Giá dầu tăng
Giá dầu tăng, với dầu Brent tăng lên 71 USD/thùng và đạt mức cao nhất kể từ tháng 3/2020, do kỳ vọng nhu cầu nhiên liệu trong mùa lái xe mùa hè tại Mỹ tăng, làm lu mờ việc OPEC+ đồng ý tăng sản lượng.
Chốt phiên giao dịch ngày 1/6, dầu thô Brent tăng 93 US cent tương đương 1,3% lên 70,25 USD/thùng, trong đầu phiên giao dịch đạt 71 USD/thùng – cao nhất kể từ ngày 8/3/2020 và dầu thô Tây Texas WTI kỳ hạn tháng 7/2021 tăng 1,4 USD tương đương 2,1% lên 67,72 USD/thùng.
Giá dầu tăng được hỗ trợ bởi tồn trữ dầu thô của Mỹ trong tuần trước dự kiến sẽ giảm 2,1 triệu thùng. Ngoài ra, giá dầu tăng cũng được thúc đẩy bởi số liệu Trung Quốc cho thấy, hoạt động nhà máy của nước này tăng mạnh nhất trong năm nay trong tháng 5/2021. Tuy nhiên, giá dầu tăng bị hạn chế bởi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh được gọi là OPEC+, đồng ý tiếp tục nới lỏng các hạn chế nguồn cung trong cuộc họp ngày 1/6/2021, khi các nhà sản xuất cân bằng sự phục hồi nhu cầu dự kiến so với sự gia tăng sản lượng có thể tại Iran.
OPEC+ quyết định trong tháng 4/2021 sẽ trở lại mức 2,1 triệu thùng/ngày cung cấp cho thị trường từ tháng 5 đến tháng 7, khi dự kiến nhu cầu dầu toàn cầu tăng bất chấp số trường hợp nhiễm virus corona tại Ấn Độ - nước tiêu thụ dầu lớn thứ 3 thế giới – tăng cao.
Giá khí tự nhiên cao nhất 2 tuần
Giá khí tự nhiên tại Mỹ tăng 4% lên mức cao nhất 2 tuần, do dự báo thời tiết trong 2 tuần tới ấm hơn so với dự kiến trước đó, sẽ thúc đẩy lượng khí đốt của các nhà máy điện.
Giá khí tự nhiên kỳ hạn tháng 7/2021 trên sàn New York tăng 11,8 US cent tương đương 4% lên 3,104 USD/mmBTU – cao nhất kể từ ngày 17/5/2021.
Giá vàng rời khỏi mức cao nhất 5 tháng
Giá vàng giảm xuống dưới mức cao nhất gần 5 tháng đạt được trong đầu phiên giao dịch, do số liệu sản xuất của Mỹ tăng mạnh và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng cao khiến vàng trở nên kém hấp dẫn.
Vàng giao ngay trên sàn LBMA giảm 0,3% xuống 1.902,05 USD/ounce, trong phiên có lúc đạt 1.916,4 USD/ounce – cao nhất kể từ ngày 8/1/2021 và vàng kỳ hạn tháng 8/2021 trên sàn New York thay đổi nhẹ ở mức 1.905 USD/ounce.
Số liệu cho thấy rằng hoạt động nhà máy của Mỹ trong tháng 5/2021 tăng, do nhu cầu tăng thúc đẩy các đơn đặt hàng. Đồng thời, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng lên mức cao nhất hơn 1 tuần, làm gia tăng chi phí cơ hội nắm giữ vàng. Tuy nhiên, giá vàng cũng được hỗ trợ bởi chỉ số đồng USD giảm 0,2% so với các đồng tiền chủ chốt, khiến vàng thỏi mua bằng đồng USD rẻ hơn khi mua bằng tiền tệ khác.
Giá đồng giảm
Giá đồng giảm, do nhu cầu tại nước tiêu thụ hàng đầu – Trung Quốc – giảm, làm lu mờ hoạt động sản xuất lạc quan tại các nền kinh tế lớn và mối lo ngại nguồn cung.
Giá đồng trên sàn London giảm 0,2% xuống 10.252 USD/tấn, sau khi tăng cao trong đầu phiên giao dịch.
Hoạt động sản xuất tại châu Âu tăng cao kỷ lục trong tháng 5/2021 và hoạt động nhà máy tại nước tiêu thụ kim loại hàng đầu – Trung Quốc – tăng mạnh nhất trong 1 năm do nhu cầu nội địa tăng.
Giá thép và quặng sắt tiếp đà tăng
Giá quặng sắt tại Trung Quốc tăng hơn 7%, tăng phiên thứ 3 liên tiếp được thúc đẩy bởi trung tâm thép Đường Sơn có kế hoạch giảm bớt các yêu cầu cắt giảm sản lượng tại các nhà máy thép.
Trên sàn Thượng Hải, giá thép cây kỳ hạn tháng 10/2021 tăng 2% lên 5.128 CNY/tấn, thép cuộn cán nóng tăng 0,8% lên 5.437 CNY/tấn, thép không gỉ kỳ hạn tháng 7/2021 tăng 3,4% lên 16.165 CNY/tấn.
Đồng thời, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 9/2021 trên sàn Đại Liên tăng 7,3% lên 1.170 CNY (183,53 USD)/tấn. Giá quặng sắt 62% Fe giao ngay sang Trung Quốc tăng 8 USD lên 200,5 USD/tấn, công ty tư vấn SteelHome cho biết.
Các nhà phân tích thuộc Citi Research cho biết, động thái của Đường Sơn có thể gây áp lực đối với giá thép trong thời gian tới khi thị trường bước vào mùa yếu điểm.
Giá cao su thấp nhất hơn 1 tháng
Giá cao su tại Nhật Bản chạm mức thấp nhất hơn 1 tháng, do giá cao su tại thị trường Thượng Hải giảm và mối lo ngại về sự phục hồi kinh tế tại châu Á chậm lại, bởi các hạn chế virus corona đã thúc đẩy hoạt động bán ra mới.
Giá cao su kỳ hạn tháng 11/2021 trên sàn Osaka giảm 5,7 JPY tương đương 2,3% xuống 240 JPY (2,2 USD)/kg – thấp nhất kể từ ngày 28/4/2021.
Đồng thời, giá cao su kỳ hạn tháng 9/2021 trên sàn Thượng Hải giảm 140 CNY xuống 13.345 CNY (2.092 USD)/tấn.
Hoạt động nhà máy tại Nhật Bản tăng trưởng chậm nhất trong tháng 5/2021, do tăng trưởng sản lượng và các đơn hàng mới giảm.
Giá cà phê diễn biến trái chiều
Giá cà phê Arabica giảm, sau khi đạt mức cao nhất 4,5 năm bởi hạn hán tại nước sản xuất hàng đầu – Brazil.
Giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 7/2021 trên sàn ICE giảm 1,3 US cent tương đương 0,8% xuống 1,6105 USD/lb, sau khi đạt mức cao nhất 4,5 năm (1,6675 USD/lb) trong đầu phiên giao dịch.
Thị trường được hỗ trợ bởi thời tiết khô hạn tồi tệ nhất trong 91 năm tại nước sản xuất hàng đầu – Brazil – làm giảm triển vọng sản lượng vụ thu hoạch tới.
Trong khi đó, giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 7/2021 trên sàn London tăng 8 USD tương đương 0,5% lên 1.591 USD/tấn, sau khi đạt mức cao nhất 2,5 năm (1.619 USD/tấn) trong đầu phiên giao dịch.
Giá đường tăng
Giá đường thô kỳ hạn tháng 7/2021 trên sàn ICE tăng 0,33 US cent tương đương 1,9% lên 17,69 US cent/lb, sau khi đạt mức cao nhất 2 tuần (17,89 US cent/lb) trong đầu phiên giao dịch.
Đồng thời, giá đường trắng kỳ hạn tháng 8/2021 trên sàn London tăng 5,3 USD tương đương 1,2% lên 464,9 USD/tấn.
Giá ngô, đậu tương và lúa mì đều tăng
Giá ngô, đậu tương và lúa mì tại Mỹ tăng, do lo ngại cây trồng sẽ bị ảnh hưởng bởi thời tiết khắc nghiệt trong vài tuần tới.
Trên sàn Chicago, giá ngô kỳ hạn tháng 7/2021 tăng 32 US cent lên 6,88-3/4 USD/bushel, giá đậu tương giao cùng kỳ hạn tăng 18 US cent lên 15,48-1/2 USD/bushel và giá lúa mì đỏ mềm, vụ đông kỳ hạn tháng 7/2021 tăng 30 US cent lên 6,93-1/2 USD/bushel. Giá lúa mì vụ xuân kỳ hạn tháng 7/2021 tăng 44 US cent lên 7,71-1/2 USD/bushel.
Giá dầu cọ giảm phiên thứ 2 liên tiếp
Giá dầu cọ tại Malaysia giảm phiên thứ 2 liên tiếp, do việc đóng cửa quốc gia kéo dài 2 tuần ảnh hưởng đến tiêu thụ dầu thực vật thị trường nội địa, cùng với đó là tốc độ xuất khẩu trong tháng 5/2021 chậm lại, song dự kiến sản lượng giảm đã hạn chế đà suy giảm giá dầu cọ.
Giá dầu cọ kỳ hạn tháng 8/2021 trên sàn Bursa Malaysia giảm 30 ringgit tương đương 0,77% xuống 3.889 ringgit (942,79USD)/tấn. Trong tháng 5/2021, giá dầu cọ tăng 1,3%.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 02/6