Dầu tăng tuần thứ 3
Giá dầu tăng tuần thứ 3 liên tiếp, đạt mức cao nhất trong nhiều năm khi tốc độ tiêm vaccine Covid-19 tăng giúp dỡ bỏ các lệnh hạn chế đi lại trong đại dịch.
Chốt phiên 11/6, dầu thô Brent tăng 17 US cent lên 72,69 USD/thùng sau khi đạt mức cao nhất kể từ tháng 5/2019. Dầu thô WTI tăng 62 US cent lên 70,91 USD/thùng, cao nhất kể từ tháng 10/2018. Tính chung cả tuần dầu Brent tăng 1%, dầu WTI tăng 1,9%.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết trong báo cáo hàng tháng rằng OPEC+ cần tăng sản lượng để đáp ứng nhu cầu có thể phục hồi về mức trước đại dịch vào cuối năm 2022. Ngân hàng đầu tư của Mỹ Goldman Sachs cho biết họ dự kiến giá dầu thô Brent đạt 80 USD/thùng trong mùa hè này.
Các nhà phân tích của ANZ Research cho biết lưu lượng truy cập đường bộ đang trở lại mức trước COVID-19 ở Bắc Mỹ và ở hầu hết châu Âu. Ngoài ra theo công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes, số giàn khoan dầu của Mỹ tăng 6 lên 365 giàn trong tuần này, cao nhất kể từ tháng 4/2020.
Vàng giảm
Giá vàng giảm bởi USD mạnh lên khi một số nhà đầu tư đặt cược giá tiêu dùng của Mỹ tăng vọt gần đây chỉ là tạm thời. Vàng giao ngay giảm 1,2% xuống 1.875,31 USD/ounce. Vàng Mỹ kỳ hạn tháng 8 đóng cửa giảm 0,9% xuống 1.879,6 USD/ounce.
Chỉ số USD tăng 0,6% làm giảm sức hấp dẫn của vàng đối với các nhà đầu tư bằng đồng tiền khác. Giá vàng đã không thể vượt ngưỡng 1.900 USD/ounce sau khi Mỹ công bố số liệu việc làm lĩnh vực phi nông nghiệp và số liệu CPI.
Các nhà đầu tư đang chờ đợi theo dõi cuộc họp chính sách của Cục dự trữ Liên bang Mỹ vào tuần tới.
Thiếc tăng lên mức cao nhất một thập kỷ
Giá thiếc tăng lên mức cao nhất trong hơn một thập kỷ do dự đoán tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng bởi gián đoạn nguồn cung và việc vận chuyển. Thiếc trên sàn giao dịch London tăng 1,1% lên 31.545 USD/tấn. Trong phiên giá thiếc đã chạm 31.620 USD/tấn, cao nhất kể từ tháng 5/2011.
Câu chuyện về thiếu hụt dự kiến còn tiếp diễn. Việc phong tỏa ở Châu Á đang ảnh hưởng tới nguồn cung và nhu cầu vẫn đang tăng. Nhiều người đang tìm kiếm nguyên liệu trên thị trường giao ngay và trên sàn giao dịch.
Nguồn cung thiếc toàn cầu năm ngoái đạt khoảng 330.000 tấn, giảm đáng kể so với mức 360.000 tấn trong năm 2019. Các nguồn cung cấp bị áp lực giảm trong năm nay do ảnh hưởng của việc phong toả tại các quốc gia.
Sản lượng thiếc đã luyện của Trung Quốc ở mức 14.036 tấn trong tháng 5, giảm 8,2% so với tháng 4.
Tình trạng tắc nghẽn tại các cảng vận chuyển container ở miền nam Trung Quốc đang trở nên tồi tệ hơn khi các nhà chức trách tăng cường các biện pháp khử trùng chống dịch Covid-19.
Quặng sắt Đại Liên tăng 5,9%
Giá quặng sắt tăng lên mức cao nhất trong hơn 3 tuần do tồn kho thép phục hồi tại nước sản xuất hàng đầu Trung Quốc.
Quặng sắt kỳ hạn tháng 9 trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên, Trung Quốc đóng cửa tăng 5,9% lên 1.247 CNY (195,19 USD)/tấn, sau khi chạm mức cao nhất kể từ ngày 19/5 tại 1.248 CNY.
Giá quặng sắt tại Singapore tăng nhẹ 0,8% lên 209,8 USD/tấn, trong đầu phiên giá đã chạm 214 USD, cao nhất kể từ ngày 13/5.
Theo công ty tư vấn Mysteel, dự trữ tại 184 nhà máy thép Trung Quốc ở mức 6,04 triệu tấn tính tới ngày 9/6, tăng 2,7% so với tuần trước.
Lo ngại về nguồn cung quặng sắt toàn cầu khan hiếm cũng thúc đẩy việc tăng giá. Quặng sắt nhập khẩu tại Trung Quốc đang giao dịch ở mức cao nhất kể từ ngày 19/5 trên 200 USD/tấn.
Tồn kho quặng sắt ở các cảng Trung Quốc xuống mức thấp nhất 4 tháng trong tuần trước, trong khi lượng nhập khẩu hàng tuần giảm.
Mối lo gia tăng khi công ty Vale SA của Brazil đã dừng sản xuất tại hai mỏ và không sử dụng một con đập vì lý do an toàn. Điều này có thể tiếp tục cản trở đà phục hồi sản lượng quặng sắt ở Brazil.
Thép thanh tại Thượng Hải tăng 3,7%, trong khi thép cuộn cán nóng tăng 3,1%. Thép không gỉ tăng 4,5% trong bối cảnh dự trữ thấp ở Trung Quốc.
Cao su Nhật Bản giảm
Giá cao su Nhật Bản giảm sau khi xuất hiện thông tin chính phủ đang xem xét duy trì một số hạn chế trong thời gian dài hơn để ngăn cản sự lây nhiễm của virus corona.
Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 11 trên sàn giao dịch Osaka đóng cửa giảm 1,4 JPY hay 0,6% xuống 238 JPY/kg. Tính chung cả tuần cao su giảm 2,1%, giảm tuần thứ hai liên tiếp.
Giá cao su giao tháng 9 tại Thượng Hải giảm 1,4% xuống 12.740 CNY/tấn.
Đường giảm
Đường thô kỳ hạn tháng 7 đóng cửa giảm 0,12 US cent hay 0,7% xuống 17,54 US cent/lb.
Đường trắng kỳ hạn tháng 8 giảm 3,4 USD hay 0,7% xuống 451,3 USD/tấn.
Các đại lý cho biết lượng mua tốt từ người dùng quanh 17,6 US cent/lb khiến giá giao dịch trong biên độ hẹp.
Cũng có lời đồn giá vận chuyển cao làm ảnh hưởng đến nhu cầu giao ngay. Một số khách hàng sẵn sàng hoãn giao dịch và đợi giá vận chuyển giảm.
Số liệu cho thấy sản lượng đường tại khu vực Trung Nam Brazil đạt tổng cộng 2,62 triệu tấn trong nửa cuối tháng 5, cao hơn dự đoán của thị trường.
Cà phê trái chiều
Cà phê arabica kỳ hạn tháng 7 đóng cửa giảm 1,25 US cent hay 0,8% lên 1,5745 USD/lb.
Lo ngại vẫn còn về vụ năm tới tại nhà sản xuất cà phê arabica hàng đầu thế giới Brazil sau khi hạn hán nghiêm trọng gây thiệt hại cho cây trồng. Tuy nhiên, mưa xuất hiện trong tuần này dường như đã giúp cải thiện tình hình.
Nông dân Brazil đã bán 40% niên vụ này tính tới ngày 8/6, tốc độ bán hàng nhanh hơn nhiều so với cùng thời điểm các mùa trước.
Cà phê robusta kỳ hạn tháng 7 đóng cửa tăng 7 USD hay 0,4% lên 1.592 USD/tấn.
Ngô, đậu tương giảm
Ngô và đậu tương của Mỹ giảm do lo ngại về nhu cầu đối với nguồn cung cấp nhiên liệu tái tạo.
Reuter cho biết Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ đang cân nhắc cách để cứu trợ các nhà máy lọc dầu đã tăng cường áp lực chốt lời vào cuối tuần.
Đậu tương kỳ hạn tháng 7 trên sàn giao dịch Chicago giảm 35-1/2 US cent xuống 15,08-1/2 USD/bushel và giảm 4,8% trong tuần này, tuần giảm mạnh nhất kể từ giữa tháng 1.
Ngô cùng kỳ hạn giảm 14-1/2 US cent xuống 6,84-1/2 USD/bushel nhưng tính chung cả tuần tăng 0,2%, tăng tuần thứ hai liên tiếp.