Dầu giảm
Giá dầu giảm khoảng 3 USD bởi USD mạnh lên trong khi số ca nhiễm virus corona đang tăng tại Trung Quốc làm tiêu tan hy vọng mở cửa nhanh chóng nền kinh tế nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới này.
Chốt phiên 14/11, dầu thô Brent giảm 2,85 USD hay 3% xuống 93,14 USD/thùng, dầu thô WTI giảm 3,09 USD hay 3,47% xuống 85,87 USD/thùng.
USD tăng so với đồng euro và đồng JPY của Nhật khi các nhà đầu tư theo dõi khả năng tăng lãi suất của Fed trong tương lai.
USD mạnh lên khiến các hàng hóa định giá bằng đồng tiền này đắt hơn cho người giữ các ngoại tệ khác và gây sức ép lên giá dầu cũng như các tài sản rủi ro khác.
Trong khi đó tổ chức OPEC cắt giảm dự báo của họ vể tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ toàn cầu trong năm nay và năm tới do vấn đề kinh tế.
Nguồn cung nội địa của Mỹ cũng tiếp tục tăng. Sản lượng dầu tại Permian ở Texas và New Mexico, lưu vực dầu đá phiến lớn nhất của Mỹ tăng khoảng 39.000 thùng/ngày lên mức kỷ lục 5,499 triệu thùng/ngày trong tháng 12, theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ EIA.
Vàng tăng nhẹ
Giá vàng tăng nhẹ do việc săn giá hời được bù đắp một phần bởi áp lực từ đồng USD mạnh lên sau những dấu hiệu của Cục dự trữ Liên bang Mỹ rằng họ sẽ tiếp tục cuộc chiến chống lạm phát.
Vàng giao ngay tăng 0,1% lên 1.772,94 USD/ounce sau khi giảm 1% trước đó trong phiên này. Vàng Mỹ kỳ hạn tháng 12 đóng cửa tăng 0,4% lên 1.776,9 USD/ounce.
USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng đang gây áp lực cho vàng, ngoài ra việc săn giá hời sau khi tăng mạnh trong tuần trước có thể khiến vàng phục hồi nhẹ.
Vàng có mức kháng cự mạnh mẽ tại 1.800 USD, mức hỗ trợ tốt tại 1.750 USD.
Giá đồng lên mức cao nhất 5 tháng
Đồng lên mức cao nhất trong gần 5 tháng do lạc quan về nhu cầu tại Trung Quốc sau khi các quan chức có động thái hỗ trợ lĩnh vực bất động sản của nước này và nới lỏng những hạn chế về Covid-19. Tuy nhiên, việc bán ra được thúc đẩy bởi USD mạnh lên, tồn kho tăng và việc chốt lời khiến giá đồng sau đó thoái lui.
Giá đồng giao sau ba tháng trên sàn giao dịch kim loại London giảm 1,4% xuống 8.373 USD/tấn từ mức 8.600 USD/tấn cao nhất kể từ ngày 23/6.
Một thông báo gửi đến các tổ chức tài chính từ cơ quan quản lý Trung Quốc đã vạch ra các bước để hỗ trợ ngành này bảo gồm cả việc gia hạn trả nợ vay, trong một động lực chính để hỗ trợ lĩnh vực bất động sản.
Trong khi đó lo lắng gần đây về nguồn cung đồng trên thị trường LME do tồn kho tăng đã gây sức ép lên giá, mức chênh của đồng giao ngay và hợp đồng giao sau ba tháng đã giảm xuống gần mức không từ 135 USD/tấn chỉ trong ba tuần trước.
Số liệu mới nhất cho thấy tồn trữ đồng của sàn LME tăng 8.925 tấn lên 86.800 tấn.
Trong các kim loại khác, nhôm giảm 1,4% xuống 2.430 USD/tấn sau quyết định của LME không cấm kim loại của Nga được giao dịch và lưu trữ trong hệ thống của mình.
Nickel trước đó tăng 15% lên 30.960 USD/tấn, cao nhất kể từ tháng 5 do các quỹ và thương nhân đảo ngược đặt cược vào giá giảm trong một thị trường kém thanh khoản.
Quặng sắt tăng
Giá quặng sắt tăng lên mức cao nhất trong hơn một tháng do Trung Quốc, nhà sản xuất thép hàng đầu thế giới cam kết sẽ tiếp tục điều chỉnh các quy định ngăn chặn Covid-19 và đưa ra các biện pháp hỗ trợ lĩnh vực bất động sản trong nước.
Sau các biện pháp nới lỏng thứ sáu tuần trước (11/11), một nhà nghiên cứu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc cho biết sẽ không loại trừ những điều chỉnh thêm trong các biện pháp kiểm dịch.
Quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2023 trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên, Trung Quốc đóng cửa tăng 1,9% lên 710,5 CNY (100,85 USD)/tấn, trước đó giá đã lên mức cao nhất kể từ ngày 11/10 tại 735,5 CNY.
Tại Singapore, hợp đồng quặng sắt giao tháng 12 tăng khoảng 5,2% lên 96 USD/tấn, cao nhất kể từ ngày 28/9.
Diễn biến của thị trường vẫn phần lớn do tâm lý, với các yếu tố cung cầu bị bỏ qua, bao gồm tồn kho quặng sắt tăng.
Dự trữ quặng sắt của Trung Quốc tăng ổn định trong 4 tuần đạt 136 triệu tấn trong ngày 11/11, theo số liệu của công ty tư vấn SteelHome, do lợi nhuận kém khiến các nhà máy thép hạn chế sản xuất.
Tại sàn giao dịch Thượng Hải, thép thanh tăng 1,3%, thép cuộn cán nóng tăng 1,5% trong khi thép không gỉ giảm 2,5%.
Cao su Nhật Bản tiếp tục tăng
Giá cao su Nhật Bản tiếp tục tăng do tâm lý nhu cầu tích cực khi Trung Quốc nới lỏng những hạn chế chống Covid-19, mặc cổ phiếu trong nước giảm và thị trường Thượng Hải yếu đã hạn chế đà tăng.
Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 4/2023 trên sàn giao dịch Osaka đóng cửa tăng 0,5 JPY hay 0,2% lên 217,5 JPY (1,56 USD)/kg.
Tại Thượng Hải, giá cao su giao tháng 1/2023 giảm 20 CNY xuống 12.580 CNY (1.786 USD)/tấn.
Chỉ số chứng khoán Nikkei của Nhật Bản đóng cửa giảm 1,06%.
Đường tăng
Đường thô kỳ hạn tháng 3/2023 đóng cửa tăng 1% lên 19,83 US cent/lb, quay trở lại mức cao nhất 5 tháng của phiên trước đó tại 19,85 US cent.
Các đại lý cho biết thị trường này được hỗ trợ bởi tin đồn một số nhà máy của Ấn Độ đang tìm cách đàm phán lại các hợp đồng xuất khẩu đã được thỏa thuận khi giá thấp hơn.
Đường trắng kỳ hạn tháng 12 đáo hạn trong ngày 15/11 đóng cửa tăng 0,4% lên 568,5 USD/tấn.
Các đại lý lưu ý nguồn cung đường trắng trong ngắn hạn khan hiếm và mức cộng của hợp đồng kỳ hạn tháng 12 và tháng 3/2023 tăng lên khoảng 37 USD từ mức 27 USD trong tuần trước đó.
Cà phê giảm
Cà phê arabica kỳ hạn tháng 3 đóng cửa giảm 0,7% xuống 1,6690 USD/lb.
Dự trữ cà phê của sàn ICE ở mức 454.056 bao tính tới ngày 11/11, tăng từ mức thấp 382.695 bao thiết lập trong ngày 3/11.
Cà phê robusta kỳ hạn tháng 1/2023 giảm 12 USD hay 0,7% xuống 1.824 USD/tấn.
Đậu tương, ngô giảm, lúa mì tăng
Giá đậu tương và ngô tại Chicago giảm theo áp lực từ giá dầu thô cùng với tình trạng không chắc chắn về nhu cầu xuất khẩu của cả hai loại này.
Nhưng lúa mì tăng do nhu cầu xuất khẩu toàn cầu trong khi các thương gia tiếp tục theo dõi triển vọng hành lang xuất khẩu từ Ukraine trước thời hạn chót vào cuối tuần tới.
Ngô kỳ hạn tháng 12 tại sàn giao dịch Chicago đóng cửa giảm 3/4 US cent xuống 6,57-1/4 USD/bushel và đậu tương kỳ hạn tháng 1/2023 giảm 9-1/2 US cent xuống 14,40-1/2 USD/bushel.
Lúa mì CBOT kỳ hạn tháng 12 tăng 4-3/4 US cent lên 8,18-1/2 USD/bushel.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 15/11