Dầu giảm hơn 2%
Giá dầu giảm hơn 2% trong phiên vừa qua do giới đầu tư lo ngại về triển vọng nhu cầu dầu mỏ sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nhận định bi quan về nền kinh tế và cho rằng sẽ mất nhiều tháng để hồi phục sau đại dịch Covid-19.
Kết thúc phiên giao dịch vừa qua, giá dầu Brent giảm 79 US cent (2,6%) xuống 29,19 USD/thùng; dầu Tây Texas (Mỹ) giảm 49 US cent (1,9%) xuống 25,29 USD/thùng.
Gần đây giá dầu đã tăng lên khi nhà đầu tư lạc quan rằng nhu cầu nhiên liệu sẽ hồi phục cùng với tiến trình mở cửa trở lại của các nền kinh tế, trong khi các nước sản xuất giảm mạnh nguồn cung mặt hàng này để cân đối với nhu cầu trong bối cảnh đại dịch. Tuy nhiên, trong phiên 13/5, cả dầu và các tài sản rủi ro khác như chứng khoán đều giảm giá do nhiều tín hiệu cho thấy con đường hồi phục sẽ không dễ dàng. Tại một sự kiện với Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (PIIE), Chủ tịch FED, ông Jerome Powell, cho biết có thể cần thêm nhiều động thái để hỗ trợ cho nền kinh tế.
"Mặc dù đã phản ứng kịp thời và phù hợp về kinh tế, nhưng đây có thể chưa phải là chương cuối cùng, khi xét đến con đường quá bất ổn ở phía trước và còn hứng chịu nhiều rủi ro suy giảm". Trước đó, Bộ Lao động Mỹ thông báo nền kinh tế Mỹ đã mất 20,5 triệu việc làm trong tháng 4/2020.
Tồn trữ dầu thô của Mỹ tuần trước đã giảm 745.000 thùng, theo Cơ quan thông tin Năng lượng nước này (EIA). Điều đó trái ngược hoàn toàn với kết quả thăm dò ý kiến của Reuters – cho rằng tồn trữ sẽ tăng 4,1 triệu thùng. Cũng theo EIA, các kho chứa dầu ở trung tâm dự trữ Cushing, Oklahoma (Mỹ) đã giảm 3 triệu thùng, và tỷ lệ lấp đầy công suất dự trữ hiện đạt 80%. EIA dự báo sản lượng dầu Mỹ sẽ giảm 540.000 thùng/ngày, nhiều hơn mức giảm 470.000 thùng/ngày dự báo trước đó.
EIA dự báo nhu cầu dầu thế giới năm nay sẽ giảm 8,1 triệu thùng/ngày xuống 92,6 triệu thùng/ngày, so với mức dự báo trước đó là giảm 5,2 triệu thùng/ngày. Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cũng hạ dự báo về nhu cầu dầu năm nay, cho rằng sẽ giảm 9,07 triệu thùng/ngày, nhiều hơn mức giảm 6,85 triệu thùng/ngày đưa ra hồi tháng trước.
Vàng tăng do chủ tịch FED tỏ ý sẽ tung thêm các chương trình kích thích
Giá vàng tăng trong phiên vừa qua sau khi ông Jerome Powell cam kế sẽ mở rộng các biện pháp kích thích kinh tế nếu cần, để giảm bớt những tác động tiêu cực từ Covid-19.
Cuối phiên giao dịch, vàng giao ngay tăng 0,5% lên 1.709,75 USD/ounce, trong ki vàng giao tháng 6/2020 tăng 0,6% lên 1.716,4 USD/ounce. Trong phiên, có lúc giá vàng giao ngay tăng 0,9%, nhưng giảm nhẹ sau đó khi ông Powell từ chối phương án sử dụng lãi suất âm như một công cụ kích thích kinh tế.
Về việc này, nhà phân tích Suki Cooper của ngân hàng Standard Chartered cho biết: "FED có một số lựa chọn khác, và các chính sách tiếp tục duy trì hoặc nới lỏng định lượng hơn nữa sẽ hậu thuẫn tích cực cho thị trường vàng. Chúng tôi hy vọng lãi suất trên toàn cầu sẽ vẫn thấp, thậm chí ở một số quốc gia duy trì mức âm như hiện nay, và điều đó sẽ có lợi cho vàng".
Đồng giảm vì lo sợ về làn sóng Covid-19 thứ 2
Giá đồng giảm trong phiên vừa qua do lo ngại về một đợt lây nhiễm virus SARS-CoV-2 mới ở những nước tiêu thụ kim loại hàng đầu thế giới như Trung Quốc hay Hàn Quốc.
Giá đồng giao sau 3 tháng trên Sàn giao dịch kim loại London (LME) CMCU3 đã giảm 0,6% xuống 5.221 USD/tấn.
Thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) đã thông báo về những ca nhiễm mới sau khi dỡ bỏ lệnh phong tỏa, và họ đã phải áp dụng một số biện pháp kiểm soát mới để hạn chế sự lây lan của virus. Trong khi đó, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm của Mỹ, Anthony Fauci, cũng cảnh báo các nhà hoạch định chính sách về những rủi ro khi dỡ bỏ các chính sách phong tỏa/cách ly ở quốc gia này, cho rằng điều đó có thể khiến dịch bệnh bùng phát trở lại.
Quặng sắt cao nhất 9,5 tháng
Giá quặng sắt tại Trung Quốc đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 9 tháng rưỡi trong phiên vừa qua do nhu cầu tăng khi các nhà máy thép thúc đẩy sản xuất khi lợi nhuận được cải thiện.
Quặng sắt kỳ hạn tháng 9/2020 trên sàn Đại Liên trong phiên 13/5 có lúc tăng 2,4% lên 647 CNY (91,22 USD)/tấn, mức cao nhất kể từ 1/8/2020; kết thúc phiên tăng 2,1% so với phiên liền trước.
Giá quặng sắt 62% và 65% nhập khẩu vào Trung Quốc đã tăng 5% từ đầu tháng 5 đến nay, phiên 11/5/2020 đạt lần lượt 88,8 USD và 105,5 USD/tấn.
Đối với thép, giá thép cây kỳ hạn tháng 10/2020 trên sàn Thượng Hải tăng 0,3% lên 3.464 CNY/tấn; thép cuộn cán nóng tăng 0,3% lên 3.337 CNY/tấn trong khi thép không gỉ giảm 0,6% xuống 13.505 CNY/tấn.
Lúa mì thấp nhất 2 tháng, ngô và đậu tương cũng giảm
Giá lúa mì trên sàn Chicago đã giảm xuống mức thấp nhất gần 2 tháng trong phiên giao dịch vừa qua do dự báo nguồn cung gia tăng trên toàn cầu và thị trường xuất khẩu sẽ trong tình trạng cạnh tranh mạnh mẽ. Giá ngô và đậu tương cũng có chung xu hướng đi xuống do tiến độ trồng trọt của Mỹ hứa hẹn sản lượng sẽ bội thu.
Kết thúc phiên giao dịch, lúa mì kỳ hạn tháng 7/2020 giảm 12-3/4 US cent xuống 5,01-3/4 USD/bushel, trong phiên có lúc giá tiến sát ngưỡng tâm lý 5 USD, chỉ còn 5,00-1/4 USD/bushel, thấp nhất kể từ 18/3/2020. Giá đậu tương giao cùng kỳ hạn cũng giảm 12-1/2 US cent xuống 8,39-1/2 USD/bushel, còn ngô giảm 4 US cent xuống 3,18-1/4 USD/bushel.
Bộ Nông nghiệp vừa đưa ra dự báo rằng tồn trữ lúa mì toàn cầu cuối niên vụ 2020/21 sẽ tăng lên mức cao kỷ lục 310,12 triệu tấn, từ mức 295,12 triệu vào cuối năm 2019/20, đồng thời dự báo xuất khẩu lúa mì của Mỹ trong năm 2020/21 sẽ giảm, trong khi xuất khẩu của Nga, Argentina, Australia và Canada sẽ tăng.
Về nhu cầu, Trung Quốc đang cấp thêm hạn ngạch nhập khẩu ngô trong năm nay với mức thuế quan thấp, và có thể mở rộng hạn ngạch nhập khẩu lúa mì, trong bối cảnh này đang nỗ lực đẩy mạnh việc mua nông sản từ Mỹ để thực hiện các cam kết thương mại toàn cầu.
Cà phê arabica giảm phiên thứ 3 liên tiếp
Giá cà phê arabica trên sàn New York giảm phiên thứ 3 liên tiếp do triển vọng sản lượng của Brazil sẽ cao và nguy cơ nhu cầu tiếp tục yếu.
Kết thúc phiên giao dịch, arabica kỳ hạn tháng 7/2020 giảm 2,3 US cent (2,1%) xuống 1,0505 USD/lb; robusta giao cùng kỳ hạn cũng giảm 33 USD (2,8%) xuống 1.147 USD/tấn.
Xuất khẩu cà phê của Việt Nam tháng 4/2020 đã giảm 2,5% so với tháng trước đó, chỉ đạt 165.799 tấn (tương đương 2,76 triệu kg).
Cao su giảm vì lo ngại về làn sóng Covid-19 thứ hai
Giá cao su tiếp tục giảm phiên thứ 2 liên tiếp do nhà đầu tư lo ngại về làn sóng lây nhiễm virus corona thứ 2 nổi lên ở nhiều nước trong quá trình nới lỏng các chính sách giãn cách xã hội.
Kết thúc phiên giao dịch, cao su kỳ hạn tháng 10/2020 trên sàn Tokyo giảm 0,2 JPY xuống 152,1 JPY/kg; kỳ hạn tháng 9/2020 trên sàn Thượng Hải giảm 1% xuống 10.210 CNY/tấn.
Campuchia dỡ bỏ một phần lệnh cấm xuất khẩu gạo kể từ 20/5
Bộ Tài chính Campuchia ngày 13/4 cho hay, nước này sẽ dỡ bỏ một phần lệnh cấm xuất khẩu gạo – đã áp dụng từ ngày 6/4 để đảm bảo an ninh lương thực trong nước trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu.
Campuchia chỉ xuất khẩu khoảng 500.000 tấn gạo mỗi năm, theo số liệu của Chính phủ nước này. Tuy nhiên, việc Campuchia cấm xuất khẩu gạo đúng thời điểm nhiều nước khác cũng có hành động tương tự đã gây lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung lương thực trên toàn cầu.
Gừng ở Châu Âu tăng cao do nhu cầu mạnh
Nhu cầu gừng trên thị trường Châu Âu đang ở mức cao, nhất là từ các thị trường như Đức, Hà Lan…, nơi nhu cầu tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm ngoái, do người dân muốn tăng sức đề kháng bằng các sản phẩm thiên nhiên. Giá gừng hữu cơ của Trung Quốc bán ở Đức hiện là 2,5 – 2,8 EUR/kg, trong khi gừng bình thường giá 1,7 – 1,9 EUR/kg.
Trong khi đó, dự trữ gừng của Trung Quốc bắt đầu giảm vì sản lượng vụ 2019 (thu hoạch vào mùa Xuân năm 2020) thấp hơn mọi năm. Mặt khác, xuất khẩu gừng từ Peru bị gián đoạn do lệnh giới nghiêm ảnh hưởng tới việc thu hoạch và chế biến.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng nay 14/5