Ảnh minh họa
Dầu tăng giá 1,3%
Giá dầu phục hồi sau khi bị bán tháo một thời gian ngắn và ghi nhận một tuần tăng, bởi lạc quan mới về nhu cầu của Trung Quốc.
Chốt phiên 3/3, dầu thô Brent tăng 1,08 USD hay 1,3% lên 85,83 USD/thùng. Dầu WTI tăng 1,52 USD hay 1,9% lên 79,68 USD/thùng. Cả hai loại dầu này đã có mức đóng cửa cao nhất kể từ ngày 13/2.
Trong đầu phiên giao dịch giá giảm hơn 2 USD/thùng sau khi một báo cáo cho biết UAE đã tổ chức một cuộc tranh luận nội bộ về việc rời khỏi OPEC và sản xuất thêm dầu. Reuters dẫn hai nguồn tin đáng tin cậy rằng báo cáo này không phải sự thật.
Dầu Brent và WTI ghi nhận mức tăng theo phần trăm hàng tuần lớn thứ ba trong năm nay, khi số liệu kinh tế của Trung Quốc mạnh mẽ mang lại hy vọng tăng trưởng nhu cầu dầu.
Tại Trung Quốc, hoạt động lĩnh vực dịch vụ tháng 2 tăng với tốc độ nhanh nhất trong 6 tháng và hoạt động sản xuất cũng tăng. Nhập khẩu dầu bằng đường biển của Trung Quốc từ Nga thiết lập cao kỷ lục trong tháng 2.
Thị trường nhìn chung không quan tâm tới dự trữ dầu thô của Mỹ tăng tuần thứ 10 và xuất khẩu dầu thô của Mỹ đạt kỷ lục.
USD suy yếu và các nhà phân tích trong thăm dò của Reuters dự kiến đồng bạc này bị áp lực giảm trong 12 tháng tới sẽ khiến giá dầu rẻ hơn.
Vàng thiết lập tuần tăng đầu tiên trong 5 tuần
Giá vàng tăng lên mức cao nhất hai tuần và có tuần tăng đầu tiên trong 5 tuần do USD và lợi suất trái phiếu của Mỹ giảm.
Vàng giao ngay tăng 0,8% lên 1,850 USD/ounce, cao nhất kể từ ngày 15/2. Giá đã tăng 2,2% trong tuần này. Vàng Mỹ kỳ hạn tháng 4 đóng cửa tăng 0,8% lên 1.854,6 USD/ounce.
Bart Melek người đứng đầu bộ phận chiến lược thị trường hàng hóa cho biết cho tới khi có chất xúc tác mới chẳng hạn như số liệu việc làm hay giá tiêu dùng trong tuần tới, vàng dường như vẫn duy trì trong phạm vi 1.830 – 1.850 USD/ounce.
Chỉ số USD có tuần giảm đầu tiên trong 5 tuần khiến vàng thu hút hơn cho người mua bằng tiền tệ khác.
Đồng ghi nhận tuần tăng
Giá đồng tăng ghi nhận tuần tăng mạnh nhất kể từ đầu tháng 1 do số liệu kinh tế mạnh mẽ tại Trung Quốc làm tăng hy vọng về nhu cầu.
Đồng giao sau 3 tháng trên sàn giao dịch kim loại London (LME) khá ổn định tại 8.956,5 USD/tấn, tăng khoảng 2,8% trong tuần này.
Giá đã đạt mức cao nhất 7 tháng tại 9.550,5 USD trong tháng 1 nhưng sau đó sụt giảm trong bối cảnh nhu cầu của Trung Quốc yếu và dự đoán Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ tăng lãi suất tiếp, làm giảm tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy USD tăng.
USD mạnh lên khiến các kim loại định giác bằng đồng tiền này đắt hơn cho người mua bằng ngoại tệ khác và có thể gây sức ép lên nhu cầu.
Dự trữ đồng là thấp so với tiêu chuẩn trong lịch sử nhưng dự trữ tại kho ngoại quan của Trung Quốc và sàn giao dịch Thượng Hải tăng lên 408.680 tấn từ mức 100.000 tấn trong cuối tháng 12/2022.
Quặng sắt Đại Liên đạt mức cao trong nhiều tháng
Giá quặng sắt Đại Liên đạt mức cao nhất trong 8 tháng bởi các yếu tố cung cầu thuận lợi và lạc quan về nhu cầu thép tương lai.
Hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 5 trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên đóng cửa tăng 1,04% lên 919 CNY (133,15 USD)/tấn, mức cao nhất kể từ tháng 7/2022.
Tại Singapore, quặng sắt giao tháng 4 tăng 0,1% lên 126,5 USD/tấn.
Các nhà máy tăng cường sản xuất nhưng dự trữ quặng sắt của họ khá thấp, điều đó đang hỗ trợ giá quặng sắt.
Công suất hoạt động của lò cao khi khảo sát 247 nhà máy thép khắp Trung Quốc ở mức 81,07% tính tới ngày 3/3, tăng 6,35% so với một năm trước, theo công ty tư vấn Mysteel.
Tuy nhiên, dự trữ quặng sắt tại các cảng giảm 2,23 triệu tấn so với tuần trước xuống khoảng 140 triệu tấn.
Giá thép không tăng nhiều như giá nguyên liệu thô khiến các nhà máy gặp khó khăn trong lợi nhuận.
Tại Thượng Hải thép cây tăng 1,26% lên 4.272 CNY/tấn, thép cuộn cán nóng tăng 1,34%, thép không gỉ tăng 0,8%.
Cao su Nhật Bản giảm
Giá cao su Nhật Bản giảm do đồng JPY mạnh lên khiến mặt hàng này trở nên đắt hơn cho người mua bằng các ngoại tệ khác, nhưng vẫn ghi nhận một tuần tăng.
Hợp đồng cao su giao tháng 8 trên sàn giao dịch Osaka đóng cửa giảm 1,2 JPY hay 0,5% xuống 229,8 JPY (1,68 USD)/kg. Tính chung cả tuần hợp đồng này tăng 2,1%.
Tại thượng Hải hợp đồng cao su giao tháng 5 giảm 5 CNY xuống 12.605 CNY (1.828,08 USD)/tấn.
Cà phê giảm
Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 5 đóng cửa giảm 4,35 US cent hay 2,4% xuống 1,7785 USD/lb.
Rabobank cho biết thị trường đã trở nên mua quá nhiều sau khi các nhà phân tích giảm dự báo của họ về vụ cà phê 2023/24 hiện nay tại Brazil.
Cà phê robusta kỳ hạn tháng 5 giảm 18 USD hay 0,8% xuống 2.162 USD/tấn.
Đường tăng
Đường thô kỳ hạn tháng 5 đóng cửa tăng 0,61 US cent hay 3% lên 20,92 US cent/lb.
Đường được hỗ trợ bởi triển vọng yếu từ Ấn Độ trong vụ này.
Hơn hai chục nhà máy tại Maharashtra đã dừng ép mía vào cuối tháng 2, sớm hơn gần hai tháng so với năm ngoái. Theo Hiệp hội các nhà máy đường Ấn Độ, từ đầu niên vụ tới nay các nhà máy đường của Ấn Độ đã sản xuất được 25,8 triệu tấn đường, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước.
Đường trắng kỳ hạn tháng 5 tăng 15,6 USD hay 2,7% lên 588,4 USD/tấn.
Ngô, đậu tương tăng trong khi lúa mì giảm
Giá ngô trên sàn giao dịch Chicago tăng bởi việc mua vào đầu cơ, các nhà đầu tư cho biết thị trường được xem như bán quá nhiều sau khi giảm 6 trong 7 phiên trước đó.
Hy vọng đợt giảm giá gần đây sẽ thu hút sự quan tâm của khách hàng nước ngoài đã hỗ trợ thêm cho giá ngô.
Hợp đồng Ngô CBOT kỳ hạn tháng 5 tăng 6 US cent lên 6,39-3/4 USD/bushel.
Đậu tương tăng do giảm dự đoán về sản lượng vụ thu hoạch ở Argentina bởi thời tiết khô và nóng tiếp tục gây hại cho cây trồng trong suốt giai đoạn phát triển cuối của nó.
Đậu tương CBOT kỳ hạn tháng 5 tăng 9-1/2 US cent lên 15,18-3/4 USD/bushel.
Giá lúa mì giảm bởi lo ngại về nhu cầu xuất khẩu và trong nước yếu.
Lúa mì mềm đỏ vụ đông giảm 4 US cent xuống 7,08-3/4 USD/bushel. Lúa mì cứng đỏ vụ đông sụt giảm mạnh bởi dự báo thời tiết thuận lợi cho khu vực trồng trọt quan trọng của đồng bằng Mỹ, đóng cửa giảm 11 US cent xuống 8,15 USD/bushel.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 04/03