Dầu tăng
Giá dầu tăng trong phiên qua do các nhà đầu tư hy vọng các nhà sản xuất lớn trên thế giới sẽ giảm sản lượng thêm, trong khi họ không chú tâm tới các báo cáo của OPEC và IEA giảm dự báo nhu cầu trong năm nay bởi dịch bệnh bùng phát của virus corona tại Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới.
Chốt phiên 13/2, dầu thô Brent tăng 55 US cent hay 1% lên 56,34 USD/thùng, trong khi dầu WTI tăng 25 US cent hay 0,5% lên 51,42 USD/thùng.
OPEC đã giảm 200.000 thùng/ngày dự báo nhu cầu dầu thô của họ năm 2020 thúc đẩy dự đoán OPEC+ sẽ cắt giảm sản lượng hơn nữa.
Nhu cầu dầu tại Trung Quốc, nước tiêu thụ dầu thô lớn thứ 2 thế giới đã giảm vì tình trạng hạn chế du lịch đến và đi từ Trung Quốc, và kiểm dịch dịch bệnh.
Tập đoàn hóa chất quốc gia Trung Quốc cho biết họ sẽ đóng cửa 1 nhà máy lọc dầu công suất 100.000 thùng/ngày và cắt giảm xử lý tại 2 nhà máy khác trong bối cảnh nhu cầu nhiên liệu giảm.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự kiến nhu cầu dầu trong quý 1 giảm lần đầu tiên trong 10 năm trước khi phục hồi trong quý 2. Cơ quan này giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu cả năm xuống 825.000 thùng/ngày.
Vàng tăng lên cao nhất một tuần
Vàng tăng lên mức cao nhất trong hơn một tuần sau khi số trường hợp nhiễm virus corona mới và số người chết ở Trung Quốc tăng mạnh thúc đẩy các nhà đầu tư tìm kiếm tài sản rủi ro thấp.
Vàng giao ngay tăng 0,7% lên 1.576,32 USD/ounce sau khi chạm mức cao nhất kể từ ngày 4/2 trong đầu phiên giao dịch tại 1.577,81 USD. Vàng Mỹ kỳ hạn tháng 4 đóng cửa tăng 0,5% lên 1.577,81 USD/ounce.
Theo nhà chiến lược gia cao cấp tại RJO Futures giá vàng sẽ tiếp tục tăng cho đến khi thị trường chắc chắn về mức độ thiệt hại do virus corona.
Sau các báo cáo về tình hình suy giảm các trường hợp nhiễm virus corona mới, Trung Quốc cho biết đã có sự gia tăng kỷ lục về số lượng các ca tử vong và lây nhiễm theo phương pháp chẩn đoán mới, mối đe dọa tiềm tàng đối với triển vọng kinh tế toàn cầu.
Đồng tăng
Giá đồng và các kim loại công nghiệp tăng do do các thương nhân không để ý tới báo cáo số người chết tăng kỷ lục và hàng nghìn trường hợp lây nhiễm mà tập trung vào những nỗ lực của Trung Quốc nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus.
Với việc sử dụng phương pháp chuẩn đoán mới, báo cáo của tỉnh Hồ Bắc ngày 13/2 cho biết đã có 14.840 trường hợp lây nhiễm và 242 người đã chết trong ngày 12/2. Số liệu của Hồ Bắc cao hơn dường như là kết quả từ việc thay đổi cách tính toán thay vì sự gia tăng lây lan của virus.
Giá đồng trên sàn giao dịch kim loại London (LME) đóng cửa tăng 0,5% lên 5.790 USD/tấn. Giá giảm gần 10% so với 4 tuần trước, nhưng đã phục hồi phần nào từ mức thấp 5.523 USD trong ngày 3/2.
Công ty Rio Tinto, nhà điều hành mỏ đồng, vàng tại Mông Cổ cho biết việc vận chuyển quặng đồng sang Trung Quốc đã chậm lại.
Quặng sắt Trung Quốc tăng do lo ngại nguồn cung
Quặng sắt của Trung Quốc tăng phiên thứ ba liên tiếp khi giá giao ngay tăng lên mức cao nhất 3 tuần sau khi công ty khai khoáng Vale SA giảm triển vọng sản lượng trong quý 1, nhưng lo ngại về số người chết do virus corona đã kiềm chế đà tăng.
Hợp đồng quặng sắt giao dịch nhiều nhất trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên đóng cửa tăng 1,6% lên 624,5 CNY (89,43 USD)/tấn. Trong đầu phiên giao dịch hợp đồng này đã tăng lên 628 CNY, cao nhất kể từ ngày 23/1.
Các thương nhân tại Trung Quốc chậm trễ trở lại thị trường để mua hàng sau Tết Nguyên đán làm giảm nhu cầu trong bối cảnh dịch bệnh đã khiến các nhà máy và ngành xây dựng rơi vào bế tắc. Theo số liệu của công ty tư vấn SteelHome, tồn trữ thép thanh dùng trong xây dựng tại Trung Quốc tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 4/2019.
Giá quặng sắt giao ngay tăng sau khi công ty Vale của Brazil điều chỉnh giảm dự báo sản lượng quặng sắt trong quý 1 xuống 63 – 68 triệu tấn từ dự báo 68 – 73 triệu tấn, do mưa nhiều gần đây ảnh hưởng tới hoạt động của công ty.
Nguồn cung quặng sắt cho Trung Quốc từ Australia cũng chậm lại với các lô hàng từ kho cảng Port Hedland, cảng quặng sắt lớn nhất thế giới, giảm 18% trong tháng 1 so với tháng liền trước.
Thép cây trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải giảm 0,3%, trong khi thép cuộn cán nóng tăng 0,1%.
Ngành thép Trung Quốc đã yêu cầu chính phủ hỗ trợ khắc phục gián đoạn vận chuyển gây ra bởi những nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của virus corona.
Cao su TOCOM tăng, Thượng Hải giảm
Giá cao su kỳ hạn tháng 7 trên sàn giao dịch Tokyo (TOCOM) đóng cửa tăng 3 JPY lên 182 JPY/kg.
Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 5 được giao dịch nhiều nhất trên sàn giao dịch Thượng Hải giảm 25 CNY xuống 11.439 CNY/tấn.
Đường giảm từ mức cao nhất 2,5 năm
Đường thô kỳ hạn tháng 3 đóng cửa phiên giảm 0,62 US cent hay 4% xuống 15,16 US cent/lb.
Các đại lý cho biết thị trường có thể cần củng cố trong ngắn hạn sau khi tăng mạnh gần đây, một số đã chốt lời trước khi có kỳ nghỉ dài cuối tuần. Các thị trường Mỹ sẽ đóng cửa trong ngày thứ hai (17/2). Các đại lý cũng lưu ý với mức giá cao hiện nay, các nhà máy ở trung nam Brazil có thể có lợi hơn khi chuyển mía để sản xuất đường thay vì ethanol.
Các công ty đường và ethanol ở Brazil có thể bước vào mùa tốt nhất trong một thời gian dài, khi thời tiết thuận lợi thúc đẩy triển vọng vụ mới và tỷ giá đồng nội tệ thấp kỷ lục làm tăng doanh thu xuất khẩu.
Đường trắng kỳ hạn tháng 5 giảm 11,4 USD hay 4% xuống 416,3 USD/tấn.
Cà phê tăng
Cà phê rubusta kỳ hạn tháng 5 tăng 14 USD lên 1.301 USD/tấn.
Cà phê arabica giao tháng 5 tăng 3,95 US cent hay 3,8% lên 1,0670 USD/lb.
Tại Việt Nam có rất ít báo giá xuất khẩu do khó mua được cà phê ở thị trường trong nước. Nông dân tại đây đã bán cà phê ở mức 30.500 – 31.000 đồng/kg, so với 30.800 – 31.000 đồng trong tuần trước. Nông dân không muốn bán ở mức giá cực thấp này, họ muốn ít nhất 33.000 đồng/kg, tương đương chi phí sản xuất. Do thời tiết không mưa gần đây, vụ 2019/20 có thể đối mặt với hạn hán, dẫn tới sản lượng giảm.
Lái thương đã chào bán robusta loại 2 (5% hạt đen và vỡ) ở mức cộng 140 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 5/2020, so với mức cộng 130 USD một tuần trước.
Việt Nam đã xuất khẩu 145.101 tấn cà phê hay 2,4 triệu bao (loại 60 kg/bao) trong tháng 1/2020, giảm 22,9% so với tháng 12/2019.
Trong khi đó tại Indonesia cà phê rubusta Sumatran được chào bán với mức cộng 350 – 370 USD so với hợp đồng kỳ hạn tháng 5, mức cộng 250 – 350 USD trong tuần trước.
Gạo Thái Lan tăng, Ấn Độ ở mức đỉnh 4 tháng
Giá gạo Thái Lan 5% tấm tăng lên 425 – 447 USD/tấn từ 425 – 439 USD/tấn một tuần trước. Đồng baht yếu, nhưng giá gạo vẫn cao hơn so với các đối thủ cạnh tranh vì hạn hán ở nhiều khu vực trồng lúa đã hạn chế sản lượng. Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan cho biết đồng baht mạnh khiến xuất khẩu gạo giảm 32,5% trong năm 2019.
Mục tiêu xuất khẩu gạo Thái Lan là 7,5 triệu tấn trong năm 2020, thấp nhất trong 7 năm và Thái Lan có thể mất vị trí là nhà xuất khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới.
Tại Ấn Độ, giá gạo đồ 5% tấm tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 9/2019 tại 371 – 376 USD/tấn, tăng từ 370 – 375 USD/tấn trong tuần trước.
Tại Việt Nam, giá gạo 5% tấm ổn định so với một tuần trước tại 355 – 360 USD/tấn, với dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp đang gây áp lực lên doanh số.
Xuất khẩu gạo của Việt Nam trong tháng 1 giảm 4,6% so với một năm trước xuống 410.855 tấn. Lo ngại về diện tích trồng lúa thu hẹp do độ mặn giữ giá không giảm.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 14/02