Dầu tăng do hy vọng nguồn cung toàn cầu sẽ thắt chặt
Giá dầu tăng hơn 2% trong ngày 13/12, sau khi số liệu cho thấy dự trữ của Mỹ sụt giảm và do các nhà đầu tư bắt đầu dự kiến rằng thị trường dầu toàn cầu có thể thiếu hụt sớm hơn họ nghĩ trước đó.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho biết thỏa thuận sản lượng của OPEC với Nga và quyết định cắt giảm sản lượng của Canada có thể tạo ra một thị trường dầu thiếu hụt nguồn cung vào quý 2/2019, nếu các nhà sản xuất hàng đầu tuân thủ thỏa thuận.
Dầu thô Brent kết thúc phiên 13/12 tăng 1,3 USD tương đương 2,16% lên 61,45 USD/thùng, trong khi dầu WTI tăng 1,43 USD tương đương 2,8% lên 52,58 USD/thùng.
Nguồn cung dầu toàn cầu đã vượt xa nhu cầu trong 6 tháng qua, khiến dự trữ tăng và đẩy giá dầu trong cuối tháng 11 xuống mức thấp nhất trong hơn 1 năm. Nhưng tổ chức OPEC và các nhà sản xuất dầu lớn khác gồm cả Nga cho biết họ đã đồng ý cắt giảm sản lượng 1,2 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ đang chậm lại.
OPEC dự báo nhu cầu dầu của mình năm 2019 sẽ giảm xuống 31,44 triệu thùng/ngày, ít hơn 100.000 thùng/ngày so với dự báo trong tháng trước đó và thấp hơn 1,53 triệu thùng/ngày so với sản lượng hiện nay của họ. Bộ trưởng Dầu mỏ Iran cho biết Iran không dự định giảm sản lượng dầu nhưng sẽ vẫn là một thành viên của OPEC.
Nhà phân tích Jason Gammel thuộc tổ chức tài chính Jefferies cho biết các yếu tố như cắt giảm sản lượng và gián đoạn sản lượng bất ngờ ở đâu đó sẽ khiến thị trường thắt chặt trong nửa đầu năm tới. Nhưng tăng trưởng sản lượng của Mỹ gần như chắc chắn sẽ tăng tốc trở lại trong nửa cuối năm 2019 khi các đường ống để tăng công suất được lắp đặt tại lưu vực Permian.
Vàng giảm xuống mức thấp nhất một tuần
Giá vàng giảm xuống mức thấp nhất trong gần một tuần phiên vừa qua do đồng USD tăng và thị trường chứng khoán toàn cầu tăng ngày thứ ba liên tiếp.
Vàng giao ngay giảm 0,3% xuống 1.242,60 USD/ounce. Vàng kỳ hạn của Mỹ chốt phiên giảm 2,6 USD tương đương 0,2% xuống 1.247,4 USD/ounce.
Đồng USD tăng so với rổ các đồng tiền chủ chốt, được hỗ trợ bởi đồng euro giảm sau khi Ngân hàng Trung ương Châu Âu ECB giảm tăng trưởng và lạm phát dự kiến trong năm tới.
Xu hướng di chuyển của vàng trong ngắn hạn sẽ được xác định bởi sự lên xuống của đồng USD.
Palađi giảm sau khi chạm kỷ lục mới
Trong khi đó palađi chạm mức kỷ lục mới, giao dịch cao hơn giá vàng bởi nguồn cung thiếu hụt tiếp diễn và những kỳ vọng về nhu cầu mới trong lĩnh vực ô tô. Kim loại này tăng mạnh khi có tin Trung Quốc sẽ giảm thuế đối với ô tô nhập khẩu từ Mỹ, làm dấy lên hy vọng giá palađi sẽ được đẩy lên bởi nhu cầu bổ sung.
Kết thúc phiên giao dịch palađi giảm 0,7% xuống 1.251,99 USD/ounce, trong đầu phiên giao dịch giá đã chạm kỷ lục 1.269,25 USD/ounce
Đồng chạm mức cao nhất 1 tuần
Đồng đạt mức cao nhất trong hơn một tuần sau khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung dịu đi, nhưng mức tăng bị hạn chế do lo lắng kéo dài về nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc và tăng trưởng toàn cầu.
Giá đồng trên sàn giao dịch kim loại London giảm 14,5% từ đầu năm tới nay, phần lớn bởi lo ngại căng thẳng thương mại sẽ làm suy giảm nhu cầu đối với các kim loại cơ bản.
Đồng LME giao sau 3 tháng chốt phiên tăng 0,2% lên 6.155 USD/tấn, sau khi đạt 6.231 USD/tấn cao nhất kể từ ngày 4/12.
Các kim loại cơ bản bị áp lực bởi đồng USD mạnh lên sau khi ECB giảm dự báo tăng trưởng và lạm phát của mình cho năm tới.
Công ty khai thác mỏ Codelco của Chile cho biết mỏ đồng Chuquicamata đang hoạt động bình thường sau khi công nhân chặn đường vào mỏ đêm hôm trước.
Thép Thượng Hải tăng do hy vọng nhu cầu tốt trong năm 2019
Giá thép Thượng Hải tăng phiên thứ hai liên tiếp, bởi dự đoán Trung Quốc có thể triển khai thêm các dự án cơ sở hạ tầng vào năm tới, nhờ đó sẽ thúc đẩy nhu cầu tại nước tiêu thụ thép hàng đầu thế giới này.
Chính phủ Trung Quốc đã điều chỉnh các ưu tiên của mình để tập trung nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng, xuất khẩu và chống ô nhiễm nước, trong khi những nỗ lực giảm công suất ở ngành than và thép đang chậm lại. Trong hướng dẫn gửi tới chính quyền địa phương, Hội đồng Nhà nước cho biết cơ sở hạ tầng mới nên tập trung vào xây dựng đường bộ và đường thủy.
Hợp đồng thép cây được giao dịch nhiều nhất trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải chốt phiên tăng 2,1% lên 3.419 CNY/tấn. Thép cuộn cán nóng tăng 4,2% lên 3.470 CNY/tấn, sau khi lên mức cao nhất 6 tuần tại 3.485 CNY trong đầu phiên.
Nhu cầu thép chậm lại do các dự án xây dựng tại Trung Quốc bị gián đoạn bởi thời tiết lạnh, điều này đã gây sức ép lên giá thép trong những tuần gần đây.
Giá thép cây xây dựng vẫn giảm 15% kể từ mức cao nhất 7 năm đạt được hồi cuối tháng 8/2018.
Cao su TOCOM tăng lên mức cao nhất 7 tuần
Giá cao su kỳ hạn tại Tokyo tăng vọt phiên thứ hai liên tiếp, đạt mức cao nhất hơn 7 tuần, do dấu hiệu căng thẳng thương mại Mỹ - Trung dịu đi và dự đoán Trung Quốc sẽ sớm tăng cường nỗ lực hỗ trợ nền kinh tế đang nguội lạnh của mình.
Các công ty Trung Quốc lần đầu tiên mua nhiều đậu tương Mỹ - một mặt hàng trung tâm của tranh chấp thương mại – trong hơn 6 tháng. Hiroyuki Kikukawa, nhà điều hành bộ phận nghiên cứu tại công ty chứng khoán Nissan cho biết "xung đột thương mại Mỹ - Trung chưa được giải quyết, nhưng những lo sợ về tranh cãi của họ giảm đi".
Hợp đồng cao su TOCOM kỳ hạn tháng 5/2019 kết thúc phiên tăng 4,2 JPY hay 2,6% lên 168,9 JPY (1,49 USD)/kg, trong phiên có lúc giá đã đạt 169,4 JPY/kg, cao nhất kể từ ngày 22/10/2018.
Hợp đồng cao su TSR 20 kỳ hạn tháng 6/2019 tăng 2,3%, đóng cửa tại 149,7 JPY/kg.
Gạo Châu Á: Việt Nam giảm giá tuần thứ 4 liên tiếp
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam giảm tuần thứ 4 liên tiếp do lo ngại lượng tiêu thụ ít hơn từ Trung Quốc bởi các quy định chặt chẽ hơn của Bắc Kinh, trong khi nhu cầu ổn định cũng gây sức ép lên các thị trường gạo Ấn Độ và Thái Lan.
Tại Việt Nam, nước xuất khẩu lớn thứ ba mặt hàng này, giá gạo 5% tấm giảm xuống 395 USD/tấn so với mức 400 USD/tấn trong tuần trước.
Xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Trung Quốc giảm 39,1% trong 10 tháng đầu năm 2018 so với cùng kỳ một năm trước.
Tại Thái Lan, gạo 5% tấm được chào giá 385 – 393 USD/tấn, FOB Bangkok so với 390 – 393 USD/tấn một tuần trước do nhu cầu ổn định
Nguồn cung tăng dần do đang trong mùa thu hoạch từ tháng 12/2018 tới tháng 1/2019 có thể tiếp tục làm giảm giá.
Trong khi đó, giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ (nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới) không đổi so với tuần trước ở mức 364 – 368 USD/tấn.
Chính phủ Ấn Độ sẽ đưa ra trợ cấp 5% đối với gạo xuất khẩu non Basmati trong 4 tháng tính tới ngày 25/3/2019.
Trong khi đó, gạo vụ Aman của Bangladesh có thể tăng lên 14 triệu tấn so với 13,5 triệu tấn trong năm trước bởi thời tiết thuận lợi. Aman, vụ mùa lớn thứ hai sau vụ hè Boro, chiếm khoảng 38% trong tổng sản lượng 35 triệu tấn của Bangladesh.
Giá cà phê Việt Nam gần mức thấp nhất 3 tháng
Giá cà phê tại Việt Nam tiếp tục giảm xuống gần mức thấp nhất 3 tháng do vụ thu hoạch đang đạt đỉnh điểm, nhưng các lái thương và một chuyên gia trong ngành đều dự báo sản lượng giảm.
Nông dân tại Đắk Lắk đã thu hoạch gần 80% vụ mùa 2018/19, trong khi các tỉnh khác thu hoạch được khoảng 50%.
Nông dân đã bán cà phê ở mức giá 33.500 đồng/kg, mức thấp nhất kể từ cuối tháng 9/2018 và giảm từ 34.200 – 34.300 đồng/kg một tuần trước.
Theo ông Lương Văn Tự, chủ tịch Hiệp hội Cà phê Cacao, sản lượng cà phê niên vụ 2018/19 thấp hơn so với niên vụ trước, tương tự như dự báo tuần trước của các lái thương.
Các thương nhân tại Việt Nam chào robusta loại 2 với 5% hạt đen và vỡ ở mức trừ lùi 80 – 85 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 3/2019 tại London, thấp hơn so với mức trừ lùi 40 – 65 USD một tuần trước.
Giá cà phê robusta loại 4 với khiếm khuyết 80 tại Indonesia được bán với mức cộng 20 – 30 USD so với hợp đồng kỳ hạn tháng 3/2019, không đổi so với một tuần trước.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 14/12