Dầu tiếp tục "rớt" giá
Giá dầu tiếp tục rớt xuống do lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại làm lu mờ những tiến bộ trong quá trình giải quyết tranh chấp thương mại Mỹ- Trung.
Chốt phiên giao dịch đêm qua, dầu thô Brent kỳ hạn tháng 11/2019 giảm 16 cent xuống 60,22 USD/thùng. Trong khi dầu thô Tây Texas Mỹ (WTI) kỳ hạn tháng 10/2019 giảm 24 cent còn 54,85 USD/thùng.
Tính chung cả tuần, dầu Brent đã giảm 2,1%, lần giảm đầu tiên trong 5 tuần và dầu WTI mất khoảng 3%, lần giảm đầu tiên trong 3 tuần.
Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã có những cử chỉ hòa giải trước khi bước vào các cuộc đàm phán mới. Trung Quốc sẽ miễn một số nông sản của Mỹ khỏi thuế quan bổ sung.
Cả OPEC và Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) tuần này đều cho rằng thị trường dầu mỏ có thể sẽ dư thừa vào năm tới do sản xuất tăng cao từ Mỹ có thể bù lại lượng cắt giảm theo cam kết của OPEC+ nhằm hạn chế nguồn cung.
Giá dầu Brent đã tăng khoảng 12% từ đầu năm tới nay nhờ thỏa thuận cắt giảm sản lượng 1,2 triệu thùng/ngày của OPEC+.
Giá LNG châu Á tăng vọt theo xu hướng châu Âu
Giá khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) giao ngay tại châu Á đã tăng vọt theo xu hướng thị trường khí châu Âu trong tuần này, lần tăng đầu tiên tăng trong 3 tuần. Giá LNG giao ngay trong tháng 10/2019 vào Đông Bắc Á đạt 4,90 - 5,20 USD/mmBtu, tăng cao so với khoảng 4,40 USD một tuần trước.
Giá LNG tại châu Âu đã tăng vọt trong tuần này do nhà sản xuất Gazprom của Nga cắt giảm dẫn khí đốt qua đường ống Opal vào Đức, nhiều vấn đề phát sinh đối với 5 lò phản ứng hạt nhân của Pháp và tin về mỏ khí Groningen của Hà Lan ngừng sản xuất 8 năm so với dự kiến ban đầu.
Giá khí đốt kỳ hạn tháng 10/2019 tại Hà Lan, giá tham khảo LNG bán sang châu Âu, đạt trên 5 USD/mmBtu, tăng hơn 1 USD so với tuần trước.
Thị trường LNG châu Á và châu Âu đã liên quan tới nhau chặt chẽ hơn trong năm nay do hoạt động giao dịch tăng mạnh.
Vàng quay đầu giảm
Giá vàng đã quay đầu giảm trong phiên giao dịch cuối tuần và đánh dấu tuần giảm thứ 3 liên tiếp, do số liệu bán lẻ của Mỹ tăng cao cho thấy nguy cơ suy thoái kinh tế Mỹ tiếp tục giảm và hy vọng căng thẳng thương mại Mỹ-Trung dịu bớt đã nâng giá chứng khoán và lợi suất trái phiếu kho bạc lên mức cao nhất trong nhiều tuần.
Vàng giao ngay trên sàn LBMA giảm 0,5% xuống còn 1.491,41 USD/ounce, tính chung cả tuần giảm 1%. Giá vàng kỳ hạn tháng 12/2019 trên sàn New York giảm gần 8 USD, tương đương 0,5%, xuống còn 1.499,50 USD/ounce.
Các nhà đầu tư hiện đang chờ cuộc họp ngân hàng trung ương Mỹ vào tuần tới, với dự kiến Fed sẽ giảm lãi suất cơ bản xuống ít nhất 25 điểm trong lần thứ hai liên tiếp.
Các nhà phân tích của FedWATCH cho rằng chính sách tiền tệ ôn hòa được các ngân hàng trung ương toàn cầu áp dụng cùng với những lo ngại về khoản nợ " khủng" của chính phủ Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ vàng thỏi trong dài hạn.
Đồng chạm mức cao 1,5 tháng, chì cao nhất 6 tháng
Giá đồng chạm mức cao nhất trong 1 tháng rưỡi do các nhà đầu tư hy vọng căng thẳng thương mại Mỹ- Trung giảm bớt có thể thúc đẩy nhu cầu kim loại.
Giá đồng kỳ hạn 3 tháng trên sàn LME đã tăng 2,5% lên 5.975 USD/tấn, mức cao nhất kể từ 30/7.
Giá chì cũng bật tăng lên mức cao nhất 6 tháng. Giá chì tăng 1,4% đạt 2.106 USD sau khi đạt 2.118 USD/tấn, mức cao nhất kể từ 15/3.
Trong khi đó, giá niken giảm 1,3% còn 17.750 USD/tấn sau khi tồn kho nickel tại LME tăng 6,6% lên 166.680 tấn, cao nhất kể từ 24/6, làm giảm bớt tình trạng thiếu hụt ngắn hạn trong kho LME.
Đậu tương cao nhất 6 tuần
Giá đậu tương kỳ hạn tại Mỹ lên mức cao nhất 6 tuần do hoạt động mua đậu tương Mỹ đầu tiên của Trung Quốc trong vài tháng qua và việc Trung Quốc nới lỏng đánh thuế một số mặt hàng nông sản xuất khẩu của Mỹ trong đó có đậu tương.
Trung Quốc thông báo sẽ miễn trừ một số sản phẩm nông nghiệp, bao gồm đậu tương và thịt lợn, khỏi danh sách đánh thuế bổ sung và các công ty Trung Quốc đã đặt trước ít nhất 10 tàu đậu tương của Mỹ trước cuộc đàm phán cấp cao diễn ra vào tháng tới.
Phía Mỹ cũng đã xác nhận rằng các nhà nhập khẩu Trung Quốc đã đặt mua 204.000 tấn đậu tương giao hàng trong năm marketing 2019/20.
Giá đậu tương kỳ hạn tháng 11/2019 tại Chicago tăng 3-1/4 cent lên 8,98-3/4 USD/bushel. Tính chung cả tuần, giá tăng 4,8%, mức tăng cao nhất trong 3,5 tháng.
Cao su đạt mức cao nhất 3,5 tuần
Giá cao su tại Tokyo đã tăng lên mức cao nhất 3,5 tuần do căng thẳng thương mại Mỹ- Trung dịu bớt và các nhà đầu tư Nhật Bản tích cực mua vào trước kỳ nghỉ dài cuối tuần.
Tại Tokyo, giá cao su giao tháng 2/2020 tăng 1 JPY, hoặc 0,6%, đạt 170,6 JPY(1,58 USD)/kg. Trong phiên, có lúc giá đã lên mức cao nhất kể từ ngày 21/8 là 170,8 JPY. Tính chung cả tuần, giá tăng 3,4%.Giá cao su TSR 20 giao tháng 3/2020 đóng cửa ở mức 141,2 yên / kg.
Trong khi đó tại Singapore, giá cao su giao tháng 10/2019 cũng tăng 0,3% đạt 134,2 Uscent/kg. Thị trường cao su Trung Quốc đóng cửa nghỉ lễ Trung Thu trong phiên giao dịch cuối tuần.
Đường tăng mạnh
Giá đường kỳ hạn tháng 10 tăng cao trước khi hợp đồng này hết hạn vào phiên giao dịch cuối tuần. Cụ thể, giá đường trắng tại London giao tháng 10 tăng 12,4 USD, tương đương 3,2%, đạt 329,4 USD/tấn. Tính chung cả tuần, giá đã tăng 8,3%.
Giá đường thô tại New York cùng kỳ hạn cũng tăng 0,13 cent, tương đương 1,2%, đạt 10,89 cent/lb. Tuy nhiên, tính chung cả tuần, giá giảm 1,2%.
Cà phê giảm giá
Giá cà phê Arabica giao tháng 12/2019 đã giảm 0,85 cent, tương đương 0,8%, xuống còn 1,0275 USD/lb sau khi tăng vọt gần đây. Giá cà phê Robusta giao tháng 11/2019 giảm 13 USD, tương đương 1%, còn 1.318 USD/tấn.
Giá tỏi Trung Quốc tăng mạnh do cung giảm
Giá tỏi Trung Quốc ngay từ đầu năm đã tăng đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái do nguồn cung giảm mạnh, nhưng gần đây giá mua ở một số khu vực sản xuất chính đã giảm nhẹ. Giá tăng là do nông dân giảm diện tích trồng, dẫn đến nguồn cung thấp trên thị trường. Diện tích trồng tỏi đã giảm trung bình 25% -30% so với năm trước.
Sự sụt giảm trong sản xuất đã làm cho cung và cầu tỏi ở Trung Quốc thắt chặt hơn từ đầu năm 2019, và khiến một số thương nhân không muốn bán, đẩy giá lên cao. Năm nay thị trường tỏi sôi động hơn, và hiện các thương nhân đang mua để dự trữ.
Nhập khẩu xoài vào Mỹ tăng ổn định qua từng năm
Nhập khẩu xoài vào Mỹ tăng mạnh, chủ yếu từ Mỹ La Tinh do sản lượng trong nước hạn chế. Trong 9 tháng đầu năm nay, Mỹ nhập 95 triệu hộp từ Mỹ Latinh. Trong đó, nhập khẩu từ Mexico chiếm khối lượng lớn nhất với 80 triệu hộp, tiếp theo là Ecuador trên 12 triệu hộp, Pêru là 12 triệu hộp, Brazil 8,5 triệu hộp và Haiti 2 triệu hộp. Mặc dù sản xuất tại Haiti kém hơn so với một số quốc gia đang phát triển khác nhưng quốc gia này đang có mùa tốt nhất từ trước đến nay.
Các vụ mùa tại Brazil và Ecuador đã bị trì hoãn do điều kiện thời tiết bất lợi. Ecuador dự kiến sẽ bắt đầu mùa xoài vào khoảng giữa tháng 9. Còn các nhà đóng gói và xuất khẩu ở Brazil đang tích cực làm việc để bù đắp cho sự chậm trễ.
Trong 5 năm qua, xuất khẩu xoài từ Mexico, Ecuador, Peru, Brazil, Guatemala, Haiti và Nicaragua sang Mỹ đã tăng khoảng 13%. Trong 15 năm qua, tổng khối lượng nhập khẩu đã tăng hơn 87% và kim ngạch nhập khẩu (FOB) tăng hơn 120% với tiêu thụ trên đầu người đã tăng hơn 68%.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 14/09