Dầu tăng gần 4%
Giá dầu tăng mạnh, gần 4%, trong phiên vừa qua do nguồn cung thắt chặt và kỳ vọng rằng số ca nhiễm virus Covid-19 gia tăng và sự lây lan của biến thể Omicron sẽ không làm chệch hướng hồi phục kinh tế toàn cầu.
Kết thúc phiên, giá dầu Brent trên sàn London tăng 2,85 USD, tương đương 3,5%, lên 83,72 USD/thùng, mức cao nhất kể từ đầu tháng 11. Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) kết thúc phiên cũng tăng 2,99 đô la, tương đương 3,8%, chốt ở 81,22 đô la, cũng là mức giá cao nhất kể từ giữa tháng 11.
Đồng USD yếu đi trong phiên này và tình trạng nguồn cung thiếu hụt cũng góp phần đẩy giá tăng mạnh.
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), ông Jerome Powell, cho biết ông hy vọng tác động của Omicron đối với kinh tế sẽ chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, đồng thời thêm rằng các quý tiếp theo nền kinh tế có thể sẽ diễn biến rất tích cực sau khi số ca nhiễm biến thể này giảm xuống.
Mặc dù hiện tại OPEC+ đang trong lộ trình khôi phục dần sản lượng, song tình trạng thiếu công suất ở một số nước OPEC đã khiến lượng dầu bổ sung ra thị trường hàng tháng luôn ở dưới mức 400.000 thùng/ngày mà nhóm đã thống nhất vào năm ngoái. Tình trạng mất điện gần đây ở Libya cũng làm tăng giá, và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Libya cho biết họ đang tạm ngừng xuất khẩu từ cảng Es Sider.
Vàng tăng 1% do USD giảm
Giá vàng tăng 1% do USD yếu đi sau bài điều trần của Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell, trước Quốc hội đã không tạo ra bất kỳ bất ngờ nào về chính sách thắt chặt tiền tệ, trong khi lợi suất trái phiếu Mỹ giảm cũng hỗ trợ giá vàng hồi phục.
Kết thúc phiên, giá vàng giao ngay tăng 1% lên 1.819,58 USD/ounce, trong khi giá vàng kỳ hạn tháng 2 tăng 1,1% lên 1.818,50 USD.
Trong phiên điều trần, ông Powell lưu ý rằng các nhà hoạch định chính sách vẫn đang tranh luận về các phương pháp tiếp cận để giảm bảng cân đối tài sản của Fed, đồng thời cho biết lạm phát đang vượt xa mục tiêu và "đó là một con đường dài" đối với bất cứ điều gì tương tự như chính sách thắt chặt.
Sau bài phát biểu của ông, đồng USD giảm 0,4% so với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt, trong khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm quay đầu giảm khỏi mức cao kỷ lục gần đây.
Thép không gỉ tăng vọt, quặng sắt cũng tăng
Giá thép không gỉ trên thị trường Trung Quốc tăng hơn 5% trong phiên vừa qua do lo ngại nguồn cung bị thắt chặt khi các nhà sản xuất cắt giảm sản lượng. Giá nguyên liệu sản xuất hợp kim này, cụ thể là nickel, tăng mạnh cũng góp phần hỗ trợ giá tăng.
Hợp đồng thép không gỉ kỳ hạn tháng 2 trên sàn Thượng Hải phiên vừa qua có lúc tăng 5,3% lên 17.920 nhân dân tệ (2.812,39 USD)/tấn, kết thúc phiên vẫn tăng 4,4% lên 17.760 nhân dân tệ/tấn.
Giá các loại thép khác trên sàn Thượng Hải cũng tăng. Thép thanh vằn dùng trong xây dựng, kỳ hạn giao tháng 5, tăng 2% lên 4.589 nhân dân tệ/tấn; thép cuộn cán nóng, được sử dụng trong sản xuất ô tô và thiết bị gia dụng, tăng 1,6% lên 4.719 nhân dân tệ/tấn vào lúc đóng cửa.
Giá quặng sắt kỳ hạn trên Sàn giao dịch Hàng hóa Đại Liên kết thúc phiên tăng 2,8% lên 724 nhân dân tệ/tấn.
Nickel cao nhất kể từ 2012
Giá nickel tiếp tục xu hướng tăng gần đây, lên mức cao nhất trong gần 10 năm do lượng tồn trữ trên toàn cầu giảm dần cho thấy nhu cầu ổn định trong khi sự ngừng hoạt động tại Sàn giao dịch kim loại London (LME) ảnh hưởng đến giao dịch.
Các nhà giao dịch cho biết thời gian ngừng hoạt động qua đêm tại thị trường lớn nhất thế giới về kim loại công nghiệp kéo dài 5 giờ và cản trở hoạt động vì một số giao dịch không thành công.
Nickel kỳ hạn 3 tháng trên sàn LME tăng 5% lên 21.430 USD/tấn, cao nnhất kể từ khi chạm mức 21.850 USD vào tháng 2/2012. Giá nickel trên Sàn giao dịch hàng hóa kỳ hạn Thượng Hải (ShFE) cũng tăng.
Lượng nickel còn trữ ở các kho có bảo đảm của sàn LME hiện đang ở mức thấp nhất kể từ tháng 12 năm 2019 là 48.846 tấn.
Cao su giảm do yen hồi phục và lo ngại về đại dịch
Giá cao su kỳ hạn trên thị trường Nhật Bản giảm trong phiên vừa qua do đồng yên phục hồi so với đồng đô la thúc đẩy hoạt động bán ra, trong khi lo ngại rằng sự lây lan của biến thể s Omicron trên toàn thế giới có thể làm nhu cầu toàn cầu đối với vật liệu này chậm lại, khiến tâm lý của nhà đầu tư trên thị trường bị suy giảm.
Cao su kỳ hạn tháng 6 trên Sở giao dịch Osaka lết thúc phiên vừa qua đã giảm 1,9 yên, tương đương 0,8%, xuống 239,5 yên (2,1 USD)/kg. Phiên liền trước, thứ Hai (10/1), thị trường tài chính Nhật Bản đã đóng cửa nghỉ lễ.
Đồng đô la đứng ở mức 115,25 Yên trong phiên 11/1, so với 115,90 Yên hôm thứ Sáu (7/1) – phiên giao dịch liền trước ở thị trường Nhật Bản. Đồng yên mạnh lên khiến tài sản tính bằng đồng yên trở nên kém hấp dẫn khi mua bằng các loại tiền tệ khác.
Giá cao su kỳ hạn tháng 5 trên sàn Thượng Hải phiên vừa qua tăng 85 nhân dân tệ lên 15.020 nhân dân tệ (2.357 USD)/tấn, kết thúc trên 15.000 nhân dân tệ lần đầu tiên kể từ ngày 1 tháng 12 năm 2021.
Hợp đồng cao su giao sau 1 tháng trên Sàn giao dịch Singapore giảm 0,2% xuống 177,7 US cent/kg.
Ngô, lúa mì và đậu tương tăng
Giá lúa mì Mỹ phiên vừa qua tăng khoảng 1% do xuất khẩu gia tăng và lượng bán mạnh trước khi Bộ Nông nghiệp Mỹ công bố một số báo cáo quan trọng.
Giá ngô và đậu tương phiên này cũng tăng trong bối cảnh thị trường chờ đợi báo cáo cập nhật về sản lượng mùa vụ năm 2021 của Mỹ và lượng tồn trữ. Lo lắng về thời tiết nông vụ ở Nam Mỹ và giá dầu thô tăng cũng hỗ trợ giá các mặt hàng này đi lên.
Theo đó, giá lúa mì kết thúc phiên đã tăng 6-3/4 cent lên 7,68-3/4 USD, sau khi đạt 7,70-1/4 USD, mức cao nhất kể từ ngày 5/1.
Giá ngô giao tháng 3 tăng 1 cent lên 6,00-3/4 USD/bushel, và đậu tương cũng giao tháng 3 tăng 3/4 cent lên 13,85-1/2 USD/bushel.
Giá đường tăng
Giá đường thô hồi phục từ mức thấp nhất 5,5 tháng do lượng bán ra từ các quỹ đã giảm nhanh. Theo đó, đường thô kỳ hạn tháng 3 tăng 0,28 cent, tương đương 1,6%, lên 18,11 cent/lb, lấy lại một phần đã mất, sau khi giảm xuống mức thấp nhất trong 5-1/2 tháng là 17,60 cent vào hôm thứ Hai (10/1).
Giá đường trắng giao cùng kỳ hạn phiên này cũng tăng 8,50 USD hay 1,8% lên 489,80 USD/tấn.
Cà phê tăng
Giá cà phê arabica giao tháng 3 tăng 2,15 cent, tương đương 0,9%, lên 2,3705 USD/lb.
Các đại lý cho biết thị trường tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ nguồn cung thắt chặt sau khi xuất khẩu của nước sản xuất cà phê hàng đầu Brazil sụt giảm mạnh.
Hợp đồng kỳ hạn tháng 3 có thể sẽ chạm mức kháng cự 2,3865 USD/lb, nếu phá vỡ ngưỡng đó có thể tiếp tục tăng lên 2,4260 USD.
Giá cà phê robusta giao tháng phiên này cũng tăng 8 USD, tương đương 0,4%, lên 2.268 USD/tấn.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng 12/1: