Dầu giảm trở lại
Giá dầu kết thúc phiên cuối tháng (30/11) giảm, do lo ngại dư cung và đồng USD tăng mạnh, song mức giảm bị hạn chế bởi dự kiến Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và Nga sẽ thỏa thuận cắt giảm sản lượng trong tuần tới.
Dầu thô Brent kỳ hạn tháng 12/2018 giảm 80 US cent tương đương 1,3% xuống 58,71 USD/thùng, trước khi hết hiệu lực. Giá dầu thô Brent kỳ hạn tháng 2/2019 giảm 45 US cent xuống 59,46 USD/thùng và giá dầu thô Tây Texas WTI kỳ hạn giảm 52 US cent tương đương 1% xuống 50,93 USD/thùng. Tính chung trong tháng 11/2018, cả 2 loại dầu giảm hơn 20%, tháng giảm mạnh nhất trong hơn 10 năm, do dư cung.
Giá dầu cũng chịu áp lực giảm do đồng USD tăng so với giỏ tiền tệ chủ chốt, khi các nhà đầu tư kỳ vọng Mỹ và Trung Quốc sẽ đi đến 1 thỏa thuận về đàm phán thương mại. Đồng USD tăng mạnh khiến dầu mua bằng đồng bạc xanh đắt hơn khi mua bằng tiền tệ khác. Tuy nhiên, mức giảm được hạn chế sau báo cáo của ủy ban cố vấn OPEC đề xuất cắt giảm sản lượng thêm 1,3 triệu thùng/ngày so với mức tháng 10/2018. Bộ trưởng Năng lượng Nga, Alexander Novak sẽ gặp đối tác Saudi tại G20 ở Argentina và thảo luận giảm sản lượng dầu vào năm 2019. Sản lượng dầu Nga năm 2019 dự kiến sẽ tương tự mức năm nay, song có thể được điều chỉnh phụ thuộc vào thỏa thuận giữa các thành viên trong và ngoài OPEC.
Một cuộc khảo sát của Reuters cho thấy, sản lượng trong tháng 11/2018 từ 12 thành viên OPEC giảm 110.000 thùng/ngày so với tháng 10/2018, trong khi tổng sản lượng của OPEC giảm 160.000 thùng/ngày.
Khí gas tự nhiên giảm
Giá khí gas tự nhiên tại Mỹ kết thúc phiên giảm, do dự báo thời tiết sẽ ấm hơn so với dự kiến và sản lượng đạt mức cao kỷ lục.
Giá khí gas kỳ hạn tháng 1/2019 trên sàn New York giảm 3,4 US cent tương đương 0,7% xuống 4,612 USD/mBTU. Song tính chung cả tuần, giá khí gas tăng khoảng 7%, tuần tăng thứ 5 liên tiếp và trong 11 tuần qua, giá khí gas tăng khoảng 67%. Trong tháng 11/2018, giá khí gas tăng khoảng 41%, tháng tăng mạnh nhất kể từ tháng 9/2009 và tăng tháng thứ 4 liên tiếp – lần đầu tiên – kể từ tháng 12/2016.
Kể từ giữa tháng 11/2018, dự báo thời tiết lạnh và dự trữ ở mức thấp đã đẩy giá khí gas tự nhiên tăng cao nhất trong nhiều năm qua.
Vàng giảm trở lại, palađi lần đầu tiên vượt ngưỡng 1.200 USD/ounce
Giá vàng kết thúc phiên giao dịch giảm, do đồng USD tăng trước cuộc đàm phán thương mại giữa các nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc tại G20, trong khi đó, giá palađi lần đầu tiên vượt ngưỡng 1.200 USD/ounce.
Vàng giao ngay giảm 0,29% xuống 1.220,01 USD/ounce và vàng kỳ hạn tại Mỹ giảm 0,33% xuống 1.220,1 USD/ounce. Giá vàng dao động từ 1.210,65-1.230,7 USD/ounce trong 2 tuần qua.
Ông Trump và ông Tập Cận Bình sẽ họp bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 tại Argentina để thảo luận về tranh chấp thương mại đang diễn ra giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Đồng thời, giá palađi giảm 0,24% xuống 1.178,15 USD/ounce, trong đầu phiên giao dịch lần đầu tiên vượt ngưỡng 1.200 USD/ounce. Song tính chung trong tháng 11/2018, giá palađi tăng hơn 9%.
Đồng giảm, kẽm cao nhất 1 tuần
Giá đồng giảm trước cuộc họp các nhà lãnh đạo toàn cầu tại hội nghị thượng đỉnh G20, nơi sẽ thảo luận về tranh chấp thương mại Mỹ - Trung kéo dài.
Giá đồng giao sau 3 tháng trên sàn London giảm 0,2% xuống 6.198 USD/tấn, tính chung cả tuần giá đồng gần như không thay đổi.
Chỉ số quản lý sức mua (PMI) chính thức của Trung Quốc trong tháng 11/2018 giảm xuống mức thấp nhất năm 2016 (50), thấp hơn so với dự kiến thị trường và giảm so với 50,2 trong tháng 10/2018.
Trong khi đó, giá kẽm tăng 2,9% lên 2.542 USD/tấn, cao nhất 1 tuần, do tồn kho kẽm tại LME chạm mức thấp nhất 10 năm (88.600 tấn) và tồn kho kẽm tại Thượng Hải giảm 25% xuống 26.779 tấn.
Thép giảm tuần thứ 5 liên tiếp
Giá thép tại Trung Quốc kết thúc phiên giảm, đánh dấu tuần giảm thứ 5 liên tiếp, do nguồn cung dồi dào và nhu cầu yếu. Trong khi đó, giá quặng sắt tăng phiên thứ 3 liếp tiếp, song ghi nhận tuần giảm mạnh nhất trong 8 tháng.
Giá thép cây kỳ hạn tháng 1/2019 trên sàn Thượng Hải giảm 0,8% xuống 3.587 CNY (516,64 USD)/tấn. Tính chung cả tuần, giá thép giảm 2,8% và giảm hơn 13% trong tháng 11/2018.
Giá quặng sắt kỳ hạn trên sàn Đại Liên tăng 1,7% lên 482 CNY/tấn. Tính chung cả tuần, giá quặng sắt đã giảm 5,6% - tuần giảm mạnh nhất – kể từ cuối tháng 3/2018 và giảm hơn 10% trong tháng 11/2018.
Cao su cao nhất gần 3 tuần
Giá cao su kỳ hạn tại Tokyo tăng cao nhất gần 3 tuần, và đánh dấu tuần tăng đầu tiên trong 8 tuần do giá dầu và giá cao su kỳ hạn tại Thượng Hải tăng. Giá cao su kỳ hạn tháng 5/2019 trên sàn TOCOM tăng 2,9 JPY lên 161 JPY/kg, trong đầu phiên giao dịch đạt 161,1 JPY/kg, cao nhất kể từ ngày 12/11/2018. Tính chung cả tuần, giá cao su tăng 4,1%, tuần tăng đầu tiên trong 8 tuần và tăng gần 7% kể từ mức thấp nhất 27 tháng trong ngày 21/11. Đồng thời, giá cao su TSR20 kỳ hạn tháng 5/2019 trên sàn TOCOM tăng 1,6 JPY lên 147 JPY/kg và giá cao su kỳ hạn tháng 1/2019 tại Thượng Hải tăng 40 CNY tương đương 0,4% lên 10.915 CNY/tấn.
Đường giảm, cà phê thấp nhất 2 tháng
Giá cà phê giảm xuống mức thấp nhất 2 tháng, do hoạt động bán ra mạnh và đồng real Brazil suy yếu, trong khi giá đường thô cũng giảm.
Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 3/2019 giảm 4,75 US cent tương đương 4,23% xuống 1,0755 USD/lb, trong phiên có lúc giảm 4,5% xuống 1.073 USD/lb, thấp nhất kể từ ngày 2/10/2018. Tính chung trong tháng 11/2018, giá cà phê arabica giảm 7,8%. Giá cà phê robusta giao cùng kỳ hạn giảm 26 USD tương đương 1,6% xuống 1.599 USD/tấn, trong phiên có lúc chạm 1.597 USD/tấn, thấp nhất kể từ ngày 4/10/2018. Tính chung trong tháng 11/2018, giá cà phê robusta giảm 4,5%.
Đồng thời, giá đường thô kỳ hạn tháng 3/2019 giảm 0,03 US cent tương đương 0,2% xuống 12,84 US cent/lb. Tính chung trong tháng 11/2018, giá đường thô giảm 2,7%. Trong khi đó, giá đường trắng giao cùng kỳ hạn tăng 1,5 USD tương đương 0,4% lên 348,2 USD/tấn, song tính chung trong tháng 11/2018, giá đường trắng giảm 2,1%. Giá dầu thô suy yếu tiếp tục gây áp lực đối với giá đường, sản xuất ethanol Brazil có thể trở nên kém hấp dẫn hơn và nhiều cây mía đường có thể được sử dụng để sản xuất đường, đẩy sản lượng đường tăng.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 01/12