Dầu tăng sau khi Saudi Arabia cam kết giảm sản lượng thêm nữa
Giá dầu thô tăng hơn 1% trong phiên vừa qua sau khi số liệu của OPEC cho thấy nhóm này đã cắt giảm mạnh sản lượng trong tháng 1/2019 và Saudi Arabia cho biết họ sẽ giảm thêm 500.000 thùng nữa vào tháng 3/2019.
Kết thúc phiên, dầu Brent tăng 91 US cent tương đương 1,5% lên 62,42 USD/thùng, trong khi dầu Tây Texas (WTI) tăng 69 US cent tương đương 1,3% lên 53,10 USD/thùng.
Giá càng được hỗ trợ bởi Viện Dầu mỏ Mỹ (API) công bố số liệu cho thấy dự trữ dầu thô của nước này giảm ngoài dự kiến, giảm 998.000 thùng trong tuần tới 8/2/2019, xuống 447,2 triệu thùng, trái ngược dự đoán của giới phân tích là tăng 2,7 triệu thùng. Dự trữ tại trung tâm giao nhận Cushing, Oklahoma giảm 502.000 thùng.
OPEC và các đồng minh, trong đó có Nga, đã nghiêm túc thực hiện cam kết, mặc dù sản lượng từ các nước ngoài nhóm này tăng, nhất là từ Mỹ. Số liệu của OPEC vừa đưa ra hôm qua cho thấy sản lượng của họ đã giảm gần 800.000 thùng/ngày trong tháng 1/2019, xuống 30,81 triệu thùng/ngày. Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia còn cam kết sẽ đưa sản lượng của nước này về mức khoảng 9,8 triệu thùng/ngày vào tháng 3 tới để đẩy giá dầu thô tăng lên (theo cam kết với nhóm thì sản lượng của nước này giảm xuống khoảng 10,3 triệu thùng/ngày).
Vàng và các kim loại quý khác tăng khi USD giảm
Giá vàng tăng trong phiên vừa qua sau khi USD giảm nhẹ và giới đầu tư lại dấy lên lạc quan về khả năng giải quyết được xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Cuối phiên, hợp đồng giao ngay tăng 0,2% lên 1.310,95 USD/ounce, còn hợp đồng giao sau tăng 0,2% lên 1.314 USD/ounce. Nhà phân tích Fawad Razaqzada thuộc Forex.com nhận định: "Nếu trong ngắn hạn giá vàng phá ngưỡng 1.315 USD thì có thể sẽ còn tăng hơn nữa".
Phiên vừa qua giá palađi cũng tăng 0,8% lên 1.397 USD/ounce, bạc tăng 0,1% lên 15,71 USD/ounce trong khi bạch kim tăng 0,4% lên 784,5 USD/ounce.
Hy vọng Mỹ - Trung sẽ đạt được thỏa thuận sau đợt đàm phán này đang khiến các nhà đầu tư thêm hào hứng với vàng cũng như những tài sản rủi ro như chứng khoán, bởi thỏa thuận giữa 2 cường quốc này có thể đẩy đồng nhân dân tệ tăng giá, từ đó tạo thêm cơ hội cho các nhà đầu tư Trung Quốc mua nhiều vàng hơn nữa từ các sàn giao dịch quốc tế.
Đậu tương, ngô và lúa mì tăng bởi lạc quan vào thương mại Mỹ - Trung
Giá đậu tương trên sàn Chicago hồi phục từ mức thấp nhất gần 3 tuần do hoạt động mua mang tính kỹ thuật và lạc quan về khả năng đạt được thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc – nước nhập khẩu đậu tương lớn nhất thế giới. Kết thúc phiên, đậu tương kỳ hạn tháng 3/2019 tăng 5-1/2 US cent lên 3,78-1/4 USD/bushel.
Ngô hồi phục từ mức thấp nhất 4 tuần, đồng thời lúa mì cũng vững lên. Hợp đồng ngô kỳ hạn tháng 3 tới tăng 5-1/2 US cent lên 3,78-1/4 USD/bushel, trong khi lúa mì cùng kỳ hạn tăng 1-3/4 US cent lên 5,2 USD/bushel.
Đường thô tăng, đường trắng giảm
Giá đường thô tăng lên mức cao nhất 1 tuần theo xu hướng của thị trường dầu thô, trong khi đường trắng kỳ hạn tháng 3/2019 giảm xuống mức thấp nhất 4 tháng trước khi đáo hạn.
Kết thúc phiên, đường thô giao tháng 3 tăng 0,18 US cent tương đương 1,4% lên 12,85 US cent/lb, sau khi có lúc đạt 12,92 US cent, cao nhất trong vòng 1 tuần. Giá dầu tăng khích lệ Brazil tăng tỷ lệ mía sản xuất ethanol và giảm lượng mía dùng sản xuất đường. Dự trữ ethanol tại Brazil tính tới giữa tháng 1/2019 đạt mức cao nhất kể từ 201 (7,29 lít). Tuy nhiên, dự báo Ấn Độ sẽ xuất khẩu đường sau vài tuần tới cản trở giá đường thô tăng hơn nữa.
Đối với đường trắng, hợp đồng giao tháng 3 giảm 50 US cent tương đương 0,2% xuống 325,80 USD/tấn vào cuối phiên, sau khi có lúc xuống chỉ 323,4 USD/tấn, thấp nhất trong vòng 4 tháng. Mức trừ lùi của hợp đồng giao tháng 3 so với tháng 5 tiếp tục tăng lên khi hợp đồng tháng 3 đáo hạn vào ngày thứ Tư (13/2).
Cà phê tăng
Cà phê tăng trong phiên vừa qua. Loại arabica giao tháng 3 tăng 0,25 US cent tương đương 0,2% lên 1,0045 USD/lb vào cuối phiên, mặc dù đã chạm mức thấp nhất 5 tuần là 99,85 US cent ở cuối phiên trước. Tỷ giá đồng real tiếp tục chi phối thị trường cà phê arabica. Trong khi đó loại robusta giao cùng kỳ hạn tăng 7 USD tương đương 0,5% lên 1.535 USD/tấn.
Kẽm thấp nhất 2 tuần, các kim loại cơ bản khác cũng đi xuống
Giá kẽm giảm phiên thứ 3 liên tiếp xuống mức thấp nhất hơn 2 tuần do đồng USD tăng lên mức cao nhất gần 2 tháng ở phiên liền trước và các nhà đầu tư vẫn lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Kẽm giao sau 3 tháng trên sàn London đã giảm 1,4% xuống 2.608 USD/tấn vào cuối phiên vừa qua, trong phiên có lúc chỉ 2.602,5 USD/tấn. Giá kim loại này đã từng tăng thêm gần 1/5 trong giai đoạn 5/1-5/2/2019 và chạm mức cao kỷ lục 7 tháng là 2.810 USD/tấn ở cuối giai đoạn đó, trước khi quay đầu giảm. Lượng kẽm lưu kho trên sàn London hiện ở mức thấp nhất kể từ tháng 1/2008.
Đối với các kim loại cơ bản khác, đồng giảm 0,7% xuống 6.106 USD/tấn, nhôm giảm 1% xuống 1.862 USD/tấn, chì giảm 0,5% xuống 2.035 USD/tấn, nickel giảm 0,6% xuống 12.410 USD/tấn và thiếc giảm 0,5% xuống 20.925 USD/tấn.
Quặng sắt rời mức cao kỷ lục, thép cũng giảm
Giá quặng sắt trên thị trường Trung Quốc phiên vừa qua đã giảm khỏi mức cao kỷ lục cao của phiên trước đó khi các nhà đầu tư bán ra để kiếm lời trong bối cảnh lo ngại về triển vọng thương mại giữa Washintong và Bắc Kinh. Quặng sắt trên sàn Đại Liên giảm 2,7% xuống 634 CNY (93,60 USD)/tấn. Phiên trước có lúc giá đạt 652 CNY.
Ở thời điểm hiện tại, rất khó để dự đoán về xu hướng giá quặng sắt vì còn nhiều sự thiếu chắc chắn liên quan đến các yếu tố cơ bản.
Giá thép cũng giảm trong phiên vừa qua, với thép cây dùng trong xây dựng trên sàn Thượng Hải giảm 1,8% xuống 3.785 CNY/tấn, trong khi thép cuộn cán nóng (thép tấm) giảm 1,9% xuống 3.674 CNY/tấn.
Cao su tăng
Giá cao su kỳ hạn trên thị trường Tokyo phiên vừa qua tăng theo xu hướng tại Thượng Hải do sản lượng giảm ở các khu vực sản xuất cao su chủ chốt và đồng yen yếu đi so với USD.
Kết thúc phiên, hợp đồng kỳ hạn tháng 6/2019 trên sàn Tokyo tăng 3,1 JPY len 153,1 JPY/kg. Cao su TSR20 kỳ hạn tháng 8/2019 tăng 3,6 JPY lên 153,1 JPY/kg. Trong khi đó trên sàn Thượng Hải, hợp đồng kỳ hạn tháng 5/2019 tăng 285 CNY (42,07 USD) lên 11.615 CNY/tấn.
Sản lượng cao su tự nhiên của Malaysia tháng 12/2018 giảm 18% so với cùng kỳ năm trước, mặc dù do với tháng 11/2018 thì tăng 5,4%, đạt 54.992 tấn. Xuất khẩu cao su tự nhiên của nước này tháng 12/2018 giảm 9% so với tháng trước đó, xuống 48.183 tấn
Giá chè Kenya năm 2019 có thể tăng 10%
Trị giá xuất khẩu chè Kenya – nước xuất khẩu chè đen lớn nhất thế giới - năm 2019 dự báo sẽ giảm xuống 133 tỷ shilling (1,32 tỷ USD), từ mức cao kỷ lục 140,86 tỷ shilling năm 2018, do khối lượng xuất khẩu giảm sút. Theo dự báo của Tea Directorate, tổng sản lượng chè nước này năm nay sẽ giảm xuống 416 triệu kg, từ mức 492.99 triệu kg năm 2018 và 439 triệu kg năm 2017. Tổng xuất khẩu chắc chắn sẽ giảm 12% xuống 422 triệu kg, từ mức 474,86 triệu kg năm vừa qua. Giá chè trung bình tại sàn giao dịch Mombasa dự báo sẽ tăng 10% trong năm 2019, lên 2,84 USD/kg.
Nga nỗ lực giảm nhập khẩu rau
Theo nguồn tin EastFruit, Nga tiếp tục tăng cường tự sản xuất cũng như mở rộng hạ tầng cơ sở lưu trữ các loại rau chủ chốt, như cà-rốt, cải bắp, củ cải, tỏi…Điều này cho phép họ giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu, trong một số trường hợp còn có thể xuất khẩu.
Trong 11 tháng đầu 2018, nhập khẩu hành giảm 52% so với cùng kỳ năm trước, chỉ còn 146.000 tấn. Nhập khẩu cà-rốt cũng giảm 17% xuống 97 nghìn tấn. Nhập khẩu tỏi giảm ít nhất, giảm 8% xuống 46 nghìn tấn.
Tuy nhiên, nhập khẩu khoai tây vẫn tăng nhẹ (tăng 2% lên 535 nghìn tấn). Đây vẫn là loại rau nhập khẩu nhiều thứ 2 về khối lượng. Nhập khẩu củ cải đường cũng tăng 10% lên 41 nghìn tấn trong 11 tháng đầu năm 2018.
Sản lượng chuối Colombia cao nhất 1 thập kỷ
Colombia, nước xuất khẩu chuối lớn thứ 4 thế giới, đã sản xuất 100,4 triệu thùng chuối trong năm 2018 (1 thùng = 20 kg), cao nhất trong vòng ít nhất một thập kỷ qua. Con số đó cao hơn 2,52% so với năm 2017. Lý do bởi những diện tích trồng lại đến lúc cho thu hoạch, và diện tích chuối cũng tăng lên. Nhờ đó, nước này đã tiến thêm 1 bậc trong số những nhà xuất khẩu chuối hàng đầu thế giới, từ thứ 5 lên thứ 4, chỉ sau Ecuador, Costa Rica và Guatemala. Trị giá xuất khẩu chuối năm 2018 cũng tăng 1% so với năm trước, đạt 859 triệu USD. 80% chuối của nước này xuất khẩu sang EU, còn 13% sang Mỹ.
Giá một số mặt hàng chủ chốt lúc sáng nay 13/2