Dầu tăng 1% do lạc quan về đàm phán thương mại Mỹ - Trung
Giá dầu tăng khoảng 1% trong phiên vừa qua khi Mỹ và Trung Quốc tiến gần hơn đến một thỏa thuận chấm dứt một cuộc chiến tranh thương mại đã làm tăng trưởng kinh tế toàn cầu chững lại, đồng thời Nga đồng minh của OPEC cho biết họ sẽ tăng cường cắt giảm sản lượng dầu thô.
Tuy nhiên đà tăng giá bị hạn chế bởi chỉ số chứng khoán giảm, làm suy yếu tâm lý trên các thị trường dầu mỏ.
Dầu thô Brent đóng cửa phiên 04/3/2019 ở mức 65,67 USD/thùng, tăng 60 US cent hay 0,9% lên. Dầu thô Tây Texas tăng 79 US cent hay 1,4% lên 56,59 USD/thùng.
Washington và Bắc Kinh tiến gần tới một thỏa thuận thương mại sẽ bỏ việc áp thuế quan mới của Mỹ ít nhất với 200 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc khi Trung Quốc cam kết thực hiện thay đổi cấu trúc kinh tế và kết thúc trả đũa thuế quan.
Bộ trưởng Năng lượng Nga, thành viên đồng minh lớn nhất của OPEC ở ngoài tổ chức này, cho biết quốc gia này dự định tăng cường cắt giảm sản lượng trong tháng 3/2019.
Reuters dẫn nguồn OPEC cho biết OPEC và các đối tác (gọi là OPEC+) sẽ quyết định chính sách sản lượng mới trong tháng 6/2019 thay vì trong cuộc họp tháng 4 của tổ chức này tại Vienna. OPEC+ dự kiến tiếp tục cắt giảm sản lượng tại cuộc họp tháng 6, nhưng điều đó phụ thuộc nhiều vào lệnh trừng phạt của Mỹ với các thành viên OPEC là Iran và Venezuela.
Sản lượng dầu thô của OPEC đã giảm xuống mức thấp nhất 4 năm trong tháng 2/2019, theo một khảo sát của Reuters, do nước xuất khẩu dầu nhiều nhất thế giới Saudi Arabia giảm sản lượng nhiều hơn đã cam kết và do các lệnh trừng phạt của Mỹ với lĩnh vực dầu mỏ của Venezuela đã có hiệu lực.
Dự trữ dầu thô của Mỹ đang tăng trong tuần trước, trong khi sản phẩm dầu mỏ dường như giảm tuần thứ 3 liên tiếp, theo một thăm dò sơ bộ của Reuters.
Vàng giảm do hy vọng thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung
Giá vàng giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 5 tuần do lạc quan về khả năng thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới dường như đạt được một thỏa thuận sẽ bỏ việc áp thuế quan mới của Mỹ với hàng hóa Trung Quốc trị giá ít nhất 200 tỷ USD và có thể chấm dứt tình trạng tranh chấp thương mại kéo dài.
Vàng giao ngay giảm 0,5% xuống 1.286,94 USD/ounce, trong phiên giá đã xuống 1.282,5 USD/ounce, thấp nhất kể từ ngày 25/1/2019. Vàng kỳ hạn của Mỹ đóng cửa phiên giảm 0,9% xuống 1.287,5 USD/ounce, thiết lập phiên giảm giá thứ 6 liên tiếp.
Chỉ số đồng USD so với rổ các đồng tiền khác ở mức cao nhất trong 10 ngày, với lợi suất kho bạc Mỹ tăng dẫn tới nhu cầu đồng USD càng tăng.
Lượng vàng nắm giữ của SPDR Gold Trust, quỹ tín thác vàng lớn nhất thế giới giảm 1,5% trong ngày 1/3/2019, giảm một ngày nhiều nhất tính theo phần trăm kể từ tháng 12/2016.
Nickel tăng lên mức cao nhất 6 tháng
Giá nickel lên mức cao nhất 6 tháng trong phiên qua, do dự đoán nguồn cung thiếu hụt năm thứ 4 liên tiếp được củng cố bởi những dấu hiệu nhu cầu mạnh từ các nhà máy thép không gỉ ở Trung Quốc.
Nickel trên sàn giao dịch kim loại London (LME) chốt phiên tăng 0,5% lên 13.255 USD/tấn, trong phiên giá đã đạt mức cao nhất kể từ cuối tháng 8/2018 tại 13.485 USD/tấn. Trong năm nay giá nickel đã tăng 24%, diễn biến tốt nhất trong số các kim loại trên sàn LME.
Số liệu từ Tổ chức nghiên cứu nickel quốc tế cho thấy thị trường nickel thiếu hụt 46.000 tấn trong năm 2016, 115.000 tấn trong năm 2017 và 127.000 tấn trong năm 2018. Nhu cầu nickel toàn cầu ước tính khoảng 2,4 triệu tấn trong năm nay. Trong đó, khoảng 2/3 giành cho các nhà máy thép không gỉ, chủ yếu ở Trung Quốc.
Dự trữ nickel tại các kho của LME ở mức 196.542 tấn giảm gần một nửa kể từ đầu tháng 1/2018. Dự trữ theo dõi tại các kho trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải ở mức dưới 10.000 tấn, giảm gần 40% kể từ giữa tháng 11/2018.
Quặng sắt cao nhất trong 3 tuần
Giá quặng sắt Trung Quốc tăng gần 5% lên mức cao nhất trong 3 tuần trong phiên qua, do dự kiến các nhà máy thép tăng cường dự trữ trong bối cảnh tồn kho thấp.
Các nhà máy thép tại quốc gia tiêu thụ quặng sắt lớn nhất thế giới này đã mua nguyên liệu thô chậm lại do giá thép tăng trong tháng 2/2019.
Dự trữ quặng sắt nhập khẩu ở các cảng Trung Quốc tiếp tục tăng trong tuần trước (tính tới ngày 3/3/2019) lên 146,05 triệu tấn, mức cao nhất kể từ cuối tháng 9/2018, theo số liệu của SteelHome. Các nhà phân tích cũng dự kiến giá thép tăng trong bối cảnh nhu cầu ngày càng tăng thúc đẩy giá nguyên liệu thô.
Hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 5/2019 tăng khoảng 4,9% lên 646,5 CNY (96,58 USD)/tấn khi thị trường mở cửa ngày 4/3/2019, nhưng chốt phiên giá tăng 0,7% lên 620,5 CNY/tấn.
Giá thép cũng tăng bởi lo ngại về nguồn cung hạn hẹp khi một vài thành phố ở miền bắc Trung Quốc yêu cầu các nhà máy thép giảm sản lượng, một nỗ lực nhằm giảm ô nhiễm môi trường.
Đường Sơn thành phố luyện thép hàng đầu trong ngày 1/3/2019 đã đưa ra cảnh báo khói bụi cấp 1, mức cao nhất trong hệ thống cảnh báo ô nhiễm 4 cấp của quốc gia này, yêu cầu các nhà máy hạn chế sản lượng khoảng 40 – 70%, thậm chí dừng sản xuất từ ngày 1/3 đến 6/3/2019.
Giá thép thanh xây dựng trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải tăng 0,9% lên 2.811 CNY/tấn. Thép cuộn cán nóng tăng 0,1% lên 3.791 CNY/tấn.
Cao su TOCOM tăng mặc dù giảm ở Thượng Hải
Giá cao su kỳ hạn TOCOM tăng trong phiên ngày 4/3 bất chấp giá cao su kỳ hạn giảm ở Thượng Hải.
Hợp đồng cao su TOCOM kỳ hạn tháng 8/2019 đóng cửa tăng 2,2 JPY lên 206,2 JPY/kg. Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 5/2019, được giao dịch nhiều nhất trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải giảm 155 CNY xuống 12.495 CNY/tấn.
Cao Lu, chuyên gia phân tích thuộc Orient Futures cho biết giá được hỗ trợ bởi tin tức trước đó từ các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung. Giá cao su dự kiến vẫn yếu nếu không có tin tức quan trọng khác.
Cà phê giảm
Cà phê arabica kỳ hạn tháng 5/2019 giảm 2,85 US cent hay 2,8% xuống 97,35 US cent/lb sau khi giảm xuống 97,05 US cent/lb. Giá đã tiếp cận mức thấp nhất trong hơn 5 tháng (đã chạm tới trong tuần trước) bởi nguồn cung toàn cầu dồi dào.
Trong báo cáo tháng 2 mới công bố Tổ chức Cà phê Quốc tế cho biết xuất khẩu cà phê trong 4 tháng đầu của niên vụ 2018/19 tăng 6,6% lên 41,96 triệu bao, phản ánh nguồn cung cà phê dồi dào trên thị trường quốc tế.
Triển vọng sản lượng đang cải thiện tại Brazil nước sản xuất hàng đầu thế giới cũng đã khiến thị trường giảm. Niên vụ 2019/20 sản lượng của Brazil dự báo ở mức 57,6 triệu bao loại 60kg/bao, gồm 38 triệu bao arabica và 19,5 triệu bao robusta, theo ngân hàng Rabobank.
Cà phê robusta chốt phiên giảm 13 USD hay 0,9% xuống 1.521 USD/tấn sau khi giảm mức thấp nhất trong gần 6 tuần tại 1.517 USD/tấn.
Đường giảm
Đường thô kỳ hạn tháng 5/2019 chốt phiên giảm 0,26 US cent hay 2,1% xuống 12,36 US cent/lb, sau khi giảm xuống mức thấp nhất trong hơn hai tuần tại 12,35 UD cent/lb.
Các đại lý cho biết thị trường tiếp tục thiếu xu hướng tổng thể rõ ràng, mức hỗ trợ quanh 12,34 US cent mức thấp của tháng trước và mức kháng cự quanh 13 US cent. Ngoài ra lễ hội Carnival trong tuần này tại nước xuất khẩu hàng đầu Brazil có thể làm giảm các giao dịch.
Đường trắng kỳ hạn tháng 5/2019 đóng cửa giảm 3,1 USD hay 0,9% xuống 341,3 USD/tấn.
Thái Lan dự báo sẽ dư cung trái cây trong năm nay
Các dự báo về sản lượng lớn trái cây trong năm nay đang khiến các quan chức nông nghiệp lo lắng. Văn phòng Kinh tế Nông nghiệp đã dự đoán rằng 863.258 tấn sầu riêng, măng cụt, chôm chôm và nhãn sẽ được sản xuất trong năm nay tại Chanthaburi, Rayong và Trat, ba tỉnh miền đông được gọi là trung tâm trái cây ở Thái Lan, tăng 30% so với năm trước. Trong khi đó sản lượng nhãn ở các tỉnh phía bắc được dự báo sẽ tăng 4% lên 703.355 tấn.
Indonesia xuất khẩu 3.010 tấn măng cụt sang Trung Quốc
Tổng thư ký Nông nghiệp Indonesia đã tổ chức một buổi lễ chính thức tại Purwakarta, phía tây Java, kỷ niệm việc xuất khẩu 3.010 tấn măng cụt sang Trung Quốc. Măng cụt là một trong những loại trái cây chất lượng hàng đầu đặc trưng ở Indonesia. Xuất khẩu măng cụt có sự gia tăng rõ rệt giữa năm 2013 và 2018.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 05/03