Ảnh minh họa
Vàng tăng vượt 3.200 USD
Giá vàng tăng mạnh, vượt qua mức 3.200 USD vào thứ Sáu, khi đồng USD suy yếu và cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng căng thẳng đã làm dấy lên nỗi lo về suy thoái kinh tế, khiến các nhà đầu tư đổ xô đến nơi trú ẩn an toàn là kim loại màu vàng.
Giá vàng giao ngay cuối phiên tăng gần 2% lên 3.235,89 USD/ounce, sau khi đạt mức cao kỷ lục là 3.245,28 USD vào đầu phiên. Vàng thỏi đã tăng hơn 6% trong tuần này.
Giá vàng kỳ hạn tháng 6/2025 tăng 2,1% lên mức 3.244,6 USD.
Trung Quốc đã tăng thuế đối với hàng nhập khẩu của Mỹ lên 125% vào thứ Sáu, làm gia tăng rủi ro trong cuộc xung đột giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Đồng USD giảm so với các đồng tiền khác, khiến vàng thỏi định giá bằng đồng bạc xanh trở nên rẻ hơn đối với người mua ở nước ngoài.
Dầu tăng 1 USD
Giá dầu thô Brent và WTI (West Texas Intermediate) đều tăng hơn 1 USD vào thứ Sáu sau khi Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Chris Wright cho biết Mỹ có thể chấm dứt xuất khẩu dầu của Iran như một phần trong nỗ lực đưa Cộng hòa Hồi giáo này vào các điều khoản về chương trình hạt nhân của nước này.
Giá dầu thô Brent đóng cửa ở mức 64,76 USD/thùng, tăng 1,43 USD hay 2,26%. Dầu thô West Texas Intermediate của Mỹ đóng cửa ở mức 61,50 USD/thùng, tăng 1,43 USD hay 2,38%.
Thuế quan mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump buộc các nhà giao dịch phải đánh giá lại những rủi ro địa chính trị mà thị trường dầu thô phải đối mặt.
Trong khi đó, việc thực thi nghiêm ngặt các hạn chế đối với xuất khẩu dầu thô của Iran sẽ làm giảm nguồn cung toàn cầu.
Đồng tăng
Giá đồng và các kim loại cơ bản khác giao dịch trên sàn London tăng vào thứ Sáu, được hỗ trợ bởi đồng USD yếu đi, mặc dù mức tăng bị hạn chế bởi khả năng xảy ra xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ hạn chế nhu cầu.
Đồng kỳ hạn ba tháng trên Sàn giao dịch kim loại London (LME) tăng 2,0% lên 9.166,50 USD/tấn. Tính chung cả tuần tăng 4,5%.
Giá đồng trên sàn Comex của Mỹ tăng 4,6% lên 4,537 USD/lb, chênh lệch giá giữa sàn Comex và sàn LME ngày càng nới rộng.
Quặng sắt vững giá
Giá quặng sắt kỳ hạn tương lai đi ngang vào thứ Sáu, nhưng tính chung cả tuần giảm do căng thẳng thương mại gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc - hai nền kinh tế lớn nhất thế giới - đã làm lu mờ triển vọng nhu cầu.
Hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 9 trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên (DCE) của Trung Quốc đóng cửa ở mức 0,71% lên 708 nhân dân tệ (96,70 USD)/tấn, tính chung cả tuần giảm 4,8%.
Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 5 trên Sàn giao dịch Singapore giảm 0,14% xuống 97 USD/tấn, tính chung cả tuần giảm 4,8%.
Tại Trung Quốc, sản lượng kim loại nóng trung bình hàng ngày, thường được sử dụng để đánh giá nhu cầu quặng sắt , đã tăng tuần thứ bảy liên tiếp, tăng 0,6% trong tuần kết thúc vào 10/4 so với tuần trước lên mức cao nhất trong 17 tháng là 2,4 triệu tấn, một cuộc khảo sát từ công ty tư vấn Mysteel cho thấy.
Lúa mì, ngô và đậu tương cùng tăng
Giá lúa mì kỳ hạn tương lai trên sàn Chicago tăng vào thứ Sáu khi đồng USD suy yếu so với các loại tiền tệ chính khác, trong khi ngô và đậu tương tăng do dữ liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ.
Hợp đồng lúa mì giao dịch nhiều nhất trên Sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CBOT) tăng 18-3/4 cent lên 5,56-3/4 USD/bushel. Đậu tương trên sàn CBOT tăng 14-1/2 cent lên 10,43-1/2 USD/bushel, trước đó đã đạt mức cao nhất kể từ ngày 28 tháng 2. Hợp đồng ngô giao dịch nhiều nhất tăng 6 US cent lên 4,89 USD/bushel, sau khi đạt mức cao nhất kể từ ngày 27/2.
Cà phê tăng
Giá cà phê thế giới đã phục hồi vào thứ Sáu sau khi giảm mạnh vào giữa tuần trong bối cảnh khủng hoảng thuế quan, nhưng tính chung cả tuần vẫn giảm do các nhà đầu tư tiếp tục lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu.
Giá cà phê Robusta kỳ hạn tương lai tăng 153 USD, tương đương 3,1%, lên 5.049 USD/tấn, nhưng đã giảm 2% trong tuần, trong khi giá cà phê arabica kỳ hạn tương lai tăng 3,5% lên 3,536 USD/lb vào thứ sáu, kết thúc tuần giảm 2,7%.
Bông tăng
Giá bông trên sàn ICE của Mỹ tăng nhẹ vào thứ Sáu, tính chung cả tuần cũng tăng do điều kiện thời tiết bất lợi tại các khu vực trồng trọt chính và đồng USD yếu hơn.
Hợp đồng bông kỳ hạn tháng 7 tăng 0,2 cent, hay 0,3%, lên 67,2 cent/lb; tính chung cả tuần tăng hơn 4%.
Dầu cọ tăng trong ngày nhưng giảm tuần thứ hai liên tiếp
Hợp đồng dầu cọ Malaysia tương lai tăng trong phiên thứ Sáu nhưng tính chung cả tuần giảm tuần thứ hai liên tiếp.
Hợp đồng dầu cọ kỳ hạn tháng 6 trên Sàn giao dịch phái sinh Bursa Malaysia tăng 14 ringgit, tương đương 0,33%, lên 4.214 ringgit (953,39 USD)/tấn. Tính chung cả tuần giá giảm 2,63%.
Tồn trữ dầu cọ của Malaysia trong tháng 3/2025 đã ghi nhận mức tăng đầu tiên trong vòng sáu tháng, khi sản lượng phục hồi và lượng nhập khẩu tăng mạnh, bù đắp cho nhu cầu mạnh mẽ trong mùa lễ hội. Cụ thể, tồn trữ tính đến cuối tháng 3 đã tăng 3,52% so với tháng trước lên 1,56 triệu tấn.
Cao su giảm
Giá cao su kỳ hạn tương lai trên thị trường Nhật Bản giảm vào thứ Sáu, tính chung cả tuần cũng giảm, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và nước tiêu thụ hàng đầu Trung Quốc đang lan rộng.
Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 9 của Sàn giao dịch Osaka (OSE) kết thúc phiên giảm 0,17% xuống còn 297,6 yên (2,07 USD)/kg. Hợp đồng này đã giảm 7,2% trong tuần này.
Hợp đồng cao su tháng 5 trên Sàn giao dịch tương lai Thượng Hải (SHFE) tăng 1,8% lên 14.995 nhân dân tệ (2.047,32 USD)/tấn.