Dầu tăng nhẹ
Giá dầu tăng nhẹ mặc dù lượng tồn trữ dầu của Mỹ tăng. Lý do là bởi dữ liệu lạm phát của Mỹ làm gia tăng khả năng Cục Dự trữ Liên bang sẽ tăng mạnh lãi suất.
Giá dầu Brent kết thúc phiên 13/7 tăng 8 cent lên 99,57 USD/thùng, trong khi dầu thô Trung Tây Texas (Mỹ) (WTI) tăng 46 cent lên 96,30 USD/thùng.
Thị trường dầu vật chất vẫn trong tình trạng nguồn cung bị thắt. Giá tham chiếu các loại dầu chính, chẳng hạn như dầu thô Forties và dầu thô Midland của Mỹ, đang giao dịch ở mức cao hơn so với thị trường kỳ hạn, vẽ nên một bức tranh khác với những gì đang xảy ra trên thị trường hợp đồng tương lai, vốn bị ảnh hưởng bởi dữ liệu lạm phát – dự kiến sẽ khiến các ngân hàng trung ương lớn tăng lãi suất mạnh mẽ.
Tuần này, cả Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và Cơ quan Năng lượng Quốc tế, trong các báo cáo hàng tháng, đều cảnh báo rằng nhu cầu đang suy yếu, đặc biệt là ở các nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Vàng phục hồi mạnh
Giá vàng hồi phục mạnh từ mức thấp nhất trong vòng 1 năm do USD giảm giá vào cuối phiên sau khi tăng mạnh lúc đầu phiên.
Giá vàng giao ngay kết thúc phiên 13/7 tăng 0,8% lên 1.739,49 USD/ounce, hồi phục mạnh từ mức thấp nhất kể từ tháng 8 năm 2021 là 1.707,09 USD – thời điểm dữ liệu lạm phát của Mỹ được công bố đẩy đồng USD tăng mạnh lên mức cao kỷ lục mới trong vòng nhiều thập kỷ.
Giá vàng kỳ hạn tháng 8/2022 tăng 0,6% lên 1.735,5 USD.
Giá tiêu dùng của Mỹ đã tăng rất nhanh trong tháng 6, củng cố quan điểm rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản vào cuối tháng này.
Đồng USD sau đó đã giảm trở lại, thúc đẩy nhu cầu vàng đối với những người mua ở nước ngoài. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ cũng giảm.
Đồng thấp nhất 20 tháng
Giá đồng giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11 năm 2020 do dữ liệu cho thấy lạm phát của Mỹ cao nhất trong hơn 40 năm củng cố khả năng Mỹ sẽ tăng lãi suất mạnh mẽ và điều đó sẽ kìm hãm tăng trưởng kinh tế và nhu cầu kim loại.
Nhu cầu yếu ở Trung Quốc do chính sách phong tỏa chống COVID-19 và tăng trưởng chậm lại cũng đang gây áp lực lên giá đồng, khiến kim loại này mất hơn 30% giá trị so với mức cao kỷ lục, 10.845 USD, đạt tới hồi tháng 3.
Giá đồng kỳ hạn giao sau 3 tháng trên Sàn giao dịch kim loại London (LME) kết thúc phiên 13/7 giảm 0,2% xuống 7.342 USD/tấn, trước đó có lúc xuống chỉ 7.160 USD.
Nhu cầu của Trung Quốc vẫn yếu, mức cộng cho giá đồng nhập khẩu vào cảng Yangshan so với giá trên sàn London đã giảm xuống còn 64 USD/tấn từ mức 76,50 USD vào đầu tháng 7, trong khi kết quả thăm dò của Reuters cho thấy các nhà phân tích đã hạ dự báo về tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc năm nay xuống 4%.
Cà phê tăng
Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 9 tăng 2 US cent, tương đương 1%, lên 2,0735 USD/lb, mở rộng đà phục hồi từ mức thấp nhất trong hai tháng là 2,0475 USD chạm tới vào hôm thứ Ba (12/7).
Các kho dự trữ được chứng nhận của sàn ICE giảm gần 10.000 bao vào ngày 13/7 xuống 759.695 bao, mức thấp nhất kể từ tháng 8 năm 1999.
Cà phê robusta giao tháng 9 tăng 27 USD, tương đương 1,4% lên 1.981 USD/tấn.
Cao su chạm “đáy” 2 tháng
Giá cao su trên thị trường Nhật Bản giảm xuống mức thấp nhất gần 2 tháng theo xu hướng ở Thượng Hải trong bối cảnh lo ngại về sự bùng phát của đại dịch COVID-19 ở Trung Quốc và Nhật Bản, và lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu.
Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 12 trên sàn Osaka giảm 6,6 yên vào lúc đóng cửa, tương đương 2,6%, xuống 243,8 yên (1,8 USD)/kg, sau khi có lúc chạm mức 243,4 yên, thấp nhất kể từ ngày 19/5.
Hợp đồng cao su giao tháng 9 trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải cũng giảm 470 nhân dân tệ xuống 12.190 nhân dân tệ (1.814 USD)/tấn. Trong phiên có lúc giá giảm xuống 12.035 nhân dân tệ, thấp nhất kể từ ngày 5 tháng 8 năm 2020.
Cư dân ở trung tâm tài chính Thượng Hải ngày càng lo lắng về đợt bùng phát COVID-19 dai dẳng gây ra hàng chục ca dương tính mỗi ngày, chỉ vài tuần sau khi lệnh cấm vận toàn thành phố kéo dài hai tháng được dỡ bỏ vào tháng trước.
Dầu cọ thấp nhất 1 năm
Giá dầu cọ Malaysia kỳ hạn tương lai giảm hơn 8% trong phiên vừa qua, xuống mức thấp nhất trong hơn một năm, do xuất khẩu dầu cọ nước này trong tháng Bảy ở mức thấp và lo ngại về việc hạn chế chống COVID-19 kéo dài ở Trung Quốc đã khiến các hợp đồng dầu cọ trên sàn Đại Liên bị bán tháo.
Giá dầu cọ kỳ hạn tháng 9 – tham chiếu cho thị trường toàn cầu – trên Sàn giao dịch phái sinh Bursa (Malaysia) kết thúc phiên 13/7 giảm 354 ringgit, tương đương 8,6%, xuống 3.762 ringgit (848,25 USD)/tấn, mức đóng cửa thấp nhất kể từ ngày 1/7 năm ngoái.
Ngô và đậu tương tăng, lúa mì giảm
Giá ngô Mỹ tăng 1,5% trong phiên vừa qua do lo ngại thời tiết khô nóng ở vùng Trung Tây Mỹ có thể làm giảm sản lượng thu hoạch. Giá đậu tương kỳ hạn tương lai cũng phục hồi sau sự sụt giảm mạnh gần đây - do báo cáo Ước tính Cung và Cầu Nông nghiệp Thế giới hàng tháng của Bộ Nông nghiệp Mỹ hạ thấp triển vọng nhu cầu trên toàn cầu đối với cây trồng này.
Tuy nhiên, giá lúa mì giảm trong trong bối cảnh các thương nhân đang chờ đợi thông tin rõ ràng hơn về khả năng nối lại các chuyến hàng từ Ukraine trên Biển Đen, sau giai đoạn gián đoạn do chiến tranh.
Kết thúc phiên giao dịch, giá ngô kỳ hạn tháng 12 trên sàn Chicago tăng 8-3/4 cent lên 5,95-1/4 USD/bushel. Giá đậu tương cũng tăng 6-1/2 cent lên 13,49-1/2 USD/bushel.
Riêng giá lúa mì kỳ hạn háng 9 giảm 3-1/2 US cent xuống 8,10-3/4 USD/bushel.
Bông mức thấp nhất 1 năm
Giá bông Mỹ giảm 5% trong phiên vừa qua, xuống mức thấp nhất trong một năm, bị ảnh hưởng bởi triển vọng nhu cầu giảm đối với sợi tự nhiên và tác động từ việc USD mạnh lên đối với toàn bộ các thị trường.
Bông kỳ hạn tháng 12 phiên này giảm 1,34 US cent, tương đương 1,5% xuống 89,50 cent/lb.
Bộ Nông nghiệp Trung Quốc hôm thứ Ba đã hạ ước tính tiêu thụ bông năm 2021/22 với mức giảm 200.000 tấn do nhu cầu yếu từ các nhà sản xuất dệt may. Trung Quốc là một trong những nước tiêu thụ bông lớn nhất của Mỹ.
Quặng sắt hồi phục, thép giảm tiếp
Giá quặng sắt tăng trở lại trong phiên vừa qua sau khi dữ liệu cho thấy xuất khẩu của Trung Quốc tăng với tốc độ nhanh hơn dự kiến trong tháng 6, nhen nhóm hy vọng về nhu cầu phục hồi đối với nguyên liệu sản xuất thép.
Hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 9 trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên (Trung Quốc) kết thúc phiên vửa qua tăng 1,5% lên 732 nhân dân tệ/tấn, sau khi trước đó giảm 3,9% xuống mức thấp nhất kể từ ngày 28 tháng 2.
Trên Sàn giao dịch Singapore, hợp đồng quặng sắt giao tháng 8 tăng 3,9% lên 109,10 USD/tấn, sau khi chạm mức thấp nhất trong năm nay ở mức 104,10 USD/tấn.
Nhưng những lo lắng dai dẳng về nhu cầu thép yếu ở Trung Quốc đã kéo giá thép kỳ hạn ở Thượng Hải giảm, cho thấy sự phục hồi của quặng sắt có thể chỉ là một đốm sáng.
Giá thép thanh vằn dùng trong xây dựng trên Sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải giảm 2,1%, trong khi thép cuộn cán nóng giảm 2,3%. Thép không gỉ phiên này có giá tăng 1%.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng 14/7: