Dầu tăng hơn 3% do dấu hiệu kinh tế Mỹ phục hồi
Giá dầu tăng do chứng khoán Phố Wall đi lên và Cơ quan Năng lượng Quốc tế IEA nâng dự báo nhu cầu dầu mỏ năm 2020, nhưng đà tăng giá bị hạn chế bởi lo lắng về làn sóng nhiễm virus corona thứ hai.
Chốt phiên ngày 16/6, dầu thô Brent kỳ hạn tháng 8 tăng 1,24 USD hay 3,1% lên 40,96 USD/thùng, trong khi dầu WTI kỳ hạn tháng 7 tăng 1,26 USD hay 3,4% lên 38,38 USD/thùng.
Giá dầu đã giảm sau phiên giao dịch sau khi Viện Năng lượng Mỹ cho biết tồn kho dầu thô của Mỹ tăng 3,9 triệu thùng trong tuần trước, so với dự đoán của giới phân tích giảm 152.000 thùng.
Ban đầu thị trường được thúc đẩy khi Phố Wall mở cửa tăng sau khi doanh số bán lẻ tháng 5 tăng kỷ lục do hy vọng kinh tế sau đại dịch phục hồi nhanh chóng, đồng thời hy vọng vào một loại thuốc chữa Covid-19.
Trong báo cáo hàng tháng, IEA dự báo nhu cầu dầu ở mức 91,7 triệu thùng/ngày trong năm 2020, tăng 500.000 thùng/ngày so với ước tính trong báo cáo hồi tháng trước đó. Tuy nhiên, cơ quan này cho biết sự sụt đi lại trong ngành hàng không vì sự bùng phát virus nghĩa là thế giới sẽ không trở lại mức nhu cầu trước đại dịch trước năm 2022.
Đà tăng giá dầu bị hạn chế bởi số trường hợp nhiễm virus corona vượt 8 triệu người trong tuần này, với số ca nhiễm tăng vọt tại Mỹ Latinh, trong khi Mỹ và Trung Quốc đang đối phó với đợt bùng phát mới.
Sự phục hồi hoàn toàn của nền kinh tế Mỹ sẽ không xảy ra cho tới khi người Mỹ chắc chắn rằng dịch bệnh đã được kiểm soát.
IEA cho biết sản lượng dầu thế giới trong tháng 5 giảm gần 12 triệu thùng/ngày, trong đó OPEC+ giảm sản lượng 9,4 triệu thùng/ngày, điều đó có nghĩa OPEC+ tuân thủ 89% với thỏa thuận giảm sản lượng trong tháng này.
Khí tự nhiên của Mỹ giảm xuống thấp nhất 2 tháng
Khí tự nhiên của Mỹ giảm hơn 3% xuống thấp nhất 2 tháng trong phiên qua do sản lượng tăng cao trong khi xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng vẫn còn thấp.
Giá khí tự nhiên giảm 5,5 US cent hay 3,3% đóng cửa tại 1,614 USD/mmBtu, thấp nhất kể từ ngày 15/4.
Công ty Refinitiv cho biết sản lượng trong tháng 6 tại 48 tiểu bang của Mỹ chỉ đạt trung bình 87,5 tỷ feet khối mỗi ngày (bcfd). Với thời tiết ấm hơn, nhu cầu của Mỹ gồm cả xuất khẩu dự báo sẽ tăng từ 77,4 bcfd trong tuần này lên 85,1 bcfd trong tuần tới.
Vàng tăng nhẹ
Vàng tăng trong phiên do những lo ngại về sự bùng phát virus corona mới tại Trung Quốc lấn át áp lực từ sự gia tăng ở Phố Wall bởi sự gia tăng kỷ lục trong doanh số bán lẻ của Mỹ và lạc quan đối với thuốc chống Covid-19.
Vàng giao ngay tăng 0,09% lên 1.726,17 USD/ounce. Vàng Mỹ kỳ hạn tháng 8 đóng cửa tăng 0,5% lên 1.736,5 USD/ounce.
Giá vàng tăng sau khi Bắc Kinh bất ngờ thắt chặt các biện pháp, đóng cửa trường học và khuyên mọi người không rời khỏi thành phố này trừ khi cần thiết.
Nhu cầu trú ẩn an toàn ban đầu sụt giảm khi chứng khoán Phố Wall tăng vọt bởi báo cáo của Bộ Thương Mại Mỹ cho thấy tổng doanh thu bán lẻ tăng 17,7% trong tháng trước, tăng lớn nhất trong ghi nhận.
Các yếu tố cơ bản đối với vàng là mạnh, dựa vào lãi suất thấp và tình trạng đại dịch Covid-19 không rõ ràng.
Đồng tăng
Giá đồng tăng do động thái mới nhất của Cục dự trữ liên bang Mỹ tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế nước này đã hỗ trợ tâm lý, nhưng đà tăng bị hạn chế bởi lo lắng về triển vọng nhu cầu tại Trung Quốc, nước tiêu thụ hàng đầu thế giới.
Đồng trên sàn giao dịch kim loại London tăng 0,3% lên 5.722 USD/tấn so với mức cao trước đó 5.836 USD/tấn. Giá kim loại này sử dụng rộng rãi trong ngành điện và xây dựng trong tuần trước đã tăng lên 5.928 USD/tấn, cao nhất kể từ 24/1 và tăng 35% kể từ giữa tháng 3.
Để giá đồng giữ vững ở mức này hoặc vượt ngưỡng 6.000 USD, cần phải có bằng chứng chắc chắn nhu cầu của Trung Quốc sẽ tăng lên.
Kích thích của Fed đã gây áp lực cho USD, đồng tiền này giảm giá khiến các hàng hóa định giá bằng USD rẻ hơn cho người mua bằng các đồng tiền khác.
Các nhà máy của Trung Quốc tăng cường sản xuất tháng thứ 2 liên tiếp trong tháng 5, mặc dù yếu hơn dự kiến. Hỗ trợ chính cho giá đồng là ngưỡng 5.660 USD, hiện là trung bình cộng 200 ngày.
Giá quặng sắt tăng do nhu cầu Trung Quốc mạnh
Giá quặng sắt Đại Liên và Singapore tăng khi giá giao ngay của thành phần sản xuất thép này giữ gần mức cao nhất 10 tháng, bởi nhu cầu mạnh từ các nhà máy thép Trung Quốc và lo ngại về nguồn cung.
Quặng sắt trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên, Trung Quốc đóng cửa tăng 1% lên 781 CNY (110,37 USD)/tấn, trong khi hợp đồng trên sàn giao dịch Singapore tăng 2,3% lên 102,79 USD/tấn.
Sản lượng thép thanh hàng tuần của 137 nhà sản xuất thép Trung Quốc đạt 3,99 triệu tấn trong tuần từ 4-10/6, theo khảo sát của Mysteel, mức hàng tuần cao nhất kể từ đầu năm 2015.
Sản lượng thép thô của Trung Quốc tăng 8,5% so với một tháng trước lên kỷ lục 92,4 triệu tấn trong tháng 5 trong bối cảnh xây dựng bùng nổ bởi các chương trình phục hồi nền kinh tế trong nước bị ảnh hưởng bởi virus corona.
Nhu cầu quặng sắt mạnh của các nhà máy thép đã giảm tồn kho nguyên liệu này, xuống 107,75 triệu tấn trong tuần trước, mức thấp nhất kể từ tháng 10/2016, số liệu từ SteelHome.
Thép thanh trên sàn giao dịch Thượng Hải giảm 0,1%, trong khi thép cuộn cán nóng tăng 0,1% và thép không gỉ tăng 0,3%.
Cao su tăng giá
Giá cao su trên sàn giao dịch hàng hóa Tokyo (TOCOM) tăng lần đầy tiên trong 4 ngày, do khởi đầu chính thức của chương trình mua trái phiếu doanh nghiệp từ Cục dự trữ liên bang Mỹ đã làm giảm bớt lo ngại xung quanh sự phục hồi ca nhiễm virus corona mới. Hợp đồng cao su TOCOM kỳ hạn tháng 11 đóng cửa tăng 3,3 JPY hay 2,1% lên 157,6 JPY/kg. Giá cao su giao tháng 9 trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải tăng 0,3% lên 10.335 JPY/tấn.
Đường tăng
Đường thô kỳ hạn tháng 7 tăng 0,15 US cent hay 1,2% lên 12,19 US cent/lb.
Chứng khoán toàn cầu tăng sau kích thích kinh tế từ Cục dự trữ liên bang Mỹ và giá dầu tăng, đang ngăn cản các nhà máy tại Brazil tăng cường sản xuất đường.
Giá đường đang hướng tới xu hướng tăng, khi Brazil đã bán gần hết sản lượng của họ, nhưng cảnh báo sự gia tăng sẽ bị hạn chế do sản lượng tăng tại Brazil và Ấn Độ trong năm nay và tăng trưởng tiêu thụ rất ít.
Đường trắng kỳ hạn tháng 8 đóng cửa tăng 6,1 USD hay 1,6% lên 389,9 USD/tấn.
Cà phê giảm
Cà phê arabica kỳ hạn tháng 7 đóng cửa giảm 0,35 US cent hay 0,4% xuống 93,65 US cent/lb, thấp nhất kể từ ngày 17/10/2019.
Các đại lý cho biết triển vọng giá vẫntiêu cực khi vụ thu hoạch tại Brazil đang tiến triển tốt và thời tiết thuận lợi ở Trung Mỹ cũng như ở Việt Nam và Indonesia có thể thúc đẩy triển vọng sản lượng.
Dự trữ cà phê tại Mỹ tăng tháng thứ 2 liên tiếp. Sự gia tăng này diễn ra khi hầu hết các quán cà phê của Mỹ đang hoạt động ở tình trạng rất hạn chế hay bị đóng cửa hoàn toàn do phong tỏa.
Cà phê robusta kỳ hạn tháng 7 giảm 17 USD hay 1,5% xuống 1.148 USD/tấn.
Ngô, lúa mì, đậu tương giảm
Giá ngô tại Chicago giảm nhẹ sau một ngày giao dịch tích cực khi Bộ Nông nghiệp Mỹ báo cáo tình trạng vụ mùa không tốt do thời tiết nóng gần đây trên khắp vàng đai trồng ngô phía tây. Lúa mì giảm khi thu hoạch vụ đông đang diễn ra, đậu tương vẫn giảm.
Giá ngô trên sàn giao dịch Chicago giảm 1/4 US cent xuống 3,28 USD/bushel sau khi đạt 3,34-1/2 USD, cao nhất kể từ ngày 8/6.
Lúa mì giảm 8-3/4 US cent xuống 4,96 USD/bushel, giảm cao nhất một ngày kể từ ngày 13/5. Đậu tương giảm 2 US cent xuống 8,67 USD/bushel.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 17/06