Giá dầu tiếp đà giảm
Giá dầu giảm, trong đầu phiên giao dịch chạm mức thấp nhất kể từ đầu tháng 8/2020, do số liệu thất nghiệp tại Mỹ tăng làm dấy lên mối lo ngại nền kinh tế hồi phục chậm lại và nhu cầu nhiên liệu giảm sau số liệu nhu cầu xăng của Mỹ suy giảm.
Chốt phiên giao dịch ngày 3/9, dầu thô Brent giảm 36 US cent tương đương 0,8% xuống 44,07 USD/thùng và dầu thô Tây Texas WTI giảm 14 US cent tương đương 0,3% xuống 41,37 USD/thùng. Cả hai loại dầu đều giảm hơn 2% trong đầu phiên giao dịch.
Giá cổ phiếu tại Mỹ giảm khi các nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu công nghệ và lo ngại về sự phục hồi nền kinh tế sau số liệu của Bộ Lao động cho thấy, số người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp được điều chỉnh theo mùa đạt 881.000 trong tuần gần nhất, tiếp tục duy trì ở mức cao với hàng triệu người không có việc làm.
Trong đầu phiên giao dịch, cả hai loại dầu đều giảm hơn 2% sau số liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết, nhu cầu xăng nội địa trong tuần trước giảm xuống 8,78 triệu thùng/ngày so với 9,16 triệu thùng/ngày tuần trước đó. Tiêu thụ các sản phẩm dầu khác cũng giảm.
Giá khí tự nhiên tăng nhẹ
Giá khí tự nhiên tại Mỹ tăng nhẹ sau dự báo thời tiết ấm hơn và tồn trữ khí tự nhiên dưới mức bình thường, làm lu mờ sản lượng hồi phục sau bão Laura.
Giá khí tự nhiên kỳ hạn tháng 10/2020 trên sàn New York tăng 0,1 US cent lên 2,487 USD/mmBTU.
Trong đầu phiên giao dịch, giá khí tự nhiên tăng hơn 3% sau khi Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết, các công ty tiện ích của Mỹ bơm 35 tỉ feet khối (bcf) khí vào kho chứa trong tuần kết thúc ngày 28/8/2020, phù hợp với kỳ vọng 34 bcf, song vẫn dưới mức bình thường.
Giá vàng tiếp đà giảm, palađi cao nhất 5 tháng
Giá vàng giảm hơn 1% do số liệu kinh tế tích cực của Mỹ, làm gia tăng kỳ vọng sự phục hồi nhanh chóng và làm giảm sức hấp dẫn đối với kim loại trú ẩn an toàn.
Vàng giao ngay trên sàn LBMA giảm 0,6% xuống 1.930,24 USD/ounce, sau khi chạm mức thấp nhất 1 tuần (1.921,61 USD/ounce) trong đầu phiên giao dịch và vàng kỳ hạn tháng 12/2020 trên sàn New York giảm 0,4% xuống 1.937,8 USD/ounce.
Tuy nhiên, tính từ đầu năm đến nay giá vàng tăng 27% do đại dịch virus corona ảnh hưởng đến các nền kinh tế toàn cầu và thúc các biện pháp kích thích chưa từng có.
Trong khi đó, giá palađi tăng 1,6% lên 2.282,9 USD/ounce, cao nhất kể từ ngày 31/3/2020.
Giá đồng tiếp đà giảm, thiếc cao nhất hơn 1 năm
Giá đồng giảm do các nhà đầu tư bán ra chốt lời, mặc dù lo ngại nguồn cung suy giảm và nhu cầu ổn định.
Giá đồng giao sau 3 tháng trên sàn London giảm 1,7% xuống 6.583 USD/tấn, sau khi đạt mức cao nhất trong hơn 2 năm trong phiên trước đó (2/9/2020).
Tuy nhiên, kể từ tháng 3/2020 đến nay giá đồng đã tăng khoảng 50%, phần lớn do lo ngại về hạn chế nguồn cung và sự phục hồi trong lĩnh vực công nghiệp tại nước tiêu thụ kim loại hàng đầu – Trung Quốc.
Sản lượng đồng khai thác tại các nước sản xuất hàng đầu – Chile và Peru – được cải thiện. Công ty thuộc sở hữu nhà nước Codelco, Chile cho biết, sản lượng trong 7 tháng đầu năm 2020 tăng 2,3%.
Đồng USD tăng cũng gây áp lực đối với thị trường, khiến kim loại được định giá bằng đồng USD đắt hơn khi mua bằng tiền tệ khác.
Giá thiếc giảm 0,9% xuống 18.175 USD/tấn, trong phiên có lúc đạt 18.510 USD/tấn, cao nhất kể từ tháng 7/2019.
Giá quặng sắt có chuỗi tăng dài nhất gần 4 tháng, thép cây giảm
Giá quặng sắt tại Trung Quốc tăng phiên thứ 6 liên tiếp và có chuỗi tăng dài nhất kể từ giữa tháng 5/2020, do nhu cầu nội địa tăng mạnh và tình trạng tắc nghẽn tại các cảng của nước này, đẩy giá quặng sắt giao ngay tăng.
Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2021 trên sàn Đại Liên tăng 0,9% lên 857,5 CNY (125,46 USD)/tấn, trong đầu phiên giao dịch đạt 874 CNY/tấn – mức cao kỷ lục.
Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 10/2020 trên sàn Singapore tăng 5,8% lên 129 USD/tấn, tăng phiên thứ 5 liên tiếp.
Giá quặng sắt 62% Fe giao ngay sang Trung Quốc tăng lên 126,5 USD/tấn, cao nhất kể từ tháng 1/2014, công ty tư vấn SteelHome cho biết.
Trên sàn Thượng Hải, giá thép cây tăng 0,5%, trong khi giá thép cuộn cán nóng giảm 0,3% và thép không gỉ giảm 2,3%.
Giá cà phê đồng loạt giảm tại Việt Nam, Indonesia, New York và London
Giá cà phê tại Việt Nam giảm do nhu cầu suy giảm, trong khi Indonesia bước vào vụ thu hoạch mới đã kéo giá giảm.
Giá cà phê robusta xuất khẩu của Việt Nam (loại 2, 5% đen & vỡ) được chào giá cộng 90-100 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 11/2020 trên sàn London, tăng so với mức cộng 80 USD/tấn cách đây 1 tuần. Tại thị trường nội địa, cà phê nhân xô được bán với giá dao động 33.500-34.000 VND (1,45-1,47 USD)/kg, giảm so với mức giá 34.000-34.500 VND/kg cách đây 1 tuần.
Xuất khẩu cà phê robusta của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2020 giảm 1,3% so với tháng 8/2019 xuống 1,16 triệu tấn tương đương 19,3 triệu bao (60 kg).
Tại Indonesia, giá cà phê robusta loại 4 (80 hạt lỗi) chào bán ở mức cộng 20-50 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 11/2020 trên sàn London, giảm so với mức cộng 140 USD/tấn cách đây 1 tuần, do nước này bắt đầu vào vụ thu hoạch mới.
Tại New York, giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 12/2020 giảm 0,1 US cent tương đương 0,1% xuống 1,312 USD/lb, sau khi đạt mức cao nhất 8 tháng (1,327 USD/lb) trong phiên trước đó.
Tại London, giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 11/2020 giảm 4 USD tương đương 0,3% xuống 1.436 USD/tấn.
Tổ chức Cà phê Quốc tế cho biết, xuất khẩu cà phê toàn cầu trong tháng 7/2020 giảm 11% so với tháng 7/2019 xuống 10,61 triệu bao, dự báo dư thừa 1 lượng nhỏ trong cán cân cung ứng toàn cầu niên vụ 2019/20.
Giá đường thấp nhất 1 tháng
Giá đường giảm xuống mức thấp nhất 1 tháng do đồng USD hồi phục và giá dầu giảm, khiến các quỹ thanh lý phần lớn các hàng hóa nông sản.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 10/2020 trên sàn ICE giảm 0,37 US cent tương đương 3% xuống 12,07 US cent/lb, trong phiên có lúc chạm mức thấp nhất 1 tháng (11,9 US cent/lb)
Đồng thời, giá đường trắng giao cùng kỳ hạn trên sàn London giảm 5,5 USD tương đương 1,5% xuống 353,6 USD/tấn.
Đồng USD tăng mạnh khiến đường được định giá bằng đồng USD đắt hơn so với các tiền tệ khác, trong khi giá năng lượng suy giảm khiến các nhà máy đường Brazil thúc đẩy sản lượng đường thay thế nhiên liệu ethanol sản xuất từ mía đường.
Chỉ số giá đường của Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) trong tháng 8/2020 tăng 6,7% so với tháng trước đó, trong bối cảnh thời tiết bất lợi tại EU và Thái Lan, và nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc tăng mạnh.
Giá đậu tương cao nhất hơn 2 năm, ngô và lúa mì giảm
Hoạt động mua đậu tương Mỹ của Trung Quốc đã đẩy giá đậu tương tăng lên mức cao nhất hơn 2 năm, trong khi giá ngô và lúa mì giảm.
Trên sàn Chicago, giá đậu tương kỳ hạn tháng 11/2020 tăng 4 US cent lên 9,66 USD/bushel, trong phiên có lúc đạt 9,68-1/4 USD/bushel, cao nhất kể từ tháng 6/2018. Giá ngô kỳ hạn tháng 12/2020 giảm 5 US cent xuống 3,53-3/4 USD/bushel và giá lúa mì kỳ hạn tháng 11/2020 giảm 5 US cent xuống 5,53-1/4 USD/bushel.
Giá gạo tại Thái Lan giảm, Việt Nam tăng, không thay đổi tại Ấn Độ
Giá xuất khẩu gạo tại Thái Lan giảm, rời khỏi chuỗi tăng 3 tuần liên tiếp do đồng baht giảm sau khi Bộ trưởng Tài chính nước này xin từ chức, trong khi giá gạo Việt Nam tăng do nguồn cung giảm.
Tại Thái Lan, giá gạo 5% tấm giảm xuống 500-513 USD/tấn, so với 500-520 USD/tấn tuần trước đó.
Đối với loại 5% tấm, giá gạo Việt Nam tăng lên 490 USD/tấn so với 480-490 USD/tấn tuần trước đó, do nguồn cung giảm, song các thương nhân cho biết, nhu cầu suy yếu sẽ ngăn chặn đà tăng giá trong những tuần tới.
Số liệu sơ bộ cho biết, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2020 giảm 1,7% so với cùng kỳ năm ngoái xuống 4,5 triệu tấn.
Tại Ấn Độ, gạo 5% tấm không thay đổi so với tuần trước đó ở mức 384-390 USD/tấn.
Giá dầu cọ cao nhất 7 tháng
Giá dầu cọ tại Malaysia tăng hơn 2% và có phiên tăng thứ 6 liên tiếp, theo xu hướng giá dầu thực vật khác trên sàn Đại Liên tăng và lo ngại về sản lượng.
Giá dầu cọ kỳ hạn tháng 11/2020 trên sàn Bursa Malaysia tăng 62 ringgit tương đương 2,21% lên 2.873 ringgit (693,79 USD)/tấn, cao nhất kể từ ngày 7/2/2020.
Thị trường chủ yếu tập trung vào dự báo nguồn cung trong tháng 9/2020 và quý 4/2020, Marcello Cultrera, giám đốc bán hàng thuộc Phillip Futures, Kuala Lumpur cho biết. Trong khi đó, Sathia Varqa, đồng sáng lập Palm Oil Analytics có trụ sở tại Singapore cho biết, những người tham gia thị trường chờ đợi dự báo sản lượng dầu cọ trong tháng 8/2020 từ Hiệp hội Dầu cọ Malaysia để có thêm định hướng giá.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 04/9