Dầu tăng do chứng khoán Mỹ hồi phục
Giá dầu tăng trong phiên vừa qua, trong đó loại Brent lên mức cao nhất kể từ đầu năm nay do chứng khoán Mỹ đảo chiều tăng trở lại, mặc dù bị hạn chế bởi doanh số bán lẻ của Mỹ giảm mạnh nhất kể từ 2009 gây lo ngại kinh tế toàn cầu có thể rơi vào suy thoái.
Dầu Brent tăng 96 US cent vào cuối phiên, tương đương 1,5%, lên 64,47 USD/thùng, sau khi có lúc chạm mức cao nhất trong năm nay là 64,81 USD; dầu thô Mỹ cũng tăng 51 US cent tương đương 0,95% lên 54,41 USD/thùng, có lúc đạt tới 54,68 USD.
Thị trường dầu mỏ đang trong thế bị giằng co giữa các yếu tố tác động trái chiều: Vấn đề nguồn cung từ Venezuela và Saudi Arabia và cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung có thể gây giảm sút nhu cầu.
Vàng tăng do USD yếu đi
Giá vàng giao ngay tăng trong phiên vừa qua bởi số USD giảm liệu kinh tế Mỹ thấp ngoài dự kiến có thể khiến ngân hàng trung ương nước này (Fed) tạm dừng nâng lãi suất.
Vàng giao ngay tăng 0,5% lên 1.312,17 USD/ounce, trong khi vàng giao sau giảm nhẹ 0,1% xuống 1.313,9 USD/ounce.
Nhà phân tích Georgette Boele của ABN AMRO cho biết vàng đang trong khoảng giá 1.300 USD đến 1.325 USD/ounce do USD yếu đi, và khi kết quả cuộc thương lượng Mỹ - Trung trở nên rõ ràng hơn có thể đẩy giá lên trên ngưỡng 1.325 USD, thậm chí tới 1.350 USD.
Vàng đã tăng giá hơn 12% từ mức thấp nhất 1,5 năm của tháng 8 năm ngoái, chủ yếu bởi dự đoán Fed sẽ trì hoãn nâng lãi suất.
Than chất lượng cao giảm, chất lượng thấp tăng
Nhập khẩu than đá vào Trung Quốc trong tháng 1/2019 tăng mạnh, gấp hơn 3 lần tháng trước đó, đạt 33,5 triệu tấn, lý do chủ yếu là giá than Australia giảm thấp.
Giá than đá tại cảng Newcastle (Australia) đã giảm xuống 95,99 USD/tấn trong tuần kết thúc vào ngày 10/2/2019, là mức thấp nhất kể từ tháng 5/2018. Tính từ mức cao kỷ lục 7 năm đạt tới vào tháng 7/2018 (119,74 USD/tấn) tới nay, giá đã giảm gần 20%.
Nhưng trái với than Australia sụt giá mấy tháng gần đây thì than Indonesia lại tăng giá mạnh bởi nhu cầu cao. Than đá của Indonesia – mỗi kg cho 4.200 kilocalories năng lượng – giá tăng lên 34,45 USD/tấn trong tuần tới 8/2/2019. Như vậy, tính từ thời điểm giá thấp nhất 28 tháng hồi cuối tháng 11/2018 (28,85 USD/tấn) tới nay, than Indonesia đã lên 19,4% giá trị. Điều đó chứng tỏ khách hàng chuyển hướng từ mua than chất lượng cao sang chất lượng thấp.
Trên sàn Đại Liên (Trung Quốc), giá than luyện cốc trong phiên 14/2/2019 giảm 0,7% xuống 1.272,5 CNY/tấn, trong khi than cốc tăng 0,8% lên 1.088,5 CNY/tấn.
Đồng cao nhất 2 tháng
Đồng tăng lên mức cao nhất 2 tháng bởi số liệu nhập khẩu từ Trung Quốc cho thấy nhu cầu của thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới này đang mạnh. Đồng giao sau 3 tháng trên sàn London tăng 0,2% lên 6.137 USD/tấn vào cuối phiên, sau khi có lúc đạt 6.195 USD/tấn. Chỉ cách đây một ngày, giá còn ở mức thấp nhất 2 tuần do lo ngại về căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc.
Lượng đồng nhập khẩu trong tháng 1/2019 của Trung Quốc đạt 479.000 tấn, tăng 14% so với tháng trước đó và tăng 8,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng đồng lưu kho tại sàn London hiện chỉ 74.750 tấn, gần sát mức thấp nhất kể từ 2005 đã chạm tới hồi tháng 10/2018.
Thứ kim loại được coi là chỉ báo "sức khỏe" kinh tế toàn cầu đã tăng 7% kể từ đầu tháng 1/2019 tới nay. Một số chuyên gia cho rằng nhu cầu đồng đủ mạnh để giữ giá trên mức 6.100 USD/tấn, nhưng không đủ để đẩy giá tăng nhiều hơn nữa nếu không có thêm yếu tố kích thích từ Trung Quốc.
Quặng sắt hồi phục
Giá quặng sắt trên thị trường Trung Quốc tăng trở lại sau khi để mất 4% trong 2 phiên liền trước. Tuy nhiên, nhu cầu vẫn yếu bởi giới đầu tư nghi ngờ về khả năng gián đoạn nguồn cung từ mỏ quặng lớn thứ 2 thế giới.
Kết thúc phiên vừa qua, quặng sắt kỳ hạn tháng 5/2019 trên sàn Đại Liên tăng 0,7% lên 628,5 CNY (92,94 USD)/tấn. Nhiều thương gia vẫn chưa trở lại thị trường cho tới hết Rằm tháng Giêng.
Thịt và giăm bông giảm
Giá thịt lợn và giăm bông tại Mỹ tiếp tục giảm do vấn đề thuế suất liên quan tới những nước tiêu thụ chủ chốt là Trung Quốc và Mexico khiến lượng tồn kho tại Mỹ tăng mạnh.
Trong vòng một năm tính tới 14/2/2019, giá giăm bông bán buôn đã giảm 25% xuống chỉ 42,97 US cent/lb, thấp nhất kể từ tháng 4/2015. Thịt lợn cũng giảm 18% xuống 63,88 US cent/lb, thấp nhất kể từ tháng 9/2009. Giá lợn sống kỳ hạn tháng 4 trên sàn Chicago cùng khoảng thời gian đó cũng mất 17% bởi các nhà đầu tư phớt lờ thông tin đàn lợn nuôi ở Trung Quốc đang giảm do dịch tả lợn Châu Phi. Tới tháng 1/2019 Trung Quốc đã phải tiêu hủy hơn 900.000 con lợn do dịch bệnh này.
Cao su đi lên
Giá cao su tại Tokyo tăng theo xu hướng ở Thượng Hải bởi thị trường vẫn lạc quan về đàm phán thương mại Mỹ - Trung. Tại Tokyo, hợp đồng giao tháng 7/2019 tăng 1,5 JPY (0,0135 USD) lên 184,6 JPY/kg; loại TSR20 giao tháng 8 tăng 3,3 JPY lên 157,4 JPY/kg. Tại Thượng Hải, hợp đồng giao tháng 5 tới tăng 180 CNY (26,62 USD) lên 11.785 CNY/tấn.
Cà phê Arabica giảm, Robusta tăng
Giá cà phê arabica giao tháng 3 giảm 1,05 US cent tương đương 1,1% xuống 97,85 US cent vào lúc đóng cửa phiên vừa qua, sau khi có lúc xuống chỉ 97,05 US cent, một mức rất thấp đối với hợp đồng kỳ hạn này. Hợp đồng giao tháng 5 giá cũng giảm 0,9 US cent tương đương 0,8% xuống 1,0145 USD/lb, sau khi có lúc xuống chỉ 100,60 US cent, cũng là thấp nhất đối với hợp đồng kỳ hạn tháng 5.
Nguồn cung dồi dào và triển vọng thời tiết thuận lợi ở những khu vực sản xuất chính tại Brazil đang gây áp lực giảm giá Arabica.
Trong khi đó đối với Robusta, hợp đồng giao tháng 5 trên sàn London tăng 3 USD tương đương 0,2% lên 1.536 USD/tấn vào cuối phiên, mặc dù trong phiên có lúc chạm mức thấp nhất 3 tuần là 1.519 USD/tấn.
Các doanh nghiệp ở Việt Nam đang rất khó mua cà phê bởi nông dân không muốn bán khi giá vẫn thấp và lượng tồn trữ bắt dầu giảm. Tại Tây Nguyên, cà phê nhân xô giá 32.200-33.400 đồng (1,39-1,44 USD)/kg, so với 32.400-33.600 đồng cách đây 2 tuần. Cà phê Robusta Việt Nam xuất khẩu (loại 2, 5% đen và vỡ) đang được chào giá trừ lùi 50 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 3 tại London, vững so với cách đây 2 tuần. Trong khi đó tại Lampung (Indonesia), cà phê Robusta giá khoảng 22.700-23.700 rupee/kg.
Những mặt hàng cho ngày Valentie tăng
Thống kê từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy chi phí cho ngày Valentine tại nước này năm nay đắt hơn năm ngoái do lạm phát tăng từ tháng 1/2019.
Gạo giảm
Giá gạo xuất khẩu tại các trung tâm giao dịch ở Châu Á tuần này giảm do nhu cầu yếu và nguồn cung tăng sau khi bước vào vụ thu hoạch. Đối với loại 5% tấm, giá tại Ấn Độ giảm xuống 380-385 USD/tấn, từ mức 383-388 USD/tấn cách đây một tuần bởi nguồn cung từ vụ Đông bắt đầu có mặt trên thị trường trong khi nhu cầu từ các khách hàng Châu Á và Châu Phi đang ở mức thấp; gạo Thái Lan giảm xuống 382-389 USD/tấn, FOB Bangkok, từ mức 390 – 402 USD/tấn cách đây một tuần, chủ yếu do đồng baht mất giá, trong khi đó tại Việt Nam giá giảm tiếp xuống 340 USD/tấn, từ mức 350 USD/tấn cách đây hai tuần (trước Tết). Một số thương gia dự báo Trung Quốc sẽ giảm nhập khẩu gạo Việt Nam trong năm nay, xuống chỉ khoảng 500.000 – 600.000 tấn, từ mức khoảng 1,5 – 2 triệu tấn của năm vừa qua, sau những chính sách thắt chặt nhập khẩu.
Lúa mạch giảm nhanh
Nhu cầu lúa mạch của Trung Quốc và Saudi Arabia giảm trong những tuần gần đây có thể sẽ tiếp tục gây áp lực giảm giá mặt hàng này, mặc dù nguồn cung trên toàn cầu đang ở mức thấp. Các nhà phân tích thuộc Strategie Grains cho biết, nếu triển vọng vụ tới được mùa thì sức ép giảm giá sẽ còn lớn hơn nữa.
Giá lúa mạch tăng khá mạnh vào đầu vụ 2018/19 khi thời tiết ở Châu Âu và Australia bất thường khiến dự trữ giảm trên toàn cầu. Tuy nhiên, sự cạnh tranh từ mặt hàng ngô (dùng trong chăn nuôi) tăng lên đúng lúc nhu cầu của hai thị trường lớn nói trên sụt giảm khiến giá quay đầu giảm, kể cả ở thị trường Australia, nơi hạn hán nghiêm trọng làm cho lượng dư thừa dành cho xuất khẩu không còn nhiều. Giá lúa mạch tại EU và Argentina đã giảm 15-20 USD/tấn chỉ trong vòng một tháng qua.
Ngô, lúa mì, đậu tương giảm
Giá ngũ cốc và đậu tương trên sàn giao dịch Chicago đều giảm trong phiên vừa qua bởi thống kê cho thấy Trung Quốc và các khách hàng khác đã hủy những đơn hàng đậu tương Mỹ đặt hồi đầu tháng 1, và sản lượng của Argentina có thể cao hơn dự kiến.
Đối với kỳ hạn tháng 3, đậu tương giảm 13 US cent xuống 9,03-1/2USD/bushel vào cuối phiên, sau khi có lúc chỉ 9,03 USD (thấp nhất kể từ 22/1), ngô giảm 4 US cent xuống 3,74-3/4 USD/bushel, trong khi lúa mì đỏ mềm giảm 15-1/4 US cent xuống 5,07 USD/bushel (có lúc chỉ 5,06 USD, thấp nhất kể từ 3/1).
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng nay 15/2