Dầu tiếp đà tăng
Giá dầu tăng nhẹ, mặc dù OPEC và các đồng minh lên kế hoạch cắt giảm sản lượng sâu nhất trong thập kỷ này, để ngăn chặn tình trạng dư cung dầu thô.
Chốt phiên giao dịch đêm qua, dầu thô Brent tăng 39 US cent tương đương 0,6% lên 63,39 USD/thùng. Dầu thô Tây Texas WTI ở mức 58,43 USD/thùng, không thay đổi so với phiên trước đó, sau khi đạt mức cao nhất kể từ cuối tháng 9/2019 trong đầu phiên giao dịch.
OPEC và các nước sản xuất đồng minh do Nga dẫn đầu được gọi là OPEC+, khuyến nghị cắt giảm sản lượng sâu thêm 500.000 thùng/ngày (bpd) trong quý đầu tiên của năm 2020, trong khi mức cắt giảm hiện tại của OPEC+ đến tháng 3/2020 là 1,2 triệu bpd. Như vậy, tổng cắt giảm sẽ là 1,7 triệu bpd, chiếm 1,7% nguồn cung toàn cầu, Bộ trưởng Năng lượng Nga, Alexander Novak cho biết.
Khí tự nhiên tăng
Giá khí tự nhiên tại Mỹ tăng sau dự báo mới nhất cho rằng thời tiết trong tuần tới sẽ lạnh hơn nhiều so với tuần này, mặc dù dự kiến thời tiết đến giữa tháng 12/2019 sẽ ít lạnh hơn so với dự báo trước đó.
Giá khí tự nhiên kỳ hạn tháng 1/2020 trên sàn New York tăng 2,8 US cent tương đương 1,2% lên 2,427 USD/mmBTU.
Vàng tăng, palađi đạt mức cao kỷ lục mới
Giá vàng tăng do sự không chắc chắn từ những thông tin trái chiều về các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung, làm lu mờ số liệu kinh tế tích cực ngoài Mỹ.
Vàng giao ngay trên sàn LBMA tăng 0,2% lên 1.477,12 USD/ounce, trong phiên trước đó đạt 1.484 USD/ounce, cao nhất kể từ ngày 7/11/2019. Vàng kỳ hạn tháng 2/2020 trên sàn New York tăng 0,2% lên 1.483,1 USD/ounce.
Đồng thời, giá palađi tiếp tục đạt mức cao kỷ lục mới 1.876,54 USD/ounce, do lo ngại thiếu hụt nguồn cung.
Đồng duy trì vững
Giá đồng duy trì vững trong bối cảnh thị trường theo dõi diễn biến tranh chấp thương mại Mỹ - Trung và lo ngại về lĩnh vực sản xuất tại nước tiêu thụ hàng đầu – Trung Quốc.
Giá đồng trên sàn London thay đổi nhẹ ở mức 5.889 USD/tấn. Như vậy, tính đến nay giá đồng giảm hơn 10% kể từ mức cao (6.600 USD/ounce) trong tháng 4/2019, song thay đổi nhẹ so với mức hồi đầu năm 2019.
Hoạt động nhà máy của Trung Quốc cho thấy những dấu hiệu cải thiện bất ngờ trong tháng 11/2019, song các nhà phân tích lo ngại về giảm phát trong lĩnh vực này và không tin rằng điều tồi tệ nhất đã kết thúc đối với các nhà sản xuất Trung Quốc. Trong khi Trung Quốc chiếm gần 1/2 nhu cầu đồng toàn cầu, ước đạt khoảng 24 triệu tấn trong năm nay.
Thép cuộn cán nóng cao nhất hơn 4 tháng, quặng sắt giảm
Giá thép cuộn cán nóng (HRC) tại Trung Quốc tăng phiên thứ 6 liên tiếp, do dự trữ giảm và hoạt động nhà máy của nước này trong tháng 11/2019 bất ngờ tăng.
Giá thép cuộn cán nóng trên sàn Thượng Hải chốt phiên tăng 0,7% lên 3.619 CNY (514,14 USD)/tấn, sau khi tăng 1,5% lên mức cao nhất kể từ ngày 26/7/2019 vào đầu phiên giao dịch, do dự trữ thép HRC tại Trung Quốc tính đến ngày 29/11/2019 giảm xuống còn 2,04 triệu tấn, thấp nhất kể từ ngày 18/1/2019, công ty tư vấn SteelHome cho biết.
Trong khi đó, trên sàn Thượng Hải, giá thép cây giảm 0,6% xuống 3.585 CNY/tấn. Giá thép không gỉ giảm 0,4% trong bối cảnh nguồn cung tại Trung Quốc dồi dào. Đồng thời, giá quặng sắt trên sàn Đại Liên giảm 0,5% sau 2 phiên tăng liên tiếp.
Cao su cao nhất hơn 5 tháng
Giá cao su tại Tokyo tăng gần 5% lên mức cao nhất hơn 5 tháng, do giá cao su kỳ hạn trên sàn Thượng Hải tăng mạnh đã thúc đẩy hoạt động mua vào, trong bối cảnh lạc quan mới về các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung, sau những bình luận tích cực từ Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Giá cao su kỳ hạn tháng 5/2020 trên sàn TOCOM tăng 9,3 JPY tương đương 4,9% lên 198 JPY (1,82 USD)/kg. Trong phiên có lúc đạt 198,3 JPY/kg, cao nhất kể từ ngày 24/6/2019 và có ngày tăng mạnh nhất kể từ tháng 6/2017.
Đồng thời, trên sàn Thượng Hải, giá cao su kỳ hạn tháng 5/2020 tăng 455 CNY lên 13.200 CNY (1.875 USD)/tấn. Giá cao su TSR20 tăng 430 CNY lên 11.150 CNY/tấn.
Giá cao su tăng cũng được hỗ trợ bởi nội các Thái Lan đã phê duyệt kế hoạch cắt giảm 21% diện tích trồng cao su trong 20 năm và thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu tăng gấp hơn 3 lần.
Đường cao nhất 9 tháng
Giá đường tăng cao nhất 9 tháng do hoạt động đẩy mạnh mua vào và nguồn cung thắt chặt.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 3/2020 trên sàn ICE tăng 0,03 US cent tương đương 0,2% lên 13,09 US cent/lb, trong phiên có lúc đạt 13,14 US cent/lb, cao nhất kể từ ngày 26/2/2019. Giá đường trắng giao cùng kỳ hạn trên sàn London tăng 1,3 USD tương đương 0,4% lên 347,9 USD/tấn.
Cà phê không thay đổi tại Việt Nam và Indonesia, tăng tại London, cao nhất hơn 1 năm tại New York
Các thị trường xuất khẩu cà phê hàng đầu châu Á giao dịch trầm lắng, giá cà phê xuất khẩu hầu như không thay đổi tại thị trường Việt Nam và Indoensia, song cao nhất hơn 1 năm tại New York.
Giá cà phê robusta xuất khẩu của Việt Nam (loại 2, 5% đen &vỡ) được chào giá cộng 90-100 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 1/2020 trên sàn London, không thay đổi so với cách đây 1 tuần. Tại thị trường nội địa, cà phê nhân xô được bán với giá 32.300-32.500 đồng (1,39-1,4 USD)/kg, giảm so với 33.000 đồng/kg hồi tuần trước.
Tại Indonesia, giá cà phê robusta loại 4 (80 hạt lỗi) chào bán ở mức cộng 200 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 1/2020 trên sàn London, không thay đổi so với cách đây 1 tuần.
Indonesia xuất khẩu 15.798,5 tấn cà phê robusta Sumatran từ tỉnh Lampung trong tháng 11/2019, tăng 41% so với tháng 11/2018.
Giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 3/2020 trên sàn ICE tăng 2,65 US cent tương đương 2,2% lên 1,239 USD/lb, trong phiên có lúc đạt 1,253 USD/lb, cao nhất hơn 1 năm. Giá cà phê robusta giao cùng kỳ hạn trên sàn London tăng 22 USD tương đương 1,6% lên 1.392 USD/tấn.
Khô đậu tương cao nhất gần 2 tuần, đậu tương tăng, lúa mì và ngô đều giảm
Giá đậu tương tại Mỹ tăng phiên thứ 3 liên tiếp do giá khô đậu tương tăng mạnh, sau thông tin cho rằng một nhà máy nghiền đậu tương Argentina đang gặp khó khăn về tài chính.
Trên sàn Chicago, giá khô đậu tương kỳ han tháng 1/2020 tăng 1,7% lên mức cao nhất gần 2 tuần. Giá đậu tương giao cùng kỳ hạn tăng 6-1/4 US cent lên 8,84-1/4 USD/bushel.
Những rắc rối tại nhà máy nghiền đậu tương Vicentin Argentina bắt đầu quá trình tái cơ cấu thanh toán do "căng thẳng tài chính", có thể thắt chặt nguồn cung khô đậu tương toàn cầu.
Trong khi đó, trên sàn Chicago, giá lúa mì mềm đỏ, vụ đông kỳ hạn tháng 3/2020 giảm 3-3/4 US cent xuống 5,23-3/4 USD/bushel. Giá ngô giao cùng kỳ hạn giảm 1-3/4 US cent xuống 3,76-3/4 USD/bushel.
Gạo tại Ấn Độ thấp nhất 3 năm, giảm tại Việt Nam, thay đổi nhẹ tại Thái Lan
Giá gạo tại nước xuất khẩu hàng đầu - Ấn Độ - giảm xuống mức thấp nhất 3 năm do nhu cầu yếu và nguồn cung từ vụ thu hoạch hè dồi dào, trong khi giá gạo tại Việt Nam giảm. Nhu cầu tiêu thụ gạo Thái chậm chạp trong khi nguồn từ vụ mới dồi dào.
Đối với loại 5% tấm, gạo Việt Nam giảm còn 345 USD/tấn, giảm so với mức 345-350 USD/tấn, trong khi đó gạo Thái Lan dao động từ 397-410 USD/tấn so với mức 395- 409 USD/tấn, và gạo Ấn Độ giảm còn 356-361 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ 1/2017 so với 358-362 USD/tấn tuần trước.
Dầu cọ cao nhất 2 năm
Giá dầu cọ tại Malaysia tăng 1,6% lên mức cao nhất 2 năm, do đồng ringgit suy yếu và triển vọng nguồn cung trong năm tới thắt chặt.
Giá dầu cọ kỳ hạn tháng 2/2020 trên sàn Bursa Malaysia tăng 43 ringgit tương đương 1,6% lên 2.816 ringgit (675,3 USD)/tấn.
Ngoài ra, giá dầu cọ được hỗ trợ bởi giá dầu thực vật trên sàn Đại Liên, Chicago và Châu Á Thái Bình Dương tăng, Marcello Cultrera, nhà quản lý thuộc Phillip Futures, Kuala Lumpur cho biết. Đồng thời, tổng sản lượng dầu cọ tại Indonesia và Malaysia dự kiến sẽ duy trì ổn định trong năm tới, do thời tiết khô và lượng phân bón tại 2 nước sản xuất dầu thực vật hàng đầu thế giới suy giảm, nhà phân tích hàng đầu thuộc Dorab Mistry cho biết.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 06/12