Dầu Brent đạt mức 84 USD/thùng
Giá dầu tăng 1% sau khi nhà sản xuất dầu hàng đầu thế giới Saudi Arabia bác bỏ lời kêu gọi OPEC+ bổ sung thêm nguồn cung và Cơ quan Năng lượng Quốc tế IEA cho biết giá khí tự nhiên đang tăng vọt có thể thúc đẩy nhu cầu dầu cho nhà máy điện.
Chốt phiên 14/10, dầu thô Brent tăng 82 US cent hay 1% lên 84 USD/thùng và là mức đóng cửa cao nhất kể từ tháng 10/2018. Dầu thô WTI của Mỹ đóng cửa tăng 87 US cent lên 81,31 USD/thùng, ghi nhận mức đóng cửa cao nhất 7 năm.
IEA cho biết nhu cầu dầu thô có thể tăng nửa triệu thùng/ngày do lĩnh vực điện và công nghiệp nặng chuyển từ các nguồn năng lượng đắt đỏ hơn, cảnh báo khủng hoảng năng lượng có thể gây ra lạm phát và làm tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại.
Trong báo cáo hàng tháng, IEA tăng dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu năm 2022 thêm 210.000 thùng/ngày và hiện nay dự kiến tổng nhu cầu dầu trong năm 2022 đạt 99,6 triệu thùng/ngày, cao hơn mức trước đại dịch.
Saudi Arabia đã bác bỏ lời kêu gọi OPEC+ tăng thêm sản lượng, cho biết việc nới lỏng cắt giảm sản lượng của tổ chức này đang bảo vệ thị trường dầu khỏi sự biến động giá mạnh như trên thị trường khí tự nhiên và than. Tại cuộc họp đầu tháng này, OPEC+ vẫn duy trì thỏa thuận trước đó tăng sản lượng mỗi tháng 400.000 thùng/ngày.
Tồn kho dầu thô của Mỹ bất ngờ tăng 6 triệu thùng, cao hơn so với dự kiến tăng 702.000 thùng của các nhà phân tích. Sản lượng tăng đạt 11,4 triệu thùng/ngày.
Vàng tăng lên mức cao nhất một tháng
Giá vàng chạm mức cao nhất một tháng, do USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm.
Vàng giao ngay tăng 0,2% lên 1.796,59 USD/ounce sau khi đạt mức cao nhất kể từ ngày 15/9 tại 1.800,12 USD/ounce. Vàng Mỹ kỳ hạn tháng 12 đóng cửa tăng 0,2% lên 1.797,9 USD/ounce.
Vàng dường như không bị ảnh hưởng bởi số liệu việc làm hàng tuần của Mỹ tốt hơn dự kiến.
Các nhà đầu tư nhận ra lạm phát đang gia tăng là xu hướng đẩy giá vàng đi lên. Sự biến động mạnh trong thị trường chứng khoán tháng này cũng dấy lên nhu cầu trú ẩn an toàn đối với vàng.
Kẽm ở mức đỉnh 14 năm
Giá kẽm tăng lên mức cao nhất trong 14 năm sau khi giá điện tăng khiến sản xuất bị cắt giảm tại nhà sản xuất kẽm lớn Nyrstar.
Giá kẽm trên sàn LME tăng 3,7% lên 3.526 USD/tấn, cao nhất kể từ tháng 7/2007. Kim loại này được dùng để mạ thép đã có phiên tăng giá thứ sáu liên tiếp. Giá kẽm có thể tiếp tục tăng ít nhất trước khi cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay kết thúc.
Giá bán buôn tại các nhà máy ở Trung Quốc tăng nhanh hơn dự kiến trong tháng 9, bởi giá nguyên liệu thô tăng cao, các doanh nghiệp chịu áp lực phải vật lộn với việc hạn chế năng lượng và tắc nghẽn nguồn cung.
Quặng sắt Đại Liên tiếp tục mất giá
Giá quặng sắt Đại Liên giảm phiên thứ hai liên tiếp do triển vọng nhu cầu của Trung Quốc ảm đạm khi Bắc Kinh quyết liệt hơn dự kiến trong việc kiểm soát sản lượng thép trong quý 1/2022.
Chính phủ Trung Quốc đang tìm cách hạn chế sản xuất thép để đảm bảo bầu không khí trong lành, đã yêu cầu các nhà máy ở nhiều thành phố thuộc miền bắc Trung Quốc cắt giảm sản xuất từ 15/11/2021 tới 15/3/2022. Điều đó đã ảnh hưởng tới tâm lý thị trường vốn đã lo lắng về sự sụt giảm rộng lớn trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc sau khủng hoảng tại tập đoàn Evergrande và cuộc khủng hoảng năng lượng ngày càng tồi tệ.
Quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2022 trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên đóng cửa phiên giao dịch giảm 2,9% xuống 736 CNY (114,37 USD)/tấn, sau khi chạm 712 CNY, mức thấp nhất kể từ ngày 30/9 trong phiên giao dịch này.
Trên sàn giao dịch Singapore, quặng sắt tăng 2,4% lên 124,1 USD/tấn sau hai ngày sụt giảm.
Quặng sắt giao ngay tại Trung Quốc ở mức 126,5 USD/tấn trong ngày 13/10, thấp hơn 46% so với mức kỷ lục hồi giữa tháng 5, theo công ty tư vấn SteelHome.
Thép thanh tại Thượng Hải giảm 0,2%, trong khi thép cuộn cán nóng tăng 0,3%. Thép không gỉ tăng 0,4%.
Cao su Nhật Bản giảm
Giá cao su Nhật Bản giảm, từ bỏ mức tăng ban đầu trong bối cảnh lo lắng giá năng lượng tăng cao có thể dẫn tới hoạt động sản xuất chậm lại trên thế giới và sự phục hồi kinh tế toàn cầu có thể chệch quỹ đạo.
Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 3/2022 trên sàn giao dịch Osaka đóng cửa giảm 1,3 JPY xuống 224 JPY (2 USD)/kg, sau khi tăng lên mức cao 229 JPY trong phiên này.
Giá cao su Thượng Hải kỳ hạn tháng 1 giảm 80 CNY xuống 14.515 CNY (2.255 USD)/tấn.
Giá đường giảm
Đường thô kỳ hạn tháng 3/2022 đóng cửa giảm 0,27 US cent hay 1,4% xuống 19,59 US cent/lb, chạm mức thấp nhất kể từ cuối tháng 9 tại 19,48 US cent/lb.
Các nhà đầu cơ đang điều chỉnh vị thế khi Mỹ có động thái giảm thanh khoản.
Đường trắng kỳ hạn tháng 12 giảm 1,2 USD hay 0,2% xuống 512,9 USD/tấn.
Cà phê tăng
Cà phê arabica kỳ hạn tháng 12 đóng cửa tăng 0,6 US cent hay 0,3% lên 2,0925 USD/lb.
Xuất khẩu cà phê của Brazil trong tháng 9 giảm 29% so với một năm trước, do tiếp tục tắc nghẽn trong vận chuyển.
Một đại lý cho biết tình trạng thiếu hụt container và tàu ngày càng nhiều đã khiến chi phí vận chuyển hàng hóa tại các tuyến vận tải chính tăng 525% tới hơn 1.000% trong 18 tháng qua.
Cà phê robusta kỳ hạn tháng 11 tăng 2 USD hay 0,1% lên 2.135 USD/tấn.
Tại Việt Nam mức chiết khẩu của cà phê giảm do không có hoạt động giao dịch khi tồn kho giảm trước vụ thu hoạch cao điểm vào tháng tới.
Nông dân Tây Nguyên đã bán cà phê ở mức 39.700 – 42.000 đồng (1,75 – 1,85 USD)/kg, cao hơn so với 39.500 – 41.300 đồng/kg một tuần trước.
Một nhà xuất khẩu ở Thành phố Hồ Chí Minh cho biết nguồn dự trữ của nông dân hiện nay không còn, ngoài ra việc bán cà phê vụ mới có thể chậm lại do các nhà xuất khẩu sẽ theo dõi giá và tình trạng thiếu hụt container vận chuyển.
Các thương nhân ở Việt Nam chào bán cà phê robusta loại 2 với 5% hạt đen và vỡ ở mức trừ lùi 220 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 1/2022. Tuần trước mức trừ lùi là 250 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 11.
Xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 9 giảm 10,2% so với tháng 8, đạt 100.340 tấn. Trong 9 tháng đầu năm cả nước xuất khẩu 1,18 triệu tấn, giảm 5,4% so với cùng kỳ năm trước.
Tại Indonesia, cà phê robusta ở Sumatra giao tháng 1/2022 được chào với mức trừ lùi 250 USD trong tuần này, giảm từ mức trừ lùi 300 USD trong tuần trước.
Vụ thu hoạch đã kết thúc tại các khu vực phía nam đảo Sumatra và nông dân đang găm hàng do giá thấp.
Giá gạo xuất khẩu ở Châu Á ổn định
Giá gạo xuất khẩu tại các trung tâm lớn của Châu Á ổn định trong tuần này, thị trường Ấn Độ có nguồn cung giảm, trong khi các thương gia Thái Lan tiếp tục gặp khó khăn với các hạn chế vận chuyển.
Gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ được chào bán ở mức 360 – 363 USD/tấn trong tuần này, không đổi so với tuần trước. Đồng rupee giảm giá nhưng giá gạo trong nước cũng đang tăng vì nguồn cung thấp. Trong tháng tới nguồn cung sẽ tăng từ vụ mới.
Bangladesh, theo truyền thống là nhà sản xuất gạo lớn thứ 3 thế giới nổi lên như một nhà nhập khẩu lớn sau khi lũ lụt tàn phá mùa màng năm ngoái, đã nhập khẩu 550.000 tấn trong quý 3, chủ yếu từ Ấn Độ.
Tại Thái Lan, giá gạo 5% tấm không đổi so với tuần trước ở mức 385 – 420 USD/tấn.
Giá gạo 5% tấm của Việt Nam cũng không đổi so với tuần trước tại 430 – 435 USD/tấn.
Nhu cầu gạo trong nước từ vụ thu đông đang tăng nhẹ, nhưng điều này không ảnh hưởng tới giá xuất khẩu. Các thương gia cho biết vụ thu đông đang bắt đầu tại đồng bằng sông Mekong, nhưng nguồn cung sẽ không tăng đáng kể cho tới cuối tháng này hay đầu tháng tới.
Xuất khẩu gạo của Việt Nam trong tháng 9 tăng 19% so với tháng trước, đạt 593.624 tấn. Xuất khẩu gạo trong 9 tháng đầu năm nay giảm 8,3% so với cùng kỳ năm trước xuống gần 4,57 triệu tấn.