Dầu hồi phục lên trên 73 USD
Giá dầu Brent tăng vượt 73 USD/thùng chỉ sau một thời gian rất ngắn khi các dữ liệu cho thấy nguồn cung ở Mỹ ngày càng bị thắt chặt do hậu quả của cơn bão Ida và bởi kỳ vọng thương mại Mỹ - Trung sẽ được đẩy mạnh trong thời gian tới, khiến nhà đầu tư hướng tới những tài sản có độ rủi ro cao.
Khoảng 3/4 sản lượng khai thác dầu ngoài khơi của Vùng Vịnh của Mỹ, tương đương khoảng 1,4 triệu thùng mỗi ngày, vẫn tạm dừng kể từ cuối tháng 8. Con số này gần bằng sản lượng của một thành viên OPEC là Nigeria.
Kết thúc phiên này, giá dầu Brent tăng lên mức 1,47 USD, tương đương 2,3%, lên 72,92 USD. Mức cao nhất trong phiên là 73,15 USD/thùng. Dầu Tây Texas Mỹ (WTI) tăng 1,58 USD, tương đương 2,3%, lên 69,72 USD.
Thị trường dầu mỏ khởi sắc một phần cũng nhờ tin tức về cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình, động thái được các nhà phân tích dấy lên hy vọng rằng quan hệ sẽ ấm áp hơn và thương mại toàn cầu nhờ đó sẽ phát triển hơn.
Giá vàng giảm
Giá vàng giảm trong phiên vừa qua do thị trường không chắc chắn về thời điểm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ bắt đầu thu hẹp chương trình mua tài sản, khiến hầu hết các nhà đầu tư chỉ đứng ngoài thị trường. Đồng USD tuần này tăng giá đã khiến vàng kết thúc một tuần giảm đầu tiên trong vòng 5 tuần.
Kết thúc phiên này, giá vàng giao ngay giảm 0,2% xuống 1.790,37 USD/ounce, vàng kỳ hạn tháng 12 giảm 0,4% xuống 1.792,1 USD/ounce.
Nickel cao nhất 7 năm, nhôm tiếp tục tăng
Giá nickel đã tăng lên mức cao nhất trong vòng hơn 7 năm do tình trạng thiếu hụt nguồn cung bởi nhu cầu từ các nhà máy thép không gỉ và các nhà sản xuất pin xe điện tăng mạnh, khiến lượng dự trữ kim loại này giảm mạnh.
Hợp đồng nickel kỳ hạn giao sau 3 tháng trên sàn London tăng 1,2% lên 20.500 USD/tấn vào lúc đóng cửa, sau khi có thời điểm đạt 20.705 USD, mức cao nhất kể từ tháng 5 năm 2014.
Giá nhôm cũng tăng trong phiên này do lo ngại sản xuất ở Trung Quốc bị hạn chế bởi chính sách cắt giảm lượng khí thải ở nước này. Kết thúc phiên, giá nhôm tăng 2,7% lên 2.916 USD/tấn.
Ngô và đậu tương tăng, lúa mì giảm
Giá đậu tương Mỹ vững trong phiên cuối tuần sau khi Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) công bố báo cáo cập nhật cho thấy diện tích đậu tương thu hoạch ở Mỹ giảm, mặc dù phần lớn nội dung trong báo cáo đã được thị trường trước đó dự đoán đúng. Giá lúa mì phiên này giảm, có lúc xuống mức thấp nhất 7 tuần, do giảm bớt lo ngại về nguồn cung lúa mì xuất khẩu trên toàn cầu.
Trên sàn Chicago, giá lúa mì giảm 3-3/4 US cent xuống 6,88-1/2 USD/bushel, sau khi có lúc xuống mức thấp nhất kể từ cuối tháng 7.
Giá đậu tương tăng 16 US cent lên 12,86-1/2 USD/bushel, ghi nhận mức tăng lớn nhất kể từ ngày 24/8.
Giá ngô kết thúc phiên ở mức tăng 7-1/2 cent lên 5,17-1/2 USD/bushel vào cuối phiên, mặc dù có thời điểm giảm xuống 4,97-1/2 USD, mức thấp nhất kể từ ngày 25 tháng 1 năm 2021, tính chung cả tuần giảm 1,24%.
Giá đường giảm
Giá đường giảm trong phiên vừa qua do các quỹ hàng hóa và các nhà đầu tư bán thanh lý mạnh mẽ, trong bối cảnh nhu cầu yếu.
Kết thúc phiên, đường thô kỳ hạn tháng 10 giảm 0,45 cent, tương đương 2,3%, xuống 18,79 cent/lb vào cuối phiên, sau khi có lúc chạm mức thấp nhất kể từ đầu tháng 8, là 18,73 cent.
Đường trắng giao cùng kỳ hạn phiên này giảm 1,7% xuống 466,90 USD/tấn.
Giá cà phê tăng
Giá cà phê đảo chiều hồi phục trong phiên vừa qua, với hợp đồng kỳ hạn tháng 12 tăng 0,6%, tương đương 0,3%, lên 1,8805 USD/lb.
Tại Brazil – nước sản xuất arabica hàng đầu thế giới, nơi đầu mùa này đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi hạn hán và băng giá – đã có một số trận mưa trong những ngày gần đây, và dự kiến mưa sẽ tiếp diễn vào cuối tuần này ở các bang trồng cà phê như Parana, Sao Paulo và Minas.
Những tuần tới, cây cà phê rất cần mưa bởi sắp đến mùa ra hoa.
Cà phê robusta kỳ hạn tháng 11 phiên này cũng giảm 2 USD, tương đương 0,1%, xuống
Cao su hồi phục
Giá cao su tại Nhật Bản hồi phục từ mức thấp nhất gần 11 tháng do các nhà đầu tư ngừng bán khống vào cuối tuần, mặc dù tâm lý chung vẫn không mấy lạc quan trong bối cảnh lo ngại về sản lượng ô tô toàn cầu giảm.
Kết thúc phiên giao dịch, giá cao su kỳ hạn tháng 2 trên sàn Osaka tăng 2,6 yên, tương đương 1,3%, lên 202,2 yên (1,8 USD)/kg. Trước đó, trong cùng phiên, có lúc giá giảm xuống 197,4 yên, thấp nhất kể từ ngày 16 tháng 10 năm ngoái.
Cao su kỳ hạn tháng 1 trên sàn Thượng Hải phiên này cũng tăng 155 CNY lên 13.435 CNY (2.087 USD)/tấn.
Giá quặng sắt giảm
Giá quặng sắt Trung Quốc giảm trong phiên cuối tuần, tính chung cả tuần cũng đi xuống, trong đó hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tham chiếu dao động quanh mức thấp nhất gần 7 tháng do lo ngại về việc ngành thép nước này sẽ hạn chế sản lượng.
Hợp đồng quặng sắt kỳ hạn giao dịch nhiều nhất trên sàn Đại Liên (Trung Quốc) kết thúc phiên giảm 0,3% xuống 732,50 CNY (113,66 USD)/tấn.
Quặng sắt kỳ hạn tháng 10 trên Sàn giao dịch Singapore cũng giảm 0,4% xuống 129,15 USD/tấn.
Tương tự như phiên liền trước, giá thép tiếp tục tăng. Trên sàn Thượng Hải, thép cây tăng 1,3%, thép cuộn cán nóng tăng 0,4% và thép không gỉ tăng 0,2%.
Khí gas cao nhất từ trước đến nay
Giá khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) giao ngay tại châu Á đã tăng trong tuần này lên mức cao kỷ lục tính theo mùa vụ do khách hàng châu Âu cạnh tranh với khách hàng Châu Á để mua hàng trong bối cảnh nguồn cung hạn hẹp.
Giá LNG kỳ hạn tháng 10 giao tới các nước Đông Bắc Á trung bình trong tuần này là khoảng 20,1 USD/mmBtu, tăng 0,2 USD so với tuần trước.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng 11/9: