Dầu tiếp đà giảm
Giá dầu giảm sau số liệu cho thấy rằng hoạt động nhà máy của Trung Quốc suy yếu,
Chốt phiên giao dịch đêm qua 31/10, dầu thô Brent giảm 38 US cent tương đương 0,6% xuống 60,23 USD/thùng và dầu thô Tây Texas WTI giảm 88 US cent tương đương 1,6% xuống 54,18 USD/thùng. Tính chung cả tháng, giá dầu Brent giảm dưới 1% còn dầu WTI tăng dưới 1%.
Giá dầu chịu áp lực giảm bởi số liệu chính thức từ Trung Quốc cho thấy rằng, hoạt động nhà máy của nước này trong tháng 10/2019 giảm tháng thứ 6 liên tiếp, trong khi tăng trưởng trong lĩnh vực dịch vụ chạm mức thấp nhất kể từ tháng 2/2016. Đồng thời cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung cũng gây áp lực đối với triển vọng nhu cầu dầu.
Khí tự nhiên giảm trở lại từ mức cao nhất 7 tháng
Giá khí tự nhiên tại Mỹ giảm hơn 2% sau dự báo thời tiết trong 2 tuần tới lạnh và kho dự trữ cao hơn so với dự kiến trong tuần trước.
Giá khí tự nhiên kỳ hạn tháng 12/2019 trên sàn New York giảm 5,8 US cent tương đương 2,2% xuống 2,633 USD/mmBTU. Tính chung cả tháng, giá khí tự nhiên tăng gần 13%, tháng tăng mạnh nhất kể từ tháng 11/2018.
Vàng vượt ngưỡng 1.500 USD/ounce
Giá vàng tăng hơn 1% được hỗ trợ bởi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cắt giảm lãi suất và sự không chắc chắn xung quanh thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung, đã thúc đẩy hoạt động mua vào.
Vàng giao ngay trên sàn LBMA tăng 1% lên 1.509,97 USD/ounce, trong phiên có lúc đạt 1.514,2 USD/ounce, cao nhất gần 1 tuần. Tính chung cả tháng, giá vàng giao ngay tăng hơn 2%. Vàng kỳ hạn tháng 12/2019 trên sàn New York tăng 1% lên 1.511 USD/ounce.
Đồng thấp nhất 1 tuần, chì thấp nhất 2 tuần, thiếc thấp nhất 3 tuần
Giá đồng giảm sau số liệu sản xuất của Trung Quốc thấp hơn so với dự kiến, dấy lên mối lo ngại về nhu cầu kim loại được sử dụng trong lĩnh vực điện và xây dựng.
Giá đồng trên sàn London giảm 1,9% xuống 5.797 USD/tấn, thấp nhất 1 tuần và có ngày giảm mạnh nhất kể từ ngày 2/8/2019.
Một cuộc xung đột thương mại với Mỹ kéo dài làm giảm tăng trưởng kinh tế Trung Quốc và gây áp lực đối với giá kim loại, gia tăng kỳ vọng Bắc Kinh sẽ cần sớm đưa ra nhiều biện pháp hỗ trợ. Trung Quốc chiếm 1/2 nhu cầu đồng thế giới, ước tính đạt khoảng 24 triệu tấn trong năm nay.
Đồng thời, giá chì giảm 2,2% xuống 2.160 USD/tấn, trong phiên có lúc chạm 2.155 USD/tấn, thấp nhất 2 tuần. Giá thiếc giảm 1,6% xuống 16.525 USD/tấn, trong phiên có lúc chạm 16.300 USD/tấn, thấp nhất 3 tuần.
Quặng sắt tăng, thép diễn biến trái chiều
Giá quặng sắt tại Trung Quốc tăng 1,6%, hồi phục từ mức giảm 2 phiên liên tiếp trước đó do nhu cầu từ lĩnh vực hạ nguồn tăng.
Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2020 trên sàn Đại Liên tăng 0,7% lên 621 CNY (88,25 USD)/tấn.
Trên sàn Thượng Hải, giá thép cây tăng phiên thứ 3 liên tiếp, tăng 0,5% lên 3.367 CNY/tấn và giá thép cuộn cán nóng kỳ hạn tháng 1/2020 tăng 0,1% lên 3.351 CNY/tấn. Giá thép không gỉ giảm 0,2% xuống 14.985 CNY/tấn.
Cơ quan xếp hạng Fitch dự kiến đầu tư cơ sở hạ tầng sẽ hỗ trợ tăng trưởng đầu tư tài sản cố định Trung Quốc năm 2020.
Cao su tiếp đà tăng
Giá cao su tại Tokyo tăng theo xu hướng giá cao su kỳ hạn tại Thượng Hải tăng mạnh.
Trên sàn TOCOM, giá cao su kỳ hạn tháng 4/2020 tăng 1,5 JPY (0,0138 USD) lên 174,5 JPY/kg và giá cao su TSR20 giao cùng kỳ hạn ở mức 148,9 JPY/kg.
Trên sàn Thượng Hải, giá cao su kỳ hạn tháng 1/2020 tăng 145 CNY (20,61 USD) lên 12.015 CNY/tấn và giá cao su TSR20 tăng 50 CNY lên 10.075 CNY/tấn.
Đường duy trì ổn định
Giá đường duy trì ổn định khi thị trường dự báo thị trường đường toàn cầu trong niên vụ này sẽ thiếu hụt.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 3/2020 trên sàn ICE tăng 0,07 US cent tương đương 0,6% lên 12,48 US cent/lb. Giá đường trắng kỳ hạn tháng 12/2019 trên sàn London giảm 2,2 USD tương đương 0,6% xuống 338,4 USD/tấn.
Cà phê đồng loạt tăng tại Việt Nam, New York, London
Giá cà phê Việt Nam trong phiên giao dịch vừa qua tiếp tục tăng do nguồn cung thắt chặt, trong khi những trận mưa lớn gần đây tại khu vực trồng cà phê lớn nhất của nước ta có thể không gây hại cho cây trồng.
Tại Tây Nguyên, khu vực trồng cà phê lớn nhất của Việt Nam đã bán ở mức 31.800-32.600 VND (1,37-1,41 USD)/kg, tăng nhẹ so với 31.000-31.500 VND/kg phiên trước đó (cách đây 1 tuần).
Tại Việt Nam, giá cà phê robusta loại 5% đen, vỡ (loại 2) được chào giá cộng 80-100 USD/tấn so với kỳ hạn tháng 1/2020 trên sàn London. Tuần trước, mức cộng so với hợp đồng kỳ hạn tháng 1/2020 là 100-120 USD/tấn.
Xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2019 ước tính giảm 13,8% so với cùng kỳ năm ngoái xuống 1,365 triệu tấn, tương đương 2,28 triệu bao (60 kg).
Tại Indonesia, cà phê robusta loại 4 (80 hạt lỗi) chào bán ở mức cộng 270 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 1/2020 trên sàn London. Tuần trước, mức cộng so với hợp đồng kỳ hạn tháng 1/2020 là 260 USD/tấn.
Giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 12/2019 trên sàn New York tăng 2,6 US cent tương đương 2,6% lên 101,95 US cent/lb. Giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 1/2020 trên sàn London tăng 31 USD tương đương 2,4% lên 1.322 USD/tấn.
Ngô giảm, đậu tương tăng, lúa mì thấp nhất 3 tuần
Giá ngô tại Mỹ giảm do dự kiến điều kiện thời tiết thuận lợi hơn cho vụ thu hoạch.
Trên sàn Chicago, giá ngô kỳ hạn tháng 12/2019 giảm 0,3% xuống 3,9 USD/bushel. Giá lúa mì kỳ hạn tháng 12/2019 giảm 0,5% xuống 5,08-3/4 USD/bushel, trong phiên có lúc chạm 5,01 USD/bushel, thấp nhất 3 tuần, trong khi giá đậu tương kỳ hạn tháng 11/2019 tăng 0,1% lên 9,32-1/4 USD/bushel.
Gạo giảm tại Việt Nam, duy trì vững tại Ấn Độ
Giá xuất khẩu gạo Việt Nam trong phiên vừa qua giảm từ mức cao nhất nhiều tháng, do nhu cầu từ Philippine và Trung Quốc suy yếu, trong khi giá gạo tại nước xuất khẩu hàng đầu - Ấn Độ - duy trì vững, giao dịch trầm lắng.
Tại Việt Nam, giá gạo 5% tấm giảm xuống 345-350 USD/tấn, từ mức cao nhất 4,5 tháng (350-355 USD/tấn) trong phiên trước đó (cách đây 1 tuần).
Xuất khẩu gạo Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2019 tăng 6,1% so với cùng kỳ năm ngoái lên 5,56 triệu tấn, song kim ngạch xuất khẩu giảm 7,8%.
Tại Ấn Độ, giá gạo đồ 5% tấm không thay đổi so với phiên trước đó, ở mức 368-372 USD/tấn.
Tại Thái Lan, giá gạo 5% tấm ở mức 390-413 USD/tấn, so với 396-410 USD/tấn phiên trước đó.
Dầu cọ cao nhất 19 tháng
Giá dầu cọ tại Malaysia tăng trở lại lên mức cao nhất hơn 19 tháng do giá dầu đối thủ và triển vọng xuất khẩu tăng mạnh, song đồng ringgit tăng đã hạn chế đà tăng giá.
Giá dầu cọ kỳ hạn tháng 1/2020 trên sàn Bursa Malaysia tăng 0,6% lên 2.512 ringgit (601,68 USD)/tấn, tăng mạnh trở lại từ mức giảm 0,9% trong đầu phiên giao dịch. Đây là mức cao nhất kể từ ngày 2/3/2018.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 01/11