Dầu thay đổi nhẹ
Giá dầu thay đổi nhẹ trong một phiên giao dịch đầy biến động, do các nhà đầu tư cân nhắc ảnh hưởng của chi phí năng lượng cao có thể gây ra đối với sự phục hồi kinh tế toàn cầu.
Chốt phiên 12/10, dầu thô Brent giảm 23 US cent xuống 83,42 USD/thùng, sau khi giao dịch từ mức cao 84,23 USD xuống mức 82,72 USD/thùng. Dầu WTI tăng 12 US cent lên 80,64 USD/thùng sau khi biến động từ 81,62 USD tới 79,47 USD/thùng.
Dầu thô Brent đã tăng 5 tuần liên tiếp, trong khi dầu WTI tăng 7 tuần liên tiếp. Cả hai loại dầu này tăng hơn 15% kể từ đầu tháng 9.
Giá điện đã tăng lên mức cao kỷ lục trong những tuần gần đây, do tình trạng thiếu hụt tại Châu Á và Châu Âu, với khủng hoảng năng lượng ở Trung Quốc dự kiến kéo dài tới cuối năm nay.
Tại London và vùng đông nam nước Anh, Hiệp hội bán lẻ xăng dầu cho biết 1/10 số trạm nhiên liệu vẫn cạn kiệt trong tháng trước.
Trong Triển vọng Kinh tế Thế giới, IMF đã giảm tăng trưởng dự báo toàn cầu năm 2021 xuống 5,9% từ dự báo 6% đưa ra trong 7. Dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2022 không đổi ở mức 4,9%.
Ngay cả nhu cầu tăng, tổ chức OPEC+ đang duy trì kế hoạch khôi phục sản lượng dần dần thay vì nhanh chóng.
Giá vàng tăng do lo ngại lạm phát
Giá vàng tăng do lo sợ lạm phát gia tăng làm giảm nhu cầu đối với tài sản rủi ro và thúc đẩy nhu cầu với kim loại trú ẩn an toàn này, mặc dù USD tăng đã hạn chế đà tăng.
Vàng giao ngay tăng 0,3% lên 1.759,31 USD/ounce, trong khi vàng Mỹ kỳ hạn tháng 12 đóng cửa tăng 0,2% lên 1.759,3 USD/ounce.
Khủng hoảng năng lượng toàn cầu đã đe dọa triển vọng kinh tế và làm gia tăng lo ngại lạm phát, khiến một số nhà đầu tư chuyển sang các tài sản an toàn hơn.
Vàng theo truyền thống được xem như một biện pháp phòng ngừa lạm phát. Tuy nhiên, việc giảm kích thích của ngân hàng trung ương và lãi suất tăng có xu hướng đẩy lợi suất trái phiếu chính phủ tăng dẫn tới chi phí giữ vàng tăng lên.
Theo nhà phân tích Briesemann thuộc Commerzbank nếu các cuộc bàn luận về lạm phát ngày càng nhiều hơn giá vàng có thể đạt mức 1.900 USD/ounce vào cuối năm nay do lãi suất duy trì ở mức khá thấp ngay cả khi Fed bắt đầu cắt giảm kích thích.
Giá đồng giảm
Giá đồng giảm do chi phí năng lượng đang tăng làm dấy lên lo ngại rằng sự phục hồi kinh tế toàn cầu có thể trật quỹ đạo, mặc dù các dấu hiệu cho thấy nguồn cung kim loại này đang khan hiếm đã hạn chế đà giảm.
Đồng giao sau 3 tháng trên sàn giao dịch kim loại London (LME) giảm 0,9% xuống 9.458 USD/tấn, kết thúc chuỗi tăng giá 3 ngày liên tiếp.
Giá đồng đã tăng lên mức cao kỷ lục tại 10.747,5 USD/tấn hồi tháng 5 trước khi giảm do sự phục hồi kinh tế của thế giới bắt đầu chững lại.
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích tại JPMorgan việc vận chuyển tắc nghẽn đã khiến tồn kho đồng xuống mức thấp trong lịch sử tại các khu vực sử dụng kim loại này.
Tồn kho đồng tại sàn LME giảm xuống 65.500 tấn từ gần 240.000 tấn trong tháng 8. Dự trữ tại sàn Thượng Hải gần mức thấp nhất trong 12 năm tại 50.062 tấn và hàng tồn kho tại các kho ngoại quan của Trung Quốc giảm gần một nửa kể từ tháng 7.
Quặng sắt tại Trung Quốc thoái lui
Giá quặng sắt giảm, với quặng sắt ở Singapore giảm hơn 7% sau 4 ngày tăng và hợp đồng tại Đại Liên đã xóa đi mức tăng ban đầu, do các nhà đầu tư tập trung trở lại vào việc kiểm soát sản lượng thép tại Trung Quốc.
Hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 11 trên sàn giao dịch Singapore giảm 7,4% xuống 125,4 USD/tấn.
Trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên, hợp đồng kỳ hạn tháng 1/2022 đóng cửa giảm 0,2% xuống 769,5 CNY (119,26 USD)/tấn. Trong phiên giao dịch có lúc giá đã tăng khoảng 4,3%.
Sản lượng thép tại Trung Quốc, nhà sản xuất nguyên liệu vật liệu xây dựng lớn nhất thế giới sẽ phải giảm 10% trong khoảng thời gian từ tháng 9 tới tháng 12 để phù hợp với mục tiêu loại bỏ khí carbon.
Sản lượng thép thô của Trung Quốc trong 8 tháng đầu năm tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước, bất chấp việc tăng cường kiểm soát sản xuất bắt đầu từ tháng 7.
Với cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu và những dấu hiệu khó khăn trên thị trường bất động sản Trung Quốc ảnh hưởng nặng nề tới tâm lý, thép thanh tại Thượng Hải giảm 4,2%, thép cuộn cán nóng giảm 3,6%. Thép không gỉ giảm 1,9%.
Cao su Nhật Bản tăng do đồng JPY yếu
Giá cao su Nhật Bản tăng, đảo lại chiều giảm ban đầu, do đồng JPY yếu hơn so với USD thúc đẩy việc mua vào trong khi lo lắng về tồn kho thấp tại Trung Quốc, nước nhập khẩu hàng đầu.
Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 3/2022 trên sàn giao dịch hàng hóa Osaka đóng cửa tăng 0,4 JPY lên 227,2 JPY (2 USD)/kg, sau khi giảm xuống 224,7 JPY trước đó trong phiên này.
Giá cao su tại sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải giao tháng 1/2022 tăng 70 CNY lên 14.785 CNY (2.291 USD)/tấn.
Một đại lý tại Tokyo cho biết tồn kho cao su tại sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải ở dưới mức trung bình 5 năm tại thời điểm này, điều này đã hỗ trợ giá tăng gần đây tại Nhật Bản và Trung Quốc.
Cà phê arabica tăng hơn 4%
Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 12 đóng cửa tăng 8,9 US cent hay 4,4% lên 2,1315 USD/lb, trước đó giá đã đạt 2,1515 USD/lb.
Các đại lý cho biết có tin đồn rằng vấn đề vận chuyển hàng hóa toàn cầu đã gây ra các kho dự trữ cà phê cạn kiệt dần khi nhu cầu đối với một trong những loại đồ uống được ưa thích trên thế giới vẫn mạnh.
Kho dự trữ cà phê arabica trên sàn ICE giảm 11,5% kể từ đầu tháng 9.
Cà phê robusta kỳ hạn tháng 11 tăng 45 USD hay 2,1% lên 2.144 USD/tấn.
Giá đường giảm
Đường thô kỳ hạn tháng 3 đóng cửa giảm 0,26 US cent hay 1,3% xuống 20,07 US cent/lb.
Các đại lý cho biết đường vẫn được hỗ trợ tốt, do quan điểm cho rằng người tiêu dùng cuối cùng sẽ sớm cần bổ sung dự trữ và việc bán ra của Ấn Độ sẽ chỉ tăng lên khoảng 21 thậm chí 21,5 US cent.
Bộ Nông nghiệp Pháp đã nâng ước tính sản lượng củ cải đường, trong khi USDA cũng tăng dự báo sản lượng của Mỹ.
Đường trắng kỳ hạn tháng 12 đóng cửa giảm 4,9 USD hay 0,9% xuống 517 USD/tấn.
Đậu tương giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12/2020
Giá đậu tương tại Chicago giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12/2020 sau một báo cáo của chính phủ Mỹ cho thấy sản lượng đậu tương và ngô lớn hơn dự kiến trước đó của các thương nhân.
Bộ Nông nghiệp Mỹ USDA đã ước tính sản lượng đậu tương ở mức 4,448 tỷ bushel và năng suất ở mức 51,5 bushel/mẫu.
Giá ngô cũng giảm sau khi USDA ước tính vụ ngô đang thu hoạch hiện nay và năng suất ngô cao hơn dự kiến.
Hợp đồng đậu tương trên sàn CBOT đóng cửa giảm 30 US cent xuống 11,98-1/4 USD/bushel, sau khi giảm xuống mức thấp nhất kể từ ngày 17/12/2020.
Ngô CBOT giảm 10-1/2 US cent xuống 5,22-1/2 USD/bushel, trong khi lúa mì tăng 2-1/4 US cent lên 7,34 USD/bushel.