Dầu giảm do tồn trữ của Mỹ tăng và sản lượng cao kỷ lục
Giá dầu thô Mỹ giảm trong phiên vừa qua do lượng tồn trữ của nước này tăng và sản lượng cao kỷ lục. Tuy nhiên, đà giảm được hạn chế bởi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) hạ dự báo về lượng dư cung mặt hàng này.
Dầu Brent đã giảm 9 US cent trong phiên vừa qua, xuống 62,28 USD/thùng, trong khi dầu Tây Texas Mỹ giảm 35 US cent xuống 56,77 USD/thùng.
Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, tồn trữ dầu thô của nước này tuần qua tăng 2,2 triệu thùng, vượt xa mức 1,469 mà các nhà phân tích dự đoán. Sản lượng cũng tăng 200.000 thùng/ngày lên mức cao kỷ lục là 12,8 triệu thùng/ngày trong tuần qua. Như vậy, thị trường Mỹ sẽ dư cung dầu trong vài tuần tới.
Cũng về yếu tố cơ bản, Tổng thư ký OPEC, Mohammad Barkindo, ngày hôm qua đã hạ dự báo về dư cung dầu trong năm tới, mặc dù cũng hạ dự báo về nhu cầu.
Vàng tăng do USD và chứng khoán giảm
Giá vàng đã tăng trong phiên vừa qua khi các nhà đầu tư lại dấy lên lo ngại về khả năng thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung sẽ chưa được ký kết, giữa bối cảnh những tài sản rủi ro giảm độ hấp dẫn đồng thời USD cũng yếu đi.
Vàng giao ngay tăng 0,7% lên 1.472,66 USD/ounce, trong khi vàng kỳ hạn tháng 12/2019 tăng 0,7% lên 1.473,4 USD/ounce.
Giới đầu tư lo ngại về thỏa thuận ‘giai đoạn 1’ vì có vẻ gặp vấn đề về nông sản. Cụ thể, việc đàm phán đang gặp khó khăn về mua bán nông sản khi Trung Quốc không muốn có thỏa thuận nghiêng về phía Mỹ. Trên thị trường lại xuất hiện làn sóng mua vàng vào.
Nhìn chung các nhà kinh tế cho rằng Mỹ và Trung Quốc khó có thể đạt được thỏa thuận chấm dứt cuộc chiến thương mại vĩnh viễn, kể cả cho tới năm tới. Trong khi đó, kinh tế Mỹ vẫn chứng tỏ đà tăng trưởng tốt.
Thép cao nhất 7 tuần do nhu cầu vững, than và sắt cũng tăng
Giá thép trên thị trường Trung Quốc tiếp tục tăng lên mức cao nhất trong vòng 7 tuần do Chính phủ tập trung cho các dự án hạ tầng cơ sở và hoạt động xây dựng các công trình mới sôi động lên.
Thép cây kỳ hạn tháng 1/2020 trên sàn Thượng Hải tăng 2% lên 3.511 CNY (501,99 USD)/tấn, cao nhất kể từ 30/9; thép cuộn cán nóng tăng 2,7% lên 3.467 CNY/tấn, cao nhất hơn 1 tháng; thép không gỉ tăng 0,1% lên 14.370 CNY/tấn.
Đài truyền hình Trung Quốc đưa tin, nước này sẽ giảm tỷ lệ vốn tối thiểu bắt buộc đối với một số dự án cơ sở hạ tầng, đồng thời cho phép một số dự án gây quỹ thông qua việc phát hành các công cụ tài chính.
Trong khi đó, mặc dù đầu tư cho bất động sản và tăng trưởng doanh số trong lĩnh vực này chững lại, số công trình mới xây dựng ở Trung Quốc đã tăng 24,2% trong tháng 10.
Quặng sắt và than đá – hai nguyên liệu trong sản xuất thép - cũng tăng giá trong phiên vừa qua. Cụ thể, quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2020 trên sàn Đại Liên tăng 1,7% lên 619 CNYtấn; than luyện cốc tăng 1,5% lên 1.239 CNY/tấn, trong khi than cốc tăng 2,3% lên 1.753 CNY/tấn.
Sản lượng thép thô của Trung Quốc tháng 10 chỉ đạt 81,52 triệu tấn, thấp hơn mức 82,77 triệu tấn của tháng 9 và 82,55 triệu tấn của tháng 10 năm ngoái. Đây là mức sản lượng thấp nhất trong vòng 7 tháng, do kỳ nghỉ lễ kéo dài 1 tuần.
Đồng thấp nhất 2 tuần do số liệu sản xuất của Trung Quốc
Giá đồng đã xuống mức thấp nhất trong vòng 2 tuần qua do số liệu cho thấy sản xuất và đầu tư của Trung Quốc yếu đi, làm gia tăng lo ngại về nhu cầu nguyên liệu từ nước tiêu thụ đồng lớn nhất thế giới. Dự báo Mỹ sẽ ngừng giảm lãi suất cũng gây ảnh hưởng đến thị trường kim loại này.
Đồng kỳ hạn 3 tháng trên sàn London kết thúc phiên vừa qua giảm 0,4% xuống 5.812 USD/tấn, sau khi có lúc xuống chỉ 5.807 USD/tấn. Giá kim loại đỏ này đã giảm hơn 10% kể từ mức cao nhất của năm nay là 6.600 USD/tấn đạt được hồi tháng 4/2019.
Sản lượng công nghiệp của Trung Quốc tháng 10/2019 tăng chậm lại đáng kể do nhu cầu trong và ngoài nước đều yếu giữa lúc cuộc chiến thương mại với Mỹ tác động lên các lĩnh vực hoạt động. Bắc Kinh đã kết hợp kích thích tài chính và nới lỏng tiền tệ để vượt qua giai đoạn suy yếu hiện nay, nhưng cơ hội để đưa ra những chính sách hiệu quả hơn nữa bị hạn chế vì lo ngại rủi ro trong các lĩnh vực nợ và nhà đất.
Gạo biến động thất thường
Tuần này, giá gạo Thái Lan tăng do đồng baht mạnh, mặc dù nhu cầu vẫn yếu; trong khi gạo Việt Nam vững giữa bối cảnh giao dịch trầm lắng; còn gạo Ấn Độ giảm do rupee yếu đi và nhu cầu từ Châu Phi thấp.
Gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ giá giảm xuống 363-368 USD/tấn so với 365-370 USD/tấn cách đây một tuần. Đồng rupee giảm xuống mức thấp nhất 4 tháng. Xuất khẩu gạo Ấn Độ giảm 29% trong tháng 8/2019 so với cùng tháng năm ngoái, xuống 644.249 tấn. Gạo 5% tấm của Thái Lan giá
tăng lên 395 – 409 USD/tấn, so với 390 – 408 USD/tấn cách đây một tuần. Chính phủ Thái Lan đã yêu cầu nông dân ở 22 tỉnh trồng lúa không gieo trồng lúa vụ phụ bởi tình trạng khô hạn, thiếu nước ở các hồ đập. Gạo 5% tấm của Việt Nam vững ở 345 – 350 USD/tấn; xuất khẩu trong tháng 10/2019 đạt khoảng 450.000 tấn, giảm 5,9% so với tháng 9.
Cà phê tăng
Cà phê arabica kỳ hạn tháng 3/2020 trên sàn New York tăng 0,35 US cent, tương đương 0,31%, lên 1.115 USD/lb, trong khi robusta kỳ hạn tháng 1/2020 trên sàn London tăng 10 USD, tương đương 0,71%, lên 1.421 USD/tấn.
Hoạt động mua mạnh bởi lo ngại thời tiết khô hạn ở Brazil và nguồn cung của Trung Mỹ có thể bị thắt chặt đã góp phần đẩy giá arabica tăng lên. Còn đối với robusta, giao dịch ở Việt Nam sôi động trở lại trước khi vào vụ thu hoạch chính – giữa tháng 11/2019. Riêng thị trường Indonesia vẫn trầm lắng vì vụ thu hoạch đã qua.
Tại Tây Nguyên, cà phê nhân xô được bán với giá 34.000 đồng (1,47 USD)/kg trong ngày hôm qua, tăng so với 33.000 đồng cách đó một tuần; cà phê robusta loại 2 (5% đen & vỡ) xuất khẩu chào giá cộng 120 đến 130 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 1 trên sàn London, tăng so với mức cọng 110 – 120 USD/tấn của tuần trước. Cà phê robusta loại 4 của Indonesia (80 hạt lỗi) chào giá cộng 190 – 200 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 1 trên sàn London.
Táo giảm
Sản lượng táo của Trung Quốc trong năm marketing 2019/20 dự kiến hồi phục mạnh sau khi bị sương giá gây tổn thất lớn trong vụ trước. Cụ thể, sản lượng vụ này dự báo đạt 41 triệu tấn, tăng 24%, khiến cho giá táo giảm nhanh chóng từ mức đỉnh cao hồi giữa năm 2019.
Trung Quốc hủy lệnh cấm nhập khẩu thịt gia cầm Mỹ
Bắc Kinh vừa công bố xóa bỏ quy định cấm nhập khẩu thịt gia cầm Mỹ - kéo dài đã 5 năm nay. Quyết định dỡ bỏ hạn chế nhập khẩu thịt gia cầm của Mỹ đã được Bắc Kinh công bố trong các cuộc đàm phán thương mại gần đây giữa hai nước. Đồng thời, động thái này cũng được hiểu là nhằm tăng nguồn cung thịt cho quốc gia mà người tiêu dùng thích sử dụng thịt lợn nhưng giá loại thịt này lại tăng rất mạnh vì dịch tả lợn Châu Phi đã khiến hàng triệu con lợn bị chết/tiêu hủy trong vòng một năm vừa qua.
Theo đại diện thương mại Mỹ, động thái này sẽ dẫn tới việc Mỹ có thể xuất khẩu hơn 1 tỷ USD thịt gia cầm mỗi năm sang Trung Quốc.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng nay 15/11