Giá dầu giảm hơn 3%
Giá dầu giảm hơn 3% và có tuần giảm mạnh nhất kể từ tháng 6/2020, do lo ngại kinh tế phục hồi chậm lại từ đại dịch Covid-19, dấy lên mối lo ngại về nhu cầu dầu suy yếu.
Chốt phiên giao dịch ngày 4/9, dầu thô Brent giảm 1,41 USD tương đương 3,2% xuống 42,66 USD/thùng và dầu thô Tây Texas WTI giảm 1,6 USD tương đương 3,9% xuống 39,77 USD/thùng. Tính chung cả tuần, giá dầu Brent giảm 5,3% và dầu WTI giảm 7,4%.
Giá dầu chịu áp lực giảm bởi thị trường chứng khoán Mỹ giảm và tăng trưởng việc làm tại Mỹ trong tháng 8/2020 chậm lại, khi không còn sự hỗ trợ tài chính từ chính phủ.
Ngoài ra, giá dầu cũng chịu áp lực giảm khi báo cáo của chính phủ Mỹ trong tuần này cho thấy rằng, nhu cầu xăng nội địa giảm một lần nữa, trong khi tồn trữ sản phẩm chưng cất tại trung tâm dầu của Châu Á tại Singapore vượt mức cao nhất 9 năm.
Nhu cầu dầu toàn cầu có thể giảm 9-10 triệu thùng/ngày trong năm nay do đại dịch, Bộ trưởng Năng lượng Nga, Alexander Novak cho biết.
Giá khí tự nhiên tiếp đà tăng
Giá khí tự nhiên tại Mỹ tăng, được hỗ trợ bởi kỳ vọng xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng tăng sau khi giảm trong tuần trước đó, do cơn bão Laura đã đóng cửa các cơ sở và nhà máy xuất khẩu.
Giá khí tự nhiên kỳ hạn tháng 10/2020 trên sàn New York tăng 10,1 US cent tương đương 4,1% lên 2,588 USD/mmBTU. Tính chung cả tuần, giá khí tự nhiên giảm 3,5%, tuần giảm đầu tiên trong 5 tuần và có tuần giảm mạnh nhất kể từ tuần kết thúc ngày 17/7/2020.
Giá vàng giảm tiếp, bạch kim tăng
Giá vàng giảm do số liệu việc làm tại Mỹ cao hơn so với dự kiến, thúc đẩy đồng USD tăng, khiến vàng có tuần giảm 1,8%.
Vàng giao ngay trên sàn LBMA giảm 0,2% xuống 1.927,04 USD/ounce và vàng kỳ hạn tháng 12/2020 trên sàn New York giảm 0,2% xuống 1.934,3 USD/ounce. Tính từ đầu năm đến nay, giá vàng tăng 27% được hỗ trợ bởi lãi suất gần bằng 0 trên toàn cầu và chính sách tiền tệ nới lỏng, đặc biệt từ Fed và nhu cầu trú ẩn an toàn được thúc đẩy bởi bức tranh kinh tế ảm đạm do đại dịch virus corona.
Chỉ số đồng USD tăng 0,1% và có tuần tăng mạnh nhất kể từ giữa tháng 5/2020, khiến vàng trở nên đắt hơn khi mua bằng tiền tệ khác.
Giá bạch kim tăng 0,9% lên 897,61 USD/ounce song có tuần giảm mạnh nhất (3,4%) kể từ giữa tháng 6/2020.
Giá đồng tăng trở lại
Giá đồng tăng do kỳ vọng nhu cầu tại nước tiêu thụ hàng đầu – Trung Quốc – tăng mạnh, được củng cố bởi tồn trữ đồng tại London chạm mức thấp lịch sử.
Giá đồng trên sàn London tăng 2,2% lên 6.711 USD/tấn, sau khi đạt mức cao nhất 2 năm (6.830 USD/tấn) trong phiên ngày 31/8/2020.
Tồn trữ đồng tại London giảm 2.725 tấn xuống 82.450 tấn, thấp nhất kể từ tháng 12/2005. Trong khi đó, tồn trữ đồng tại Thượng Hải tăng 6.787 tấn lên 176.873 tấn trong tuần tính đến ngày 4/9/2020.
Giá quặng sắt và thép đều giảm
Giá quặng sắt tại Trung Quốc giảm do tồn trữ quặng sắt tại các cảng của nước này tăng, song triển vọng nhu cầu quặng sắt và sản phẩm thép tăng mạnh đã hạn chế đà suy giảm.
Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2021 trên sàn Đại Liên giảm 1,5% xuống 850 CNY (124,3 USD)/tấn, sau 6 phiên tăng liên tiếp. Tuy nhiên tính chung cả tuần, giá quặng sắt tăng 3,2%.
Đồng thời, giá quặng sắt trên sàn Singapore giảm 1% xuống 123 USD/tấn, sau chuỗi tăng 5 phiên liên tiếp.
Tồn trữ quặng sắt nhập khẩu tại 45 cảng của Trung Quốc trong tuần tính đến ngày 3/9/2020 tăng tuần thứ 2 liên tiếp, tăng 0,6% lên 113,7 triệu tấn, công ty tư vấn Mysteel cho biết.
Dự báo nhu cầu thép Trung Quốc sẽ tăng từ tháng 9/2020 do thời tiết mát hơn và việc sửa chữa sau trận lũ lụt gần đây đã thúc đẩy hoạt động xây dựng, trong khi nhu cầu toàn cầu được cải thiện có thể thúc đẩy xuất khẩu hơn nữa, Hiệp hội Sắt Thép Trung Quốc cho biết.
Trên sàn Thượng Hải, giá thép cây giảm 1,1%, giá thép cuộn cán nóng giảm 0,9% và giá thép không gỉ giảm 2,9%.
Giá cao su giảm
Giá cao su tại Osaka giảm gần 3% và có tuần giảm, khi các nhà phân tích cho thấy rằng nền kinh tế của nước này giảm hơn so với dự kiến trước đó.
Giá cao su kỳ hạn tháng 2/2021 trên sàn Osaka giảm 4,8 JPY tương đương 2,6% xuống 180 JPY/kg. Tính chung cả tuần, giá cao su giảm 3,2%.
Đồng thời, giá cao su kỳ hạn tháng 1/2021 trên sàn Thượng Hải giảm gần 1% xuống 12.580 CNY/tấn.
Nền kinh tế Nhật Bản có khả năng giảm mạnh hơn so với ước tính trước đó trong quý 2/2020, khi chi tiêu vốn cơ bản bị ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, điều này thách thức các nhà hoạch định chính sách đối mặt với việc ngăn chặn suy thoái sâu hơn.
Giá cà phê cao nhất 8 tháng
Giá cà phê Arabica tăng phiên thứ 7 liên tiếp lên mức cao nhất kể từ tháng 12/2019.
Giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 12/2020 trên sàn ICE tăng 2,8 US cent tương đương 2,1% lên 1,34 USD/lb, cao nhất 8 tháng.
Đồng thời, giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 11/2020 trên sàn London tăng 8 USD tương đương 0,6% lên 1.444 USD/tấn.
Giá đường thấp nhất 1 tháng
Giá đường chạm mức thấp nhất 1 tháng và có tuần giảm 5,7% do nhu cầu suy yếu và kỳ vọng sản lượng đường tại nước sản xuất hàng đầu - Ấn Độ - có thể trở lại mức bình thường trong niên vụ tới.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 10/2020 trên sàn ICE giảm 0,14 US cent tương đương 1,2% xuống 11,93 US cent/lb, sau khi chạm mức thấp nhất 1 tháng (11,86 US cent/lb) trong đầu phiên giao dịch.
Đồng thời, giá đường trắng giao cùng kỳ hạn trên sàn London tăng 0,9 USD tương đương 0,3% lên 354,5 USD/tấn.
Tổ chức Đường Quốc tế (ISO) dự báo sản lượng đường Ấn Độ sẽ tăng lên 31,5 triệu tấn niên vụ 2020/21 từ mức 27,2 triệu tấn niên vụ 2019/20 và dự kiến nhu cầu toàn cầu hồi phục khiến thị trường thiếu hụt ít.
Giá đậu tương vẫn cao nhất hơn 2 năm, ngô tăng, lúa mì giảm
Nhu cầu Trung Quốc gia tăng đã thúc đẩy giá đậu tương lên mức cao nhất hơn 2 năm, trong khi giá ngô tăng do lo ngại về năng suất cây trồng tại Mỹ bị ảnh hưởng bởi thời tiết xấu.
Trên sàn Chicago, giá đậu tương kỳ hạn tháng 11/2020 tăng 2 US cent lên 9,68 USD/bushel, trong đầu phiên giao dịch đạt 9,69-1/2 USD/bushel, cao nhất kể từ tháng 6/2018. Giá ngô kỳ hạn tháng 12/2020 tăng 4-1/4 US cent lên 3,58 USD/bushel. Giá lúa mì kỳ hạn tháng 11/2020 giảm 3 US cent xuống 5,5-1/4 USD/bushel, thấp nhất kể từ ngày 27/8/2020, sau khi đạt mức cao nhất kể từ ngày 1/4/2020 trong ngày 1/9/2020.
Bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết, các nhà xuất khẩu tư nhân đã bán 318.000 tấn đậu tương Mỹ sang Trung Quốc và 175.000 tấn khô đậu tương sang Philippines, tất cả đều giao hàng trong năm marketing 2020/21.
Công ty tư vấn SovEcon tại Nga – nước xuất khẩu lúa mì hàng đầu thế giới – nâng dự báo sản lượng lúa mì của nước này năm 2020 lên 82,6 triệu tấn từ mức 81,2 triệu tấn dự báo trước đó.
Giá dầu cọ giảm
Giá dầu cọ tại Malaysia giảm 1% và rời khỏi chuỗi tăng 6 phiên liên tiếp, do ước tính tồn trữ dầu cọ trong tháng 8/2020 tăng, song giá dầu cọ có tuần tăng thứ 2 liên tiếp.
Giá dầu cọ kỳ hạn tháng 11/2020 trên sàn Bursa Malaysia giảm 31 ringgit tương đương 1,7% xuống 2.860 ringgit (689,82 USD)/tấn. Trong phiên trước đó, giá dầu cọ tăng 2,8% lên mức cao nhất hơn 7 tháng và có tuần tăng 4,5%.
Tồn trữ dầu cọ của Malaysia tính đến cuối tháng 8/2020 tăng 5,4% so với tháng 7/2020, tăng lần đầu tiên trong 4 tháng. Sản lượng dầu cọ trong tháng 8/2020 tăng 2%, trong khi xuất khẩu giảm 14%. Dự báo sản lượng và tồn trữ tăng gây áp lực đối với giá dầu cọ, thương nhân có trụ sở tại Singapore cho biết.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 05/9