Dầu giảm vì lo ngại về cuộc đàm phán Mỹ - Trung
Giá dầu giảm trong phiên vừa qua do nghi ngại về tiến triển đàm phán thương mại Mỹ - Trung, mặc dù OPEC nỗ lực kiểm soát nguồn cung. Đồng USD tăng cũng góp phần gây áp lực đối với giá dầu mỏ. Kết thúc phiên, dầu Brent giảm 59 US cent tương đương 0,95% xuống 61,51 USD/thùng, trong khi dầu Tây Texas Mỹ (WTI) giảm 31 US cent tương đương 0,59% xuống 52,41 USD/thùng.
Mỹ và Trung Quốc đã nối lại các cuộc đàm phán thương mại, và những cuộc gặp gỡ cấp cao dự kiến sẽ diễn ra vào cuối tuần này. Tuy nhiên, Bắc Kinh tỏ ra tức giận khi tàu hải quân Mỹ tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông, tạo nên trở ngại cho tiến trình đàm phán trong bối cảnh hai bên cố gắng đạt được một thỏa thuận trước thời hạn chót (ngày 1/3/2019) khi thuế mà Mỹ áp lên hàng hóa trị giá 200 tỷ USD của Trung Quốc sẽ tăng từ 10% lên 25%.
Mặc dù các cuộc họp cấp thấp đang diễn ra nhưng "Có rất nhiều điều không chắc chắn về những cuộc đàm phán này", nhà phân tích dầu mỏ Phil Flynn thuộc Price Futures Group ở Chicago cho biết. Lý do bởi "hoàn toàn có lý do để lo lắng nhu cầu dầu mỏ sẽ tăng trưởng chậm lại". Cuối tuần qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố ông chưa có kế hoạch gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trước thời hạn chót, làm giảm kỳ vọng về một thỏa thuận sẽ sớm đạt được.
Tuy nhiên, giá dầu từ đầu năm tới nay vẫn được nâng đỡ bởi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng đồng minh kiềm chế sản lượng. Các nước này sẽ nhóm họp vào ngày 17 và 18/4/2019 để xem xét lại thỏa thuận của mình. Việc Mỹ trừng phạt Venezuela sau khi đã trừng phạt Iran cũng góp phần hỗ trợ đắc lực cho giá dầu.
Vàng giảm do USD tăng
Giá vàng giảm trong phiên vừa qua bởi các nhà đầu tư chuyển hướng sang đồng USD trong bối cảnh lo ngại bất đồng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có thể làm cho kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại.
Kết thúc phiên, vàng giao ngay giảm 0,4% xuống 1.308,18 USD/ounce, trong khi vàng giao sau giảm 0,5% xuống 1.311,9 USD/ounce. Trong phiên này, đồng USD đã tăng lên mức cao nhất gần 9 tuần. Các nhà phân tích cho rằng giá vàng có thể sẽ còn biến động thêm nữa nếu đồng USD vẫn tiếp tục tăng.
Tuy nhiên, kim loại quý này vẫn duy trì trên 1.300 USD/ounce từ nhiều tuần nay.
Giá quặng sắt cao kỷ lục
Giá quặng sắt trên thị trường Trung Quốc trong phiên giao dịch đầu tiên sau Tết âm lịch đã tăng lên mức cao kỷ lục do lo ngại nguồn cung từ Brazil – nước cung cấp quặng sắt lớn thứ 2 thế giới – có thể giảm sút sau thảm họa vỡ đập Lanjeiras của tập đoàn Vale vào ngày 25/1/2019 khiến trên 300 người bị thiệt mạng.
Hợp đồng giao dịch quặng sắt kỳ hạn tháng 5/2019 trên sàn Đại Liên tăng lên mức cao kỷ lục 625 CNY (96,26 USD)/tấn trong phiên vừa qua. Các kỳ hạn giao tháng 3, 7, 9 và 11/2019 cũng tăng giá mạnh trong bối cảnh nhà đầu tư tích cực mua vào.
Chính phủ Brazil tuần trước đã thu hồi giấy phép sử dụng 8 con đập chứa chất thải của hãng Vale sau thảm họa vỡ đập tồi tệ nhất trong lịch sử nước này. Điều đó sẽ ảnh hưởng tới khoảng 9% sản lượng quặng sắt hàng năm của hãng (các nhà phân tích đã nâng mức độ sản lượng quặng bị ảnh hưởng từ 40 triệu tấn đánh giá ban đầu lên 70 triệu tấn).
Thép tăng mạnh
Giá thép xây dựng trên sàn Thượng Hải tăng mạnh trong phiên vừa qua. Cụ thể, thép cây trong phiên có lúc tăng hơn 4% lên 3.908 CNY/tấn, cao nhất trong vòng 5 tháng, bởi các thương gia dự báo nguồn cung trong những tháng sắp tới sẽ bị thiếu hụt. Kết thúc phiên, thép cây tăng 2,4% lên 3.825 CNY/tấn.
Thép cuộn cán nóng trên sàn Thượng Hải cũng tăng 2,3% lên 3.709n CNY/tấn vào cuối phiên, sau khi có lúc chạm mức cao nhất kể từ tháng 9/2018.
Thành phố Đường Sơn (trung tâm sản xuất thép của Trung Quốc) sẽ hạn chế sản xuất thép trong giai đoạn tháng 4-9/2019 để cải thiện chất lượng không khí. Trong khoảng thời gian đó, các nhà máy thép sẽ phải giảm một nửa công suất thiêu kết (quá trình chuẩn bị thép thô để luyện thành thép).
Khí gas tăng lên cao nhất hơn 1 tuần
Giá khí tự nhiên tại Mỹ trong phiên vừa qua tăng lên mức cao nhất trong vòng hơn 1 tuần bởi dự báo nhu cầu nhiên liệu sẽ tăng do thời tiết trở lạnh hơn trong bối cảnh các nhà đầu tư thời gian qua chỉ mua vừa phải bởi giá ổn định ở mức thấp trong suốt tuần vừa qua.
Khí gas kỳ hạn giao tháng 3/2019 trên sàn New York kết thúc phiên tăng 8,6 US cent tương đương 3,3% lên 2,670 USD/mmBtu, trong phiên có lúc giá tăng 6 USD lên 2,744 USD, cao nhất kể từ 1/2/2019. Ngày 7/2/2019, hợp đồng này đã giảm giá xuống chỉ 2,551 USD, thấp nhất kể từ tháng 8/2016.
Than giảm do nhu cầu của Trung Quốc yếu đi
Giá than nhiệt trên thị trường Australia giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4/2018 vì nhiều tàu chở than không thể dỡ hàng tại Trung Quốc mà chưa rõ lý do. Giá than nhiệt Australia ở cảng Newcastle (hợp đồng giao ngay) hiện ở mức 95,75 USD/tấn. Từ đầu năm tới nay, giá mặt hàng này đã giảm 6% do nhập khẩu than của Trung Quốc giảm mạnh.
Trên sàn Đại Liên (Trung Quốc), giá than luyện cốc trong phiên vừa qua cũng giảm 0,6% xuống 1.267,6 CNY/tấn, còn than cốc tăng nhẹ 0,8% lên 2.096,5 CNY/tấn.
Lúa mì giảm
Giá lúa mì trên các thị trường đồng loạt giảm do nguồn cung lớn và lo ngại nhu cầu sẽ yếu đi nếu các cuộc thương lượng thương mại Mỹ - Trung không đạt kết quả như mong đợi. Tại Nga, giá lúa mì Biển Đen xuất khẩu loại 12,5% protein kỳ hạn giao tháng 2/2019 giảm 2 USD so với các đây một tuần, xuống 243 USD/tấn (FOB) trong bối cảnh giá lúa mì trong nước giảm mạnh. Tại Chicago (Mỹ), lúa mì giảm 0,6% xuống 5,14 USD/bushel, trong khi đó tại Paris (Pháp), giá giảm 1,25 euro tương đương 0,6% xuống 201,75 euro (227 USD)/tấn.
Cà phê thấp nhất 5 tuần
Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 3/2019 giảm 2,4 US cent tương đương 2,3% xuống 1,002 USD/lb vào cuối phiên vừa qua, sau khi có lúc xuống mức thấp nhất kể từ ngày 3/1/2019 là 99,85 US cent. Đồng real Brazil yếu đi so với USD đã kích thích người trồng cà phê của nước này bán hàng ra. Xuất khẩu cà phê xanh của Brazil trong tháng 1/2019 đã tăng 20,3% so với cùng kỳ năm trước.
Đối với robusta, hợp đồng kỳ hạn tháng 3/2019 cũng giảm 26 USD tương đương 1,7% xuống 1.504 USD/tấn vào cuối phiên, sau khi có lúc chỉ 1.599 USD/tấn.
Chè giảm
Giá chè trên sàn Kochi (Ấn Độ) đã giảm tuần thứ 4 liên tiếp, mặc dù lượng cung trên thị trường không nhiều do ảnh hưởng bởi sương giá.
Giá chè trung bình hiện ở mức 126,41 rupee/kg, so với 128,15 rupee cách đây một tuần. Chè ngon có giá khoảng 121-170 rupee, trong khi chất lượng trung bình giá 99 – 128 rupee, còn chất lượng thấp từ 85 – 98 rupee/kg.
Sản lượng chè Ấn Độ năm 2018 giảm 0,8% so với năm trước đó, chỉ đạt 1.311,63 triệu kg, khiến cho xuất khẩu của nước sản xuất chè đen lớn thứ 2 thế giới này cũng giảm 1,1%.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng nay 12/2