Giá dầu cao nhất 7 năm
Giá dầu tăng 3% lên mức cao mới 7 năm, do căng thẳng Ukraine và Nga – nước sản xuất năng lượng hàng đầu – dấy lên mối lo ngại nguồn cung dầu thô toàn cầu thắt chặt.
Chốt phiên giao dịch ngày 11/2, dầu thô Brent tăng 3,03 USD tương đương 3,3% lên 94,44 USD/thùng và dầu thô Tây Texas WTI tăng 3,22 USD tương đương 3,6% lên 93,1 USD/thùng. Cả hai loại dầu đều đạt mức cao nhất kể từ cuối năm 2014, vượt mức cao kỷ lục hôm 7/2/2022 và có tuần tăng thứ 8 liên tiếp, do lo ngại nguồn cung toàn cầu khi nhu cầu hồi phục từ đại dịch virus corona.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nâng dự báo nhu cầu năm 2022 và dự kiến nhu cầu toàn cầu trong năm nay tăng 3,2 triệu thùng/ngày (bpd) lên mức cao kỷ lục 100,6 triệu bpd. Báo cáo của cơ quan giám sát năng lượng đưa ra sau cảnh báo của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cho rằng, nhu cầu dầu thế giới có thể tăng mạnh hơn nữa trong năm nay, do kinh tế hồi phục mạnh sau đại dịch.
Giá khí tự nhiên vẫn thấp nhất 3 tuần
Giá khí tự nhiên tại Mỹ giảm xuống mức thấp nhất 3 tuần, do sản lượng hồi phục nhanh từ thời tiết khắc nghiệt tuần trước và thời tiết cao hơn bình thường đến cuối tháng 2/2022.
Giá khí tự nhiên kỳ hạn tháng 3/2022 trên sàn New York giảm 1,8 US cent tương đương 0,5% xuống 3,941 USD/mmBTU – thấp nhất kể từ ngày 20/1/2022 – lần thứ 2 liên tiếp. Tính chung cả tuần, giá khí tự nhiên giảm 14% - tuần giảm mạnh nhất kể từ đầu tháng 12/2021.
Giá vàng cao nhất gần 2 tháng
Giá vàng tăng lên mức cao nhất gần 2 tháng, do lo ngại lạm phát tăng và căng thẳng giữa Nga và Ukraine gia tăng, thúc đẩy nhu cầu tài sản trú ẩn an toàn là vàng.
Vàng giao ngay trên sàn LBMA tăng 1,6% lên 1.855,17 USD/ounce – cao nhất kể từ ngày 19/11/2021 và có tuần tăng 2,5% và vàng kỳ hạn tháng 4/2022 trên sàn New York tăng 0,3% lên 1.842,1 USD/ounce.
Giá đồng giảm
Giá đồng giảm do hoạt động bán ra chốt lời và lo ngại về lạm phát gia tăng.
Giá đồng trên sàn London giảm 3,7% xuống 9.872,5 USD/tấn, sau 3 phiên tăng liên tiếp đẩy giá đồng lên mức cao nhất gần 4 tháng.
Menke dự báo giá đồng trên sàn London sẽ giảm xuống 9.500 USD/tấn trong 3 tháng và 8.750 USD/tấn trong 12 tháng.
Giá thép không thay đổi, quặng sắt giảm
Giá thép tại Trung Quốc rời khỏi mức tăng hơn 2% trong đầu phiên giao dịch và đóng cửa hầu như không thay đổi, song có tuần tăng do kỳ vọng các biện pháp kích thích sẽ nâng đỡ nhu cầu.
Trên sàn Thượng Hải, giá thép cây kỳ hạn tháng 5/2022 ở mức 4.905 CNY (771,08 USD)/tấn, trong đầu phiên giao dịch tăng 2,6%. Tính chung cả tuần, giá thép cây tăng 1,6%. Giá thép cuộn cán nóng tăng 0,1% lên 5.033 CNY (791,2 USD)/tấn. Tính chung cả tuần, giá thép cuộn cán nóng tăng 1,8%. Giá thép không gỉ kỳ hạn tháng 3/2022 không thay đổi ở mức 18.300 CNY (2.876,82 USD)/tấn.
Trên sàn Đại Liên, giá than luyện cốc tăng 1,5% lên 2.352 CNY/tấn và giá than cốc tăng 2,4% lên 3.095 CNY/tấn. Giá quặng sắt giảm xuống 805 CNY/tấn, trong phiên có lúc tăng 5,9% lên 850 CNY/tấn. Tính chung cả tuần, giá quặng sắt giảm 2,9%.
Giá cà phê diễn biến trái chiều
Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 5/2022 trên sàn ICE giảm 3,2 US cent tương đương 1,3% xuống 2,5205 USD/lb, giảm từ mức cao nhất 10 năm (2,6045 USD/lb) hôm 10/2/2022.
Trong khi đó, giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 5/2022 trên sàn London tăng 7 USD tương đương 0,3% lên 2.270 USD/tấn, trước đó trong phiên đạt mức cao nhất 4 tuần (2.286 USD/tấn).
Giá đường giảm
Giá đường thô kỳ hạn tháng 3/2022 trên sàn ICE giảm 0,04 US cent tương đương 0,2% xuống 18,26 US cent/lb. Tuy nhiên, tính chung cả tuần giá đường thô tăng 0,5%.
Đồng thời, giá đường trắng kỳ hạn tháng 5/2022 trên sàn London giảm 1,3 USD tương đương 0,3% xuống 489,4 USD/tấn.
Giá đậu tương, ngô và lúa mì đều tăng
Giá đậu tương tại Chicago tăng do ước tính sản lượng vụ thu hoạch tại Nam Mỹ giảm.
Trên sàn Chicago, giá đậu tương tăng 8-3/4 US cent lên 15,83 USD/bushel, trước đó trong phiên giá đậu tương chạm 15,63-1/2 USD/bushel và đạt mức cao 15,94-3/4 USD/bushel, so với mức cao nhất 9 tháng (16,33 USD/bushel) trong phiên ngày 10/2/2022. Tính chung cả tuần, giá đậu tương tăng 2%. Giá ngô tăng 9-1/2 US cent lên 6,51 USD/bushel. Tính chung cả tuần, giá ngô tăng 5%. Giá lúa mì tăng 26-1/4 US cent lên 7,07-3/4 USD/bushel. Tính chung cả tuần, giá lúa mì tăng 4,5%.
Giá dầu cọ tăng
Giá dầu cọ tại Malaysia tăng do lo ngại sản lượng suy giảm, song giá dầu cọ có tuần giảm thứ 2 liên tiếp bởi xuất khẩu giảm.
Giá dầu cọ kỳ hạn tháng 4/2022 trên sàn Bursa Malaysia tăng 0,81% lên 5.580 ringgit (1.332,38 USD)/tấn, sau khi giảm 1,1% trong đầu phiên giao dịch. Tính chung cả tuần, giá dầu cọ giảm 0,66%.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 12/2: