,5% lên 610 CNY (86,38 USD)/tấn. Tính chung cả tháng 4 giá quặng sắt tăng 5,35%.
Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho biết chỉ số PMI trong tháng 4 đạt 50,8, khi có thêm các doanh nghiệp khôi phục sản xuất, mặc dù việc phong tỏa và nhu cầu toàn cầu giảm có thể cản trở sự phục hồi kinh tế.
Giá quặng sắt cũng được hỗ trợ bởi nhu cầu bổ sung trước khi Bắc Kinh khôi phục lại phí cầu đường từ ngày 6/5, điều này làm tăng chi phí hậu cần.
Thép cây trên sàn giao dịch Thượng Hải tăng 2,2% lên 3.367 CNY/tấn. Thép cuộn cán nóng tăng 1,7% lên 3.211 CNY/tấn. Thép không gỉ tăng 0,8% lên 12.990 CNY/tấn.
Các nhà máy thép của Trung Quốc đang nhanh chóng tăng cường sản xuất do lợi nhuận tăng và hy vọng các gói kích thích của chính phủ sẽ khôi phục tiêu dùng, bất chấp tồn kho đang tăng và nhu cầu thép toàn cầu giảm bởi đại dịch.
Các thị trường tài chính tại Trung Quốc sẽ đóng cửa nghỉ lễ Quốc tế Lao động từ ngày 1/5 đến 5/5.
Cao su Tokyo ổn định, nhưng tăng trong cả tháng
Giá cao su tại Tokyo ổn định trước đợt nghỉ lễ kéo dài ở Trung Quốc và Nhật Bản, nhưng ghi nhận tháng tăng đầu tiên trong 4 tháng do hy vọng nhu cầu phục hồi.
Hợp đồng cao su trên sàn giao dịch hàng hóa Tokyo kỳ hạn tháng 10 đóng cửa không đổi tại 150,6 JPY (1,41 USD)/kg. Tính trong cả tháng 4 giá tăng 3,7%.
Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 9 trên sàn giao dịch Thượng Hải tăng 60 CNY, đóng cửa tại 9,965 CNY/tấn.
Sàn giao dịch hàng hóa Tokyo sẽ đóng cửa từ ngày 4/5 tới ngày 6/5 để nghỉ Tuần lễ Vàng.
Đường tăng
Giá đường thô kỳ hạn tháng 5 đóng cửa tăng 0,63 US cent hay 6,5% lên 10,39 US cent/lb, rời xa mức thấp nhất 12,5 năm đã chạm tới trong tuần này.
Hợp đồng đường kỳ hạn tháng 7 đóng cửa tăng 0,45 US cent hay 4,5% lên 10,37 US cent/lb.
Đã có lượng giao hàng kỷ lục khi hợp đồng tháng 5 trên sàn ICE đáo hạn, với gần 2,26 triệu tấn.
Một thương gia trụ sở ở Mỹ cho biết khối lượng lớn này cho thấy các công ty không tìm được nơi để tiêu thụ đường do nhu cầu giảm bởi việc phong tỏa.
Đường trắng kỳ hạn tháng 8 đóng cửa tăng 15 USD hay 4,7% lên 336,2 USD/tấn.
Cà phê tăng nhẹ
Cà phê arabica kỳ hạn tháng 7 chốt phiên tăng 1 US cent hay 0,9% lên 1,063 USD/lb, phục hồi sau khi xuống mức thấp nhất 1 tháng tại 1,059 USD trong 2 phiên đầu tuần.
Triển vọng một vụ thu hoạch bội thu ở Brazil trong năm nay vẫn là yếu tố giảm giá, cùng với sự suy yếu của đồng real Brazil, làm tăng giá trị xuất khẩu cà phê dưới dạng đồng nội tệ.
Cà phê robusta kỳ hạn tháng 7 đóng cửa tăng 8 USD hay 0,7% lên 1.194 USD/tấn.
Đậu tương tăng do nhu cầu xuất khẩu
Giá đậu tương tăng hơn 2% trong phiên qua, tăng một ngày mạnh nhất trong một tháng, do doanh số xuất khẩu mạnh và tin tức nhu cầu mới từ khách hàng Trung Quốc.
Đậu tương kỳ hạn tháng 7 trên sàn giao dịch Chicago đóng cửa tăng 17-3/4 US cent lên 8,55-1/4 USD/bushel.
Các nhà nhập khẩu Trung Quốc đã mua ít nhất 5 lô đậu tương của Mỹ trong ngày 30/4 hay ít nhất 300.000 tấn.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 01/05