Tin về việc thực hiện linh hoạt hơn chính sách cắt giảm sản xuất nhằm hạn chế tác động xấu tới kinh tế trong mùa đông tại Trung Quốc đã ép giá thép giảm hơn 4%, kéo giá kẽm và nikel giảm mạnh. Thịt lợn nạc tại Mỹ giảm mạnh do bán chạy trước bão.
Dầu tăng hơn 2% do lo ngại nguồn cung
Giá dầu tăng hơn 2% trong phiên giao dịch ngày 11/9 do lệnh trừng phạt của Mỹ đè nặng lên xuất khẩu dầu thô của Iran và sau khi sản lượng dầu thô của Mỹ năm 2019 được dự báo tăng chậm hơn dự kiến trước đó, dự trữ dầu thô của Mỹ giảm, khiến lo ngại về nguồn cung.
Dầu thô Brent kỳ hạn giao sau tăng 1,69 USD, tương đương 2,2%, đóng cửa ở mức 79,06 USD/thùng. Dầu thô Mỹ tăng 1,71 USD, tương đương 2,5%, đạt 69,25 USD/thùng.
Các số liệu từ Viện Dầu khí Mỹ cho thấy dự trữ dầu thô của Mỹ giảm 8,6 triệu thùng trong tuần trước, giảm 805.000 thùng so với dự báo của các chuyên gia phân tích. Mỹ đã yêu cầu các đồng minh giảm nhập khẩu dầu từ Iran. Một số khách mua châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ cũng đang giảm nhập khẩu từ nước này. Nhưng chính phủ Mỹ không muốn giá dầu tăng vì lo ngại điều này sẽ làm giảm hoạt động kinh tế, gây giảm tăng trưởng toàn cầu do vậy nước này đang khuyến khích các nước sản xuất dầu lớn giữ sản lượng cao. Đầu tuần, bộ trưởng năng lượng Mỹ đã thảo luận với người đồng cấp Saudi Arabia để bàn về vấn đề này và dự kiến sẽ gặp Nga vào ngày mai 13/9.Nga, Mỹ và Saudi Arabia hiện là ba nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới, đáp ứng khoảng 1/3 lượng tiêu thụ dầu thô hàng ngày trên thế giới.
Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak hôm qua cho biết Nga và nhóm các nước sản xuất lớn Trung Đông có thể sẽ ký một thỏa thuận hợp tác dài hạn mới vào đầu tháng 12, hãng tin TASS đưa tin.
Vàng hồi phục nhờ mua đầu tư, bạc thấp nhất 2,5 năm
Vàng đã tăng lên do các nhà đầu tư mua vào khi chạm ngưỡng thấp 1.200 USD/ounce. Nhưng vàng thỏi vẫn chịu áp lực bởi USD tiếp tục tăng điểm và triển vọng tăng căng thẳng thương mại Mỹ-Trung. Vàng giao ngay tăng 0,2% đạt 1.197,28 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 12 của Mỹ đã tăng 2,40 USD, tương đương 0,2%, đạt mức 1.202,20 USD/ounce.
Ngược lại, bạc chốt phiên giảm 0,4% còn 14,10 USD/ounce, trong ngày đã chạm mức thấp nhất kể từ tháng 1/2016 là 13,90 USD.
Giá thép giảm hơn 4%
Giá thép kỳ hạn giao sau của Trung Quốc đã giảm hơn 4% sau khi có tin Bộ Môi trường có thể sẽ cho phép các tỉnh phía Bắc tự đưa ra kế hoạch cắt giảm sản xuất trong mùa đông. Kế hoạch này cho phép thực hiện linh hoạt hơn chính sách chống ô nhiễm trong mùa đông để hạn chế tác động xấu tới kinh tế. Theo kế hoạch dự thảo được công bố hồi tháng trước, Bắc Kinh đang cân nhắc áp dụng cắt giảm 50% sản lượng thép ở một số khu vực.
Giá thép cây kỳ hạn tháng 1/2019 trên sàn Thượng Hải đóng cửa giảm 4,3% xuống 4.071 CNY(594 USD)/tấn.Giá thép cuộn cán nóng kỳ hạn giao sau giảm 4,6% xuống còn 3.969 CNY/tấn, sau đó chạm mức 3.957 CNY, mức thấp nhất kể từ ngày 23/7/2017. Giá quặng sắt kỳ hạn cũng giảm 1,1% xuống còn 492,50 CNY/ tấn. Giá quặng sắt giao ngay tại cảng Qingdao Trung Quốc giảm 1% xuống 67,81 USD/tấn vào ngày giao dịch đầu tuần, sau 4 ngày tăng cao, theo Metal Bulletin.
Nickel thấp nhất 8 tháng, kẽm thấp nhất 3 tuần
Nickel chạm mức thấp nhất trong 8 tháng và kẽm giảm xuống mức thấp nhất trong ba tuần qua do hoạt động bán đầu cơ trong bối cảnh lo ngại căng thẳng thương mại quốc tế, tồn kho lớn và giá thép giảm. Giá nickel kỳ hạn 3 tháng tại London đóng cửa giảm 1,5% xuống 12.230 USD/tấn sau khi chạm mức 12.165 USD, mức thấp nhất kể từ ngày 29/12/2017. Giá kẽm kỳ hạn 3 tháng đã giảm 2,9% còn 2.311 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ 16/8/2018.
Lượng tồn kho kẽm tại LME đã tăng 74% kể từ đầu tháng 3 lên 229.675 tấn.
Cao su tăng nhẹ
Giá cao su kỳ hạn tại Tokyo tăng nhẹ vào cuối phiên giao dịch sau khi giảm vào phiên sáng do tồn kho cao và nhu cầu yếu. Giá cao su kỳ hạn tại Tokyo giảm 0,6 yên (0,0054 USD) vào phiên sáng theo xu hướng giảm giá của Thượng Hải.
"Doanh số bán xe tải nặng trong tháng 8 giảm đáng kể, cho thấy nhu cầu tiêu thụ cao su yếu. Trong tháng 8, tồn kho tại Thanh Đảo tăng trở lại và nhập khẩu cao su cũng tăng, "Zhao Wenting, một nhà phân tích tại Dongwu cho biết.
Tại Tokyo, hợp đồng giao tháng 2/2019 chốt phiên tăng 0,8 JPY đạt 166,7 JPY/kg. Tại Thượng Hải, hợp đồng giao tháng 1/2019 giảm 85 CNY(12,38 USD) còn 11.930 CNY/ tấn. Tại Sicom, hợp đồng giao tháng 10/2018 đạt 131,4 cent Mỹ/kg, giảm 0,6 xu.
Lợn nạc Mỹ giảm mạnh do bán chạy bão
Giá lợn nạc kỳ hạn giao sau của Mỹ giảm mạnh do hoạt động bán kỹ thuật trước khi cơn bão mạnh sắp đổ bộ vào bờ Đông nước này, đe dọa sản xuất thịt lợn ở Carolinas, nơi có một số nhà máy đóng gói lớn nhất nước Mỹ. Nhà sản xuất thịt lợn Smithfield Foods cho biết họ sẽ đóng cửa hai nhà máy lợn ở Bắc Carolina vào thứ Năm và thứ Sáu, kể cả nhà máy lớn Tar Heel có thể xử lý 35.000 con lợn/ngày. Cơn bão mạnh Florence dự kiến sẽ đi vào bờ biển Bắc Carolina vào thứ Sáu, theo dự báo mới nhất. Ngoài ra, dịch bệnh heo tại Châu Á và Châu Âu cũng đang ảnh hưởng tới giá thịt lợn nạc.Dịch sốt heo Châu Phi đang lan rộng tại Trung Quốc trong những tuần gần đây, Nhật Bản trong tháng này đã phát hiện ra trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên trong vòng 26 năm, chủng khác với Trung Quốc. Dịch sốt lợn Châu Phi cũng đã được tìm thấy ở Châu Âu.
Thông tin Mỹ sẽ tăng xuất khẩu lợn và thịt lợn để bù lại việc tiêu huỷ đàn heo ở các nước bị ảnh hưởng dịch bệnh, đã hạn chế phần nào mức giảm giá kỳ hạn.
Giá thịt heo nạc tại Chicago chốt hiên giảm 1.475 cent/ lb còn 54.475 cent/lb. Giá kỳ hạn tháng 12 giảm 1.600 cent/lb xuống còn 54.100 cent/lb. Lợn hơi giao tháng 10 đã giảm 0.850 cent/lb xuống 109.300 cent, giao tháng 12 giảm 0,500 cent xuống còn 113.925 cent/lb.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 12/9