Dầu giảm nhẹ
Giá dầu thay đổi ít trong phiên vừa qua do lo ngại nhu cầu khi số ca nhiễm virus corona mới tăng vọt làm lu mờ các dự báo sản lượng giảm của chính phủ Mỹ.
Chốt phiên 7/7, dầu thô Brent giảm 2 US cent xuống 43,08 USD/thùng. Dầu thô WTI đóng cửa giảm 1 US cent xuống 40,62 USD/thùng.
Trong đầu phiên giao dịch này, thị trường bật lên bởi dự báo nhu cầu tăng và số liệu việc làm thúc đẩy giá tăng, nhưng sau đó đã đảo chiều khi tập trung trở lại với các trường hợp nhiễm virus corona đang gia tăng.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) dự báo nhu cầu dầu mỏ toàn cầu sẽ phục hồi tới cuối năm 2021, dự đoán nhu cầu đạt 101,1 triệu thùng/ngày vào quý 4 năm tới.
Giá dầu cũng được hỗ trợ khi chứng khoán tăng sau khảo sát của Bộ Lao động Mỹ cho thấy lượng việc làm tăng một tháng lớn nhất đã từng trong tháng 5. Tuy nhiên 16 bang của Mỹ vẫn báo cáo số ca nhiễm Covid-19 mới kỷ lục trong 5 ngày đầu tháng 7.
Florida lại đang đưa ra những hạn chế mở cửa lại nền kinh tế. California và Texas cũng báo cáo số ca nhiễm ở mức cao.
Saudi Arabia đã nâng giá bán dầu thô chính thức giao tháng 8 trong một dấu hiệu nhu cầu đang phục hồi. Nhưng một số nhà phân tích cho biết động thái này có thể bị áp lực bởi lợi nhuận của các nhà máy lọc dầu rất thấp.
Thị trường dầu thô Mỹ đối mặt với một số tình trạng không rõ ràng từ một quyết định của tòa án yêu cầu đóng cửa đường ống Dakota Access, vận chuyển dầu thô lớn nhất từ lưu vực đá phiến Bakken, Bắc Dakota sang khu vực Midwest và Bờ Vịnh, do lo ngại về môi trường.
Vàng vọt lên 1.800 USD
Vàng tăng trong phiên qua do số ca nhiễm Covid-19 mới tăng vọt thúc đẩy hy vọng về các biện pháp chính sách tiền tệ phù hợp hơn và nhu cầu đối với kim loại trú ẩn an toàn này.
Vàng giao ngay tăng 0,7% lên 1.796,08 USD/oucne. Vàng kỳ hạn tháng 8 của Mỹ đóng cửa tăng 0,9% lên 1.809,9 USD/ounce.
Các biện pháp kích thích kinh tế lớn để hạn chế thiệt hại kinh tế từ đại dịch Covid-19 có thể hỗ trợ giá vàng, được xem như rào cản chống lại lạm phát và tranh chấp tiền tệ. Vàng đã tăng hơn 18% trong năm nay.
Đồng lên mức cao nhất 5 tháng
Giá đồng tăng lên mức cao nhất trong hơn 5 tháng do triển vọng nhu cầu mạnh ở Trung Quốc, nước tiêu dùng hàng đầu thế giới và lo lắng về nguồn cung từ Chile, nhà sản xuất kim loại đỏ lớn nhất thế giới này.
Đồng giao sau ba tháng trên sàn giao dịch kim loại London chạm mức cao nhất kể từ ngày 21/1 tại 6.195 USD, chốt phiên giá tăng 0,9% lên 6.182 USD/tấn.
Giá đồng đã tăng hơn 40% kể từ khi đạt mức thấp nhất 4 năm trong tháng 3.
Chỉ số PMI Caixin/Markit của Trung Quốc tăng lên 51,2 trong tháng trước, tốc độ tăng trưởng nhanh nhất kể từ tháng 12/2019 và tăng từ 50,7 hồi tháng 5.
Khảo sát chỉ số PMI trong lĩnh vực sản xuất của Mỹ cũng cho thấy sự phát triển, trong khi ở Châu Âu sự sụt giảm đã dịu bớt.
Quặng sắt tiếp tục tăng do lo lắng nguồn cung của Brazil
Quặng sắt tiếp tục tăng trong ngày hôm nay do nghi ngờ về khả năng phục hồi xuất khẩu của Brazil kéo dài, trong khi sự gia tăng trong chứng khoán và các kim loại công nghiệp của Trung Quốc cũng hỗ trợ tâm lý thị trường.
Quặng sắt trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên tăng phiên thứ 3 liên tiếp, đóng cửa tăng 2,7% lên 767 CNY (109,23 USD)/tấn. Quặng sắt trên sàn giao dịch Singapore tăng 2,1%.
Thị trường chứng khoán Trung Quốc tiếp tục tích cực, phù hợp với sự thúc đẩy của Bắc Kinh để thị trường mạnh lên.
Quặng sắt vẫn được hỗ trợ bởi cả nguồn cung và nhu cầu, với giá giao ngay trên 100 USD/tấn. Brazil đã trở thành trung tâm đại dịch toàn cầu cho đợt bùng phát Covid-19 và đang bắt đầu có một ảnh hưởng tới các công ty khai thác quặng sắt.
Xuất khẩu quặng sắt của Australia và Brazil đã giảm 7,6% trong giai đoạn 29/6 tới 5/7 so với một tuần trước xuống 26,3 triệu tấn, sau khi tăng ổn định trong 3 tuần, theo khảo sát mới nhất của công ty tư vấn Mysteel.
Giá thép thanh trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải tăng 0,5%, thép cuộn cán nóng tăng 0,8% và thép không gỉ tăng 0,7%.
Cao su TOCOM đạt cao nhất 3 tuần
Giá cao su trên sàn giao dịch hàng hóa Tokyo tăng lên mức cao nhất 3 tuần trong phiên qua, do đầu cơ cổ phiếu lên giá tại nước tiêu dùng hàng đầu Trung Quốc và giá cao su Thượng Hải tăng bởi hy vọng phục hồi kinh tế nhanh chóng.
Hợp đồng cao su TOCOM kỳ hạn tháng 12 đóng cửa tăng 0,6 JPY lên 157,4 JPY (1,46 USD)/kg, sau khi chạm mức cao nhất kể từ ngày 15/6 tại 159,7 JPY trong đầu phiên này.
Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 9 trên sàn giao dịch Thượng Hải tăng 20 CNY lên 10.540 CNY (1.500 USD)/tấn, đóng cửa cao nhất kể từ ngày 11/6.
Sự phục hồi mạnh trong lĩnh vực dịch vụ của Mỹ tháng 6 gần như trở lại mức trước đại dịch, cũng hỗ trợ nhu cầu các tài sản rủi ro.
Đường phục hồi từ mức thấp nhất một tuần
Đường thô kỳ hạn tháng 10 đóng cửa tăng 0,25 US cent hay 2,1% lên 12,18 US cent/lb, phục hồi sau khi xuống mức thấp nhất một tuần tại 11,78 US cent trong phiên này.
Các đại lý cho biết đường thô vẫn giao dịch không rõ chiều hướng trong ngắn hạn, bởi kinh tế suy giảm nhưng được củng cố bởi thời tiết khô hạn tại Brazil và nông dân Brazil hạn chế bán ra.
Các nhà đầu cơ nâng vị thế mua ròng đường thô trên sàn ICE 5.839 hợp đồng lên 45.920 hợp đồng trong tuần tính tới ngày 30/6.
Đường trắng kỳ hạn tháng 8 tăng 2,2 USD hay 0,6% lên 350,5 USD/tấn.
Cà phê tăng
Cà phê arabica kỳ hạn tháng 9 đóng cửa tăng 2,15 US cent hay 2,2% lên 1,003 US cent/lb, giá đã giảm gần 5% trong phiên trước do những lo lắng về thời tiết bất lợi tại Brazil đã lùi xa.
Các đại lý cho biết các thương gia dự kiến giá giảm 7 tới 10 US cent do đại dịch Covid-19 làm tổn hại nhu cầu, trong khi Brazil thu hoạch sản lượng kỷ lục.
Cà phê robusta kỳ hạn tháng 9 tăng 16 USD hay 1,4% lên 1.191 USD/tấn.
Xuất khẩu vải thiều của Trung Quốc đang tăng
Theo số liệu của hải quan Trung Quốc tại Trạm Giang, Quảng Đông, các khu vực sản xuất vải thiều ở Maoming và Trạm Giang đã xuất khẩu hơn 1.850 tấn trong năm nay, cao hơn 60% so với năm ngoái.
Maoming và Trạm Giang nổi tiếng với tổng diện tích trồng vải thiều khoảng 111.333 ha. Maoming là khu vực sản xuất vải thiều lớn nhất thế giới với tổng diện tích 90.000 ha, chiếm 1/5 diện tích trồng vải thiều ở Trung Quốc.
Cho đến nay, Maoming và Trạm Giang đã xuất khẩu 1.856,8 tấn vải thiều với tổng giá trị là 35.851 nghìn CNY (5.104.289 USD). Khối lượng xuất khẩu tăng 64,8% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi giá trị xuất khẩu tăng 45,9%. Maoming và Trạm Giang chủ yếu xuất khẩu vải thiều sang Mỹ, Canada, Úc, Singapore và Thái Lan. Maoming cũng mở rộng thị trường vải thiều ở Indonesia, Malaysia, Panama và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 08/07