Dầu giảm do xuất khẩu của Trung Quốc yếu
Giá dầu giảm sau khi số liệu cho thấy xuất khẩu của Trung Quốc giảm tháng thứ 4 liên tiếp, gây lo lắng cho thị trường vốn đã lo ngại về cuộc chiến thương mại giữa Washington và Bắc Kinh gây thiệt hại cho nhu cầu toàn cầu.
Chốt phiên 9/12, dầu thô Brent kỳ hạn tháng 2/2020 giảm 14 US cent hay 0,22% xuống 64,25 USD/thùng, sau khi tăng khoảng 3% trong tuần trước do tin tức OPEC và các đồng minh sẽ cắt giảm sản lượng sâu hơn.
Dầu Tây Texas WTI kỳ hạn tháng 1/2020 giảm 17 US cent hay 0,24% xuống 59,02 USD/thùng, giá tăng khoảng 7% trong tuần trước.
Ngân hàng Goldman Sachs đã điều chỉnh dự báo giá dầu Brent giao ngay lên 63 USD/thùng vào năm 2020 tăng từ dự báo 60 USD trước đó.
Ngân hàng BofA Merrill Lynch cho biết việc tuân thủ mạnh mẽ theo thỏa thuận OPEC+ cùng với sự phát triển kinh tế tích cực như thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung Quốc có thể đẩy giá dầu Brent lên 70 USD/thùng trước quý 2/2020.
Khí tự nhiên giảm hơn 4%
Khí tự nhiên của Mỹ giảm hơn 4% xuống mức thấp nhất trong gần 2 tháng do các dự báo thời tiết không lạnh như dự kiến trước đây.
Khí tự nhiên kỳ hạn tháng 1/2020 trên sàn giao dịch hàng hóa New York giảm 10,2 US cent hay 4,4% xuống 2,232 USD/mmBtu, đóng cửa thấp nhất kể từ ngày 11/10.
Palađi tăng lên kỷ lục, vàng ổn định
Palađi khan hiếm tăng lên mức cao mới gần 1.900 USD, trong khi giá vàng giữ ổn định do tình trạng không chắc chắn về các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung Quốc đạt được bước tiến quan trọng trước thời hạn chót thuế mới của Mỹ ngày 15/12.
Vàng giao ngay trên sàn giao dịch LBMA ổn định tại 1.459,52 USD/ounce. Vàng kỳ hạn tháng 2/2020 của Mỹ đóng cửa tăng không đổi tại 1.464,9 USD/ounce.
Trợ lý Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Ren Hongbin cho biết Bắc Kinh hy vọng có thể đạt được thỏa thuận thương mại làm hài lòng cả hai bên càng sớm càng tốt, nhưng các nhà đầu tư dường như không muốn từ bỏ vàng giữa lúc hy vọng đạt được thỏa thuận trước ngày 15/12 giảm đi.
Cũng hỗ trợ vàng là xuất khẩu của Trung Quốc giảm tháng thứ 4 liên tiếp trong tháng 11, nhấn thêm áp lực từ cuộc chiến thương mại.
Ngân hàng đầu tư của Mỹ Goldman Sachs cho biết nhu cầu đầu tư vàng sẽ được hỗ trợ bởi lo sợ nguy cơ suy thoái toàn cầu và bất ổn chính trị, dự báo giá vàng ở mức 1.600 USD/ounce trong giai đoạn từ 3 đến 12 tháng.
Palađi đạt mức cao kỷ lục 1.898,50 USD/ounce do lo ngại về nguồn cung. Kim loại này đã tăng 0,3% lên 1.883,29 USD vào 1h50 sáng nay theo giờ Hà Nội.
Các quy định về khí thải ngày càng nghiêm ngặt trên toàn cầu đang tăng palađi trong chất xúc tác cho ô tô chạy bằng xăng và năm 2020 có thể thấy nhiều quy định mới. Palađi đã tăng gần 50% trong năm nay do nguồn cung thiếu hụt đáng kể và liên tục phá kỷ lục mặc dù lĩnh vực ô tô toàn cầu đang suy yếu.
Đồng cao nhất 4,5 tháng
Giá đồng tăng lên mức cao nhất 4,5 tháng do hy vọng tăng trưởng và nhu cầu mạnh hơn tại Trung Quốc, nước tiêu thụ hàng đầu thế giới. Tuy nhiên khả năng Mỹ và Trung Quốc đạt được thỏa thuận giai đoạn 1 nhằm giảm leo thang tranh chấp thương mại kéo dài đã hạn chế đà tăng.
Đồng trên sàn giao dịch kim loại London đóng cửa tăng 1,4% lên 6.075 USD/tấn. Giá kim loại này được các nhà đầu tư sử dụng để đánh giá sức khỏe nền kinh tế, trước đó trong phiên đã đạt 6.076,50 USD, cao nhất kể từ ngày 22/7.
Nhập khẩu chung của Trung Quốc bất ngờ tăng 0,3% so với một năm trước, tăng trưởng lần đầu tiên kể từ tháng 4/2019. Hoạt động sản xuất của Trung Quốc có những dấu hiệu cải thiện trong tháng 11 với mức tăng cao nhất trong gần 3 năm, theo một khảo sát khu vực tư nhân.
Nhập khẩu đồng trong tháng 11 của Trung Quốc lên 483.000 tấn, tăng 12,1% so với tháng trước và đạt mức cao nhất trong hơn một năm.
Trung Quốc cho biết họ hy vọng đạt được thỏa thuận thương mại với Mỹ càng sớm càng tốt, trong bối cảnh các cuộc đàm phán căng thẳng trước khi Mỹ áp thuế nhập khẩu mới cho hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc có hiệu lực từ ngày 15/12.
Cũng đang hỗ trợ giá đồng là dự trữ kim loại này giảm trong kho LME, ở mức 190.825 tấn.
Hợp đồng quyền lựa chọn quặng sắt của Trung Quốc khởi sắc trong ngày đầu giao dịch
Trung Quốc, nhà sản xuất thép hàng đầu thế giới, bắt đầu giao dịch hợp đồng quyền lựa chọn quặng sắt trong ngày 9/12 trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên, do quốc gia này tìm cách cung cấp thêm các công cụ phòng ngừa rủi ro cho các nhà sản xuất quặng sắt, các thương nhân và nhà sản xuất quặng thép.
Hợp đồng quặng sắt quyền lựa chọn tháng 5/2020 trên sàn giao dịch Đại Liên giao dịch với khối lượng 53.350 lô và giá biến động khoảng 26%.
Hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 5/2020 đóng cửa tăng 5,6% lên 653 CNY/tấn.
Giá quặng sắt tăng cũng do tâm lý đang cải thiện, khi chính phủ cam kết tăng cường hỗ trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng.
Trung Quốc cố gắng đóng vai trò lớn hơn trong việc định giá các thành phần sản xuất thép. Sau khi mở hợp đồng quặng sắt kỳ hạn cho các nhà đầu tư nước ngoài trong tháng 5/2018, sàn Đại Liên đã bổ sung các thương hiệu cho hợp đồng quặng sắt tương lai và bắt đầu một nền tảng giao dịch cơ bản trong năm nay.
Cao su TOCOM tăng, Thượng Hải giảm
Giá cao su trên sàn giao dịch hàng hóa Tokyo (TOCOM) tăng trong ngày hôm nay sau khi ở mức cao nhất 5,5 tháng trong phiên trước, do tâm lý được cải thiện vì số liệu việc làm của Mỹ mạnh làm tăng lạc quan về nền kinh tế toàn cầu.
Hợp đồng cao su TOCOM kỳ hạn tháng 5/2020 đóng cửa tăng 0,3 JPY lên 197,3 JPY (1,82 USD)/kg sau khi ở gần mức cao nhất kể từ ngày 24/6 trong ngày 6/12.
Giá cao su kỳ hạn tháng 5/2020 trên sàn giao dịch Thượng Hải giảm 35 CNY đóng cửa tại 13.200 CNY (1.875 USD)/tấn. Hợp đồng cao su TSR 20 mới giảm 35 CNY xuống 11.135 CNY/tấn.
Tăng trưởng việc làm của Mỹ tháng 11 mạnh nhất 10 tháng do lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tăng thêm tuyển dụng và công nhân sản xuất tại General Motor trở lại làm việc sau cuộc đình công, một dấu hiệu mạnh mẽ cho thấy nền kinh tế không có nguy cơ đình trệ.
Xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 11 giảm tháng thứ 4 liên tiếp, cho thấy ảnh hưởng với các nhà sản xuất từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc, nhưng tăng trưởng nhập khẩu có thể là một dấu hiệu cho thấy các biện pháp kích thích của Bắc Kinh đang thúc đẩy nhu cầu. Nhập khẩu cao su của Trung Quốc, nước tiêu thụ lớn nhất thế giới giảm 5,6% trong tháng 11/2019 so với tháng 11/2018.
Đường thô đạt mức cao nhất trong 9 tháng
Đường thô kỳ hạn tháng 3/2020 chốt phiên tăng 0,20 US cent hay 1,5% lên 13,38 US cent/lb, giá đã đạt 13,42 US cent, cao nhất kể từ cuối tháng 2/2019.
Uttar Pradesh, bang sản xuất đường hàng đầu của Ấn Độ đã giữ nguyên giá nhà máy phải thanh toán cho người trồng mía không đổi trong vụ này, trong một nỗ lực cắt giảm sản lượng đường dư thừa của nước này.
Đường trắng kỳ hạn tháng 3/2020 đóng cửa tăng 4,1 USD hay 0,9% lên 351,6 USD/tấn.
Cà phê tăng giá
Cà phê arabica kỳ hạn tháng 3/2020 tăng 3,6 US cent hay 2,9% lên 1,284 USD/lb, cao nhất kể từ tháng 10/2018.
Dự trữ trên sàn ICE giảm từ 2,5 triệu bao trong tháng 3 xuống khoảng 2,1 triệu bao, đã hỗ trợ giá cà phê.
Commerzbank cho biết Tổ chức Cà phê Thế giới (ICO) dự báo thiếu hụt 502.000 tấn, trong khi không đề cập tới dư thừa 3,7 triệu tấn của vụ trước, có thể thúc đẩy giá tăng gần đây.
Tuy nhiên, họ bổ sung rằng giá có thể bị hạn chế do khả năng vụ cà phê 2020/21 tại Brazil đạt kỷ lục.
Colombia đã vạch ra một lộ trình đảm bảo sản xuất cà phê bền vững với các kế hoạch nâng cao chất lượng và sản lượng.
Cà phê robusta kỳ hạn tháng 3/2020 giảm 11 USD hay 0,8% xuống 1.401 USD/tấn.
Xuất khẩu tỏi của Trung Quốc sang Châu Phi tăng hàng năm
Kể từ vụ thu hoạch trong tháng 6/2019, giá tỏi đã có một vài biến động. Một số nhà cung cấp đã tạm ngừng giao hàng cho thị trường địa phương Trung Quốc, giá tại thị trường trong nước đã tăng chậm lại. Tuy nhiên sự biến động của thị trường tỏi trong nước đã không ảnh hưởng tới xuất khẩu. Do đó khối lượng và giá cả xuất khẩu ổn định so với năm ngoái.
Tổng sản lượng tỏi của Trung Quốc trong năm nay khoảng 6 triệu tấn, thấp hơn 2 triệu tấn so với năm ngoái. Mặc dù thời tiết ở Sơn Đông trong năm nay hoàn toàn khô ráo, không ảnh hưởng đáng kể tới sản xuất.
Châu Âu, Trung Đông và Châu Phi là các thị trường chính cho tỏi tươi của công ty Thực phẩm Shandong Xuanyi. Năm nay, công ty này xuất khẩu khoảng 3.000 tấn, tăng khoảng 10% so với năm ngoái. Trong số các thị trường xuất khẩu, khả năng nhập khẩu của các thị trường Châu Phi tăng nhanh chóng. Cho tới nay công ty đã xuất khẩu 500 tấn tỏi tươi sang các thị trường này. Trước khi đưa vào kho lạnh trong tháng 9/2019, giá tỏi lần đầu tiên tăng sau đó giảm. Kể từ khi kho lạnh được mở vào tháng 10/2019 giá đã ngừng giảm và bắt đầu tăng. Hiện giá FOB là 1.200 – 1.500 CNY/tấn. Tỏi Trung Quốc có bề ngoài hấp dẫn và vị cay, rất phổ biến với khách hàng nước ngoài.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 10/12