Dầu diễn biến trái chiều
Giá dầu diễn biến trái chiều do kỳ vọng việc cắt giảm sản lượng từ OPEC và các nước sản xuất đồng minh khiến giá dầu tăng trở lại, sau bình luận từ Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng thỏa thuận thương mại với Trung Quốc có thể bị trì hoãn.
Chốt phiên giao dịch ngày 03/12, dầu thô Brent giảm 10 US cent xuống 60,82 USD/thùng, trong khi dầu thô Tây Texas WTI tăng 14 US cent lên 56,1 USD/thùng.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có thể phải đợi đến sau cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 11/2020, đã làm giảm kỳ vọng giải quyết tranh chấp thương mại, gây áp lực đối với nền kinh tế toàn cầu.
Tuy nhiên, giá dầu được hỗ trợ bởi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh được gọi là OPEC+ thảo luận kế hoạch cắt giảm nguồn cung hiện tại (1,2 triệu thùng/ngày) thêm 400.000 thùng/ngày và kéo dài hiệp ước đến tháng 6/2020. Đồng thời, một quan chức cấp cao của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết, các nhà sản xuất OPEC khó có thể đồng ý thay đổi thỏa thuận hiện tại về việc kiềm chế sản lượng cho đến khi triển vọng thị trường trở nên rõ ràng hơn.
Khí tự nhiên tăng gần 5%
Giá khí tự nhiên tại Mỹ tăng và có ngày tăng mạnh nhất trong hơn 1 tháng do dự báo sẽ có 1 đợt không khí lạnh vào giữa tháng 12/2019, thúc đẩy nhu cầu sưởi ấm.
Giá khí tự nhiên kỳ hạn tháng 1/2020 trên sàn New York tăng 11,2 US cent tương đương 4,8% lên 2,441 USD/mmBTU.
Vàng cao nhất gần 1 tháng, bạc cao nhất hơn 1 tuần
Giá vàng tăng hơn 1% do giảm bớt lạc quan xung quanh thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng các cuộc đàm phán có thể kéo dài đến sau cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 11/2020.
Vàng giao ngay trên sàn LBMA tăng 1,1% lên 1.478,38 USD/ounce, trong phiên có lúc đạt 1.481,8 USD/ounce, cao nhất kể từ ngày 7/11/2019. Vàng kỳ hạn tháng 2/2020 trên sàn New York tăng 1% lên 1.484,4 USD/ounce. Như vậy tính từ đầu năm đến nay, giá vàng đã tăng gần 15% nhờ tranh chấp thuế quan kéo dài, làm giảm bớt lo ngại suy thoái và khiến các ngân hàng trung ương trên thế giới giảm lãi suất.
Đồng thời, bạc tăng 1,6% lên 17,17 USD/ounce, cao nhất kể từ ngày 22/11/2019.
Chì thấp nhất 5 tháng, kẽm thấp nhất 3 tháng
Giá chì chạm mức thấp nhất 5 tháng do sản lượng kim loại sản xuất pin tại Trung Quốc tăng và khả năng thị trường dư cung.
Giá chì trên sàn London giảm 0,3% xuống 1.900 USD/tấn, trước đó trong phiên giảm xuống 1.890 USD/tấn, thấp nhất kể từ ngày 9/7/2019 và kể từ ngày 29/10/2019 đến nay giá chì đã giảm hơn 15%.
Ngoài ra giá chì chịu áp lực giảm do kỳ vọng nhà máy luyện kim Port Pirie, Nyrstar, Australia sẽ sớm khởi động lại sản xuất sau khi tạm dừng hoạt động vào tháng 5/2019. Port Pirie sản xuất 160.000 tấn chì trong năm 2018. Trong khi, nhu cầu chì dự kiến sẽ giảm hoặc không thay đổi trong năm nay – lần đầu tiên – kể từ năm 2008. Nhu cầu chì toàn cầu ước đạt 13 triệu tấn trong năm nay, hơn 85% trong số đó sẽ được sử dụng để sản xuất ắc quy, hầu hết dành cho ngành công nghiệp ô tô.
Các nhà phân tích thuộc Citi dự kiến thị trường chì sẽ dư thừa 25.000 tấn trong năm nay và 106.000 tấn năm 2020.
Đồng thời, giá kẽm trên sàn London giảm 1,8% xuống 2.202 USD/tấn, trong phiên có lúc chạm 2.201 USD/tấn, thấp nhất 3 tháng, do lo ngại nguồn cung gia tăng và nhu cầu từ các nhà máy thép suy yếu. Mặc dù, dự trữ kẽm tại London dưới mức 60.000 tấn, thấp nhất kể từ những năm 1990.
Quặng sắt tăng, thép diễn biến trái chiều
Giá quặng sắt tại Trung Quốc tăng sau khi Vale SA – công ty khai thác quặng sắt lớn nhất thế giới – hạ triển vọng sản lượng đối với nguyên liệu sản xuất thép.
Giá quặng sắt trên sàn Đại Liên tăng 1,7% lên 651,5 CNY (92,56 USD)/tấn, trong phiên có lúc tăng mạnh 2,2%, do dự trữ quặng sắt nhập khẩu tại các cảng của Trung Quốc trong tuần tính đến ngày 29/11/2019 giảm tuần thứ 3 liên tiếp xuống 129,4 triệu tấn, thấp nhất kể từ cuối tháng 9/2019, công ty tư vấn SteelHome cho biết. Xuất khẩu quặng sắt của Brazil trong tháng 11/2019 đạt 27,25 triệu tấn, giảm so với 33,35 triệu tấn tháng 10/2019.
Trong khi đó, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2020 trên sàn Singapore giảm 0,4%.
Trên sàn Thượng Hải, giá thép cây giảm 0,2%, trong khi giá thép không gỉ tăng 0,3% và giá thép cuộn cán nóng tăng 0,1%. Dịch vụ nhà đầu tư của Moody cho biết trong 1 tuyên bố đưa ra ngày thứ ba (3/12/2019): "Nhu cầu từ lĩnh vực bất động sản và sản xuất suy yếu sẽ hạn chế tăng trưởng nhu cầu thép Trung Quốc năm 2020".
Cao su giảm tại Tokyo, tăng tại Thượng Hải
Giá cao su tại Tokyo giảm do những lo ngại mới về cuộc chiến thương mại sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu từ Brazil và Argentina.
Trên sàn TOCOM, giá cao su kỳ hạn tháng 5/2020 giảm 0,3 JPY xuống 189 JPY (1,74 USD)/kg.
Trong khi đó, trên sàn Thượng Hải, giá cao su kỳ hạn tháng 5/2020 tăng 75 CNY lên 12.745 CNY (1.810,65 USD)/tấn. Giá cao su TSR20 tăng 135 CNY lên 10.730 CNY/tấn.
Đường cao nhất gần 9 tháng, cà phê cao nhất 1 năm
Giá đường tăng cao nhất gần 9 tháng do hoạt động đẩy mạnh mua vào, trong bối cảnh nguồn cung thắt chặt, trong khi giá cà phê Arabica cao nhất 1 năm.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 3/2020 trên sàn ICE tăng 0,1 US cent tương đương 1,2% lên 12,9 US cent/lb, gần mức cao nhất 9 tháng (13,01 US cent/lb) trong ngày thứ sáu (29/11/2019). Giá đường trắng giao cùng kỳ hạn trên sàn London tăng 3,4 USD tương đương 1% lên 345,7 USD/tấn.
Đồng thời, giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 3/2020 trên sàn ICE tăng 2,1 US cent tương đương 1,7% lên 1,234 USD/lb, trong phiên có lúc đạt 1,2445 USD/lb, cao nhất 1 năm do đồng real Brazil tăng mạnh. Giá cà phê robusta giao cùng kỳ hạn trên sàn London tăng 13 USD tương đương 0,9% lên 1.424 USD/tấn.
Lúa mì và ngô giảm, đậu tương tăng
Giá đậu tương tại Mỹ tăng nhẹ, rời khỏi chuỗi giảm 8 phiên liên tiếp do giảm bớt lo ngại về các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Trung Quốc. Trong khi, giá lúa mì mềm đỏ, vụ đông tại Mỹ giảm 1,8%, mức giảm mạnh nhất 2 tháng do hoạt động bán ra chốt lời.
Trên sàn Chicago, giá ngô kỳ hạn tháng 3/2020 giảm 3/4 US cent xuống 3,81-1/4 USD/bushel. Giá đậu tương kỳ hạn tháng 1/2020 tăng 1/2 US cent lên 8,71 USD/bushel. Giá lúa mì mềm, đỏ vụ đông kỳ hạn tháng 3/2020 giảm 10 US cent xuống 5,25-1/4 USD/bushel.
Dầu cọ tăng trở lại
Giá dầu cọ tại Malaysia tăng trở lại sau khi giảm trong đầu phiên giao dịch, do hoạt động mua mạnh và các loại dầu thực vật khác trên sàn Đại Liên tăng đã hỗ trợ giá.
Giá dầu cọ kỳ hạn tháng 1/2020 trên sàn Bursa Malaysia tăng 0,6% lên 2.746 ringgit (658,51 USD)/tấn, sau khi giảm hơn 1% trong phiên.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 04/12