Dầu tăng trở lại
Giá dầu tăng 2% do các dấu hiệu trong tiến triển các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung và số liệu kinh tế của cả 2 nước cao hơn so với dự kiến, bao gồm số liệu việc làm của Mỹ và hoạt động sản xuất của Trung Quốc.
Chốt phiên giao dịch cuối tuần 01/11, dầu thô Brent tăng 1,16 USD tương đương 2% lên 60,78 USD/thùng, song tính chung cả tuần vẫn giảm 2%. Dầu thô Tây Texas WTI tăng 1,1 USD tương đương 2% lên 55,28 USD/thùng, tính chung cả tuần giảm hơn 2,4%.
Giá dầu được hỗ trợ bởi sự mở rộng trong hoạt động nhà máy của Trung Quốc với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 2017, làm gia tăng sự lạc quan về sức khỏe nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Đồng thời tăng trưởng việc làm của Mỹ trong tháng 10/2019 chậm hơn so với dự kiến.
Tuy nhiên, một cuộc khảo sát của Reuters cho thấy rằng, giá dầu dự kiến sẽ vẫn chịu áp lực trong năm nay và năm tới. Dự báo giá dầu thô Brent sẽ ở mức trung bình 64,16 USD/thùng năm 2019 và 62,38 USD/thùng năm 2020.
Khí tự nhiên cao nhất 7 tháng
Giá khí tự nhiên tại Mỹ tăng hơn 3% lên mức cao nhất 7 tháng do dự báo thời tiết trong 2 tuần tới lạnh hơn so với dự kiến trước đó.
Giá khí tự nhiên kỳ hạn tháng 12/2019 trên sàn New York tăng 8,1 US cent tương đương 3,1% lên 2,714 USD/mmBTU, cao nhất kể từ ngày 26/3/2019. Tính chung cả tuần, giá khí tự nhiên tăng 18%, tuần tăng mạnh nhất kể từ tháng 1/2014.
Vàng giảm trở lại, bạch kim cao nhất hơn 1 tháng
Giá vàng giảm trở lại do số liệu việc làm của Mỹ tốt hơn so với dự kiến và số liệu nhà máy của Trung Quốc tăng mạnh, khiến các nhà đầu tư quay lưng lại với vàng và tìm kiếm tài sản rủi ro hơn.
Vàng giao ngay trên sàn LBMA giảm 0,3% xuống 1.508,61 USD/ounce, song có tuần tăng. Vàng kỳ hạn tháng 12/2019 trên sàn New York giảm 0,2% xuống 1.511,4 USD/ounce.
Trong khi đó, bạch kim tăng 1,5% lên 946,13 USD/ounce, trong phiên có lúc đạt 954,12 USD/ounce, cao nhất kể từ ngày 25/9/2019. Tính chung cả tuần, giá bạch kim tăng khoảng 2%.
Đồng tăng, nhôm cao nhất hơn 1 tháng
Giá đồng tăng sau lạc quan về số liệu sản xuất của Trung Quốc và việc làm của Mỹ, song sự không chắc chắn về tăng trưởng toàn cầu và căng thẳng thương mại gây áp lực thị trường.
Giá đồng giao sau 3 tháng trên sàn London tăng 0,9% lên 5.850 USD/tấn, sau khi giảm mạnh 1,9% trong phiên trước đó, song vẫn có tuần giảm.
Hoạt động nhà máy của Trung Quốc bất ngờ tăng mạnh nhất trong hơn 2 năm trong tháng 10/2019, do các đơn đặt hàng xuất khẩu mới tăng và các nhà máy đẩy mạnh sản xuất, một cuộc khảo sát kinh doanh tư nhân cho biết. Trái ngược với kết quả khảo sát chính thức được công bố hôm thứ năm (31/10/2019) cho thấy rằng, hoạt động nhà máy của Trung Quốc giảm tháng thứ 6 liên tiếp trong tháng 10/2019.
Đồng thời, giá nhôm trên sàn London tăng 1,8% lên 1.786 USD/tấn, trong phiên có lúc đạt 1.790 USD/tấn, cao nhất kể từ ngày 23/9/2019 và có ngày tăng mạnh nhất trong gần 3 tháng.
Quặng sắt tăng trở lại, thép diễn biến trái chiều
Giá quặng sắt tại Đại Liên tăng trở lại sau khi giảm trong đầu phiên giao dịch, song có tuần giảm do các cảnh báo ô nhiễm mới tại các tỉnh sản xuất thép của Trung Quốc, làm giảm bớt mối lo ngại về nhu cầu nguyên liệu.
Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2020 trên sàn Đại Liên tăng 0,6% lên 625,5 CNY (88,88 USD)/tấn, sau khi giảm 1,2% trong đầu phiên giao dịch. Tính chung cả tuần, giá quặng sắt giảm 0,8%.
Trên sàn Thượng Hải, giá thép cây kỳ hạn tháng 1/2020 tăng 0,2%, trong khi thép cuộn cán nóng giảm 0,3% và thép không gỉ giảm 0,1%.
Cao su giảm
Giá cao su tại Tokyo giảm do giá cao su kỳ hạn tại Thượng Hải suy yếu.
Trên sàn TOCOM, giá cao su kỳ hạn tháng 4/2020 giảm 2,4 JPY (0,0222 USD) xuống 172,1 JPY/kg và giá cao su giao cùng kỳ hạn ở mức 148,9 JPY/kg.
Đồng thời, trên sàn Thượng Hải, giá cao su kỳ hạn tháng 1/2020 giảm 120 CNY (17,05 USD) xuống 11.885 CNY/tấn và giá cao su TSR20 giảm 30 CNY xuống 10.040 CNY/tấn.
Đường giảm, cà phê tăng
Giá đường giảm do dự trữ ở mức cao, trong khi giá cà phê tăng do đồng real Brazil tăng mạnh.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 3/2020 trên sàn ICE giảm 0,11 US cent tương đương 0,9% xuống 12,37 US cent/lb. Giá đường trắng kỳ hạn tháng 12/2019 trên sàn London tăng 0,2 USD tương đương 0,1% lên 338,6 USD/tấn.
Trong khi đó, giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 12/2019 trên sàn ICE tăng 0,75 US cent tương đương 0,7% lên 1,027 USD/lb. Giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 1/2020 trên sàn London giảm 5 USD tương đương 0,4% xuống 1.317 USD/tấn.
Đậu tương và lúa mì tăng, ngô giảm
Giá đậu tương tại Mỹ tăng, do hoạt động mua hạt có dầu Mỹ của Trung Quốc và kỳ vọng mới trong tiến triển các cuộc đàm phán nhằm giải quyết cuộc chiến thương mại đã cắt giảm đáng kể xuất khẩu đậu tương Mỹ sang Trung Quốc.
Trên sàn Chicago, giá đậu tương kỳ hạn tháng 11/2019 tăng 0,48% lên 9,36-3/4 USD/bushel và giá lúa mì kỳ hạn tháng 12/2019 tăng 1,18% lên 5,16 USD/bushel, trong khi giá ngô kỳ hạn tháng 12/2019 giảm 0,38% xuống 3,89-1/4 USD/bushel.
Dầu cọ tăng
Giá dầu cọ tại Malaysia tăng 0,3%, do nguồn cung thiếu hụt cùng với đó là xuất khẩu tăng đã thúc đẩy giá, song đồng ringgit tăng mạnh đã hạn chế đà tăng.
Giá dầu cọ kỳ hạn tháng 1/2020 trên sàn Bursa Malaysia tăng lên 2.493 ringgit (597,84 USD)/tấn.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 02/11