Dầu giảm do số liệu thất vọng của Mỹ
Giá dầu giảm trong phiên đêm qua sau khi số liệu sản xuất thất vọng của Mỹ gây ra những lo lắng mới về suy giảm kinh tế toàn cầu, nhưng mức giảm được hạn chế bởi việc cắt giảm sản lượng của OPEC và các lệnh trừng phạt của Mỹ chống Venezuela.
Dầu thô Brent kỳ hạn chốt phiên 4/2/2019 giảm 24 US cent hay 0,38% xuống 62,51 USD/thùng. Dầu thô Tây Texas WTI giảm 70 US cent hay 1,27% xuống 54,56 USD/thùng.
Thị trường dầu mỏ đang chịu áp lực từ việc số liệu của chính phủ Mỹ cho thấy các đơn đặt hàng hóa sản xuất tại Mỹ bất ngờ giảm trong tháng 11/2018, trong đó nhu cầu thiết bị máy móc và điện tử giảm mạnh.
Giá dầu cũng giảm sau khi số liệu tồn kho tại Cushing, Oklahoma, điểm phân phối dầu thô kỳ hạn của Mỹ, tăng hơn 943.000 thùng trong tuần kết thúc vào 1/2/2019 (theo số liệu từ công ty tình báo thị trường Genscape).
Trong phiên giá dầu đã lên mức cao nhất hai tháng, dầu Brent đạt 63,63 USD/thùng, cao nhất kể từ ngày 7/12/2018, dầu WTI tăng lên 55,75 USD/thùng, cao nhất kể từ ngày 21/11/2018. Giá được hỗ trợ bởi việc cắt giảm sản lượng của OPEC và các đồng minh bắt đầu từ tháng 1/2019.
Tác động việc cắt giảm sản lượng của OPEC+ càng lớn bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ với công ty dầu mỏ PDVSA thuộc Venezuela. Liên minh Châu Âu đang cân nhắc áp đặt thêm các lệnh trừng phạt với chính phủ của Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro nhưng không thảo luận về một lệnh cấm vận dầu mỏ.
Tuy nhiên, trong khi OPEC cắt giảm sản lượng, nguồn cung của Mỹ tiếp tục tăng, sản lượng gần đây nhất đạt 11,9 triệu thùng/ngày.
Vàng giảm do đồng USD tăng
Giá vàng giảm xuống gần mức thấp nhất trong một tuần do đồng USD tăng bởi số liệu kinh tế Mỹ lạc quan.
Vàng kỳ hạn của Mỹ chốt phiên 4/2/2019 giảm 0,2% xuống 1.319,3 USD/ounce. Vàng giao ngay giảm 0,3% xuống 1.313,4 USD/ounce. Trong phiên có lúc giá vàng giảm xuống 1.308,2 USD, mức thấp nhất kể từ ngày 29/1/2019.
Các thương nhân đang "đợi và theo dõi" về tình trạng không rõ ràng trong nhu cầu của Trung Quốc, tranh chấp thương mại với Washington và vấn đề Brexit.
Đồng USD tăng mạnh so với rổ các tiền tệ khác, do các nhà đầu tư lạc quan từ số liệu việc làm mạnh mẽ của Mỹ trong ngày 1/2/2019, trong khi các thị trường chứng khoán toàn cầu gần mức cao nhất trong hai tháng.
Phần lớn Châu Á đóng cửa nghỉ lễ trong tuần này, đồng USD cũng được hỗ trợ bởi tâm lý tích cực từ các cuộc đàm phán Mỹ - Trung gần đây.
Phản ánh tâm lý nhà đầu tư là lượng vàng nắm giữ của quý SPDR Gold Trust, quỹ tín thác vàng lớn nhất thế giới, giảm 0,8% xuống 817,4 tấn.
Kẽm đạt mức cao nhất trong 7 tháng
Giá kẽm tăng lên mức cao nhất 7 tháng trong phiên qua, bởi những lo ngại về tình trạng thiếu hụt khi dự trữ đang giảm và hạn chế liên quan tới môi trường, đồng thời công suất sản xuất mới tại Trung Quốc bị chậm trễ.
Kẽm trên sàn giao dịch kim loại London kết thúc phiên tăng 0,8% lên 2.800 USD/tấn, trước đó giá đã chạm 2.801 USD/tấn, cao nhất kể từ ngày 4/7/2018.
Theo một khảo sát của Antaike với các nhà máy luyện kim, sản lượng kẽm của Trung Quốc đạt 4,53 triệu tấn trong năm 2018, giảm 4,6% hay 218.000 tấn so với năm 2017, giảm mạnh nhất kể từ năm 2013.
Kẽm có diễn biến tồi tệ nhất trong các kim loại cơ bản năm 2018, giảm 25,7% do lo ngại về dư cung. Tuy nhiên từ đầu năm tới nay giá đã tăng gần 13%. Các nhà phân tích dự kiến thị trường kẽm cân bằng trong năm nay khi nguồn khai thác tăng để đáp ứng nhu cầu khoảng 14 triệu tấn.
Dự trữ kẽm ở mức 112.500 tấn, chưa bằng 1/2 mức dự trữ hồi tháng 8/2018.
Khối lượng giao dịch dự kiến giảm trong tuần này do nghỉ Tết Nguyên đán tại Trung Quốc, nơi chiếm khoảng một nửa nhu cầu toàn cầu về kim loại công nghiệp.
Cao su TOCOM cao nhất trong 1,5 tuần
Giá cao su tại Tokyo tăng lên mức cao nhất trong 1,5 tuần trong phiên 4/2/2019, do giá dầu mạnh và đồng JPY suy yếu so với đồng USD.
Giá dầu đạt mức cao nhất 2 tháng trên 63 USD/thùng bởi OPEC cắt giảm sản lượng và các lệnh trừng phạt của Mỹ chống lại sản phẩm dầu của Venezuela.
Đồng USD gần mức cao nhất 1 tuần so với JPY do số liệu việc làm và sản xuất của Mỹ mạnh hơn dự kiến. Đồng JPY yếu hơn khiến các tài sản định giá bằng đồng tiền này giá cả phải chăng hơn khi mua bằng các đồng tiền khác.
Hợp đồng cao su TOCOM kỳ hạn tháng 7/2019 kết thúc phiên tăng 3,7 JPY hay 2,1% lên 182,7 JPY/kg. Trong phiên hợp đồng này đã lên 185 JPY, cao nhất kể từ ngày 23/1/2019.
Hợp đồng cao su TSR 20 giao tháng 8/2019 tăng 1,6% đóng cửa tại 153,7 JPY/kg.
Đường tăng
Đường thô kỳ hạn tháng 3/2019 chốt phiên tăng 0,25 US cent hay 2% lên 12,85 US cent/lb.
Thị trường tiếp tục đi lên, giá tăng đáng kể có thể kích hoạt xuất khẩu từ Ấn Độ, nơi dự trữ đang tăng, và việc chuyển nhiều mía sang để sản xuất đường hơn là ethanol tại Brazil.
Nông dân trồng mía Ấn Độ đã bị các nhà máy nợ 200 tỷ rupee (2,8 tỷ USD) sau khi giá đường tinh luyện giảm dưới chi phí sản xuất.
Đường trắng kỳ hạn tháng 3/2019 chốt phiên tăng 2,2 USD hay 0,7% lên 340 USD/tấn.
Cà phê tăng
Cà phê arabia kỳ hạn tháng 3/2019 tăng 1,9 US cent hay 1,8% lên 1,056 USD/lb.
Theo Tổ chức Cà phê Quốc tế ICO, xuất khẩu cà phê toàn cầu tăng 0,9% trong tháng 12/2018 so với tháng 12/2018, đạt 10,43 triệu bao (loại 60 kg/bao).
Cà phê robusta kỳ hạn tháng 3/2018 tăng 9 USD hay 0,7% lên 1.556 USD/tấn.
Hoạt động giao dịch cà phê trên thị trường giao ngay có thể chậm lại trong tuần này do Việt Nam, nhà sản xuất robusta hàng đầu thế giới nghỉ Tết.
Thị trường rau trước Lễ hội mùa xuân Trung Quốc
Lễ hội mùa xuân Trung Quốc (bắt đầu vào ngày 5/2/2019), điều đó có nghĩa là thị trường sản phẩm nông nghiệp đã bước vào mùa bận rộn và giao dịch đang nở rộ. Thị trường rau quả cũng không ngoại lệ.
Một số loại rau tăng giá đáng kể trước Lễ hội mùa xuân theo mô hình thị trường. Các lễ hội kích thích nhu cầu của người tiêu dùng. Ngoài ra, giá thành của các loại rau trái vụ tương đối cao, điều này càng khiến giá bán lẻ tăng.
Điều kiện thời tiết ở miền nam Trung Quốc cũng không lý tưởng. Đã có nhiều ngày mưa và tuyết rơi làm hạn chế sản lượng rau và tăng giá thành vận chuyển.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 05/02