Giá dầu giảm trở lại
Giá dầu giảm trở lại do lo ngại cung cầu dầu thô toàn cầu đã xói mòn mức tăng trong đầu phiên giao dịch, bởi thông tin về giá bán dầu thô chính thức của Saudi Arabia tăng và xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 4/2020 bất ngờ tăng.
Chốt phiên giao dịch ngày 7/5, dầu thô Brent giảm 26 US cent tương đương 0,9% xuống 29,46 USD/thùng và dầu thô Tây Texas WTI giảm 44 US cent tương đương 1,8% xuống 23,55 USD/thùng.
Trước đó trong phiên, giá dầu Brent tăng hơn 5% và dầu thô Mỹ tăng hơn 10%. Tính chung từ đầu tuần đến nay, giá dầu Brent tăng khoảng 11% và dầu thô Mỹ tăng khoảng 18%. Cả hai loại dầu đã tăng mạnh trong tuần này do các nước nới lỏng việc đóng cửa gây ra bởi virus corona và nhu cầu nhiên liệu hồi phục. Ngoài ra, sản lượng dầu toàn cầu giảm khiến dư cung dầu trên toàn cầu suy giảm.
Trong đầu phiên giao dịch giá dầu tăng cao sau báo cáo giá bán dầu thô của Saudi Arabia và số liệu xuất nhập khẩu của Trung Quốc tăng. Saudi Arabia tăng giá bán dầu chính thức (OSP) trong tháng 6/2020, sau khi các nhà sản xuất toàn cầu thỏa thuận cắt giảm xuất khẩu trong tháng 5/2020 xuống gần mức thấp nhất 1 thập kỷ để hỗ trợ giá.
Tuy nhiên, giá dầu giảm trở lại khi các nhà phân tích thuộc Rystad Energy dự kiến, nhu cầu dầu toàn cầu trong năm 2020 sẽ giảm 10,9% xuống 88,7 triệu thùng/ngày so với khoảng 99,5 triệu thùng/ngày trong năm 2019. Tuần trước, công ty tư vấn năng lượng dự báo nhu cầu dầu trong năm tới sẽ ở mức trung bình 88,8 triệu thùng/ngày. Ngoài ra, giá dầu chịu áp lực giảm bởi tồn trữ dầu thô của Mỹ tại trung tâm lưu trữ Cushing, Oklahoma tăng khoảng 407.000 thùng trong tuần tính đến 5/5/2020.
Giá khí tự nhiên giảm
Giá khí tự nhiên tại Mỹ giảm gần 3% do tồn trữ hàng tuần lớn hơn so với mức thông thường, gây ra bởi virus corona khiến nhu cầu suy giảm.
Giá khí tự nhiên kỳ hạn tháng 6/2020 trên sàn New York giảm 5 US cent tương đương 2,6% xuống 1,894 USD/mmBTU.
Trong tuần trước, tồn trữ khí tự nhiên tăng lên 2,319 nghìn tỉ feet khối (tcf), tăng 20,5% so với mức trung bình 5 năm (1,924 tcf) cùng thời điểm này năm ngoái.
Giá vàng và bạc đều cao nhất 1 tuần
Giá vàng tăng 2% sau 1 loạt số liệu kinh tế yếu kém bao gồm tình trạng thất nghiệp tại Mỹ gia tăng, dấy lên mối lo ngại về suy thoái toàn cầu do virus corona gây ra, trong khi các nhà đầu tư chuyển tập trung sang bảng lương phi nông nghiệp để có thêm manh mối.
Vàng giao ngay trên sàn LBMA tăng 2,1% lên 1.720,36 USD/ounce, trước đó trong phiên giá vàng đạt 1.721,76 USD/ounce, cao nhất hơn 1 tuần và vàng kỳ hạn tháng 6/2020 trên sàn New York tăng 2,2% lên 1.725,8 USD/ounce.
Bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ dự báo sẽ giảm 22 triệu trong tháng 4/2020, vượt xa con số 800.000 trong cuộc suy thoái kinh tế 2007-2009.
Đồng thời, giá bạc tăng 2,9% lên 15,35 USD/ounce, trước đó trong phiên giá bạc tăng lên mức cao nhất 1 tuần (15,42 USD/ounce).
Giá đồng cao nhất gần 2 tháng, kẽm cao nhất gần 5 tuần
Giá đồng tăng phiên thứ 4 liên tiếp khi số liệu xuất nhập khẩu tại nước tiêu thụ hàng đầu – Trung Quốc – tăng, dấu hiệu cho thấy sức khỏe của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới hồi phục.
Giá đồng giao sau 3 tháng trên sàn London tăng 1,5% lên 5.279 USD/tấn, trong phiên có lúc đạt 5.295 USD/tấn, cao nhất kể từ ngày 17/3/2020.
Giá đồng tăng được hỗ trợ bởi tồn trữ đồng tại London giảm xuống mức thấp nhất 1 tháng, giảm 250 tấn xuống 190.200 tấn và tồn trữ đồng tại Thượng Hải chạm mức thấp nhất kể từ tháng 2/2020 (230.956 tấn).
Đồng thời, giá kẽm tăng 1,1% lên 1.998 USD/tấn, cao nhất gần 5 tuần do hoạt động mua vào từ các quỹ đầu cơ máy tính.
Giá quặng sắt và thép đều tăng
Giá quặng sắt và thép tại Trung Quốc tăng phiên thứ 4 liên tiếp, sau khi Bắc Kinh cam kết kích thích nhiều hơn để giảm gánh nặng thuế và tăng cường hỗ trợ tín dụng cho các công ty.
Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 9/2020 trên sàn Đại Liên tăng 2% lên 623 CNY (87,71 USD)/tấn.
Đồng thời, trên sàn Thượng Hải giá thép cây kỳ hạn tháng 10/2020 tăng 1,5% lên 3.439 CNY/tấn và thép cuộn cán nóng tăng 1,9% lên 3.305 CNY/tấn. Giá thép không gỉ kỳ hạn tháng 6/2020 tăng 0,2% lên 13.155 CNY/tấn.
Nhập khẩu quặng sắt của Trung Quốc trong tháng 4/2020 tăng 11,4% so với tháng 3/2020 lên 95,71 triệu tấn, được hỗ trợ bởi nguồn cung ổn định và nhu cầu tăng, trong khi xuất khẩu sản phẩm thép trong 4 tháng đầu năm 2020 giảm 11,7%.
Giá cao su cao nhất 2,5 tuần
Giá cao su tại Tokyo tăng lên mức cao nhất 2,5 tuần theo xu hướng giá cao su tại Thượng Hải tăng, do xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 4/2020 hồi phục trở lại.
Giá cao su kỳ hạn tháng 10/2020 trên sàn TOCOM tăng 3,5 JPY tương đương 2,4% lên 152,3 JPY/kg, cao nhất kể từ ngày 20/4/2020.
Đồng thời, giá cao su kỳ hạn tháng 9/2020 trên sàn Thượng Hải tăng 2,8% lên 10.380 CNY/tấn.
Xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 4/2020 tăng – lần đầu tiên – trong năm nay do các nhà sản xuất tăng sản lượng từ khủng hoảng virus corona.
Giá đường tăng
Giá đường thô kỳ hạn tháng 7/2020 trên sàn ICE tăng 0,06 US cent tương đương 0,6% lên 10,33 US cent/lb, trong tuần trước giá đường thô chạm mức thấp nhất 12,5 năm. Đồng thời, giá đường trắng kỳ hạn tháng 8/2020 trên sàn London tăng 2,9 USD tương đương 0,8% lên 348 USD/tấn.
Giá cà phê tăng tại Việt Nam, giảm tại Indonesia, New York và London
Giá cà phê tại Việt Nam tăng do nguồn cung khan hiếm, trong khi hoạt động giao dịch tại Indonesia vẫn trầm lắng.
Giá cà phê robusta xuất khẩu của Việt Nam (loại 2, 5% đen&vỡ) được chào giá cộng 200 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 7/2020 trên sàn London, tăng so với mức cộng 150 USD/tấn cách đây 2 tuần. Tại thị trường nội địa, cà phê nhân xô được bán với giá dao động 31.000-32.000 đồng (1,32-1,37 USD)/kg, tăng so với 29.500 đ/kg cách đây 2 tuần.
Tại Indonesia, giá cà phê robusta loại 4 (80 hạt lỗi) chào bán ở mức cộng 260-270 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 7/2020 trên sàn London, giảm so với mức cộng 300-310 USD/tấn cách đây 2 tuần, do nước này bắt đầu vào vụ thu hoạch mới.
Indonesia xuất khẩu 11.171 tấn cà phê robusta từ tỉnh Lampung Sumatra trong tháng 4/2020, cao hơn gấp đôi so với tháng 4/2019.
Tại New York, giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 7/2020 giảm 1,6 US cent tương đương 1,4% xuống 1,09 USD/lb.
Tại London, giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 7/2020 giảm 15 USD tương đương 1,2% xuống 1.186 USD/tấn.
Giá đậu tương, ngô và lúa mì đều tăng
Giá ngũ cốc và đậu tương tại Mỹ tăng do hoạt động mua mới ngô và đậu tương của Trung Quốc và dự báo thời tiết đóng băng ở khắp nước này, dấy lên mối lo ngại năng suất cây trồng suy giảm. Tuy nhiên, mức tăng bị hạn chế bởi nguồn cung dồi dào và lo ngại về nhu cầu khi các thương nhân chờ đợi báo cáo cung cầu của Bộ Nông nghiệp Mỹ đưa ra trong tuần tới.
Trên sàn Chicago, giá đậu tương kỳ hạn tháng 7/2020 tăng 11-3/4 US cent lên 8,45-1/2 USD/bushel, giá lúa mì giao cùng kỳ hạn tăng 3 US cent lên 5,22-1/2 USD/bushel và giá ngô kỳ hạn tháng 7/2020 tăng 3-3/4 US cent lên 3,18 USD/bushel.
Giá gạo Ấn Độ cao nhất gần 9 tháng, Việt Nam cao nhất 2 năm, trong khi Thái Lan giảm
Giá gạo tại nước xuất khẩu hàng đầu - Ấn Độ - đạt mức cao nhất gần 9 tháng, do nhu cầu tăng mạnh từ cả khách hàng châu Á và châu Phi, trong khi giá gạo Thái Lan giảm.
Tại Ấn Độ, giá gạo 5% tấm ở mức 378-383 USD/tấn, không thay đổi so với tuần trước đó. Nhu cầu gạo Ấn Độ từ các khách mua hàng châu Á và châu Phi đang dần cải thiện khi New Delhi cung cấp giá cạnh tranh hơn so với Thái Lan. Ngoài ra, giá gạo Ấn Độ còn được hỗ trợ bởi đồng rupee suy yếu.
Tại Thái Lan, giá gạo 5% tấm ở mức 515-546 USD/tấn, giảm so với 535-557 USD/tấn tuần trước đó, do giảm bớt lo ngại về nguồn cung nội địa ngay cả khi nhu cầu nước ngoài không thay đổi.
Đối với loại 5% tấm, gạo Việt Nam tăng lên mức cao mới 2 năm (450 USD/tấn), song hoạt động xuất khẩu vẫn trầm lắng.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 8/5